• Thể loại: Tâm lý xã hội - chiến tranh
  • Thời lượng: 97 phút
  • Đạo diễn: Nguyễn Hữu Mười
  • Ngôn ngữ: Tiếng Việt
  • Giải thưởng: Cánh diều vàng
  • Năm phát hành: 2012


“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

Với 04 giải Cánh diều vàng được trao ở nhiều hạng mục, bộ phim “Mùi cỏ cháy” đã được đông đảo khán giả đón nhận và để lại ấn tượng sâu sắc. 

Với đề tài người lính trong chiến tranh, bối cảnh cụ thể được tái hiện về câu chuyện của những sinh viên Hà Nội theo lời Tổng động viên, xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ năm 1971 và trận chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị.

Từ những câu chuyện có thể và lấy cảm hứng từ Nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, Đạo diễn Hữu Mười đã vẽ nên một bức tranh đầy khốc liệt trong những ngày tranh đấu ác liệt nơi chiến trường thành cổ, nhưng cũng chấm phá lên được những nét hồn nhiên, sự lãng mạn có chút tinh nghịch của những cậu sinh viên khoác áo lính.

Hoàng, Thành, Thăng, Long là đại diện cho hàng nghìn sinh viên Hà Nội năm đó. Theo dấu chân của 04 nhân vật, khán giả hiểu hơn về bối cảnh xã hội, sự khốc liệt của chiến tranh và sự hi sinh của những người chiến sĩ ra trận. Câu chuyện được kể lại qua dòng hồi tưởng của Hoàng, người duy nhất có cơ hội nhìn ngày đất nước độc lập.

Bên cạnh những khung hình về cuộc chiến của mùa hè rực lửa năm ấy, chúng ta vẫn được nhìn thấy đời sống chiến sĩ những ngày tạm dừng chiến đấu, những giây phút tinh nghịch đùa vui cùng nhau. Có như vậy mới thấy hết được sự hi sinh và tinh thần dũng cảm của những thanh niên xung phong nhập ngũ. Gác lại những tháng ngày êm đềm nơi giảng đường đại học, gác lại cuộc sống yên bình nơi lòng Thủ đô, gác lại những ước mơ, hoài bão để bước tiếp đến nơi trận địa rực lửa.

Bộ phim tái hiện được nhiều chi tiết ấn tượng và có thực trên thực tế. Câu chuyện về lời hẹn tháng 4 được nhắc đến chính là nhắc đến sự tiên đoán mà Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại trong nhật ký của mình: "Hẹn đến tháng 4/1975 sẽ trả lời câu hỏi hạnh phúc là gì?".

Hành trình 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 được tái hiện qua bộ phim thực sự đã để lại trong lòng người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ chưa một lần trải qua chiến tranh. Và điều có ý nghĩa hơn cả là dù thoáng qua, hay sâu sắc thì có lẽ bất cứ ai đã từng xem phim cũng không thể không thương nhớ, trân trọng và cảm phục những người lính sẵn sàng cống hiến tuổi 20 của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

...Những dấu chân rồi lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi

      Những tháng năm trẻ nhất

Mười tám, hai mươi sắc như cỏ,

   Ấm như cỏ và yếu mềm như cỏ

Chúng tôi đi không tiếc đời mình...

Một bức tranh với màu xanh của đất, của trời và của cả thanh xuân đời trai đã trải dài trong màu hè đỏ lửa năm 1972….

 
Bài giới thiệu Phim này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý