• Thể loại: Phim tài liệu
  • Thời lượng: 86 phút
  • Đạo diễn: Greg Whiteley
  • Diễn viên: Laszlo Bock, Brian Cesson, Scott Swaaley
  • IMDb: 8.3/10
  • Năm phát hành: 2015

Most Likely to Succeed (MLTS) là một bộ phim tài liệu được lựa chọn chính thức để công chiếu tại hơn 20 liên hoan phim trong đó có Sundance, và được giới thiệu tới hơn 4000 cộng đồng trên toàn thế giới. Đây là một bộ phim phân tích thấu đáo lịch sử giáo dục Hoa Kỳ cũng như những hạn chế của nó trong thế giới với nhiều đổi thay ngày nay. Với những câu chuyện thực tế từ các trường học, cộng đồng, sáng kiến đang giúp định hình lại vai trò của người dạy, người học và phụ huynh, bộ phim lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ về một câu hỏi lớn, rằng: “Môi trường giáo dục nào sẽ thành công trong thế kỷ 21?”.  

Tựa phim “Most Likely To Succeed” là một cách chơi chữ khiến người xem phải nhìn lại định nghĩa về “Thành công”. Liệu rằng thành công đối với con em chúng ta có còn được đo bởi điểm số của các bài kiểm tra theo chuẩn? Hay trong thời đại VUCA1 này, chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào thực học, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và niềm vui khi khám phá ra những điều mới mẻ trên hành trình học hỏi.   

Bộ phim bắt đầu với câu nói của John Dewey, rằng: “If we teach today as we taught yesterday, we rob our children of tomorrow”. (Lược dịch: Nếu ngày hôm nay chúng ta dạy như ngày hôm qua, chúng ta đang cướp đi chính tương lai của con em mình.) 

Đạo diễn Greg Whiteley quyết định tìm hiểu về hệ thống giáo dục Hoa Kỳ sau khi chứng kiến sự trầy trật và chán nản của cô con gái đang học lớp 4 của mình trong các giờ học Toán. Cô bé vẫn không chấp nhận được giải thích từ cô giáo rằng cô bé cần tiếp tục nỗ lực để xây dựng các năng lực về nhân cách sẽ có lợi về sau thông qua việc học Toán.  

Đi ngược về dòng lịch sử của Hoa Kỳ, một cột mốc đánh dấu một bước ngoặt lớn trong mô hình giáo dục là vào năm 1893, thời điểm vàng son của cuộc cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên câu chuyện thay đổi thật sự đã bắt đầu từ năm 1843 khi Horace Mann, một nhà giáo đến từ Massachusetts có dịp đến thăm nước Phổ trong kỳ nghỉ trăng mật của mình. Tại đó, ông đã nhìn thấy một mô hình giáo dục hoàn toàn mới. Vì trước đó, khi nhắc đến giáo dục thì người ta chỉ nghĩ đến một nhóm người thuộc tầng lớp trí thức, tinh hoa đang ngồi đàm đạo với nhau. Sau khi nước Phổ bị bại trận trong các cuộc chiến với Napoleon vào những năm của thập niên 1800 thì một người Phổ là Johann Gottlieb Fichte đã xây dựng nên một mô hình giáo dục mới cho tất cả các cậu bé Đức từ 7-14 tuổi nhằm tạo nên một đội quân có sự chặt chẽ, tuân lệnh và có tổ chức hơn. Một trong những cải cách của ông ta là phân chia việc dạy và học theo tuổi, năng lực và môn học. Horace Mann đã tham quan mô hình này và đem những ý tưởng này về lại Hoa Kỳ, nơi đang nung nấu những ý định của các nhà lãnh đạo cuộc cách mạng công nghiệp như Ford, Carnegie, Vanderbilt và Morgan. Họ đã thành lập nên một hội đồng với tên gọi là “The Committee of Ten”, bao gồm 10 hiệu trưởng các trường đại học, với nhiệm vụ tạo nên một khung chương trình đào tạo gồm các môn học chuẩn mà tất cả các trẻ em đều phải biết. Họ đã hoàn tất thiết kế chương trình này vào năm 1892 và kể từ đó đến nay phần lớn khung chương trình vẫn được giữ nguyên. Một hệ thống giáo dục được thiết lập để đào tạo ra hàng triệu công nhân nhà máy nhằm thực hiện các công việc mang tính lặp lại một cách hiệu quả nhất vẫn còn được sử dụng sau hơn một thế kỷ! Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao chúng vẫn tồn tại?  

Bộ phim tiếp tục đưa ra câu hỏi về tương lai của con người, về lực lượng lao động khi mà cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng tới từng ngóc ngách trong đời sống thường nhật. Những câu chuyện đánh động vào những vấn đề đầy thách thức này như cuộc đấu cờ vua giữa Deep Blue với Kasparov, hay giữa siêu máy tính Jeopardy của IBM với Ken Jennings từ giữa những năm của thập niên 1990. Vậy mà chúng ta vẫn ngồi đây đốc thúc con em mình chuẩn bị cho các bài kiểm tra như SAT để rồi sau khi thi xong các em gần như quên sạch các kiến thức chỉ trong một thời gian ngắn. Và khi các con số về thực tế thất nghiệp phũ phàng được đưa ra khiến cho người xem không khỏi bàng hoàng nhận ra vòng xoáy mình đang rơi vào. Dường như vấn đề này không phải chỉ riêng của mỗi Hoa Kỳ.

Một ánh sáng hy vọng được thắp lên khi bộ phim chuyển góc máy sang trường High Tech High. Nơi mà người xem được tham gia vào các bài học không hề theo mô típ truyền thống và chứng kiến sự tương tác thường xuyên giữa thầy và trò. Sự chuyển hóa của các em học sinh lớp 9 từ đầu học kỳ cho đến buổi triển lãm thật sự chạm vào những nguyên lý cốt lõi mà giáo dục đáng ra nên là như vậy. Từ việc các em có thể cùng nhau giải quyết những thách thức có ý nghĩa; có thể tiếp cận với các tài nguyên và nguồn lực mở; chật vật trong nhiều ngày trời và học cách đứng lên sau mỗi vấp ngã; học cách hình thành quan điểm, lập trường của riêng mình; dám thảo luận và tranh biện; học cách đặt câu hỏi hay; học cách hợp tác, làm việc nhóm; biết cách trình bày thành tựu của mình tới nhiều người; và đến làm việc một cách thật chăm chỉ vì các em thật sự có động lực từ bên trong. Và còn rất nhiều câu chuyện tương tự như thế nữa ở khắp nước Mỹ và các nơi khác trên toàn thế giới!  

Tôi muốn kết lại bài chia sẻ này với câu nói rằng: “What is important today is not what you know, but what you can do with what you know.” (Lược dịch: Điều quan trọng của thời đại ngày nay không phải là điều gì mà bạn biết, mà là bạn có thể làm gì với những gì mình biết). Hành trình này còn rất dài khi còn biết bao nhiêu em học sinh ở các nhóm khác nhau, các quốc gia khác nhau đang chưa có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ trong giáo dục. Tuy nhiên chúng ta không thể chờ một ai đó đến giải cứu chúng ta được. Chúng ta chỉ có thể là những người anh hùng thường nhật và cùng dấn thân trên con đường tạo ra sự thay đổi tích cực mà thôi. Mong bạn cũng tự tìm ra được đáp án cho riêng mình sau khi xem bộ phim này như rất nhiều người đã, đang và sẽ tiếp bước trên hành trình này.  

Và xin mời bạn xem trailer của bộ phim:


Chú thích/ Tài liệu tham khảo:
(1) VUCA là viết tắt của Volatility (biến động), Uncertainty (không chắc chắn), Complexity (phức tạp) và (Ambiguity) mơ hồ.
Bài Giới thiệu Phim này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến