• Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
  • Đơn vị xuất bản: NXB Văn Hóa Văn Nghệ
  • Năm xuất bản: 2017

Nguyễn Hiến Lê xuất thân là một nhà Nho, người thầy có nhân cách lớn và trải qua chẳng đường lịch sử thăng trầm của dân tộc. Trong suốt cuộc đời cầm bút, ông để lại cả trăm bộ sách về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, đến học làm người... Số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.1  

Giọng văn của Nguyễn Hiến Lê gần gũi, đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu với hàng loạt tác phẩm từ đơn giản đến nâng cao, mang đến người dân Việt khối tri thức khổng lồ và “giáo trình” lớn chỉ dẫn các kỹ năng thiết thực trong cuộc sống như luyện tinh thần, luyện lý trí, luyện văn,... và tự học. 

Tự học là một trong những “năng lực mẹ” – thứ sinh ra những năng lực khác, từ đó giúp bạn liên tục phát triển và thích nghi tốt với môi trường thay đổi. 

Kiến thức bạn học được trên ghế nhà trường hàng chục năm liệu có đủ để áp dụng vào đời sống thực tế hàng ngày? Bạn cần những kiến thức và kỹ năng (cứng, mềm) khác nhau để phục vụ cho nhu cầu công việc, đặc biệt là trong môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay, xã hội liên tục đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Bạn chẳng còn cách nào khác ngoài tự học và vun vén kiến thức cho bản thân bên cạnh các kiến thức được học trên trường lớp. Óc tự tìm tòi, nghiên cứu sẽ đưa bạn đi xa hơn trên hành trình trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực bạn theo đuổi.

 

SACH18011-Tu-hoc-mot-nhu-cau-cua-thoi-dai-1-.jpg Nguồn ảnh: www.stuonl.com 

Nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Nhật Bản cận đại, Fukuzawa Yukichi đã nói “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người. Tất cả đều do sự học mà ra”. Mỗi cá nhân với tinh thần hiếu học (sự học thật sự, không phải hiếu thi) sẽ góp phần tạo nên một đất nước với tinh thần “tự học” mạnh mẽ, thứ giúp chúng ta, đất nước chúng ta phát triển và văn minh. 

Nguyễn Hiến Lê đã nói “...vì lúc nào cũng có những điều cần phải học và lúc nào sự hiểu biết của chúng ta cũng có ích cho chính thân ta và người khác”, “(sự học) không thành công vì không biết cách học và không tìm được sách...”. Tự học – một nhu cầu của thời đại sẽ giúp bạn dấn thân trên hành trình tự học này một cách hiệu quả và thú vị nhất. 

Nguyễn Hiến Lê đã liệt kê rất nhiều lý do thuyết phục rằng "tại sao phải tự học" từ những trang đầu tiên của quyển sách. Bên cạnh đó, ông còn trả lời các câu hỏi chắc hẳn bạn đang thắc mắc như: Ai tự học được? Những gì cần chuẩn bị cho hành trình tự học? Những cách tự học? Cụ thể các cách đó như thế nào? Cụ thể hơn nữa thì ra sao? Những kinh nghiệm của ông trong hành trình tự học suốt đời mình?  

Với tư duy tổng hợp và phân tích tuyệt vời, Nguyễn Hiến Lê đã trình bày những nội dung một cách thấu đáo, chi tiết và đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể học được “cách tự học” này.  

Chúng tôi mong rằng bằng sức lực nhỏ bé của bản thân, cùng với sự cộng hưởng của bạn, sẽ lan rộng cách tự học – “năng lực mẹ” tuyệt vời này đến các độc giả Việt. 

Một số trích dẫn từ sách người viết tâm đắc nhất: 

  • “Học sinh mới ở trường ra, một là tưởng cái gì cũng biết, rồi vênh vênh tự đắc không chịu học thêm, hai là muốn tự học thêm mà không biết học cách nào, phải dò dẫm lấy, vừa tốn tiền, tốn sức, vừa ít kết quả rồi sinh ra chán nản... Sự thật, những môn đó không khó đến nỗi một người thông minh trung bình không học nỗi đâu. Họ không thành công vì không biết cách học và không tìm được sách...”  

  • “Tự học là một nhu cầu của thời đại – Vừa làm vừa học – Còn sống còn học.”  

  • “Chúng tôi xét học còn ít lắm, nhưng nghĩ ai cũng có bổn phận đem những học hỏi, kinh nghiệm của mình giúp người khác, nên soạn cuối sách này để các bạn sinh viên mới ở trường ra đỡ phải bỡ ngỡ trong những bước đầu tiên trên con đường tự học.”  

  • “Trong sự tự học, tuổi tác không phải là một chướng ngại; hễ mắt còn trông được, tai còn nghe được, óc còn suy nghĩ được thì đừng nói 70 tuổi, dẫu 80 tuổi, 90 tuổi vẫn nên học, vì lúc nào cũng có những điều cần phải học và lúc nào sự hiểu biết của chúng ta cũng có ích cho chính thân ta và người khác.”  

  • “Tự học trước hết là đọc sách” 

 
 
Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến