• Tác giả: Helen Dukas và Banesh Hoffmann
  • Dịch giả: Đỗ Thị Thu Trà, Nguyễn Xuân Xanh
  • Đơn vị xuất bản: Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
  • Năm xuất bản: 2017

Điều khiến Albert Einstein (1879 – 1955) trở nên có sức ảnh hưởng lớn và lâu dài như thế là vì ông đã vượt khỏi tầm cỡ của một nhà khoa học vĩ đại, mà đạt tới hình tượng một nhân vật, một con người vĩ đại. Điều khiến Einstein thật thú vị nhưng cũng thật cô độc không phải là những lý thuyết vật lý của ông về thuyết tương đối, về công thức năng lượng nổi tiếng E = mc2, mà chính là vì bản chất con người ông, hay nói khác đi là mặt nhân bản của Einstein. Và chính quyển sách từ những lá thư của Einstein nhận được và viết trả lại cho bạn bè, cho trẻ em, cho nghệ sĩ, cho những người quan tâm đến ông đã vén ra bức màn về con người thật sự của Einstein. 

 

Việc một người nổi tiếng tầm cỡ như ông nhưng lại hết mực giản dị, khiêm nhường và sống khép kín cũng đối nghịch như việc một nhà khoa học chỉ biết đến công thức, con số khô cứng nhưng lại hết mực tình cảm, thậm chí ông còn có lòng trắc ẩn với mọi người khi ông không bao giờ xem thường ai hay xem nhẹ vấn đề của ai. Cuốn sách đưa ta đến những lá thư ông viết cho những người hâm mộ lẫn những người không ủng hộ ông, viết cho người già đến trẻ em, viết cho người trong khoa học đến người ngoài khoa học, viết cho những thanh niên đang chênh vênh tìm kiếm chính mình, viết cho những cặp tình nhân về chuyện tình yêu, viết cho những ông bố bà mẹ,… Dù bận rộn và mệt mỏi, những lá thư vẫn được Einstein trả lời một cách súc tích, đầy cảm thông, khiêm nhường, tử tế nhưng luôn vô cùng uyên bác. Với Einstein, tất cả đều là con người và ông, với sứ mệnh làm khoa học để phục vụ nhân loại, thì cũng mang sự uyên bác của mình trong nhiều lĩnh vực để phục vụ nhân loại. 

 

Cuốn sách cũng hé lộ ra một Einstein cô đơn khi thốt lên “Tại sao không ai hiểu tôi và mọi người lại thích tôi?” Tư tưởng vượt xa thời đại đã khiến ông dường như trở nên cô độc, không một tri kỷ. Qua những bức thư, ta thấy những người tưởng đã là tri kỷ của ông cũng dần trở nên thù ghét ông chỉ vì quan điểm chính trị bài trừ Do Thái ở nước Đức lúc bấy giờ. Ông như cây đại thụ cô đơn giữa ngọn đồi đầy gió. Và việc không tìm được sợi dây kết nối tư tưởng với người đương thời mà vẫn phải nhận rất nhiều thư từ gửi về chắc chắn khiến ông càng thêm áp lực, và càng thêm cô lập cái bên trong của mình. Rốt cuộc thì một người đàn ông hài hước, với vẻ ngoài luộm thuộm thì có thể cô độc đến mức nào? 

 

Cuốn sách đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ một Einstein bác học đến một Einstein nhân văn, đấu tranh vì quyền con người, đấu tranh chống lại sự ngu dốt, sự ganh đua, sự kỳ thị. Và ông không ngừng đấu tranh bằng tất cả sự chính trực của mình cho quyền con người. Nếu khoa học của ông là để phụng sự con người, thì mặt nhân bản của ông lại càng như vậy. 

 

Thay vì được hệ thống theo dòng lịch sử, cuốn sách lại được sắp xếp theo nội dung và ý nghĩa của những lá thư. Mở đầu là những lá thư ông gửi cho em gái với thật nhiều trăn trở, và kết thúc bằng những lá thư đề cao phẩm giá con người, và nói lên nỗi tuyệt vọng của ông nhưng được nháy kép trong niềm hi vọng ở cuộc chiến chống lại bóng tối của “hận thù và hiếu thắng”, nói lên sự cô độc phải có của những người đủ tinh tế tận hưởng sự tinh khiết của cuộc đời. Cuộc đời Einstein đầy trăn trở, và cũng đầy thỏa mãn trong mặt nhân bản của riêng ông. 

 

Đây thật sự là một cuốn sách đáng đọc và dễ đọc, mang chúng ta đến gần hơn với Einstein, một bộ óc lớn và một nhân cách lớn của thế kỷ XX, mà không phải tiếp xúc quá nhiều tới chuyên môn vật lý lý thuyết của ông. 

 

Nguồn ảnh: trithucvn.net

 
Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm