• Tác giả: John Mackey, Raj Sisodia
  • Người dịch: Trần Trọng Hải Minh
  • Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Tri Thức
  • Năm xuất bản: 2017

Quyển sách Chủ nghĩa tư bản có ý thức được Nhà xuất bản tri thức và Nhã Nam đồng phát hành tại Việt Nam, đây là hai nhà xuất bản rất nghiêm túc, khắt khe khi chọn lựa sách giới thiệu cho cộng đồng Việt Nam, đều là những đầu sách tinh hoa và đáng để đọc. Người chịu trách nhiệm xuất bản cho quyển sách này là giáo sư, nhà tri thức Chu Hảo.

Quyển sách được viết chính yếu bởi John Mackey, đồng sáng lập và CEO của Whole Foods Market, đã điều hành và dẫn dắt một cửa hàng bán thực phẩm tự nhiên trở thành doanh nghiệp trong danh sách Fortune 500, vừa bán lại cho Amazon với giá 13,7 tỉ đô.

Bỏ qua quan điểm tiêu cực, thiếu khách quan về chủ nghĩa tư bản

Chủ nghĩa tư bản vốn dĩ gây tranh luận sôi nổi từ hàng trăm năm trở lại, được cho là vì lợi nhuận đã mất đi tính nhân văn của con người, tàn phá thiên nhiên,... Tuy nhiên, trong quyển sách này, điểm đáng trân trọng chính là tác giả đã lập luận rõ ràng, khách quan và sắc bén về những góc nhìn tích cực và cả tiêu cực mà chủ nghĩa tư bản đã đóng góp/gây ra trong xã hội loài người những thế kỷ qua. Qua đó ông cũng lên án chủ nghĩa tư bản thân hữu, đã làm vấy bẩn đi hình ảnh của chủ nghĩa tư bản đích thực.

“Những nhà tư bản thân hữu và chính quyền gắn kết với nhau trong một liên minh tội lỗi, thúc đẩy những lợi ích hẹp hòi, vị kỷ của một nhóm thiểu số thay vì phúc lợi cho số đông” (Trích chương 1 - Chủ nghĩa tư bản có ý thức - Trang 45)

Một mô hình phát triển doanh nghiệp bền vững, hài hòa, đầy tính nhân văn

Hai vị tác giả đã đưa ra mô hình các doanh nghiệp đi theo chủ nghĩa tư bản có ý thức, với tinh thần kinh doanh anh hùng được xây dựng bởi sự tổng hòa, tương thuộc của bốn yếu tố: 

    • Mục đích cao đẹp và các giá trị cốt lõi.
    • Sự tích hợp các bên có lợi ích liên quan
    • Sự lãnh đạo có ý thức
    • Nền văn hóa và sự quản trị có ý thức

Sach K5 N105 C T01

Mô hình phát triển doanh nghiệp bền vững1

Những yếu tố này dựa trên sự đúc kết thực tiễn, nó cũng chính là những nguyên lý bền vững để xây nên một doanh nghiệp trường tồn với những thành tích xuất sắc.

Phần này tác giả lấy dẫn chứng thực tế và đầy thuyết phục ở các doanh nghiệp tư bản có ý thức đang đứng đầu và dẫn dắt các ngành mà họ tham gia như: Starbucks, Medtronic, Tata Sons, Walmart, Southwest Airlines, UPS, Google, the Container Store,... và cả chính doanh nghiệp do ông sáng lập là Whole Foods Market.   

Qua những phân tích, góc nhìn từ mô hình này, quyển sách hệ thống lại và mang đến cho chúng ta những mô thức (mindset) của các doanh nghiệp tư bản có ý thức thành công bền vững trên quy mô toàn cầu. Đây chính là những đúc kết về mặt nguyên lý đầy giá trị cho những doanh nhân Việt Nam khi đại đa số vẫn nhắm tới việc hình thành doanh nghiệp để đón lấy những thời cơ, mang tính ngắn hạn và thiếu bền vững, cũng như thiếu niềm tin rằng những doanh nghiệp kinh doanh tử tế thì không thể đem lại những lợi ích vượt trội.

Con đường thức tỉnh chủ nghĩa tư bản liệu có khả thi?

Các tác giả không chỉ mong muốn viết ra những góc nhìn đầy sắc bén và ý nghĩa về chủ nghĩa tư bản có ý thức, họ còn thành lập một cộng đồng cho các doanh nghiệp cùng chung tinh thần tư bản đích thực mang tên “Conscious Capitalism” để chia sẻ và kêu gọi sự thức tỉnh của chủ nghĩa tư bản tại website: consciouscapitalism.org 

Không thể phủ nhận chủ nghĩa tư bản đích thực đã đem đến mối quan hệ tương hỗ, sự hài hòa lợi ích cho Người lao động, nhà đầu tư, nhà cung cấp, môi trường, khách hàng và cộng đồng. Bên cạnh đó, vẫn không ít những doanh nghiệp tư bản vì những lợi ích ngắn hạn, đã cấu kết phục phụ cho lợi ích nhóm, bóc lột người lao động và tàn phá môi trường, đã và đang làm xấu đi hình ảnh chủ nghĩa tư bản. Tối ưu lợi nhuận ngắn hạn vẫn luôn là một động lực mạnh mẽ cho những doanh nghiệp này tiếp tục.

Liệu chăng trong tương lai, các doanh nghiệp tư bản sẽ thức tỉnh? Câu trả lời nằm chính trong tay của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại. Hãy tìm hiểu quyển sách này, tiếp nhận những góc nhìn, nguyên lý đúng đắn, và áp dụng vào doanh nghiệp để cùng nhau tạo nên một cộng đồng tốt đẹp hơn. 

2-3 câu trích dẫn trong sách mà mình tâm đắc (lời thoại của nhân vật, lời người dẫn truyện,...):  

  • Quote 1: “Chủ nghĩa tư bản có ý thức không phải là sự đoan chính hay làm điều đúng bằng cách làm điều tốt. Đó là một lối tư duy về kinh doanh có ý thức cao hơn về mục đích cao đẹp hơn của nó, về những ảnh hưởng của nó với thế giới, về mối quan hệ với rất nhiều định chế và đối tượng có lợi ích liên quan. Nó phản ánh một ý thức sâu sắc hơn về việc tại sao các doanh nghiệp tồn tại và bằng cách nào chúng có thể tạo ra thêm giá trị.”
  • Quote 2: “Các công ty có ý thức được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo chín chắn về cảm xúc và tinh thần. Những nhà lãnh đạo có ý thức như thế chủ yếu được tạo động lực bởi việc phụng sự cho mục đích của doanh nghiệp và các bên có lợi ích liên quan của nó, chứ không phải bởi việc theo đuổi quyền lực hay sự giàu có cá nhân. Họ phát triển và tạo cảm hứng, hướng dẫn và tạo động lực, và lãnh đạo bằng tấm gương. Thay vì là lãnh đạo theo kiểu quân sự hay lính đánh thuê, họ là những nhà lãnh đạo theo kiểu truyền giáo. Họ làm theo châm ngôn của Mahatma Gandhi, ‘Chúng ta phải là sự thay đổi mà chúng ta ao ước được nhìn thấy trong thế giới này’ ”
  • Quote 3: “Những nhà lãnh đạo có ý thức là các cá nhân mạnh mẽ sở hữu sự can đảm phi thường để tiến hành mọi việc một cách đạo đức và có thể chống lại sự dò xét và chỉ trích liên tục từ những người nhìn nhận doanh nghiệp theo một lối nhìn truyền thống, hạn hẹp. Trên hết, các nhà lãnh đạo có ý thức tự coi mình là những người được doanh nghiệp ủy thác, muốn nuôi dưỡng và bảo vệ doanh nghiệp cho các thế hệ tương lai, không phải lợi dụng nó vì những lợi ích ngắn hạn của chính họ hay của các bên có lợi ích liên quan hiện thời.”

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến