- Tác giả: Trần Văn Thủy, Lê Thanh Dũng
- Đơn vị xuất bản: Phuongnambooks & NXB Hội Nhà Văn
- Năm xuất bản: 2013
“Ừ, nghề của chúng tôi cũng là một nghề hèn, nghề mọn. Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra, mòn vì cái làm ra cũng chẳng ai cần đến”
Chuyện nghề của Thủy là cuốn sách được chắp bút bởi Nhà văn – đạo diễn Trần Văn Thủy Và Lê Quang Dũng sau thành công của bộ phim tài liệu “chuyện tử tế”. Sách gồm 29 chương, kể về cuộc đời Trần Văn Thủy từ thuở bé cho đến lúc già qua lời kể của nhân vật chính và người bạn tri kỷ Lê Thanh Dũng.
Bắt đầu bén duyên và đam mê điện ảnh từ năm 13 tuổi, sau nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử, Trần Văn Thủy đã để lại những dấu ấn cho ngành điện ảnh Việt Nam đặc biệt là về phim tài liệu và đạt được giải thưởng ở các liên hoan phim Quốc gia và Quốc tế. Những bộ phim tiêu biểu và đi sâu vào lòng công chúng như Những người dân quê tôi, Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai 1999, Chuyện từ một góc phố…
Cuốn sách là những câu chuyện – chuyện đời – chuyện nghề của Trần Văn Thủy, bắt đầu từ đam mê với phim, sau đó vì thương xót cho nỗi đau con người và cuối cùng, những cuốn phim xuất sắc, những tác phẩm tuyệt vời ra đời.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét về đạo diễn – NSND Trần Văn Thủy như sau:
"Có thể nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thủy có một cái gì đó hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hòa quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luân sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”
Lê Thanh Dũng viết trong cuốn sách:
“Trần Văn Thuỷ cũng là một con người, có những”hỷ nộ ái ố” như mọi người. Hắn lại là một nghệ sĩ, đã là nghệ sĩ thì cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều nhạy cảm, dễ rung động. Hắn kể lại chuyện đã qua như để nói chuyện với chính mình sau một chặng đường dài trên đường đời, mà như hắn nói, có quá nhiều những sự tình cờ, hên xui, may rủi. Nhưng tóm lại, vui thì ít, buồn thì nhiều.”
“Mỗi người có thể có những cách nhìn khác nhau về những gì đã qua. Đó là chuyện bình thường; người ta thường nói “chín người mười ý” kia mà! Những điều bộc bạch trong cuốn sách này cũng là một cách nhìn. Và tôi nghĩ, đó là một cách nhìn thẳng thắn, thiện tâm và thành thật.”
“Phim của Trần Văn Thủy thường gửi lại trong ký ức ta hình ảnh buồn. Buồn nhưng không thảm. Buồn như một câu hỏi day dứt vì sao lại như thế. Và như thế thì phải làm sao. Phim của Trần Văn Thủy là nỗi buồn lớn....Nhiều người cho rằng Trần Văn Thủy là nhà làm phim cách tân. Tôi lại thấy đạo diễn này đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật truyền thống. Đúng là “Hà Nội Trong Mắt Ai” (1982), “Chuyện Tử Tế” (1985) đã như những quả bộc phá gây sóng gió trên mặt hồ thu nghệ thuật. Dư chấn của nó ảnh hưởng đến tận giới làm phim quốc tế. Nhưng tính dũng cảm lại là cột sống của nghệ thuật truyền thống. Và hơn thế, nhân vật chính trong phim của Trần Văn Thủy cũng là nhân vật truyền thống: Nhân dân.”
Dưới đây là một số những câu trích sâu sắc trong quyển sách:
- "Tất nhiên, chỉ có súc vậy mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, và chăm lo riêng cho bộ da của mình…"
- "Khi chúng ta chưa có chính quyền trong tay, thì nhân vật của văn nghệ chủ yếu là những người nghèo khổ, một bác phu xe, một em bé bán báo,một bé đi ở, một bà mẹ nghèo, một tiếng rao đêm."
- "Ngày nay, khi quyền hành đã về một mối, thì những người nghèo khổ, bất hạnh trong văn nghệ bỗng dung biến mất."
- "Y như đồng bào của chúng ta bây giờ rất xa lạ với sự nghèo khổ, hoặc giả những người nghèo khổ đã chạy sang thế giới bên kia cả rồi."
- "Ăn ở với nhau như vậy thì, không những chưa được tử tế cho lắm mà còn… đáng sợ."
- "Làm sao, để khi giã từ thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn."
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến