VÌ SAO SỰ ĐẤU TRANH LÀ CẦN THIẾT ĐỂ TRƯỞNG THÀNH ?
Tháng trước, email phản hồi về các cảnh báo tiêu cực là một thành công ngoài mong đợi. Tôi không thể nhớ lần cuối cùng tôi nhận được phản hồi cực kỳ tích cực như vậy từ mọi người về một đề tài nào đó.
Nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi về nỗi đau, bi kịch, thử thách và đấu tranh. Hầu hết những câu hỏi này là các hình thức khác nhau của kiểu câu hỏi, "Có điều gì được xem là phải chịu quá nhiều đau đớn không?" hoặc “Có những tình huống mà nỗi đau và sự đấu tranh không giúp ích được gì mà chỉ gây tổn thương không?” hoặc “Còn những bi kịch thì sao? Rõ ràng bi kịch là một vấn đề.”
Đó đều là những câu hỏi rất hay. Và trong bản tin tháng này, tôi sẽ giải quyết tất cả nút thắt bằng cách đi sâu vào tâm lý của nỗi đau, bi kịch, sự chữa lành và xây dựng khả năng phục hồi. Theo lời của Tom Brady vĩ đại: đi thôi.
MỤC LỤC
“Nỗi đau này là vừa phải”
Luyện tập nâng cao sức khỏe tinh thần
Thông cảm và Từ bi
Vật lý trị liệu cho tinh thần
“Nỗi đau này là vừa phải”
Mọi người đều nhớ câu chuyện thiếu nhi về Goldilocks và Ba chú gấu. Cháo này nóng quá, cháo này nguội quá, cháo này vừa miệng.
Nào, nỗi đau cũng hoạt động theo cách tương tự. Quá đau đớn sẽ dẫn đến sang chấn và bất lực. Thiếu vắng nỗi đau sẽ dẫn đến tính vụ lợi và ích kỷ.
Tuy nhiên mức độ đau và sự đấu tranh là hoàn toàn vừa phải: đó là điều cho phép chúng ta cảm nhận được những thành quả và ý nghĩa trong cuộc đời của mình, từ đó xây dựng ý thức tự chủ và giá trị bản thân—nền tảng của một người hạnh phúc và khỏe mạnh về tinh thần.
Vì vậy, làm thế nào để bạn xác định ranh giới nỗi đau Goldilocks? Làm thế nào để bạn biết mức độ đau là “vừa phải?”
Nhìn chung, các nghiên cứu phát hiện ra rằng khi chúng ta gặp thử thách hoặc đấu tranh theo cách mà chúng ta tin rằng mình có khả năng vượt qua, những khó khăn đó cuối cùng sẽ tiếp thêm sinh lực cho chúng ta và dẫn đến cảm xúc về ý nghĩa và thành tựu.
Nhưng khi đối mặt với những cuộc đấu tranh và thử thách mà chúng ta cảm thấy bất lực để vượt qua, đó là lúc tinh thần chúng ta bị suy sụp và trong những trường hợp quá giới hạn, chúng ta bị sang chấn.
Luyện tập nâng cao sức khỏe tinh thần
Khi hiểu được giá trị của đấu tranh về mặt tinh thần và cảm xúc, có lẽ phép loại suy tốt nhất để hiểu chúng là trải qua sự luyện tập:
- Nếu bạn không bao giờ vận động cơ thể hay tập căng cơ, bạn sẽ trở nên mềm yếu và mong manh. Bạn dễ bị chấn thương hơn. Bạn có ít sức mạnh thể chất hơn để bảo vệ sự an toàn và khỏe mạnh của bản thân. Tương tự như vậy, nếu bạn không bao giờ thử thách bản thân về mặt tinh thần hay cảm xúc, bạn cũng sẽ trở nên yếu đuối và mong manh. Bạn sẽ dễ dàng buồn bã và bộc phát cảm xúc hơn bởi môi trường bên ngoài. Bạn sẽ có ít sức mạnh hơn về mặt tinh thần để bảo vệ bản thân an toàn và khỏe mạnh.
- Nếu bạn cố gắng tập thể dục quá nhiều — hoặc tập tạ quá nặng — bạn sẽ bị chấn thương. Chấn thương này sẽ dẫn đến cơn đau mãn tính nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và khiến bạn không thể tập luyện gì được tại bộ phận bị chấn thương của cơ thể. Tương tự như vậy, nếu bạn trải qua những cuộc đấu tranh tâm lý khiến bạn quá tải, bạn sẽ bị sang chấn tâm lý—và bạn sẽ trải qua nỗi đau tâm lý mãn tính và cảm thấy suy nhược về mặt tinh thần (hoặc ảnh hưởng nhiều mặt khác nữa) trong cuộc sống của mình.
- Giải pháp nâng cao sức khỏe thể chất là tăng dần thử thách cho cơ thể bạn trong việc thực hành các động tác, nâng tạ và các bài tập khó hơn một chút so với trước đây. Khi bạn làm điều này, cơ thể bạn sẽ thích nghi, trở nên dẻo dai hơn, linh hoạt hơn và bền bỉ hơn. Điều này mang lại cho bạn nhiều quyền tự quyết trong cuộc sống và nhiều khả năng hơn để bảo vệ bản thân cũng như người khác. Tương tự, cách để nuôi dưỡng tâm lý kiên cường là dần dần thử thách bản thân đối mặt với những trải nghiệm vừa có tính thách thức nhưng cũng nằm trong khả năng kiểm soát mà bạn nhận thức được. Khi bạn làm được điều này, bạn sẽ có sức mạnh tâm lý và khả năng phục hồi, trao cho bạn nhiều quyền tự quyết hơn trong cuộc sống cũng như mang lại sự khỏe mạnh và kiên cường trước bất kỳ khó khăn nào mà cuộc sống ném vào mặt bạn.
Suốt chiều dài lịch sử, con người đã sai lầm khi gieo rắc tổn thương cho nhau nhiều hơn. Điều này là do hầu hết lịch sử loài người đã bị thổi bay. Chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch, chế độ nô lệ, chế độ chuyên chế là những chuẩn mực của loài người, không có sự ngoại lệ. Vì vậy, người ta khắt khe với con cái, khắt khe với nhau và ít cho đi sự thông cảm.
Điều này đã thay đổi từ khoảng một trăm năm trước với sự xuất hiện của Freud và sự chấp nhận rộng rãi của tâm lý học. Ngày nay, bạn có thể lập luận theo một số cách rằng có lẽ chúng ta quá mềm yếu. Và lý do tôi nghĩ điều này tồn tại là vì sự nhầm lẫn giữa cảm thông và lòng trắc ẩn.
Cảm thông và lòng trắc ẩn
Tôi tin rằng vấn đề hiện nay có thể được tóm tắt một cách đơn giản: mọi người nhầm lẫn sự cảm thông với lòng trắc ẩn.
Đồng cảm là cảm nhận sự tồi tệ với ai đó mong rằng họ không còn cảm thấy tồi tệ như vậy.
Bề ngoài thì sự cảm thông là cao thượng (“mọi người nên bớt đau khổ đi!”) nhưng đích đến thường tinh vi chính là sự tư lợi cá nhân (“mọi người nên bớt đau khổ hơn vì tôi không muốn cảm thấy tồi tệ cho họ nữa.”)
Lòng trắc ẩn tương tự như sự cảm thông nhưng khác nhau ở một điểm quan trọng.
Giống như sự đồng cảm, lòng trắc ẩn bắt đầu bằng việc cảm thấy tồi tệ với ai đó. Nhưng thay vì chỉ đơn giản là muốn sự đau khổ của người đó biến mất, lòng trắc ẩn liên quan đến một người sẵn sàng chịu đau khổ bên cạnh người đó để họ có thể vượt qua thử thách.
Chia buồn là gửi hoa và thiệp cho bạn bè khi cha mẹ họ qua đời. Lòng trắc ẩn là lái xe đến nhà của họ và trao một cái ôm khi họ bật khóc.
Thông cảm là để cho một đứa trẻ đang la hét có được món đồ chơi chúng muốn để chúng ngừng la hét. Lòng trắc ẩn là để cho đứa bé khóc vì bạn biết như vậy sẽ tốt hơn nếu để chúng hiểu rằng không phải lúc nào cũng có được điều chúng muốn.
Thông cảm là việc thay đổi ảnh đại diện của bạn trên mạng xã hội khi có bất kỳ sự kiện mới nào. Lòng trắc ẩn thực sự là dành thời gian hoặc tiền bạc cho các nạn nhân, lắng nghe câu chuyện của họ, giúp họ làm lại cuộc đời.
Cảm thông là một điều tốt. Chúng ta cần sự cảm thông trên thế giới này. Cũng như việc này thì dễ dàng. Sự thông cảm là tạm thời và thiển cận. Sự thông cảm là kiểu, "Ồ, tôi cảm thấy tồi tệ cho anh ấy." Sự đồng cảm tập trung vào cảm giác hơn là vào con người. “Tôi hy vọng họ cảm thấy tốt hơn.”
Lòng trắc ẩn là tập trung vào con người. “Tôi không chỉ hy vọng họ cảm thấy tốt hơn, tôi hy vọng họ trở nên tốt hơn.” Khi đó, lòng trắc ẩn được bày tỏ nhiều hơn. Cần nhiều nỗ lực hơn—cả tinh thần lẫn cảm xúc.
Thông cảm là cố gắng loại bỏ càng nhiều căng thẳng và đấu tranh càng tốt. Lòng trắc ẩn đang cố gắng giúp một người vượt qua khó khăn có thể kiểm soát được để họ có thể trở thành một người tốt hơn.
Tôi tin rằng với tư cách là một nền văn hóa, chúng ta quá ưu ái sự cảm thông và chưa tối ưu hóa lòng trắc ẩn. Phần lớn có lẽ là lỗi của mạng xã hội, nhưng không phải hoàn toàn là vậy.
Dễ dàng để bày tỏ sự cảm thông khi giao tiếp trực tuyến. Cũng dễ dàng nhận thấy sự đồng cảm được thể hiện giữa người với người. Lòng trắc ẩn giống như sự mỉa mai, nó không được truyền đạt tốt trên mạng xã hội cũng như khó có thể nhận ra lòng trắc ẩn giữa người với người.
Có lẽ chúng ta cũng đã quá ưu ái cho sự đồng cảm vì nó dễ đánh giá và nghiên cứu hơn. Việc đo lường cảm xúc tích cực/tiêu cực của một người tương đối dễ dàng. Thật khó để đánh giá một người đã trưởng thành hay chưa.
Vật lý trị liệu cho tâm trí
Chúng ta tiếp tục nhắc đến tập thể dục như một phép ẩn dụ, khi chúng ta làm tổn thương cơ thể của mình, làm thế nào để chúng ta chữa lành và hồi phục?
Với sự kết hợp giữa thuốc và vật lý trị liệu, các bộ phận trên cơ thể cuối cùng có thể được chữa lành, hồi phục chức năng và cuối cùng là khỏe mạnh hơn. Nhưng đó là một quá trình lâu dài và đau đớn.
Khi đối mặt với chấn thương, giống như vật lý trị liệu, bạn chỉ được tập số lượng rất ít các bài tập và tăng dần một cách thật chậm rãi. Nếu bạn bị gãy xương cột sống, bạn sẽ không thể đứng dậy và chạy marathon.
Mục tiêu đầu tiên là đứng dậy và bước được một bước. Sau đó hai bước. Sau đó đi bộ xuống sảnh. Chạy marathon có thể không phải là một lựa chọn nếu không có nhiều năm liên tục nỗ lực .
Vấn đề là sang chấn tâm lý khó chẩn đoán hơn nhiều so với chấn thương thể chất.
Thật khó để nói được mức độ và phạm vi nỗi đau tinh thần của một người nào đó. Thật vô ích khi khái niệm về chấn thương đã được mở rộng khá nhiều bao gồm bất kỳ ai bị kích động về mặt cảm xúc bởi bất cứ nguyên nhân nào, cho dù điều đó là tầm thường hay không liên quan ra sao. Do đó, thường rất khó để biết chính xác đâu là thử thách vừa phải để cá nhân đó có thể chữa lành vết thương và khi nào là quá sức. Đây là lý do tại sao việc tự nhận thức là rất quan trọng.
Và điều này thậm chí không liên quan đến việc quản lý cảm xúc trên hành trình trưởng thành—tức là, làm thế nào để quản lý cảm xúc của mình tốt hơn sau khi chúng ta bị kích động, trở nên vô cùng tổn thương và suy sụp.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những chủ đề này, bạn có thể xem Chương 7 trong cuốn sách Everything is F*cked: A Book About Hope của tôi để đào sâu hơn về nỗi đau và sự đấu tranh cũng như cách mà chúng vận hành trong tâm trí.
Nguồn bài viết gốc: https://markmanson.net/why-growth-requires-struggle
_______________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Phan Thị Lan Anh
Nguyễn Phú Đức
Nguyễn Hoàng Huy
Nguyễn Trọng Khương
Nguyễn Thị Diệu Linh
Phạm Thị Thanh Nguyên
và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Nguyễn Lê Ngọc Trâm và Phùng Thị Anh Thư