GS - BS Nguyễn Chấn Hùng là một chuyên gia về ung bướu của Việt Nam. Ông là một vị bác sĩ được người đời quý trọng về cả y lý, y thuật lẫn y đức. Năm 1970, ông tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn, chuyên khoa Ung thư. Lý do ông chọn khoa Ung thư vì nhận thấy đó là “căn bệnh trên mọi căn bệnh”. Năm 1972 (mới 28 tuổi) ông trình luận án tiến sĩ. Năm 30 tuổi, ông đồng thời làm bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu (Gia Định) vừa dạy học ở Đại học Y khoa Sài Gòn, là giảng viên duy nhất về ung thư học trong nhà trường. Năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho đến nghỉ hưu vào năm 2009. 


Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng là người có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển chiến lược phòng chống ung thư ở Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề, trên cả cương vị của thầy thuốc trong phòng khám và thầy giáo trên bục giảng, ông đã đồng hành với biết bao vui buồn cùng người bệnh, đã cứu sống không biết bao nhiêu mạng người, cũng như mang lại sự sống, hạnh phúc cho biết bao gia đình có người thân mắc bệnh. Hơn nửa thế kỷ qua, ông luôn tâm huyết truyền đạt những kinh nghiệm có được của mình cho các thế hệ bác sĩ trẻ cũng như chung tay với cộng đồng trên con đường phòng chống bệnh ung thư. 


Trong bài phỏng vấn này, thông qua việc giải thích ý nghĩa biểu tượng con rắn và cây gậy của ngành y, cũng như câu chuyện các thần Hermes, Hygeia, bác sĩ chia sẻ nhiều bài học sâu sắc về y đức của người bác sĩ và triết lý của nghề. Qua đó thấy rằng, đằng sau một vị bác sĩ có y nghiệp to lớn là một nền tảng y đạo, y đức rất thâm sâu.  


Một chia sẻ rất sâu sắc của bác sĩ đó là: “Một người thầy của tôi ở Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, người trực tiếp dẫn tôi vào ngành Ung bướu là GS Đào Đức Hoành đã dạy tôi rằng: “Thầy thuốc phải học cái gương của cái giếng”. Hồi đó, tôi chưa hiểu ý của thấy nói nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu. Cái giếng, ai muốn múc nước thì múc. Múc bao nhiêu nước, giếng vẫn đầy và trong. Ý nói rằng: chúng ta càng lo cho người bệnh càng có kinh nghiệm phong phú.  Làm người, mình cũng nên đòi hỏi ít thôi, cái chính là vẫn làm được việc. Làm người, nếu có chút tài, và cả tài sản, thì nên chia sẻ, nên đóng góp, vậy là còn hoài, thậm chí được thêm. Chúng ta luôn nghĩ, người bệnh cần chúng ta giống như cái giếng càng múc càng đầy. Học theo cái giếng để người thầy thuốc thực hiện nghề của mình một cách tốt đẹp. Đây cũng là lời mà tôi muốn chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ và sinh viên của tôi” 
Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh