• Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
  • Đơn vị xuất bản: NXB Trẻ
  • Năm xuất bản: 2012

SÁCH: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA
Nguyễn Duy Cần là một học giả kỳ cựu của miền nam Việt Nam vào giữa thế kỷ 20, ông hoạt động nhiều vào giai đoạn 1945-1975, với kho tàng tác phẩm đồ sộ để lại cho hậu thế. Các tác phẩm của ông là những tác phẩm có chiều sâu học thuật và được ra đời với những nhu cầu bức thiết của xã hội bấy giờ, còn nguyên giá trị cho đến hiện tại. Tác phẩm Thuật xử thế của người xưa là một góc nhìn của ông đúc kết từ quá trình sống và nghiên cứu lịch sử nhân loại, tư tưởng của nhiều triết gia Đông Tây từ cổ chí kim.

Chữ Lễ của Á Đông hàm chứa tất cả thuật xử thế của người xưa

Đây là một lập luận sâu sắc của Thu Giang khi phân tích cho chúng ta hiểu và thấy rõ cái sự đời, sự người liên quan như thế nào đến lòng tự ái. Tránh đụng đến lòng tự ái của người khác là nguyên tắc căn bản nhất, và cũng là khó nhất của thuật xử thế. Và chữ Lễ của Á Đông hàm chứa tất cả thuật xử thế của người xưa bởi nó vừa “có ý nghĩa là tự chủ, tự trì mà nó cũng có nghĩa là nhân nữa”.

Khôn, chết. Dại, chết. Biết...sống. (Trang Tử)

Để thấu được nhữ Biết, tức thấu được cả một nghệ thuật sống và xử thế, cụ Thu Giang cho ta thấy những cặp đối ngẫu của Tài - Bất Tài, của Ân - Oán và của Cương - Nhu, rằng không có cái nào là luôn tốt, và lịch sử luôn cho ra những kết quả như vậy. Mà chỉ có Biết là sống, hàm chứa trong đó là Đạo.

Với văn phong mang tính súc tích, diễn giải bằng những điển tích lịch sử, người đọc sẽ dễ dàng tiếp thu những góc nhìn của cụ, là cơ hội để soi rọi lại bản thân và những mối quan hệ xung quanh mình, từ đó điều chỉnh cách hành xử cho phù hợp.

Tóm lại, Cụ Thu Giang đã có một góc nhìn rất khoa học khi tìm thấy trong lịch sử và trong tư tưởng của các bậc hiền triết từ cố chí kim những góc nhìn tương đồng trong việc đối nhân xử thế. Qua đó, tìm ra nguyên lý trường tồn ẩn đằng trong, là cốt lõi của thuật xử thế. Tuy nhiên, cũng như Thu Giang chia sẻ, việc nhìn ra thì dễ, thấu hiểu và áp dụng được nó là cả một nghệ thuật, và chuyện này không hề dễ với đa số quần chúng. Cụ cũng nhắc nhở mọi người phải tự biết mình trước khi học cách hành xử như các bậc thánh nhân, vì nếu bắt chước mù quáng thì sẽ họa lây vào thân.

Một số trích dẫn từ sách người viết tâm đắc nhất: 

○ “Lễ, là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, đâu phải vì giả dối du mỵ để mưu lợi cho mình. Lễ, là tránh cái đau khổ cho bản ngã kẻ khác bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là không chạm đến lòng tự ái của ai cả. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay cái đẹp của người ta. Phải là một người không ích kỷ, diệt được cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc ấy, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi...”

○ “Bước đầu của sự khôn ngoan là biết mình. Chưa phải là người đại dũng mà cố bắt chước làm cái làm của người đại dũng... thế nào cũng hỏng việc... lại còn nguy hiểm cho mình và cho người là khác nữa.”

○ “Khôn, chết. Dại, chết. Biết... sống” – Trang Tử

Nguồn ảnh: www.docsachcungcon.com

Chú thích/ Tài liệu tham khảo:

Thu Giang Nguyễn Duy Cần. (2012). Thuật xử thế của người xưa. TP.HCM: Nhà Xuất Bản Trẻ.

 
Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến