• Thể loại: Phim tài liệu
  • Thời lượng: 42 phút
  • Đạo diễn: Trần Văn Thủy
  • Ngôn ngữ: Tiếng Việt
  • Giải thưởng: Bồ Câu Bạc tại liên hoan phim quốc tế Leibzig năm 1987
  • Năm phát hành: 1983

 

“Tử tế có trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc, hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó trên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù cho có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn.”

Chuyện tử tế là bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy được bắt đầu với cảnh các nhà làm phim thắp hương trước ngôi mộ của người đồng nghiệp là nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết nhân ngày giỗ đầu của ông. Trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, Đồng Xuân Thuyết đã dặn dò các đồng nghiệp của ông hãy làm một cái gì đó  xuất phát từ tình yêu thương con người với con người, với nỗi đau nhân thế. Sau đó là câu chuyện đi tìm ý nghĩa đích thực của hai từ “tử tế”, họ lắng nghe suy nghĩ từ những con người khác nhau, từ người lao động nghèo khó đến những tầng lớp trí thức, từ trẻ nhỏ đến người già. Qua hành trình đi tìm câu trả lời ấy, tác giả cũng nêu lên những suy tư, trăn trở của bản thân về tình người, tình đời và cũng cho chúng ta thấy được những gian khó và quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp của một người “làm nghề” chân chính.

Thế nào là sự tử tế?

“Đây là 1 câu hỏi lẩm cẩm, tử tế à, anh thử nghĩ mà xem. Người cần sự cứu giúp thì gặp kẻ ban ơn cũng thành sự tử tế. người sa cơ lỡ vận gặp kẻ cần tương thân để toan tính những việc xa hơn cũng thành sự tử tế. Tử tế là một cái gì đó tế nhị, có đi cũng có lại” một anh nông dân nói. Và rồi “Tử tế có nguồn gốc từ Hán Việt. “Tử” có nghĩa là việc nhỏ nhất, “tế” có nghĩa là điều nhỏ nhất, hai từ đó cộng lại có nghĩa là cẩn thận từ cái việc nhỏ nhất, vì từ tử tế chúng ta hiểu lúc này nó sai đi. Tử tế thật sự không thể có tiền mà mua được, không thể mong ước mà có được, ta phải qua cái học hành, cái rèn luyện, cái giữ gìn, cái kế thừa mà có. Tử tế là bông hoa thơm, bông hoa đẹp của tình người”

“Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường tình, là niềm an ủi của người đời, chỉ có đồ hủi mới ăn ở với nhau chẳng ra gì”

Có những người ăn ở với nhau đến là tử tế…

Chuyện tử tế ở đây như một cuốn sách triết lý nhưng lại vô cùng dễ hiểu, nó không đơn thuần là phim nữa mà nó còn là chuyện đời, một câu chuyện thấm đẫm về tình người mà không phải xem qua một lần là có thể hiểu hết, chúng ta phải xem đi, xem lại, nghiền ngẫm. Những câu chuyện từ người thành phố bình thường tới những người lao động lam lũ nơi thôn quê và cả những người bị bệnh phong được khai thác một cách nhẹ nhàng mà khiến người xem thắt tim lại và suy xét thật nhiều, cách người trong cuộc nói lên từng suy nghĩ của mình, cách quay điển hình của phim tài liệu cho ta cái nhìn trực quan mà không phải loại phim nào cũng có thể truyền tải hết được.

Nếu ai lỡ yêu cách thể hiện và màu phim tài liệu cũ thì đây quả thực là thước phim quý giá và tuyệt vời, lời thoại và các tuyến nhân vật đắt giá, vô cùng trong vành rõ nét không bị lê thê như nhiều bộ phim tài liệu khác. Không chỉ vậy, đây còn là bộ phim ngay từ đầu ra mắt đã gây nhiều tranh cãi và bị cấm chiếu từ năm 1985 cho đến năm 1987 mới được chiếu và được đích thân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh giới thiệu tới đông đảo khán giả Việt Nam thời bấy giờ. Đây quả thật là một bộ phim đáng xem nếu ai vẫn còn đang loay hoay suy tư về việc làm người, làm nghề hay đơn giản chỉ là tìm về cái nguồn cội của việc làm phim tài liệu và hai màu đen trắng quen thuộc.

Chuyện tử tế kết thúc bằng hình ảnh đám tang của Đồng Xuân Thuyết và những lời tâm sự của ông về lòng ham muốn được tiếp tục sống để chứng kiến bộ phim hoàn thành. Thật xứng đáng khi phim được giải Bồ câu bạc trong liên hoan phim quốc tế Leipzig tại Cộng hòa dân chủ Đức. Phim được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao, mang tính đột phá trong thể loại phim tài liệu Việt Nam và chứng tỏ sự dũng cảm tuyệt vời của những nhà làm phim trong việc phản ánh hiện thực xã hội và suy nghĩ của người dân. Chuyện tử tế cũng góp phần làm thay đổi cách suy nghĩ của một số Việt kiều về hình ảnh đất nước nay đã có những thay đổi.

2-3 câu trích dẫn trong phim mà mình tâm đắc (lời thoại của nhân vật, lời người dẫn truyện,...) (tùy chọn):

○ Quote 1: “Có những con người cũng như loài kì nhông, họ vòng vo, tinh khôn, chẳng bao giờ để lộ cái gì có thể phương hại đến bản thân mình, chúng ta còn khốn đốn nếu có những người không thật, nếu có nhiều điều không thật, nếu có nhiều sự việc không gọi bằng đúng cái tên thật của nó”.

○ Quote 2: “Đáng sợ hơn chính là sự dốt nát, loài người cũng chưa có đạo luật nào xử lí đến tội dốt nát và cũng chưa có 1 cơ quan thống kê nào tính đến những hậu quả của sự dốt nát gây ra, suy cho đến cùng thì mọi sai lầm của xã hội đều bắt đầu từ sự dốt và nát. Không có ai định nghĩa chính xác hơn người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học. Dốt nát là sức mạnh của ma quỷ. Nếu sa đà vào việc luận bàn về sự dốt nát và sự thông thái, tôi e rằng đó là chuyện muôn thuở. Người đời có nói phú quý sinh lễ nghĩa, bần hàn sinh đạo tặc, có lẽ vấn đề đó gần với chúng ta hơn khi đời sống vật chất tồi tệ, bất công thì nhân tính bị xói mòn, thiện ác lẫn lộn, chống sự suy thoái của đời sống chính là chống sự xói mòn của nhân tính.”

○ Quote 3: “Tôi xin hứa và nhất loạt tuân theo những ước lệ và tính thanh cao, lòng chính trực trong khi hành nghề. Tôi sẽ chữa bệnh không lấy tiền cho những người nghèo khó và không bao giờ đòi hỏi việc thù lao quá với công sức của mình. Tôi chỉ mong mọi người dành cho lòng quý mến, nếu tôi làm đúng lời thề, lời thề Hippocrate, một lời thề tử tế.”

  • Quote 4: “Cũng chẳng ân hận lắm, bởi lúc sống chúng mình ăn ở với nhau rất là tử tế, các cậu nên làm với nhau một cái gì đấy, một cái gì đấy bắt đầu từ tình thương yêu con người, đi từ nỗi đau của con người, không có gì thành thật bởi lời nói của người sắp qua đời.”
  • Quote 5: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nỗi con người không mang nổi, bởi thế người đời chúng ta ngày nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, người ấy lại giúp cho người khác, giúp cho người khác nữa và cứ như thế cho đến vô cùng sao cho cái chết của con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống.”
  • Quote 6: “Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm.”

------------------------------------
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến

Với sự hỗ trợ từ các Cộng tác viên
Mai Thảo Ly