• Tác giả: Kieran Egan
  • Dịch giả: Nguyễn Hữu Thọ
  • Đơn vị xuất bản: NXB Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, Ban tu thư Đại học Hoa Sen 
  • Năm xuất bản: 2015

“Không chỉ như một phương pháp học kiến thức, Học Sâu còn là cách thức kiến tạo nên một kiểu con người đặc biệt: có chiều sâu, khiêm tốn, trọng sự thật và có khả năng đắm chìm vào một điều gì đó bên ngoài bản thân” - Trạm đọc

Kieran Egan nói rằng “Học Sâu” không phải là phương pháp để giảng dạy mọi chuyện mà là dạy một điều gì đó một cách sâu xa hơn.

Sách chia làm 7 phần và 2 phụ lục, các phần với đầy đủ kiến thức từ trải nghiệm thực tế, nghiên cứu đến ví dụ sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các thức để “học sâu” và các lợi ích mà nó mang lại

“Việc học có hai tiêu chí: chiều rộng và chiều sâu. Nếu như chỉ học về chiều rộng, ta sẽ luôn phải dựa vào sự tinh thông của người khác. Học Sâu giúp ta phát triển sự tinh thông của chính mình bằng cách nắm bắt được một điều gì đó từ bên trong”.

Cụ thể về chương trình “học sâu”: Đại loại là học sinh sẽ được giao một đề tài cụ thể để nghiên cứu trong suốt các năm học ở trường. Ví dụ: Trái cam

Học sinh sẽ tìm hiểu, thu thập và tích trữ các thông tin về trái cam sao cho kiến thức về chúng càng ngày càng dày lên. Chương trình học này không mang hình thức lấy điểm hay bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc nào của nhà trường. Ban đầu các học sinh sẽ được sự hỗ trợ của giáo viên, sau đó sẽ tự làm nếu muốn.

Việc chọn đề tài là vô cùng quan trọng vì nó sẽ theo học sinh thời gian rất dài. Có 3 tiêu chí về việc chọn đề tài: Chiều rộng (đề tài có thể mở rộng kiến thức ở nhiều lĩnh vực), chiều sâu (đi chi tiết), sự tham gia (khám phá đa dạng, nhiều cách).

Xã hội ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ, kiến thức quá nhiều, học với mục đích mong muốn có lợi ích gì đó (về điểm số, học trường top…) nhưng thiếu chuyên sâu và trọng tâm, vì vậy “học sâu” có thể nói là cứu cánh để ta giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, là một cách học mới nên “học sâu” sẽ bị nghi ngờ và xét đoán, nhưng với những phản hồi tích cực ban đầu tôi tin nó sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hứa hẹn con đường tương lai tươi sáng cho cách giáo dục tư duy của các em.

Tác giả nhấn mạnh, “mọi thứ đều thú vị nếu tìm hiểu sâu”. Với cách học này sẽ mang đến niềm say mê, hứng thú, tự do trong lối tư duy mà không bị ràng buộc bởi điểm số, nhà trường, thầy cô hay cha mẹ.

Trong cuốn sách tác giả có cho chúng ta những đề tài tham khảo và đường link trang web của chương trình: http://ierg.ca/LID/ để chúng ta có thể tìm hiểu và bắt đầu với hành trình “học sâu” đầy mới mẻ và có ích.

Có nhận xét cho rằng: “Trong điều kiện của giáo dục Việt Nam hiện tại, nhiều gợi ý của Egan trong cuốn sách này là rất đáng xem xét. Chương trình Học Sâu đề xuất một cải tiến nhỏ nhưng có thể đem lại sự thay đổi lớn trong quan niệm và thái độ học tập của học sinh”.

 

Nếu bạn có hứng thú và tâm huyết cho sự học “khai phóng”, vậy “học sâu” sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cùng gắn bó trên hành trình của bạn.

 
Bài giới thiệu sách này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 

Nguyễn Đình Giang
Mai Đoàn Thảo Ly
Võ Minh Thục Quỳ
Lê Thắng
Lê Quang Tịnh