• Thể loại: Chính kịch lịch sử
  • Thời lượng: 1 giờ 40 phút
  • Đạo diễn: Đặng Nhật Minh
  • Diễn viên: Minh Hương, Tina Dương, Ben Rindner, Richard Connors 
  • IMDb: 7.6/10
  • Giải thưởng: Cánh Diều Vàng Việt Nam cho các hạng mục: Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất - Phim điện ảnh, Đạo diễn xuất sắc nhất - Phim điện ảnh, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất - Phim điện ảnh,  Âm thanh xuất sắc nhất - Phim điện ảnh
  • Năm phát hành: 2009

“Đừng đốt” - Một cái tên phim mà chợt nghe có thể sẽ không gợi cho ta nhiều xúc cảm, nhưng càng tìm hiểu về câu chuyện Đừng đốt, ta sẽ càng nhận ra những ý nghĩa đặc biệt đằng sau tên gọi này. Bộ phim được dàn dựng từ quyển hồi ký được viết vội trên hành trình tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ của nữ liệt sỹ bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Từng thước phim đã khắc hoạ một cách gần gũi, chân thực tình cảm trong sáng, tấm lòng nhân hậu của cô gái trẻ Đặng Thuỳ Trâm thông qua những trang nhật ký do chính cô viết, qua lời kể của Mẹ cô, của bạn bè và kể cả con người bên kia chiến tuyến.   

Có người gọi bộ phim này là một câu chuyện cổ tích có thực, và bản thân thân phận của quyển nhật ký do liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm viết nên đã là một câu chuyện cổ tích giữa chiến trường bom đạn. Hai tập nhật ký này đã được cựu sỹ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic Whitehurst lưu giữ trong suốt 35 năm và trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4, 2005 sau nhiều lần tìm cách liên lạc, tìm kiếm tung tích của gia đình. Ông đã giữ quyển nhật ký này mà không đốt đi, vì theo lời của thông dịch viên, thượng sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Trung Hiếu: “Fred, đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa”.  

Ngọn lửa trong quyển nhật ký này xuất phát từ một tình yêu lớn lao trong lòng cô gái trẻ Hà Nội dành cho từng cành cây, ngọn cỏ, dành cho gia đình, dành cho những con người cô gặp trong cuộc chiến, dành cho ngày hoà bình trên đất nước cô, và hơn hết thảy, dành cho những trăn trở về thân phận con người và cái vô nghĩa của chiến tranh. Những hình ảnh đạn bom trên chiến trường càng khắc hoạ rõ nét sự tàn nhẫn của chiến tranh. Bao nhiêu con người nằm xuống, bao nhiêu người con ra đi không có ngày trở về, bao nhiêu người ở lại đau đớn con mất mát, bao nhiêu người còn sống vùi mình trong những ám ảnh về quá khứ,... Những chi tiết này hiện lên một cách nhẹ nhàng, ý nhị nhưng đầy sâu sắc qua mỗi thước phim. Để rồi chính từ đó, mỗi người chúng ta lại có cơ hội được nhìn nhận lại và trân trọng hơn sự may mắn được sống trong thời bình ngày hôm nay, hoà bình được đổi bằng máu xương của bao người.  

Lấy bối cảnh nơi chiến trường bom đạn, xen lẫn những thước phim về cuộc sống giản dị của gia đình liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm. 102 phút của bộ phim cứ vậy mà trôi qua, không có những cao trào, không có những kỹ xảo điện ảnh hoành tráng. Tuy vậy, sự chăm chút vào từng chi tiết nhỏ trong quá trình dàn dựng, từng cử chỉ hành động đúng mực của mỗi nhân vật trong phim đã giúp bộ phim trở nên đầy chân thực và lắng đọng. Bộ phim kết thúc với những lời hát trong trẻo vang vọng với hai thơ của liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm: “Và ai có biết chăng ai, tình thương đã chắp cánh dài”... Phải chăng đây cũng chính là thông điệp mà đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn gửi gắm đến người xem, một thông điệp về tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương nhân loại.  

Bài Giới thiệu Phim này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh