• Thể loại: tình cảm gia đình, lịch sử, xã hội
  • Thời lượng: 02:12:20
  • Đạo diễn: Trương Nghệ Mưu
  • Ngôn ngữ: Trung Quốc
  • IMDb (nếu có):
  • Giải thưởng: Đoạt các giải thưởng Giải thưởng lớn, Giải thưởng của Ban giám khảo, Nam diễn viên xuất sắc nhất và Đề cử Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994; Giải thưởng Phim ngoại ngữ xuất sắc nhất tại Giải thưởng điện ảnh Viện hàn lâm Anh quốc (BAFTA) năm 1995 và Đề cử Phim ngoại ngữ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Quả cầu vàng năm 1994.
  • Năm phát hành: 1994

 Bộ phim PHẢI SỐNG - TO LIVE của đạo diễn Trương Nghệ Mưu được ví như một cuốn phim ghi lại một giai đoạn lịch sử của Trung Hoa từ những năm 1940s theo tiến trình cuộc đời của hai nhân vật chính là Phú Quý và Gia Trân (do Cát Ưu và Củng Lợi thủ vai).

Bộ phim đã tạo nên một tiếng vang lớn trong nền điện ảnh Trung Hoa nói riêng và ghi dấu trên diễn đàn nghệ thuật quốc tế. Với sự dàn dựng công phu, nội dung sâu sắc ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa đã đưa bộ phim đạt được nhiều giải thưởng lớn: Đoạt các giải thưởng Giải thưởng lớn, Giải thưởng của Ban giám khảo, Nam diễn viên xuất sắc nhất và Đề cử Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994; Giải thưởng Phim ngoại ngữ xuất sắc nhất tại Giải thưởng điện ảnh Viện hàn lâm Anh quốc (BAFTA) năm 1995 và Đề cử Phim ngoại ngữ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Quả cầu vàng năm 1994.

Bộ phim lấy bối cảnh xã hội Trung Hoa từ những năm 1940 đến những năm 1960, là giai đoạn có nhiều biến động. Với cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản kéo dài vào những năm 1940 rồi đến Chính sách Đại nhảy vọt (1950) và Đại cách mạng văn hóa (1960) đã đẩy người dân Trung Hoa vào những tình cảnh khốn cùng, bi thương và đầy những ngang trái được thể hiện qua nhiều tuyến nhân vật mà nổi bật là gia đình của Phú Quý và Gia Trân.

Từ một thiếu gia nhà họ Từ với cơ ngơi đồ sộ, cuộc sống hưởng thụ sung túc, vì nghiện ngập trò đỏ đen mà Từ Phú Quý đã rời vào bi kịch: mất trắng tài sản vào cá cược, vợ đưa con rời bỏ nhà ra đi, Cha thì chết vì lên cơn uất hận. Từ cuộc sống nhung lụa, Phú Quý trở thành kẻ vô gia cư, bần cùng của xã hội. 

Quyết định thay đổi, từ bỏ cờ bạc, anh cùng mẹ già sống qua ngày tại một căn nhà nhỏ. Được tin chồng đã từ bỏ trò đỏ đen, Quyết làm lại cuộc đời, Gia Trân đã gạt bỏ chuyện cũ, đưa con gái là Phụng Hà và đứa con trai Hữu Khánh quay về sống cùng chồng để xây dựng tương lai mới. Cứ ngỡ bình yên đã đến, sóng gió đi qua, nhưng nào ngờ nội chiến nổi lên, Phú Quý bị bắt đi lính trong một lần đang diễn bóng rối, không kịp từ biệt gia đình. Cứ ngỡ không có ngày về, sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến cho hàng vạn người ngã xuống nơi trận địa giá lạnh, chỉ còn Phú Quý và Xuân Sinh được trở về, phục vụ cho cách mạng (Đảng Cộng Sản). Ngày hòa bình, anh quay trở về với gia đình trong sự vỡ òa của người vợ. Nhưng bi kịch thay, đứa con gái đã bị câm sau một cơn bạo bệnh.

Bi kịch chưa dừng lại ở đó, Đại nhảy vọt rồi Cách mạng văn hóa đã đẩy gia đình anh cùng nhiều người khác vào tình thế đầy trái ngang, mà đỉnh điểm đó là sự ra đi của hai đứa con máu thịt của Phú Quý và Gia Trân. Trong Đại nhảy vọt, Hữu Khánh - đứa con trai đầy hồn nhiên với ước mơ trở thành người cách mạng đã chết ở trường khi học luyện thép; Trong cách mạng văn hóa đã cướp đi người con gái - đứa con duy nhất còn lại của hai vợ chồng chỉ vì Bác sĩ bị bắt đi phơi nắng vì bị nghi là tư sản. 

Xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ là cả một mớ hỗn độn, mất trật tự và sự hoang mang do thiếu hiểu biết, chỉ biết tuần mệnh và vâng lời. Chính vì lẽ đó, bi kịch ngày càng được hằn sâu trong từng gia đình, từng góc phố, từ người bần cố nông cho đến tầng lớp sĩ quan (như Xuân Sinh) hay trí thức (GS Vương). Nhưng xuyên suốt bộ phim đã truyền tải một thông điệp lớn: Phải sống, phải sống cho dù cuộc đời không còn gì đáng để tồn tại, cho dù bất kỳ lý do nào với một hi vọng, khát khao vào tương lai sẽ sáng lạng. Và ở cuối phim, câu chuyện được mở ra một trang mới, với cuộc sống mới và cả nhận thức cũng mới. Khi dạy cháu ngoại là Tiểu màn thầu: gà lớn lên sẽ thành ngỗng, ngỗng lớn lên sẽ thành cừu, cừu lớn lên sẽ thành bò, bò lớn lên…. và con sẽ lớn lên và trưởng thành thay vì “lớn lên sẽ trở thành người cách mạng như Phú Quý đã dạy Hữu Khánh năm xưa. Đó có lẽ là một thông điệp lớn xuyên suốt bộ phim được đạo giả ẩn dụ truyền tải.

Bên cạnh đó, nghệ thuật múa bóng rối của Trung Hoa cũng được đưa vào một cách đầy uyển chuyển và ý tứ để góp thêm chiều sâu cho câu chuyện với những hình ảnh trong từng màn biểu diễn. Song đó vẫn là cách đã truyền tải và đề cao môn nghệ thuật dân tộc một cách đầy giá trị với cả nhịp trống, bài nhạc trong những đoạn cao trào.

Phải sống - To live, một bộ phim đã ghi lại dấu ấn và miêu tả phần nào cuộc sống của người dân Trung Hoa trong giai đoạn lịch sử đầy biến động với góc máy chân thực, đời thường. Bộ phim cũng đã nhắc nhớ về tinh thần về sự sống, về niềm hy vọng của tương lai sẽ luôn là thứ dẫn lối con người vượt qua những biến cố, khó khăn nhất. Bộ phim khép lại đã mở ra nhiều góc nhìn đnags suy ngẫm về câu chuyện của thời đại xưa và nay,...  

 

Bài Giới thiệu Phim này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý