- Đạo diễn: Jeff Orlowski
- Quốc gia sản xuất: Mỹ
- Năm phát hành: 2020
- Thời lượng: 1 giờ 34 phút
Có lẽ, Song đề xã hội - The Social Dilemma chính là một trong những phim tài liệu hay nhất mà Netflix sản xuất trong năm 2020. Theo tôi, có 3 điều làm nên sự tuyệt vời của bộ phim này.
THỨ NHẤT: NỖ LỰC GIẢI THÍCH CƠ CHẾ KINH DOANH CỦA MẠNG XÃ HỘI CHO SỐ ĐÔNG
Đã bao giờ bạn tự hỏi dù có cố gắng nỗ lực bao nhiêu để “cai” Facebook thì ngày hôm sau vẫn dành ra 3-4 tiếng đồng hồ lướt xem nội dung vô bổ? Bộ phim đã giải thích tường tận cơ chế “giữ chân” chính bạn của các mạng xã hội, để hiểu bằng cách nào những bộ óc công nghệ có thể khiến con người miệt mài dành hàng tiếng đồng hồ lướt news feed, xem video chó mèo không biết chán. Từ đó, sản phẩm kinh doanh của mạng xã hội chính là thời gian, sự chú ý và thông tin cá nhân của chính bạn. Bộ phim của đạo diễn Jeff Orlowski đã “mở mắt” cho khán giả về cách thức mạng xã hội lẫn các công cụ tìm kiếm thu về lợi nhuận khổng lồ dưới vỏ bọc miễn phí.
THỨ HAI: CHỈ RÕ MẶT TRÁI CỦA VIỆC BÁN “MÌNH” CHO CÁC MẠNG XÃ HỘI
Trong kỷ nguyên 4.0, người ta vẫn hay nói với nhau về những điều kỳ diệu mà tiến bộ khoa học kỹ thuật mang đến, nhưng dường như lại quên rằng chúng là “con dao hai lưỡi”.
Song hành với sự tiện lợi và thú vị, cái giá phải trả cho sự “miễn phí” khi sử dụng Google hay Facebook là việc dữ liệu người dùng được bán cho các nhà quảng cáo. Khi những người giàu nhất trả tiền, chúng ta phải đối mặt với thực tế không có rào cản đạo đức hay pháp lý nào đủ mạnh để bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ đánh cắp dữ liệu, nạn tin giả, những xu hướng nguy hiểm câu view.
Các trang mạng xã hội với mục đích kết nối nay có thể trở thành lý do gây ra chứng trầm cảm, mặc cảm về ngoại hình, hạn chế giao tiếp xã hội, thậm chí dẫn đến tự làm hại bản thân, hay tệ nhất là tự sát.
Trong vòng vài chục năm qua, năng lực phân tích, xử lý dữ liệu đã tăng gấp hàng nghìn tỷ lần, còn não trạng con người gần như không tiến hóa thêm. Cùng lúc, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) lại trở nên mạnh mẽ tới mức có thể “hiểu” con người hơn bản thân họ. Nói cách khác, về mặt sinh học, nhân loại không phát triển theo kịp sự tiến bộ của khoa học. Chính điều đó dấy lên nguy cơ thao túng con người. Đây cũng là nguy cơ “khủng khiếp” và bức tranh đen tối mà tác giả Harari cũng đề cập trong tác phẩm Lược sử tương lai - Homo Deus.
THỨ BA (CŨNG LÀ ĐIỀU THÚ VỊ NHẤT VỚI TÔI): NHỮNG NGƯỜI THAM GIA PHỎNG VẤN “VẠCH TRẦN” MẠNG XÃ HỘI CHÍNH LÀ NHỮNG NGƯỜI TỪNG THAM GIA ĐIỀU HÀNH CHÚNG
Tham gia vào các cuộc phỏng vấn là những cái tên đầu ngành trong lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ dữ liệu, lập trình, nhà đầu tư... Họ từng nắm giữ vị trí chủ chốt tại Google, Facebook, Pinterest hay Twitter trong quá khứ.
Cùng là những người có công việc gắn liền với công nghệ, họ hầu hết đều đồng ý ở điểm hạn chế sử dụng điện thoại và truy cập mạng xã hội. Một số xóa hết ứng dụng không cần thiết, tắt thông báo, không xem các video được đề xuất. Số khác giới hạn tuổi được sử dụng điện thoại ở con cái và cấm mang điện thoại vào phòng ngủ trước nửa tiếng. Trên hết, họ luôn kiểm tra tính xác thực của thông tin (fact-check).
Và, còn rất nhiều những “sự thật” khác được phơi bày trong bộ phim này.
Còn chờ gì nữa mà chưa xem ngay trailer bộ phim và sắp xếp thời gian thưởng thức ngay bộ phim này nhé.
_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 6
Nguyễn Đình Giang
Mai Đoàn Thảo Ly
Võ Minh Thục Quỳ
Lê Thắng
Lê Quang Tịnh