• Thể loại: Chiến tranh, tâm lý tình cảm
  • Thời lượng: 2 giờ 22 phút 
  • Đạo diễn: Lưu Huỳnh
  • Diễn viên: Trương Ngọc Ánh, Quốc Khánh, Nguyễn Thu Trang, Trần Thiên Tú, Đỗ Thu Hằng
  • IMDb: 7.5/10
  • Giải thưởng: Bộ phim đã đoạt 5 giải Cánh Diều Vàng ở các hạng mục: “Phim truyện nhựa xuất sắc”, “Quay phim xuất sắc”, “ Âm thanh xuất sắc”, “Đạo diễn xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc”. Đề cử giải Oscar cho “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” lần thứ 80 năm 2007
  • Năm phát hành: 2006

Bộ phim diễn ra vào bối cảnh năm 1954, Việt Nam chìm trong chiến tranh loạn lạc. Bộ phim xoay quanh cuộc sống nghèo khó, cùng cực của gia đình anh Gù và chị Dần.
Gù và Dần đều sống bằng nghề làm thuê ở mướn từ nhỏ. Nảy sinh tình cảm với nhau, hai người quyết định bỏ trốn vào Nam xây dựng cuộc sống mới. Hằng ngày, hai vợ chồng xúc hến, mò cua bắt ốc lo cho sáu miệng ăn trong gia đình. Dù khó khăn vất vả, gia đình vẫn yêu thương nhau, sống tần tảo qua ngày không một lời than vãn. Thời gian thấm thoắt qua đi, hai cô con gái của anh chị cũng đến tuổi đến trường và cần tấm áo dài theo lời cô giáo. Vay mượn khắp nơi vẫn không đủ tiền mua vải may áo cho con, Dần chấp nhận làm vú cho một ông già lom khom người Hoa. Nuốt nước mắt vào trong, cô làm tất cả mọi chuyện để con được học hành đến nơi đến chốn: “Bây giờ có phải làm đĩ để nuôi chúng ăn học nên người, em cũng không tiếc gì phần em”.
-----------------------
Khi đủ tiền, cô lên chợ mua vải cho con nhưng bị cảnh sát (Chính quyền Việt Nam Cộng hoà) giữ lại vì tờ giấy tuyên truyền của quân Việt Minh xuất hiện trong giỏ xách của cô. Sau khi bị tra hỏi, Dần thất thần ra về như người vô hồn vàlàm bay những mảnh vải may áo. Vì vậy, An và Ngô phải thay nhau mặc một chiếc áo dài đến lớp. Hai chị em gìn giữ áo cẩn thận như giữ gìn món quà quý giá nhất của tình mẫu tử. An viết bài văn về chiếc áo dài của mẹ được điểm cao nhấtlớp và đọc bài trước sự chăm chú lắng nghe của bạn bè, cô giáo. An qua đời vì một trận đánh bom nên nhà chỉ còn ba chị em gái. Gù chờ đến ngày tốt thầy xem để làm đám cưới trọn vẹn nhưng không thành, Dần ra đi mãi mãi khi cào hến dưới sông trong một cơn lũ lớn. Gù một mình gà trống nuôi con trong sự nghèo khó của chiến tranh. Kết thúc phim là cảnh đất nước hòa bình năm 1975. Suy cho cùng, chiến tranh dù chiến thắng hay chiến bại đều mang đến bao khổ đau cho con người.
Cảm nhận:
Áo lụa Hà Đông lấy bối cảnh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam, miêu tả sắc nét cuộc sống của người dân lam lũ, chịu thương chịu khó và đau khổ vì mất người thân. Lúc rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, sức sống của con người sẽ trỗi dậy mãnh liệt nhất. Không đủ miếng ăn, cái mặc nhưng họ vẫn giữ lấy phẩm giá của chính mình, sống trong sạch, lương thiện và chăm chỉ làm việc nuôi con ăn học thành người. Làm việc quần quật từ sớm đến khuya, hai vợ chồng Dần và Gù vẫn không lo đủ cơm ăn áo mặc cho cả gia đình. Chiến tranh khiến người lao động chân chính rơi vào túng thiếu, bất hạnh và khó tìm thấy lối thoát cho cuộc sống nghèo khổ của mình. Hai vợ chồng nuôi hy vọng vào cuộc sống tốt hơn trong tương lai nhưng cuộc sống chẳng bao giờ như ước muốn cả, nghèo khổ túng thiếu vẫn hoàn nghèo khổ túng thiếu. Cảnh hai chị em An và Ngô thay nhau tấm áo dài để đi đến trường hay cảnh cả nhà ăn cháo qua ngày trong mùa nước lũ khiến bao khán giả chạnh lòng, chua xót. Với tôi, cảnh ấn tượng nhất cảnh là khi Dần bán đi từng giọt sữa để lấy tiền may áo dài cho con. Bộ phim chân thực, không một chút tô vẽ, phóng đại sự cùng quẩn của con người trong chiến tranh.
Chiếc áo dài bằng lụa đã đi theo gia đình Dần và Gù từ đầu đến cuối phim như một nhân chứng sống. Gù muốn cưới Dần nhưng cả hai nghèo quá chẳng có gì ngoài tình yêu. Chiếc áo dài bọc lấy Gù khi được thầy Phán nhặt từ gốc cây là món kỷ vật quý giá nhất trong cả cuộc đời của anh. Sau này, chiếc áo dài trở thành món quà cưới duy nhất Gù có dành tặng Dần bày tỏ tình yêu thương chân thành nhất. Áo dài là hiện thân và một phần tâm hồn của người phụ nữ Việt. Cô bé An con Dần yêu chiếc áo dài vì nó đã cùng mẹ cô trải qua biết bao thăng trầm, sóng gió và là món quà duy nhất mẹ để lại cho con trước lúc ra đi vĩnh viễn. Trong bài văn của An đọc trước lớp có ghi: “Mẹ tôi bảo áo dài là biểu tượng của sự chịu đựng vô bờ bến. Của những tấm lòng rộng lượng của người phụ nữ Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, dù cho chiến tranh bom đạn, có tàn phá thế nào đi nữa. Áo dài Việt Nam vẫn tồn tại và giữ được vẻ đẹp của nó, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, không phải là làn da trắng hay má đỏ môi hồng mà phải nhìn qua những tà áo dài thướt tha, dịu dàng thể hiện lên một tâm hồn trong sạch và tính nết đoan trang của nó.” Đúng như những trong bài văn An viết , bộ phim vừa vẽnên một bức tranh buồn thảm thương về cuộc sống đói nghèo của người dân nước Việt, vừa là một thông điệp đanh thép, cao quý cho tấm lòng son sắc,  bản lĩnh bất khuất, ý chí mạnh mẽ của người phụ nữ và con người Việt Nam.
Hơn một thập kỉ trôi qua, bộ phim vẫn còn gây tiếng vang vì miêu tả chân thật, đẹp đẽ nhất về thời kỳ đau thương mất mát và phẩm chất oai hùng của người con đất Việt.
 
 

 
Bài Giới thiệu Phim này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Lê Nguyễn Trần Huỳnh
 Nguyễn Hoàng Bảo Huy 
Phạm Thị Quỳnh Mai
 Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
 Nguyễn Đình Quý 
Trần Minh Dạ Thảo