• Tác giả: Lê Nguyên Phương
  • Đơn vị xuất bản: Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh
  • Giải thưởng: Giải sách hay 2018
  • Năm xuất bản: 2017

 

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý học đường từ Tiểu học đến Đại học, TS Lê Nguyên Phương đã dành tâm huyết viết nên cuốn sách Dạy con trong hoang mang với tính ứng dụng và thực tiễn cao.

Cuốn sách đặt ra các câu hỏi lớn trong nuôi dạy con cái trong thời đại mới. Đứt gãy thế hệ, tâm sinh lý học đường có nhiều bước thay đổi và cả những tác động từ môi trường sống đến nhận thức, tư duy của trẻ cũng có nhiều thay đổi lớn.

Với kinh nghiệm nghiên cứu và nhìn nhận được các vấn đề trong dạy con của các bậc làm cha, làm mẹ, cuốn sách đã đem đến một góc nhìn mới mẻ, khoa học và có sự phân tích cụ thể hơn với các vấn đề dạy con.

Với tinh thần “Hành trình chuyển hóa chính mình để nuôi dạy trẻ thơ” tác giả chú trọng đề cập, phân tích các khía cạnh về phía cha mẹ. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu và hình mẫu để hình thành nhân cách và tư duy của trẻ. Gia đình là trường học đầu tiên, thường xuyên và có tác động mạnh mẽ nhất trong thời kì phát triển của trẻ. 

Chỉ ra những sai lầm mà các bậc làm cha làm mẹ thường bị mắc kẹt đã ảnh hưởng đến tư duy và phát triển của trẻ theo kiểu cha mẹ Việt Nam: nuông chiều con vì ngày xưa bố mẹ quá khổ rồi, sẽ dùng quà bánh để hối lộ trẻ làm gì đó, con là gia sản là gia tài và danh dự của gia đình dòng họ,... Chính những sự mắc kẹt đó đã ảnh hưởng lớn đến cách mà phụ huynh nuôi dạy con cái, ảnh hưởng và hình thành nên các thói quen trong tư duy, hành vi và lối sống của trẻ khi lớn lên. Bởi lẽ giai đoạn đầu đời là giai đoạn gieo vào tiềm thức trẻ những ấn tượng sâu sắc nhất và có thể ảnh hưởng theo suốt cuộc đời. 

Cuốn sách tập hợp 30 bài viết với các chủ đề khác nhau về câu chuyện dạy con được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu về tâm lý giáo dục, tham vấn học đường và thần kinh.

Với tác giả, hành trình giáo dục trẻ không chỉ là mình dạy trẻ học theo mà chính tự thân mỗi người cha , mẹ vẫn luôn từng ngày không ngừng nỗ lực, cố gắng để có thể hiểu con, có thể trò chuyện cùng con và từ đó mới từng bước dạy con khôn lớn. 

Nội dung sách đã đặt ra rất nhiều câu hỏi thiết thực và hướng giải quyết khoa học mà mỗi bậc cha mẹ có thể ứng dụng vào từng hoàn cảnh, trường hợp trong quá trình dạy con để biến đổi phù hợp. Tác giả cũng đã gửi gắm nhiều sự trăn trở cho câu chuyện giáo dục trẻ và các cơ sở khoa học như Mô hình Bloom: Ghi nhớ -> Thông hiểu -> Áp dụng, Phân tích/tổng hợp -> Đánh giá, sáng tạo.

Hoặc TS Lê Nguyên Phương cũng đã có những thông điệp muốn gửi đến quý bậc phụ huynh:

- Con không phải là phương tiện, vật hi sinh để đạt được các mong muốn của cha mẹ hay là người thực hiện những ước mơ của cha mẹ còn dang dở

- Bạo lực không phải là phương pháp giáo dục hay, mà tình yêu thương mới là cách để chuyển hóa đứa trẻ.

- Sự thành công của mỗi đứa trẻ nằm ở ý chí tự thân, quyết tâm, nỗ lực và sự hạnh phúc khi theo đuổi đam mê chứ không quyết định bởi IQ hay các chỉ số đo về thông minh khác.

- Nuông chiều con cái gián tiếp là hại con. Dạy cho trẻ tố chất biết trì hoãn/kiềm chế hưởng thụ - sau này con sẽ trở thành con người có hoạch định công việc tốt hơn, biết kiểm soát những tình cảm tiêu cực tốt hơn, học lên cao hơn, biết xoay sở trong những tình huống khó khăn tốt hơn...

- Dân chủ luôn gắn tự do và trách nhiệm, những quy tắc/thỏa thuận kiểm soát lẫn nhau.

 

Và rất nhiều câu chuyện, thông điệp khác được tác giả gửi gắm đằng sau mỗi trang sách. Nhưng có lẽ, không có cách nào khác để giáo dục tốt nhất chính là cha mẹ là tấm gương và dùng yêu thương để hướng con mỗi ngày hoàn thiện. Hành trình cùng con lớn khôn đầy những khó khăn nhưng mở lòng và đủ yêu thương sẽ có được những quả ngọt ở cuối hành trình.

 
Bài giới thiệu Sách này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý