- Tác giả: Abhijit V Banerjee, Esther Duflo
- Người dịch: Nguyễn Lê Bảo Ngọc
- Nhà xuất bản: NXB Trẻ
- Giải thưởng: Giải Nobel (văn học, kinh tế, các lĩnh vực khoa học), Giải Pulitzer (báo chí), giải Man Booker (văn chương Mỹ). Giải Sách Hay 2016 cho hạng mục sách Kinh tế, thể loại Sách Dịch (Do Viện Giáo Dục IRED tổ chức)
Có bao giờ bạn tự hỏi rằng:
Tại sao người nghèo cứ chọn vay tiền của bọn vay nặng lãi trong khi ngay trong làng có tổ chức vi tín dụng uy tín và lãi suất thấp hơn nhiều?
Vì sao khi có tiền trợ cấp, người nghèo có khi mua tivi thay vì đầu tư làm ăn?
Vì sao trẻ em nghèo dù được miễn giảm học phí và được ưu đãi vẫn khó lòng theo kịp chương trình học?
Có phải người nghèo thường mãi nghèo do họ lười?
Tất cả những câu hỏi đó sẽ được trả lời bằng quyển sách “Hiểu nghèo, thoát nghèo”
Poor Economics hay Hiểu nghèo thoát nghèo là cuốn sách làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về việc triển khai các biện pháp giảm nghèo ở khắp nơi trên thế giới. Nội dung cuốn sách xoay quanh những câu chuyện rất thực về người nghèo khắp thế giới thông qua những lý giải lấy từ kết quả nghiên cứu và tổng hợp của các tác giả sau nhiều năm làm việc với các cộng đồng nghèo tại cả năm châu lục về cuộc sống thật sự của những người nghèo để ta hiểu họ thật sự cần gì và đang phải gặp những vấn đề nào. Nó không chỉ cho ta cái nhìn khác để lý giải tình trạng nghèo đói, mà còn phải cân nhắc lại về những biện pháp mà ta mặc nhiên cho là tốt cho người nghèo.
Cuốn sách sẽ giúp chúng ta hiểu được rằng, mọi vấn đề chính nằm ở niềm tin yếu và trì hoãn. Thông qua 5 bài học lớn được đúc kết như sau:
Thứ nhất, người nghèo thường thiếu thông tin thiết yếu và tin vào những điều không có thật, chẳng hạn như họ không hiểu rõ được lợi ích của việc tiêm phòng cho trẻ em; họ nghĩ những kiến thức họ học những năm đầu đời chẳng mấy quan trọng hay đơn giản hơn là HIV lây nhiễm qua đường nào dễ nhất họ cũng không hề biết,... Khi niềm tin không đúng và kiến thức hạn hẹp sẽ dẫn đến lựa chọn sai lầm.
Thứ hai, người nghèo phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm. Họ không thể có tiền tiết kiệm một cách tự động, cũng không có tiền để ăn ngũ cốc mỗi sáng...nên họ phải học cách dành dụm. Chính vì vậy mà những quyết định ở hiện tại thật sự trở nên khó khăn khi kết quả ta chỉ nhìn thấy được ở một tương lai khá xa. Vậy nên, con người ta trở nên lười nhát hơn trong quyết định của mình, đặc biệt với người nghèo, vì vốn dĩ cuộc sống của họ đã quá khó khăn rồi. Và cách chúng ta có thể làm được đó là tạo ra những giá trị trong tầm với của họ và phục vụ được cho nhu cầu sống hằng ngày.
Thứ ba, vì một số lí do mà một số cánh tay thị trường không thể nào đến với người nghèo được hay đơn giản là người nghèo phải chịu quá nhiều bất lợi về giá cũng như các dịch vụ mà một người bình thường lẽ ra nên được hưởng như: bảo hiểm y tế chưa phát triển, sản phẩm bảo hiểm hạn chế,...Tuy nhiên, một sự trợ cấp hoặc hỗ trợ hay thậm chí là miễn phí chỉ tốt khi người nhận hiểu được giá trị của những thứ mình nhận, nếu không thì mỗi nỗ lực cố gắng cũng quay về số “0” tròn trĩnh.
Thứ tư, các quốc gia nghèo chịu số phận bi đát không phải vì họ vốn đã nghèo hay vì kém may mắn. Người ta quan tâm đến những chương trình hỗ trợ người nghèo tức thời thành chính sách nhưng lại không để ý đến thực tế nó vận hành ra sao.
Thứ năm, phán xét thiếu suy nghĩ về khả năng của người khác thường sẽ biến điều ta hay nghĩ trở thành sự thật. Chẳng hạn như một đứa trẻ ngại đi học vì cha mẹ hay thầy cô chê bai rằng nó không đủ năng lực để học giỏi, khi niềm tin mất đi chính từ những người thân nhất của nó. Chúng ta hay phán xét nhưng không biết rằng khi một thành công nhỏ sẽ tiếp nối những thành công khác dẫn đến những thay đổi tích cực tác động đến hành vi cũng như niềm tin của mỗi người.
Để làm được điều này, hai tác giả tìm cách gạt bỏ các khái quát chung về nghèo đói toàn cầu mà các mô hình kinh tế tạo ra, họ tập trung vào việc sử dụng các nghiên cứu cho các trường hợp từ công việc của họ trên nền tảng với các tổ chức phi chính phủ và cá nhân sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới, ta có thể thấy cách thức đánh giá của họ cung cấp thông tin chi tiết về phát triển và giảm nghèo. Cuốn sách cũng đi kèm với một trang web cung cấp bản đồ và đồ họa tương tác cho mỗi chương, cũng như danh sách các tổ chức phi chính phủ có liên quan mà độc giả quan tâm có thể tham gia.
Vậy bạn có tò mò về 2 tác giả đã viết nên cuốn sách này không?
Hiểu nghèo thoát nghèo (có tên tiếng anh Poor Economics) là cuốn sách do hai tác giả là Abhijit V Banerjee – cố vấn danh dự cho nhiều dự án của Ngân hàng Thế giới và của chính phủ tại Ấn Độ và Esther Duflo - giáo sư dạy về môn Giảm nhẹ đói nghèo và Kinh tế học phát triển thuộc khoa Kinh tế học tại MIT, người từng được tạp chí Economist bầu chọn là một trong những nhà kinh tế học trẻ xuất sắc, huy chương John Bates Clark cho nhà kinh tế học ưu tú nhất dưới 50 tuổi tại Mỹ cùng nhiều danh hiệu khác. Cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt bởi nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt vào năm 2015 và được xuất bản bởi nhà xuất bản Trẻ.
Hiểu nghèo thoát nghèo như một cú hích giúp thay đổi nhận thức của chúng ta để hiểu rõ hơn người nghèo và vì sao họ vẫn mãi lẩn quẩn trong vòng xoáy của sự nghèo. Đồng thời, bên cạnh đó ta có thể thấy được một bài học khác cho mỗi chúng ta trên chặng đường sắp tới. Đó chính là khi làm việc gì hãy làm bằng tinh thần tận hiến – dốc hết trái tim và công sức của mình trong những việc mình làm để tạo ra những giá trị vượt thời gian như 2 tác giả đã cố gắng tạo nên cuốn sách này. Họ đã thay đổi cách tiếp cận vấn đề đến gần hơn với những giá trị thực tiễn, họ làm vì họ muốn nhìn thấy sự thay đổi thật sự đến xã hội, đến cộng đồng nơi họ sống để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo