• Thể loại: Chiến tranh
  • Thời lượng: 28 phút
  • Đạo diễn: Trần Hàm
  • Ngôn ngữ: Tiếng Việt
  • IMDb: 8.2/10
  • Giải thưởng: 25 giải thưởng gồm Huy Chương Vàng tại Đại Hội Điện Ảnh USA Film Festival, giải Đạo Diễn Xuất Sắc và giải Phim Xuất Sắc tại Đại Hội Điện Ảnh Visual Communications, giải Khán Giả Bình Chọn tại Đại Hội Điện Ảnh ViFF,... Đồng thời lọt vào danh sách bán kết cho đề cử giải Oscar 2004 cho hạng mục phim ngắn
  • Năm phát hành: 2003

Phim ngắn “Ngày giỗ” của đạo diễn Trần Hàm lấy chiến tranh và số phận của con người trong cuộc chiến làm đề tài, được sản xuất năm 2003 và đã xuất sắc giành được 25 giải thưởng quốc tế, đồng thời lọt vào danh sách bán kết cho đề cử giải Oscar 2004.

Bối cảnh lịch sử của bộ phim là Việt Nam trong thập niên 1960. Với tên gọi của mình, bộ phim đã mở đầu bằng hình ảnh một nhà sư thắp nhang và chuẩn bị mâm cúng để dâng lên bàn thờ. Từ hình ảnh phong tục giỗ của người Việt với đĩa xôi, tách trà làm chủ đạo, đạo diễn đã chuyển sang cảnh vui đùa của những đứa trẻ hồn nhiên quanh căn bếp của mẹ. Hình ảnh căn bếp được sử dụng giúp ta hình dùng được bối cảnh quây quần của gia đình thường nhật, cùng với lá bùa mà bố mẹ nào cũng xin cho con mình để cầu an cũng thể hiện rõ sự trông cậy ở trời đất trong sự bất ổn loạn lạc của thời thế. Đan xen với hình ảnh trốn bắt của hai đứa trẻ là hình ảnh người lính đang cố gắng trốn chạy và truy đuổi kẻ địch. Dòng thời gian của bộ phim đan xen nhau gợi lên sự liên tưởng cho người xem mà không cần lặp lại dài dòng. Xem đến cuối bộ phim ta mới thật sự khắc khoải về sự tàn nhẫn của chiến tranh không chỉ làm chia ly nhiều gia đình, mà kể cả khi gặp được nhau cũng còn có thể đau đớn. Người anh khi còn nhỏ đã vô tình làm em mình bị phỏng ở bàn tay và khi lớn lên người em lại vô tình giết chết chính anh trai của mình khi thất lạc nhau và vô tình ở hai đầu chiến tuyến. Hình ảnh cuối cùng với cảnh cả gia đình có thể chụp chung một tấm hình tưởng như đơn giản nhưng đó dường như là ước muốn của tất cả gia đình trong thời chiến, đó là sự đoàn tụ, quây quần bên cạnh đầy đủ người thân của mình, nhưng cuối cùng đối lập lại là hình ảnh nhà sư một mình trong căn phòng với sự thương nhớ về những người thân đã khuất trong chiến tranh.

Về âm nhạc và màu sắc, ba bài hát Điệu về, Thương tình ca và Người về kết hợp với màu phim và tiếng piano gợi lên cảm giác xưa cũ và hoài niệm.

Thay cho lời kết, chiến tranh dù với bất kỳ lý do gì cho lợi ích của ai thì mất mát lớn nhất vẫn là từ người dân, và còn đau khổ hơn khi đó là cuộc chiến của những con người cùng dòng máu, cùng sắc tộc. Tự do cũng giống như những con chim bay vút ra khỏi lồng, luôn là ước muốn của con người.

Hãy xem phim và cảm nhận từng hình ảnh, âm nhạc và ý nghĩa mà bộ phim mang lại. 

[Mời xem trailer của bộ phim]

 
Bài Giới thiệu Phim này được viết, 
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn