• Tác giả: Thích Nhất Hạnh
  • Đơn vị xuất bản: HarperCollins
  • Năm xuất bản: 2012

Sợ hãi vốn dĩ đã là một bản năng tự nhiên của con người kể từ lúc mới sinh ra; và khi lớn lên, nó vẫn luôn hiện diện và còn đó sâu thẳm trong trái tim mỗi người. Là con người, chúng ta vốn dĩ có rất nhiều nỗi sợ, đó có thể là nỗi sợ đau đớn, nỗi sợ chết, sợ già, sợ mất mát, sợ cô đơn, v.v Ngay cả trong những thời khắc vui vẻ nhất, chúng ta cũng không thể đón nhận niềm vui ấy một cách trọn vẹn bởi vì những nỗi sợ mơ hồ về thời khắc này rồi sẽ qua mau, hoặc chúng ta sẽ mất đi những gì hiện đang có. Như vậy, ngay cả khi xung quanh chúng ta là tất cả những điều có thể khiến chúng ta hạnh phúc, niềm vui ấy cũng không thể trọn vẹn. 

Đã có rất nhiều lời khuyên để đối phó với nỗi sợ hãi, nhưng đa phần chúng ta hay chọn cách lảng tránh, hoặc giả vờ phớt lờ nó. Chúng ta đào một cái hố thật sâu, và cố đè chặt những lo lắng, và bất định của mình với niềm hy vọng yêú ớt rằng nó sẽ tự động biến mất. Chúng ta cố quên đi những nỗi sợ nhưng thực sự chúng vẫn đang hiện diện ở đó, không phải ở dưới những cái hố, mà nằm ngay trong chính tâm trí và trái tim của mỗi người. 

Cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh một lần nữa lại là những ngôn từ bình dị và rất mực đơn giản, nhưng càng đọc con người ta lại càng tìm thấy những tia sáng để chiếu rọi bản chất những u ám và sự vô vọng mà nỗi sợ hãi đã làm con người trở nên nhụt chí và chùn bước. Nếu vẫn xem nỗi sợ như một thứ cần phải tránh xa, ta sẽ mãi bị nỗi sợ vây bám và điều khiển. Điều mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khuyên, đó là hãy mời nỗi sợ vào ghé thăm ngôi nhà tỉnh thức của mình, để nhìn rõ chân tướng của nó. Đừng lảng tránh nỗi sợ, ngược lại, hãy chấp nhận nỗi sợ, nhận thức được nỗi sợ ấy, và nhìn rõ nó đang đến từ đâu. Tất cả chúng ta đều có nỗi sợ, chúng khiến chúng ta tập trung vào quá khứ và lo lắng về tương lai. Khi chúng ta nhận thức được nỗi sợ, và nhìn thật kỹ, thật chậm và thật sâu vào nó, ta thực sự đang sống ở thực tại, và chúng ta sẽ nhận ra: “mọi thứ vẫn đang ổn”. 

Đọc từng trang sách, ta như cảm nhận từng tiếng nói nhẹ nhàng và lời giảng đầy ấm áp và chậm rãi của thiền sư ở trong tâm trí. Nếu nỗi sợ đang vây kín và làm bạn ngộp thở, hãy thử cầm một vài trang sách lên đọc và tận hưởng giây phút thực tại ấy, giây phút mà bạn hiểu được rằng hiện tại cũng tràn ngập những mầu nhiệm, chứ không chỉ có khổ đau, đó không phải là một sự trấn an nhằm quên đi cái nỗi sợ của bạn, mà ngược lại, đó là tuệ giác để nhìn thấu được nỗi sợ và cái mà chúng ta sợ, khi đã thấu triệt và sống được với điều ấy, thì bạn sẽ bắt đầu một hành trình tự tại, hạnh phúc và “vô úy” hơn. Bạn sẽ có cái nhìn bạn điều khiển được nỗi sợ ấy, chỉ bằng sự tỉnh thức và sống ở giây phút thực tại. 

Đôi nét về tác giả:

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, sinh ngày 11/10/1926 ở miền trung Việt Nam, Ông theo học ở chùa Từ Hiếu, thành phố Huế và trở thành một tu sĩ Phật giáo vào năm 16 tuổi. Là một tu sĩ trẻ vào đầu những năm 1950, ông đã tích cực tham gia vào phong trào phục hồi Phật giáo Việt Nam. Ông là một trong những người đầu tiên nghiên cứu chủ đề thế tục tại một trường đại học ở Sài Gòn.

Ông là một trong những giáo sư Phật giáo nổi tiếng nhất ở phương Tây, giáo lý và thực hành của ông thu hút nhiều người với nhiều nguồn gốc tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất bản hơn 100 quyển sách về thiền định, chánh niệm và Phật giáo, trong đó hơn 40 bài bằng tiếng Anh. Ông đã bán được hơn ba triệu cuốn sách ở Mỹ, một số tác phẩm nổi tiếng nhất bao gồm: Being Peace, Peace Is Every Step, The Miracle of Mindfulness, The Art of Power, True Love and Anger. Khi đã ngoài 70, sức khoẻ có phần suy giảm, nhưng với ý trí mạnh mẽ của một người hướng dẫn tinh thần của thế giới, Thiền sư đã viết hơn 75 quyển sách văn xuôi, thơ và cầu nguyện. Hầu hết các tác phẩm của ông đều hướng về độc giả Phật giáo, nhưng lời dạy của ông đã thu hút và làm thay đổi cuộc sống của đông đảo mọi người

 
Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm