- Đạo diễn: Rob Reiner
- Năm phát hành: 2007
- Quốc gia sản xuất: Mỹ
- Thời lượng: 97 phút
"20 năm nữa, bạn sẽ hối tiếc về những điều bạn chưa làm hơn những điều bạn đã làm. Vậy nên hãy giương buồm ra khơi, nhổ neo vượt ra khỏi vùng an toàn của mình, đón gió đại dương. Hãy dám khám phá, mơ ước và tìm thấy chính mình." - Mark Twain
Có những bộ phim để giải trí và chỉ cần xem một lần. Nhưng có những bộ phim khiến cho con người ta phải suy ngẫm qua từng khoảnh khắc của bộ phim. Và có những bộ phim không chỉ khiến ta phải nghĩ, mà còn thúc đẩy ta phải hành động sau khi kết thúc bộ phim ấy. The Bucket List là một bộ phim như vậy.
Bạn đã bao giờ tự hỏi mình rằng ý nghĩa cuộc đời mình là gì chưa? Hay liệu mình có đang sống một đời ý nghĩa hay không? Hay mình đang lãng phí những năm tháng cuộc đời mình? Đời mình cái gì là quý nhất? Mình có đang dùng cuộc đời mình vào những việc thật sự quan trọng hay chưa?
The Bucket List đưa ta đến với câu chuyện của hai người đàn ông là Edward và Carter. Một là thợ máy và một là nhà tư bản giàu có. Cả hai chẳng có bất kỳ điểm chung gì, trừ một thứ, đó là họ đều mắc bệnh ung thư. Dường như số phận đã đưa đẩy hai linh hồn già cỗi này gặp nhau để rồi phần đời còn lại của họ hoàn toàn thay đổi. Cả hai quyết định rằng họ sẽ cùng nhau thực hiện bản danh sách "những việc phải làm trước khi chết".
Hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời
Thật lạ lùng khi thấy hai ông già đã hơn 60 tuổi, bỗng như quay lại thời thanh niên trai tráng khi được thực hiện những điều mình muốn làm, nhưng vì những lý do khác nhau mà chưa bao giờ có cơ hội được thực hiện.
Carter đã từng muốn trở thành một giáo sư sử học. Nhưng rồi đứa con đầu tiên chào đời đã khiến ông bỏ ngang việc học, chọn công việc thợ máy để hỗ trợ cho gia đình. Chớp mắt một cái, bốn mươi lăm năm đã trôi qua. Có lẽ đến đây người xem như được đối diện với chính mình với một câu hỏi đau đáu: "Cuộc đời mình có khi nào cũng giống như Carter không?"
Ai cũng tồn tại, nhưng có mấy ai thật sự sống?
Ba tháng ngắn ngủi thực hiện những điều điên rồ nhất có lẽ lại là ba tháng mà Carter sống sâu sắc nhất suốt cả cuộc đời mình. Hơn bốn mươi lăm năm hi sinh mọi thứ vì gia đình, đây là lúc Carter sống cho chính mình và làm những điều mình muốn nhất. Vậy đấy, sống bao lâu chẳng bằng sống bao sâu. Bốn mươi lăm năm không bằng ba tháng ngắn ngủi. Phép so sánh này thực sự khiến chúng ta phải đối diện với chính mình và tự hỏi mình muốn sống một cuộc đời như thế nào?
Thước đo cuộc đời bạn
Trong một phân cảnh đối thoại giữa Edward và Carter khi họ đang ở trên đỉnh nhìn ngắm Kim Tự Tháp, Carter mới kể cho Edward rằng người Ai Cập có một niềm tin rất đặc biệt về cái chết: Bất kỳ ai chết đi, khi đến cổng thiên đàng đều được hỏi hai câu hỏi sau "Con đã tìm thấy niềm vui trong đời mình chưa?" và "Cuộc đời của con có mang lại niềm vui cho người khác hay không?" Nếu trả lời không, bạn sẽ không được cho phép bước qua cổng để vào thiên đàng.
Đây là chi tiết đắt giá nhất của toàn bộ phim. Nó như là một ẩn ý cho người xem về cái gọi là "thước đo cuộc đời". Chúng ta sẽ dùng gì để đo đời mình? Giàu có và địa vị (như Edward) ư? Hay là những thành tựu ta đạt được? Hay là cách chúng ta sống? Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau tùy vào niềm tin của người đó. Tuy nhiên, bộ phim này đã khẳng định rất rõ "cách chúng ta sống" chính là thước đo cuộc đời lớn nhất mà một người có thể có.
Chúng ta sống là để tận hưởng những niềm vui trong cuộc đời này. Cũng như chúng ta sống là để mang lại niềm vui cho những người xung quanh mình. Thiếu đi một trong hai, cuộc sống của ta cũng không thể nào trọn vẹn được.
Những mối quan hệ tạo nên cuộc đời ý nghĩa
Trong bài nói chuyện "What makes a good life?"1 (Điều gì tạo nên một cuộc sống tuyệt vời?) của Robert Waldinger, ông chia sẻ về kết quả mà nhóm của ông đã khám phá ra sau khi thực hiện một cuộc nghiên cứu kéo dài đến 75 năm – cuộc nghiên cứu nhằm tìm ra điều gì khiến cho con người hạnh phúc và khỏe mạnh. Trong suốt 75 năm, nhóm nghiên cứu theo dõi 724 người đàn ông từ khi họ còn là thiếu niên cho đến bây giờ (hầu hết người tham dự nay đã ở tuổi 90). Những người này được chia thành hai nhóm, một nhóm là các sinh viên năm nhất tại Đại học Harvard và nhóm thứ hai là một nhóm các chàng trai ở khu vực nghèo khổ nhất của Boston. Các chàng trai này sau đó trưởng thành và gia nhập vào đủ mọi tầng lớp trong cuộc sống. Có người là công nhân nhà máy, người thì là bác sĩ, người thì là luật sư. Một người trong đó thậm chí trở thành Tổng thống Mỹ. Một số bị nghiện rượu. Một số ít khác thì bị tâm thần phân liệt. Rất nhiều người leo lên đỉnh cao của nấc thang thành đạt, trong khi một số khác thì nằm ở dưới đáy xã hội. Kết quả tìm kiếm của cuộc nghiên cứu thật bất ngờ, đó là điều mang lại một cuộc sống tuyệt vời không phải là những thành quả hay tiền bạc của một người có được, mà đó chính là: những mối quan hệ tích cực và sâu sắc trong cuộc đời của người ấy.
Nghiên cứu này có liên quan gì đến bộ phim The Bucket List? Có chứ, rất nhiều là đằng khác.
Bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh của một Edward Cole, một nhà đại tư bản giàu có, toàn thân băng bó sau cuộc phẫu thuật, lẻ loi một mình không người thân thích đến thăm nom. Bạn cũng được thấy Carter Chamber, một ông già làm nghề thợ máy, được quây quần bởi đại gia đình vợ, con, cháu trong bữa tiệc gia đình. Bạn cũng sẽ được thấy hình ảnh hai ông già trao nhau những ánh nhìn quan tâm và chua xót khi thấy ông bạn cùng phòng mỗi đêm run lên vì lạnh, vì đau đớn do thuốc hành hạ. Và bạn cũng có thể thấy được tình bạn tri kỷ của hai người đàn ông đã giúp cuộc đời họ thăng hoa và ý nghĩa như thế nào chỉ trong vòng ba tháng ngắn ngủi.
Con người là một động vật quần thể. Chúng ta không bao giờ có thể sống đơn độc. Chúng ta luôn cần có những người xung quanh để nương tựa mỗi khi yếu đuối, mệt mỏi, mất động lực v.v. Chính vì lẽ đó, chúng ta không chỉ sống để tìm kiếm "niềm vui" cho chính mình. Chúng ta còn sống để dùng cuộc đời mình mang lại "niềm vui" cho người khác nữa. Sống như vậy, mới thật sự gọi là sống.
The Bucket List là một bộ phim nhẹ nhàng, hài hước nhưng đầy ý nghĩa. Diễn xuất của hai tài tử gạo cội Jack Nicholson và Morgan Freeman càng làm cho bộ phim thật sự chạm đến trái tim của người xem. Nó mang đến cho chúng ta những câu hỏi về nhân sinh, hiện sinh và về ý nghĩa cuộc đời. Để rồi cuối cùng ta nhận thấy một thông điệp thật rõ ràng đó là "đừng tự hỏi mình sẽ sống bao lâu, hãy tự hỏi mình sẽ sống bao sâu."
_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến