- Tác giả: Sir Rudyard Kipling
- Người dịch: Phạm Văn
- Nhà xuất bản: Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn
- Năm xuất bản: 2013 (1894 tại Anh)
“Chuyện rừng xanh” kể về một em bé người Ấn Độ bị cọp đuổi bắt đã chạy thoát và lọt vào trong hang của Sói. Gia đình Sói Mẹ (Rashaa) và Sói Cha bảo vệ và nuôi nấng cậu bé. Sói Mẹ đã gọi cậu bé con trần truồng ấy là Mowgli. Cũng như các sói con nào mới chào đời, Mowgli được xem như con của nhà Sói, sẽ được trình bày khi có họp định kỳ trên Đá Hội đồng dưới sự chủ tọa của Akela - Sói Già đầu đàn lãnh đạo tất cả các gia đình sói cùng sống trong rừng Seeonee.
Trong khu rừng còn có các thú khác như Gấu Baloo, Báo Đen Bagheera, là những vị thay nhau dạy dỗ cho Mowgli cũng như các sói con khác về luật lệ, bí quyết của "Rừng" để chúng đến lúc nào đó có thể tự một mình đi săn mồi.
Biến cố xảy ra khi vài năm sau, bầy Sói và Mowgli bị cọp Shere Khan – kẻ đã khiến cho cha mẹ Mowgli qua đời và là chúa tể sơn lâm tàn bạo của khu rừng, đe dọa. Chính sự việc này mà Mowgli đã phải rời bầy tiến vào rừng sâu, trở về thế giới loài người mà tìm kiếm “Hoa đỏ” (ngọn lửa) – vũ khí mạnh nhất của con người và là thứ duy nhất mà Shere Khan khiếp sợ. Trên đường đi của mình, Mowgli đã gặp biết bao biến cố khi bị Trăn Kaa thôi miên để ăn thịt, bầy khỉ vô kỷ luật Bandar-Log với vua khỉ tham lam Louie bắt cóc cùng vô vàn các thử thách khác… Cuối cùng, nhờ sự hi sinh và giúp đỡ của gấu Baloo, báo đen Bagheera, voi Hathi, chim Chil cùng bầy Sói và các nhân vật rừng mà Mowgli đã đánh đuổi được Shere Khan bằng một cuộc chiến sinh tử ngập trong “hoa đỏ”.
Rudyard Kipling như một họa sĩ của những con chữ, thể hiện những hoạt cảnh của những cánh rừng già âm u, một cách tài tình và không hề thiếu đi tính hoang dại tự nhiên. Các nhân vật Rừng mãi là những hình tượng đẹp trong tâm hồn những độc giả nhỏ tuổi. Những câu chuyện đầy tính nhân văn, hào hùng, hấp dẫn đến mê hoặc. Chuyện rừng xanh đưa người đọc vào thế giới muôn loài muôn hình vạn trạng, với đầy đủ những nét đáng yêu, nhân cách hóa lẫn sự hoang dã luôn ẩn mình trong từng con chữ. Chúng dạy ta về lòng tôn trọng đối với bề trên, sự vâng lời, và về địa vị xã hội với "Luật Rừng", về tinh thần đoàn kết thể hiện qua cách Bầy Sói hợp sức bảo vệ nhau, về việc một vấn đề quan trọng của tập thể luôn được thảo luận kĩ càng và vai trò của người lãnh đạo trong tập thể của Sói già Akela; về vai trò của giáo dục và “nhà giáo dục” đối với con trẻ; về sự tử tế, đùm bọc và che chở nhau trong cuộc sống của gia đình. Qua cuộc phiêu lưu khó quên của mình, Mowgli dần dần học được những bài học quý báu về luật của rừng, về tình bạn, ý thức đúng-sai và tinh thần trách nhiệm. Đó cũng là những điều mà bất kì một con người nào khi trưởng thành cũng phải học tập và rèn luyện cho mình.
Một chủ đề khác cũng không kém phần quan trọng chính là sự tự do, đề cao nguyên mẫu con người trong hình dạng động vật. Các câu chuyện trong cuốn sách đều là những truyện ngụ ngôn, sử dụng biện pháp nhân hóa các loài động vật để rút ra các bài học cho con người. Cuối mỗi câu chuyện, dù là rừng hay biển, đều là hạnh phúc của việc chinh phục, của cuộc sống tuyệt vời khi trở thành một con người tự do - đầy niềm vui, đầy hạnh phúc giữa núi rừng thiên nhiên hoang dại.
Mỗi nhân vật trong rừng xanh như một câu chuyện ẩn dụ lột tả bản chất của con người. Đàn khỉ Bandar - Log xem thường Luật rừng xanh nên bị các con vật khác khinh bỉ, sống vô tổ chức nhưng lúc nào cũng muốn thu hút sự chú ý của các con vật trong rừng. Chúng chẳng sống theo luật lệ nào, tự phát, hay quên, thiếu tổ chức và không có thủ lĩnh. Bầy khỉ ngu ngốc cũng như con người có lúc sống tự phát, trái với mẹ thiên nhiên nhưng lại cho rằng mình là loài vật thông minh. Hoặc con trăn khổng lồ Kaa cũng gấu Baloo và báo đen Bagheera đã đi tìm và giải cứu Mowgli bị đàn khỉ bắt nhưng cuối cùng Kaa vẫn không thể quên việc thôi miên để ăn thịt Mowgli, Baloo, Bagheera khiến ta phải khiếp sợ đôi lúc có khi con người vẫn không thôi đeo bám những ý nghĩa xấu xa, có thể gây hại cho đồng loại. Và Mowgli đã giết chết Sheren Khan bằng trí khôn của loài người khi sắp đặt rất chi tiết nhưng phải dưới sự giúp đỡ của các bạn trong rừng vì cậu bé đã tuân thủ luật rừng một cách vô điều kiện. Mowgli là biểu tượng giữa mối quan hệ hài hòa giữa con người và Rừng xanh.. Trong khi con người vẫn còn rất mê muội, ngu xuẩn khi tin lời nói vô căn cứ của Pháp sư và những câu chuyện đồn thổi của dân làng nhưng cứ nghĩ mình đã đủ am hiểu và thống trị rừng xanh bằng Hoa lửa.
“Chuyện rừng xanh” (The Jungle Book) được tác giả Rudyard Kipling viết khi nhà văn hơn 30 tuổi chưa bao giờ đặt chân đến khu rừng Seeonee, ông chỉ đưa vào tập sách mọi thứ ông đọc, nghiên cứu, nghe và mường tượng về rừng Ấn Độ. Một điều đặc biệt nữa, đó là: các bức tranh minh họa trong bản in lần đầu vào năm 1894 do chính họa sĩ John Lockwood Kipling, cha của tác giả thực hiện. Đây là tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling. Khi xuất bản năm 1894, truyện gốc mau chóng trở thành tác phẩm kinh điển của dòng văn học thiếu nhi.
Tác phẩm là món quà mà nhà văn dành tặng cô con gái đầu lòng Josephine Kipling chào đời năm 1893. Nhưng thật đau lòng khi cô bé Josephine đã qua đời do bệnh viêm phổi trong một chuyến đi du lịch cùng gia đình đến Mỹ năm 6 tuổi trước khi có thể tự thưởng thức món quà của cha dành tặng. Ông còn có một người con trai – John Kipling nhưng cũng đã hi sinh trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Chính hai lần mất con là vết thương không bao giờ lành trong trái tim Rudyard Kipling. Ông dành nhiều thời gian sáng tác cho thiếu nhi như một cách để nguôi đi phần nào nỗi nhớ ấy. Cuối đời nhà văn đã dùng một phần tài sản của mình để phát triển công tác hướng đạo sinh ở Anh.
“The Jungle Book” phiên bản đầu tiên được xuất bản tại Anh năm 1984 – NXB Mac Milan với phần hình bùa do John Lockwood Kipling – cha của tác giả thực hiện
Về tác giả Rudyard Kipling, ông là một văn hào người Anh đạt giải Nobel văn học năm 1907 với tiểu thuyết “Kim” khi mới 42 tuổi – là nhà văn nói tiếng Anh đầu tiên và nhà văn trẻ tuổi nhất đạt giải thưởng này cho đến nay. The Jungle Book (1894) và The Second Jungle Book (1895) cùng là bộ truyện nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling. Hiện nay sách đã được xuất bản với 500 phiên bản khác nhau, hơn 100 sách nói và được dịch ra ít nhất 36 thứ tiếng khác nhau. Ba câu chuyện nổi bật nhất của tác phẩm là “Cuộc phiêu lưu của Mowgli” - chú bé bị bỏ rơi được bầy sói nuôi lớn, “Rikki-Tikki-Tavi” - câu chuyện của một con chồn anh hùng, và “Toomai of the Elephants” - truyện về một thanh niên giữ voi. Nhưng trong số những nội dung này thì câu chuyện về cuộc phiêu lưu của cậu bé Mowgli trong The Jungle Book vẫn nổi tiếng hơn cả vì những áng văn luân lý vượt thời gian của nó. Hàng loạt truyện tranh, sách, phim điện ảnh, phim truyền hình lấy cảm hứng từ những nhân vật trong The Jungle Book. Trong đó nổi tiếng nhất phải là phần phim hoạt hình năm 1967 và phần phim mới nhất theo thể loại người đóng (Live-action) năm 2013 của hãng Walt Disney. Cuốn sách còn trở thành tài liệu chính cho phong trào Hướng đạo sinh ở Anh và trên toàn thế giới cho lứa tuổi từ 4 đến 10 tuổi. Những điều này đã cho thấy sức ảnh hưởng thời đại của tác phẩm này khi đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em trên khắp thế giới.
Tác phẩm này thật sự là một áng văn thiếu nhi kinh điển mà bất kì gia đình nào cũng nên có trong tủ sách của mình.
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo