• Thể loại: Chính kịch
  • Thời lượng: 128 phút
  • Đạo diễn: Robert Mulligan
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh
  • IMDb (nếu có): 8.2/10
  • Giải thưởng (nếu có): Đạt 3 giải Oscar năm 1963 trong đó có Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất
  • Năm phát hành: 1962

Bộ phim Giết con chim nhại (1962) đạt doanh thu gần gấp 10 lần vốn đầu tư, thu lại vô số các phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và luôn được cân nhắc là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Đồng thời, bộ phim giành ba giải Oscar vào năm 1963 cho "Nam diễn viên chính xuất sắc" (Gregory Peck), "Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc" và "Kịch bản chuyển thể xuất sắc". Giết Con Chim Nhại là một trong những tác phẩm kinh điển của văn chương Mỹ của nhà văn nữ Harper Lee. Bà giới thiệu đến độc giả tác phẩm này năm 1960, đoạt giải Pulitzer năm 1961.

Bộ phim diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ có nhiều sự xung đột về chủng tộc, buổi đầu của kỷ nguyên nô lệ, của nạn phân biệt chủng tộc khắc nghiệt đánh dấu một thời kỳ đen tối, khủng hoảng bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bộ phim xung quanh gia đình bố Atticus và hai anh em Scout và Jem. Cha Atticus là một người cha hình mẫu của lương tri và nhân phẩm. Nếu đứa trẻ nào lúc lớn lên cũng có một người cha như Atticus, đứa trẻ ấy chắc chắn sẽ trở thành những con người chính trực và thiện lương nhất.

Lấy ý tưởng từ hình ảnh những con chim nhại - loài chim vô hại nhưng vốn bị kỳ thị, nhà văn Harper Lee đã viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất của đời mình về tình đồng loại. Hình ảnh ẩn dụ của con chim nhại xuất hiện nhiều lần trong tiểu thuyết và được truyền đầy đủ trên phim là để ẩn dụ việc con người sinh ra lương thiện đã bị đẩy vào những con đường sai trái, lệch lạc và đen tối của xã hội và chết đi trong tâm hồn như những con chim nhại bị giết vậy. “Những con chim nhại” là Tom - một anh chàng hiền lành, lương thiện, hay giúp đỡ nhưng mang tội lỗi vì là người da màu. Đó là Boo - một cậu học sinh hiếu học, trong sáng nhưng gần suốt cuộc đời phải sống trong bóng tối vì là kẻ thiểu năng, nửa điên nửa dại trong mắt mọi người.

Ngoài hình tượng lớn về giá trị đồng loại xuyên suốt bộ phim, các giá trị nhân bản khác cũng được đề cập. Gia đình là một trong số đó. Gia đình là bệ phóng vững chắc nhất của mọi đứa trẻ và con cái chính là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ. Sự chính trực, khiêm cung và nhân văn của cha Atticus sẽ luôn mãi là hình ảnh kinh điển về giá trị nhân văn của giáo dục gia đình, nơi đầu tiên hình thành những nền tảng cơ bản của mỗi con người. 

Ngôn ngữ điện ảnh

Những cuộc rình rập, rượt đuổi trong đêm với sự hỗ trợ đắc lực của âm nhạc dồn dập, căng thẳng như nhịp thở của đứa trẻ hoảng hốt trốn chạy thực sự kéo người xem vào cuộc để cùng tham gia vào những trò ú tim. Góc quay không rời người kể chuyện (Scout) nửa bước đã kéo khán giả gần lại chiếc xích đu cót két về đêm, những bờ rào lạnh lẽo hay những lối đi dưới hàng cây tăm tối theo đúng như cách cô bé sáu tuổi lắng nghe và cảm nhận.

Nguồn tham khảo

Anh Mai. (9.1.2014). ‘To Kill a Mockingbird’ và bài ca về tình đồng loại. https://vnexpress.net/. Truy xuất từ:  https://vnexpress.net/to-kill-a-mockingbird-va-bai-ca-ve-tinh-dong-loai-2937035.html

Nhạn Thái. (2014). [Phim cũ mà hay] To Kill a Mockingbird – Giết Con Chim Nhại. https://tinhte.vn/. Truy xuất từ: https://tinhte.vn/thread/phim-cu-ma-hay-to-kill-a-mockingbird-giet-con-chim-nhai.2391613/

Lê Hồng Lâm. (8.1.2017). Cảm hứng điện ảnh: Giết con chim nhại để lại dấu ấn về lương tri. https://thanhnien.vn/. Truy xuất từ: https://thanhnien.vn/van-hoa/cam-hung-dien-anh-giet-con-chim-nhai-de-lai-dau-an-ve-luong-tri-781502.html 

[Mời bạn cùng xem Trailer Bộ Phim]

Bài Giới thiệu Phim này được viết, 
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn