KY: Trong thời buổi kinh tế khủng hoảng, con người mất niềm tin, nghi ngờ sự thật, theo ông, triết học có phải là cách căn cơ, sâu thẳm nhất giúp cho doanh nhân giải những bài toán về kinh doanh, về cuộc sống?
Bùi Văn Nam Sơn: Xin trả lời kiểu… nước đôi, là “không” và “có”. Không, vì triết học, theo chỗ tôi hiểu, không phải là phép lạ hay cẩm nang để trực tiếp giúp cho doanh nhân “giải những bài toán về kinh doanh, về cuộc sống”. Những vấn đề khó khăn ấy phần lớn thuộc về thể chế, chính sách, nguồn lực, phương pháp kinh doanh và cả sự may mắn nữa! Nhưng, có, vì triết học, theo đúng nghĩa của nó, khuyến khích ta đặt câu hỏi cũng như tự vấn về tất cả những vấn đề ấy một cách “căn cơ”. Còn có “sâu thẳm” hay không là tùy vào độ nông sâu của cách đặt câu hỏi.
KY: Nhiều doanh nhân Việt Nam đã tìm đến đạo Phật như một lời giải căn cơ về cuộc sống. Theo ông, đạo Phật nhìn kinh doanh có khác nhiều so với các dòng triết học khác?
BVNS: Ở đây thiết tưởng nên có một sự phân biệt để dễ trao đổi. Đó là sự phân biệt giữa “triết lý kinh doanh” và “triết học cho doanh nhân”. Theo nghĩa hẹp, “triết lý kinh doanh” tương đương hoặc cao hơn chiến lược kinh doanh. Nó là định hướng lớn sẽ chi phối mọi quyết định cụ thể. Ví dụ, “triết lý kinh doanh” của tôi hiện nay là “phòng thủ” hoặc “tiến công”, là “ưu tiên cho khách hàng” hoặc “ưu tiên cho lợi nhuận” v.v.. Cao hơn triết lý kinh doanh theo nghĩa hẹp là đạo lý kinh doanh, theo nghĩa là sự xác tín nội tâm, thậm chí là lý tưởng, lẽ sống của doanh nhân. Việc tìm đến đạo Phật, một trong những cội nguồn văn hóa, tinh thần lâu đời của dân tộc, hay đến một nền tín ngưỡng, đạo lý nào khác là chọn lựa cá nhân và đều đáng trân trọng cả. Triết lý kinh doanh dựa trên một đạo lý bao giờ cũng có vai trò rất lớn trong lịch sử. Ta nhớ ngay đến công trình nổi tiếng của Max Weber, một trong những ông tổ của ngành xã hội học, giải thích sự hình thành của chủ nghĩa tư bản hiện đại từ tinh thần của nền đạo đức Tin lành. Theo giáo lý của Luther, ơn cứu độ của Thiên Chúa là một bí nhiệm, vì thế người tín đồ phải nỗ lực chứng tỏ trong cuộc sống: hợp lý hóa sản xuất, gia tăng sự giàu có, nhưng hết sức tiết kiệm trong chi tiêu và giữ gìn phẩm hạnh v.v.. như những chỉ dấu cho khả năng được cứu độ. Max Weber cũng tìm hiểu vai trò và ảnh hưởng của các nền tín ngưỡng và đạo lý khác (như Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, Ấn giáo, đạo Islam v.v..) để xét xem nền đạo lý ấy có khuyến khích hoặc cản trở sự phát triển kinh tế. Một chủ đề rất thú vị và luôn gây tranh cãi cho đến ngày nay.
KY: Còn “triết học cho doanh nhân”?
BVNS: Triết học cho doanh nhân là chuyện khác. Đó là kho tàng tri thức được chắt lọc từ nhiều dòng triết học khác nhau, có thể được mọi người sử dụng để nâng cao kiến thức, mở rộng khả năng tư duy, cải thiện tầm nhìn về nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Nó là vốn văn hóa chung, đồng thời có thể rất bổ ích cho tư duy kinh tế và tư duy chiến lược trong kinh doanh.
KY: Ông có thể nêu một số ví dụ?
BVNS: Mỗi khi giải quyết vấn đề, hầu như ai cũng phải thực hiện các bước sau đây: tìm hiểu rõ hậu cảnh hay bản chất của vấn đề, đưa ra những quyết định có cơ sở, từ đó, hành động có trách nhiệm, hoạt động có hiệu quả, truyền thông thật rõ ràng, để sau cùng, kết quả công việc sẽ mang lại sự thanh thản, hạnh phúc cho ta. Chẳng hạn, để hành động có trách nhiệm, ta không thể không giải quyết mối quan hệ giữa sự lãnh đạo mạnh mẽ với sự an toàn của khách hàng và việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Nhưng, đàng sau sự lãnh đạo mạnh mẽ là vấn đề quyền lực. Vậy quyền lực là gì? Đàng sau sự an toàn của khách hàng là văn hóa doanh nghiệp hay đạo đức kinh doanh, tức những vấn đề thuộc về giá trị. Vậy, giá trị là gì? Đằng sau việc bảo vệ môi trường là quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Vậy, con người là gì? thiên nhiên là gì? v.v.. Tất nhiên, triết học không dạy ta phải suy nghĩ cái gì, mà là suy nghĩ như thế nào. Nó mở rộng chân trời phản tỉnh cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Nó giúp họ nghĩ “khác” đi, giúp họ “suy nghĩ bên ngoài cái hộp” (“out of the box”). Nói như Thomas Edison: “người ta chẳng bao giờ phát minh ra được đèn điện nếu cứ luôn loay hoay cải tiến cái đèn dầu”.
KY: Triết học kinh doanh đã được đào tạo ở các nước tiên tiến như thế nào? Những doanh nhân nào của thế giới mà ông biết đã áp dụng sâu sắc tri thức triết học trong kinh doanh?
BVNS: Thật ra chưa nhiều lắm, nhưng đã bắt đầu có chuyển biến. Nhiều tiếng nói phê bình các trường dạy kinh doanh thiếu quan tâm đến triết học đã bắt đầu cất lên. Trong quyển Rethinking Undergraduate Business Education của Quỹ giáo dục Carnegie nổi tiếng, các tác giả cho thấy việc giảng dạy đơn thuần về kinh doanh không đảm bảo sự thành công và không ngăn ngừa được sự thất bại. Vậy, phải làm gì? Theo các tác giả ấy, cần có cách tiếp cận tích hợp, kết nối các môn học kinh doanh với các bộ môn khoa học nhân văn (“liberal arts”) và xã hội, để đương đầu với những thách thức phức tạp của tiến trình toàn cầu hóa. Thomas Hurka, giáo sư đại học Calgary nhận xét: “Các nhân viên tốt nghiệp ngành triết tiến bộ nhanh hơn các đồng nghiệp chỉ có bằng cấp về kinh doanh”. Nhận xét này được trung tâm dữ liệu PayScale về tiền lương xác nhận: về trung hạn và dài hạn, những nhân viên có đào tạo về triết học và khoa học xã hội vượt qua những đồng nghiệp chỉ tốt nghiệp các ngành tiếp thị, truyền thông, kế toán và quản trị xí nghiệp. Không đến mức như Matthew Stewart, tư vấn của tập đoàn Mitchell Madison Group đã nói: “Muốn thành công trong kinh doanh, bạn đừng lấy bằng MBA, mà hãy học… triết học!”, nhưng quả thật quá trình đào tạo tưởng như “xa rời thực tế” lại giúp cho họ có sự linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo trước thế giới kinh doanh đầy biến động.
Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới có quá trình đào tạo như thế, chỉ có điều ta ít biết về họ. Fiorina, chủ tịch kiêm giám đốc Hewlett-Packard Company, Sheila Bair, nữ chủ tịch Quỹ bảo hiểm liên bang Mỹ dưới thời tổng thống G. W. Bush, Herbert Allison Jr, cựu giám đốc công ty Fannie Mae khổng lồ v.v.. đều là những người tốt nghiệp chuyên ngành triết học. Nổi tiếng nhất có lẽ là George Soros, chủ tịch Soros Fund Management, người mang “nick name” là “kẻ phá tan Ngân hàng Anh quốc”, vốn là môn đệ của Karl Popper, một trong những triết gia lớn nhất của thế kỷ 20, tại trường London School of Economics. Danh sách này còn rất dài…
KY: Ông có đề cập một vài tư tưởng triết học đương đại có ảnh hưởng mạnh đến việc thay đổi tư duy về con người, về thế giới và cả về kinh doanh…
BVNS: Vâng, tôi chỉ đơn cử một vài ý tưởng thoạt nghe khá xa vời nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta ngày nay. Thực ra, đó là sự kết tinh của những thành tựu trên nhiều lĩnh vực: triết học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và cả văn học nghệ thuật nữa. Chẳng hạn, internet và mạng lưới truyền thông toàn cầu cũng như các tiêu ngữ quen thuộc như “thế giới phẳng”, “toàn cầu hóa” v.v.. cần được truy nguyên đến tận những nhận thức mới mẻ của lý thuyết hệ thống (và phản hệ thống!), lý thuyết cấu trúc (và hậu-cấu trúc), lý thuyết hậu-hiện đại về sự nối mạng và sự hợp trội (emergence), thay thế cho cách nhìn truyền thống về trật tự thứ bậc. Quan niệm mới mẻ về dân chủ, bình đẳng, đối thoại, hợp tác cũng là những hệ quả khác của cuộc “cách mạng tư duy” nói trên. Rồi cuộc “cách mạng xanh” trong tư tưởng và hành động cũng khó có thể hình thành nếu không được chuẩn bị từ cách nhìn khác về quan hệ giữa con người và thiên nhiên, về quyền sống của muôn loài, từ đó hình thành nền “đạo đức học về trách nhiệm”. Hệ quả đối với thế giới kinh doanh: trách nhiệm giải trình về mọi tiến trình không thể vãn hồi (khai thác tài nguyên v.v..) là thuộc về người làm chính sách và người đầu tư, chứ không phải thuộc về những ai lên tiếng phản đối hay cảnh báo. Nhiều quy phạm đạo đức (bảo vệ tự nhiên, bảo vệ người lao động v.v..) đã trở thành những quy định pháp luật trong kinh doanh quốc tế, góp phần thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng vô độ và vô trách nhiệm trước đây. Rõ ràng, nền kinh tế nào đi tiên phong trong nhận thức cũng sẽ đi tiên phong trong sáng tạo và phát triển bền vững.
KY: Ông cũng gợi ý về ba “sứ mệnh” của doanh nhân hiện nay…
BVNS: Tôi chỉ nhận định xuất phát từ thực tế hiện nay của xã hội chúng ta. Sau bao thăng trầm, doanh nhân Việt ngày nay đảm đương trách nhiệm nặng nề “ba trong một” so với đồng nghiệp ở nhiều nước khác. Trước hết là đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Đó là sứ mệnh “khai sơn phá thạch”, nhưng lại khó khăn gấp bội vì chúng ta đang có nguy cơ bị thế giới bỏ lại phía sau. Để bắt kịp con tàu lịch sử, họ không thể đơn độc và vị kỷ, mà cần sự ủng hộ và chung sức của cả cộng đồng. Góp phần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, do đó, là gánh nặng thứ hai không thể thoái thác, bởi đó là “đầu tư” cho chính khách hàng của mình trong tương lai. Thứ ba, nhờ vào các nguồn lực hơn hẳn so với nhiều thành phần khác trong xã hội, doanh nhân có điều kiện để trở thành một tầng lớp “tinh hoa” về văn hóa và lối sống, trở thành động lực dẫn dắt sự tiến bộ của xã hội. Bất chấp nhiều tệ trạng xã hội gây nhức nhối, nhiều hiện tượng dễ gây nản lòng được đăng nhan nhản trên mặt báo, tôi vẫn nhìn thấy nỗi thao thức và rất nhiều ánh lửa nơi các anh chị doanh nhân trong buổi gặp gỡ nồng hậu và nhiều kỷ niệm hôm ấy.
Kim Yến thực hiện
Bài đã đăng Báo Xuân Ất Mùi, Doanh nhân Sài Gòn, 02.2015. Bản này do Bùi Văn nam Sơn gửi cho Văn hóa Nghệ An
THÔNG TIN VỀ BÀI VIẾT TRÊN + Tác giả: Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn (Nhà báo Kim Yến phỏng vấn) + Nơi đăng: Báo Văn hóa Nghệ An + Ngày đăng: 20/02/2015 + Nguồn bài: http://vanhoanghean.vn/chi-tiet-tin-tuc/10536-tro-chuyen-triet-hoc-va-kinh-doanh-voi-bui-van-nam-son |
____________________________
Bài viết này được sưu tầm
và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm