- Tác giả: Nguyễn Văn Trọng
- Đơn vị xuất bản: IRED Books & NXB Khoa Học Xã Hội
GS Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1940, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Kiev năm 1956 và bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại đây vào năm 1968. Năm 1970, ông về Việt Nam làm việc tại Viện Vật lý và được phong hàm Giáo sư năm 1991 sau rất nhiều đóng góp của mình với hơn 30 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí nước ngoài. GS Nguyễn Văn Trọng còn là dịch giả của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bàn về tự do (J.S. Mill), Chính thể đại diện (J.S. Mill), Từ bờ bên kia (A.I. Herzen), Bốn tiểu luận về tự do (I. Berlin)...
Có thể thấy từ các tác phẩm dịch thuật cho đến chia sẻ của mình trong Lễ trao giải Sách hay năm 2016 của Viện Giáo dục IRED, “tự do” luôn là đề tài mà tác giả quan tâm và trăn trở trong suốt quãng đời. Trong cuốn sách này, GS Nguyễn Văn Trọng đã ghi chép lại và diễn giải các khái niệm khác nhau về “tự do” của những tên tuổi nổi tiếng như: Immanuel Kant (1724-1804), Nikolai Berdyaev (1806-1873), Erich Fromm (1900-1980), Isaiah Berlin (1909-1997)...
Tổng hợp lại các ý tưởng về tự do tuy khác nhau nhưng có thể trình bày theo cách hiểu cơ bản rằng con người là một hữu thể lưỡng phân đầy mâu thuẫn khi đồng thời sống trong hai thế giới: thế giới tự nhiên và thế giới tinh thần. Ở thế giới tự nhiên, con người không có gì nổi trội hơn con vật khi phải tìm cách tồn tại tuân theo các quy luật tất định của tự nhiên ở các lĩnh vực như vật lý, hóa học, sinh học… Con người và con vật đều có khả năng trao đổi chất, tự do di chuyển và sử dụng các giác quan hình thành nên nhận thức cảm tính về thế giới. Kant gọi đây là thế giới khả giác, Berdyaev thì phát biểu theo tinh thần của Kito giáo rằng đầy là thế giới mà con người là những hữu thể tội lỗi và sa đọa vì thói ích kỷ, tư lợi còn đối với Fromm thì kiểu mẫu sống sở hữu đã hình thành khi con người muốn biến mọi thứ thành tài sản của mình để khẳng định bản thân.
Còn ở thế giới tinh thần, con người vượt lên trên mọi con vật khác nhờ được ban cho công cụ là lý tính.. Kant nói rằng lý tính sẽ biến ta thành những con người tự trị có thể tự ban bố những nguyên tắc và tuân theo. Berdyaev giới thiệu thuật ngữ “bản diện cá nhân” khi con người có thể tự sáng tạo ra số phận của mình và chiến thắng trước tình trạng nô lệ. Quan điểm của Berdyaev cấp tiến hơn Kant khi cho rằng lý tính mang tính phổ quát nhưng cá biệt chứ không có tính chất chung vô diện mạo như diễn giải của Kant. Fromm cũng cho rằng kiểu mẫu sống hiện hữu mới là thái độ sống mà con người nên hướng đến khi con người được giải phóng hoàn toàn khỏi các ước muốn sở hữu có tác động từ bên ngoài mà trở thành một con người với bản ngã đích thực.
Tuy nhiên, con người luôn cảm thấy thấy bối rối vì mâu thuẫn hiện sinh của hai thế giới này. Quy luật tất yếu của đời sống hữu hạn chính là giới hạn cho cái tiềm năng vô hạn muốn khẳng định mình của con người trong thế giới này. Nhưng hành động đó cũng mang một sức nặng khá lớn khiến con người phải lựa chọn giữa việc hài lòng với cuộc sống của thế giới tự nhiên hay trở thành con người tự do trong thế giới tinh thần và phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình.
Bên cạnh đó, GS Nguyễn Văn Trọng cũng đã mang đến cho người đọc những trải nghiệm của bản thân khi sinh ra và lớn lên trong giai đoạn có quá nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam cho đến khi ông có cơ hội tiếp xúc với nền văn minh phương Tây khi học tập ở Nga. Tác giả cũng đã cho thấy tinh thần ủng hộ đối với thuyết tự do ý chí và phản bác gay gắt đối với tất định luận hay quan điểm duy vật cơ giới cho rằng môi trường xã hội như nhau sẽ tạo ra những sản phẩm thụ động là những con người giống nhau. Ông cũng đã trình bày những góc nhìn của mình nguyên nhân dẫn đến tình trạng xã hội của Việt Nam về các giá trị đạo đức, tinh thần, văn hóa… Ở những trang sách cuối, tác giả cũng đã nói lên những trăn trở của mình về những vấn đề nhân sinh quan và mong muốn cả tác giả về một xã hội mà con người biết cảm nhận tình người và cảm thông với nỗi đau của nhân loại.
Tóm lại, đây là một tác phẩm mang tính học thuật cao với những luận giải trừu tượng, chặt chẽ về tự do. Thông qua tác phẩm này, người đọc như được chứng kiến cuộc trao đổi kinh điển đầy lòng nhiệt thành của những bộ óc vĩ đại xoay quanh chủ đề tự do. Bên cạnh đó, độc giả còn có thể cùng suy ngẫm và trăn trở cùng với tác giả về cách chúng ta đang định nghĩa lại những giá trị cốt lõi để hướng đến một xã hội văn minh trong tương lai
Nguồn tham khảo tiểu sử tác giả:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/gs-nguyen-van-trong-dat-giai-sach-hay-ve-giao-duc-327349.html
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý
và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Chu Dương Gia Huy