- Đạo diễn: Max Pugh và Marc J. Francis
- Quốc gia sản xuất: Việt Nam
- Năm phát hành: 2017
- Thời lượng: 1 giờ 34 phút
Bước Chân An Lạc (Walk With Me) là bộ phim tài liệu về thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai, do hai đạo diễn Max Pugh và Marc J. Francis thực hiện, được công chiếu tại Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 2018. Bộ phim bao gồm những cảnh quay yên bình về đời sống tu hành của tăng thân Làng Mai, xen lẫn là lời dẫn chuyện được trích trong quyển sách “Nẻo Về Của Ý” (bản dịch tiếng Anh: Fragrant Palm Leaves) của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bước Chân An Lạc đã thực sự “chạm” đến trái tim tôi, khiến tôi cảm thấy một sự tĩnh lặng sâu sắc trong và sau khi xem. Và trong bài viết này, tôi xin chia sẻ cùng bạn cảm giác tĩnh lặng ấy.
NHỮNG BÀI HỌC SÂU SẮC VÀ ĐIỀU SUY NGHĨ:
SỰ TĨNH LẶNG BẤT BIẾN – BẢN CHẤT ĐÍCH THỰC CỦA BẠN
“Khi bạn buông bỏ đi con người mà bạn nghĩ là mình, bạn trở thành chính mình.”[1]
– Tiến sĩ tâm lý Menis Yousry –
Sau đây là một lời dẫn trong phim: “Tôi đã luôn nghĩ rằng mình là một thực thể chắc đặc. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra mình không hề chắc đặc chút nào cả. Tôi chợt thấy rằng cái thực thể mà tôi cho là mình chỉ là một sự giả tạo. Bản chất thực sự của tôi thì thật hơn thế rất nhiều.”
Và đây là một lời dẫn khác, xuất hiện ngay đầu bộ phim: “Tôi biết thế nào là giận dữ. Và tôi biết thế nào là vui sướng khi được người khác ca tụng. Tôi hay khóc, và cũng hay cười. Nhưng bên dưới tất cả những cảm xúc ấy, còn điều gì khác ở đó không? Làm sao tôi có thể chạm đến nó? Và nếu như không có bất kỳ điều gì cả, tại sao tôi lại quá chắc chắn rằng nó có ở đó?”
Con người có xu hướng thường xuyên tự đồng hóa bản thân với cơ thể của mình, những suy nghĩ bên trong tâm trí của mình, những cảm xúc và cảm giác mà mình có. Thế nhưng những thứ đó có phải là con người thực sự của bạn không? Cơ thể của bạn, như lời dẫn thứ nhất nói, trông thì có vẻ rắn chắc, nhưng thật ra cái tính rắn chắc ấy chỉ là một sự giả tạo; nó đang không ngừng biến đổi mỗi phút mỗi giây. Cơ thể của bạn khi là một đứa trẻ giờ đã không còn nữa, mà thay vào đó là cơ thể của một người trưởng thành; và cái cơ thể của người trưởng thành này, vài chục năm nữa thôi cũng sẽ không còn nữa, và được thay thế bằng cơ thể của một người già; và rồi một ngày nào đó bạn cũng sẽ phải giã từ cơ thể của bạn. Thực ra, bạn “thay” cơ thể của mình mỗi khoảnh khắc như thay áo vậy. Bạn không phải cái áo mà mình mặc, vậy thì bạn có phải là cơ thể của mình chăng?
Rồi còn suy nghĩ và cảm xúc của bạn, chúng cũng luôn biến đổi không ngừng. Như lời dẫn thứ hai nói, khi thì bạn giận dữ, khi thì vui sướng, lúc thì bạn khóc, lúc lại cười. Những suy nghĩ và cảm xúc xuất hiện rồi biến mất, trôi lơ lửng như những đám mây bên trong bạn. Liệu bạn có phải là những đám mây ấy không?
Bạn hãy thử nhìn lên bầu trời mà xem, có những đám mây trôi lơ lửng, nhưng nó trôi trong một vùng không gian tĩnh lặng rộng lớn. Tương tự vậy, những “đám mây” suy nghĩ và cảm xúc cũng đang trôi lơ lửng bên trong một vùng không gian tĩnh lặng trong bạn. Bạn hãy thử dành vài giây nhắm mắt lại và cảm nhận vùng không gian tĩnh lặng ấy bên trong mình xem.
Lời dẫn thứ hai nói: “Nhưng bên dưới tất cả những cảm xúc ấy, còn điều gì khác ở đó không?” là để nói đến cái vùng không gian tĩnh lặng nằm sâu hơn những cảm xúc và suy nghĩ bên trong bạn. Và vùng không gian tĩnh lặng ấy mới chính là bản chất thực sự của bạn, và như lời dẫn đầu tiên nói, nó thật hơn cái cơ thể chắc đặc, hay những suy nghĩ, cảm xúc của bạn rất nhiều. Trong quyển sách tâm linh kinh điển I Am That, đạo sư Nisargadatta Maharaj, một bậc giác ngộ người Ấn Độ, nói rằng: “Chân lý thì vĩnh hằng. Sự thật thì bất biến. Cái thay đổi là cái không có thật, cái có thật là cái không bao giờ thay đổi.” [2] Như đã nói, cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc của bạn thì luôn luôn thay đổi; còn vùng không gian tĩnh lặng bên trong bạn thì không bao giờ thay đổi, do đó mà nó mới là điều chân thật. Những suy nghĩ và cảm xúc cũng giống như những gợn sóng trên bề mặt của đại dương, luôn luôn biến động; nhưng bên dưới những gợn sóng ấy là sự tĩnh lặng bất biến của cả đại dương. Một bài thơ đẹp từng đến với tôi trong một phút giây tĩnh lặng như sau:
“Mỗi chúng ta đều là một đại dương bao la,
Nhưng sao cứ nghĩ mình là vũng lầy nhỏ bé,
Mãi nhầm lẫn mình với “cái tôi” như thế,
Mà quên đi Cái Toàn Thể mênh mông.
Hãy tĩnh lặng, và nhìn vào bên trong,
Quan sát mình qua từng hơi hít thở,
Bạn sẽ thấy một chân trời hé mở,
Cả Vũ trụ to lớn ở trong ta!
Đừng tìm kiếm Thượng đế ở đâu xa,
Vì những thứ bên ngoài chỉ là ảo mộng,
Bên trong bạn đã là khoảng không gian lồng lộng,
Nơi tất cả mọi thứ được sinh ra!”
SỰ TĨNH LẶNG KHÔNG-HÌNH-TƯỚNG, BẤT BIẾN GIỮA NHỮNG THỨ CÓ-HÌNH-TƯỚNG, VÔ THƯỜNG
“Hãy tĩnh lặng và biết rằng ta là Chúa Trời.” [3]
– Kinh Thánh (Psalm 46:10) –
Bộ phim quay một cảnh vô cùng dễ thương về cuộc đối thoại giữa một bé gái và thiền sư Thích Nhất Hạnh như sau:
Bé gái: “Thưa Thầy, con có một bạn chó con, và bạn chó con này đã chết. Con rất buồn và con không biết làm thế nào để không quá buồn như vậy.”
Thiền sư trả lời: “Hãy giả sử rằng con nhìn lên trên bầu trời, con thấy một đám mây đẹp, và con rất thích đám mây đó. Nhưng rồi bỗng dưng đám mây không còn ở đó nữa, và con nghĩ rằng đám mây đã chết. Ôi đám mây yêu dấu của con đi đâu rồi? Nhưng nếu con dành thời gian để nhìn nhận lại, con sẽ thấy rằng đám mây không hề chết. Đám mây đã trở thành mưa. Và khi con nhìn vào mưa, con sẽ thấy đám mây của con. Và khi con uống trà, một cách chánh niệm, con có thể nhìn thấy mưa trong cốc trà của mình, và mây trong cốc trà của mình. Và con có thể nói: “Ôi xin chào bạn mây, tớ biết rằng bạn chưa chết. Bạn chỉ sống trong một hình hài mới mà thôi. Và, bạn chó con của con cũng thế. Nếu con nhìn kỹ, con sẽ thấy bạn chó cũng đang trong một hình hài mới mà thôi.”
Cảnh đối thoại giữa bé gái và thiền sư Thích Nhất Hạnh (ảnh từ phim)
Bắt nguồn từ sai lầm trong suy nghĩ rằng: “Tôi chính là cơ thể này, với những suy nghĩ và cảm xúc”, con người tiếp tục đồng hóa mình với những thứ mà mình sở hữu, và bắt đầu hình thành nên ý niệm “của tôi”: cơ thể của tôi, tài sản của tôi, vợ / chồng của tôi, con cái của tôi, công việc của tôi…, và họ bắt đầu hình thành nên sự ràng buộc, dính mắc vào những thứ “của tôi” ấy. Nhưng cũng giống như cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc của bạn, những thứ mà bạn cho là “của tôi” cũng luôn không ngừng thay đổi, mà đạo Phật gọi là “vô thường”. Và rồi khi những thứ mà bạn cho là “của tôi” thay đổi không theo ý muốn của bạn, hoặc thậm chí rời bỏ bạn, thì có thể bạn sẽ cảm thấy rất đau khổ, thậm chí tuyệt vọng. Nhiều người khi cơ thể của họ già đi, hay khi họ mất đi một thứ tài sản vật chất nào đó, hay khi vợ / chồng bỏ rơi họ, hay khi họ bị mất việc làm…, họ cảm thấy vô cùng đau khổ. Bởi vì họ đồng hóa mình với chúng, nên khi chúng ra đi, họ sẽ có cảm tưởng một phần con người của mình cũng bị chết đi.
Nhưng khi bạn hiểu rõ bản chất vô thường của vạn vật, và bạn kết nối trở lại với chiều sâu không gian tĩnh lặng không-có-hình-tướng và bất biến bên trong mình, thái độ của bạn sẽ hoàn toàn khác. Bạn sẽ không còn bị ràng buộc hay dính mắc vào những thứ có hình tướng nữa. Và khi một thứ “của bạn” biến đổi hay không còn nữa, như khi cha mẹ bạn qua đời, vợ / chồng chia tay bạn, công việc bạn không như ý muốn, cơ thể bạn bị già yếu đi…thì trên bề mặt, dĩ nhiên, bạn cũng sẽ cảm thấy đau buồn; thế nhưng bên dưới cảm giác đau buồn ấy, bạn còn cảm nhận thấy một chiều sâu tĩnh lặng luôn luôn hiện hữu ở đó với mình. Bạn sẽ cảm thấy một sự an nhiên, tự tại và bình tâm. Bạn chấp nhận và cho phép mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, không cố gắng níu giữ hay phản kháng. Trong Đạo Đức Kinh, cuốn sách vô cùng thông thái được viết cách đây 2600 năm, Lão Tử cũng viết về sự an nhiên và thái độ không bị ràng buộc này ở chương 2 như sau:
“Cho nên bậc thánh nhân
Khi mọi vật xuất hiện, thì anh ta cho phép chúng đến,
Khi mọi vật biến mất, thì anh ta cho phép chúng ra đi,
Anh ta sở hữu, chứ không chiếm hữu,
Và hành động, mà không mong cầu…” [4]
KHỔ ĐAU – PHÂN BÓN CHO SỰ TỈNH THỨC
“Vết thương là nơi mà ánh sáng có thể rọi chiếu vào tâm hồn bạn.” [5]
- Rumi –
Một trong những lời dẫn để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất là lời dẫn về sự khổ đau:
“Khi khu vườn phủ đầy cỏ dại,
thì những đóa hoa, biểu tượng của sự khai sáng,
mới có cơ hội được phát triển.
Bạn cần phân bón cho những bông hoa,
và cần đau khổ cho sự tỉnh thức.”
Trong Kinh thánh có câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về Adam và Eva trong Vườn Địa Đàng. Chuyện kể rằng ban đầu, Adam và Eva sống rất hạnh phúc, hài hòa với nhau và với vạn vật xung quanh trong Vườn Địa Đàng. Nhưng rồi sau đó, có một con rắn đã dụ dỗ họ ăn quả cấm ở trên cây tri thức. Adam và Eva ăn vào, và rồi Thượng đế trục xuất họ ra khỏi Vườn Địa Đàng, và họ chịu rất nhiều khổ đau.
Câu chuyện này là một câu chuyện có ý nghĩa. Khi một đứa bé mới được sinh ra đời, nó không khác gì Adam và Eva sống trong Vườn Địa Đàng. Nó hồn nhiên, trong sáng và hạnh phúc. Nhưng khi nó bắt đầu lớn lên, xã hội bắt đầu dạy nó những tri thức: cái này là đúng và cái kia là sai; cái này là tốt và cái kia là xấu…Tri thức của đứa trẻ bắt đầu phát triển, điều này có mặt tốt của nó. Thế nhưng, nó cũng bắt đầu khiến cho đứa trẻ đồng hóa nó với tâm trí, cơ thể của nó, và dần quên đi cội nguồn đã sinh ra nó. Khi đứa trẻ lớn lên, sự tự đồng hóa này càng trở nên mạnh hơn. Và khi ta đồng hóa mình với tâm trí và cơ thể của mình, và quên đi sự tĩnh lặng bất biến bên trong mình, thì khổ đau là điều không thể tránh khỏi, vì như đã nói, những thứ có hình tướng thì luôn biến đổi không ngừng, và một ngày nào đó chúng cũng sẽ tiêu tan.
Nhưng khổ đau là cần thiết. Sự đồng hóa bản thân với tâm trí dẫn đến khổ đau; nhưng chính ngọn lửa của khổ đau sẽ đốt cháy cái nguyên nhân đã tạo ra nó. Nhờ có khổ đau, mà chúng ta hóa mình với tâm trí, và chịu nhiều khổ đau. Nhưng cũng nhờ khổ đau mà Adam và Eva mới có thể vượt lên trên tâm trí, và quay trở về Vườn Địa Đàng. Và lúc này, họ đã trở nên nhận biết hơn, khôn ngoan hơn, và không có con rắn nào có thể dụ dỗ được họ nữa. Nhà thơ nổi tiếng người Mỹ T. S. Eliot cũng nói một câu nói nổi tiếng như sau: “Chúng ta cần không ngừng tìm kiếm; và tại điểm kết thúc của mọi cuộc tìm kiếm, chúng ta sẽ quay trở về với nơi mà chúng ta đã bắt đầu, và nhận ra rằng mình không chỉ là những suy nghĩ bên trong tâm trí mình, hay những cảm xúc, cảm giác ở trên cơ thể mình, mà bên dưới những thứ đó còn có một vùng không gian, một sự tĩnh lặng sâu xa. Vùng không gian, sự tĩnh lặng ấy chính là khu Vườn Địa Đàng bên trong mỗi chúng ta. Adam và Eva đã bị rắn dụ dỗ, do đó mà quên mất đi Vườn Địa Đàng bên trong mình, đồng biết nơi ấy lần đầu tiên.” [6]
BÍ MẬT CỦA CUỘC SỐNG LÀ CHẾT TRONG KHI BẠN ĐANG SỐNG
Sau đây là một lời dẫn khác trong phim đã rất chạm đến tôi: “Để sống, chúng ta phải chết trong từng khoảnh khắc. Chúng ta phải chết trong từng giây từng phút, chết trong cơn bão tố để làm điều kiện cho sự sống phát sinh mãi mãi hoài hoài.”
Câu nói này khiến tôi nhớ đến một câu nói tương tự của bậc thầy tâm linh Eckhart Tolle, tác giả quyển sách The Power of Now, như sau: “Cái chết lấy đi tất cả mọi thứ không phải là bạn. Bí mật của cuộc sống là hãy “chết trước khi bạn chết”. Và rồi bạn chợt nhận ra rằng chẳng có cái chết nào cả.” [7]
Khi chúng ta tự đồng hóa mình với những suy nghĩ bên trong tâm trí mình, chúng ta sẽ bắt đầu hình thành nên một thứ mà trong đạo Phật gọi là “cái ngã”, hay “cái tôi” (ego). “Cái tôi” chính là cái bóng của sự đồng hóa bản thân với tâm trí. Mọi nỗ lực trong thiền định là để tách bản thân mình ra khỏi tâm trí, nhận ra bản chất thực sự của mình chính là sự nhận thức (awareness) nằm đằng sau, ý thức về tâm trí. Và khi chúng ta không còn đồng hóa mình với tâm trí nữa, mà thay vào đó là quan sát nó, thì tâm trí sẽ dần trở nên chậm lại, “cái tôi” dần trở nên suy yếu đi. Eckhart Tolle nói “chết đi trước khi bạn chết” là để nói đến điều đó. Thiền chính là chết một cách có ý thức. Và khi “cái tôi” trong chúng ta dần dần suy yếu và chết đi, thì vùng không gian, sự tĩnh lặng bên trong ta bắt đầu trỗi dậy và lớn dần. Và rồi ta chợt nhận ra “chẳng có cái chết nào cả”, mà thay vào đó là một “sự sống phát sinh mãi mãi hoài hoài” đến từ vùng không gian tĩnh lặng ấy.
SỰ TĨNH LẶNG – ÂM THANH THIÊNG LIÊNG KẾT NỐI VẠN VẬT
“Yên lặng chính là ngôn ngữ của Thượng đế.
Tất cả những thứ khác chỉ là sự diễn dịch tồi” [8]
– Rumi –
Bộ phim quay cảnh đối thoại của một người đàn ông, chuyên làm công việc trị liệu bằng âm thanh, và một sư cô ở Làng Mai rất hay như sau:
Người đàn ông: “Thưa sư cô, tôi có một câu hỏi. Tôi làm việc cho một tổ chức chuyên trị liệu bằng âm thanh. Câu hỏi của tôi là: Nếu im lặng là con đường dẫn đến sự chánh niệm và tỉnh thức, vậy mục đích của âm thanh là gì? Và âm thanh thiêng liêng là gì?”
Sư cô đáp: “Ồ, sự yên lặng có thể vang rền như một cơn sấm. Bạn biết đấy, cũng như màu đen hấp thụ tất cả các màu khác; thì sự yên lặng có thể hấp thụ tất cả mọi âm thanh. Đó là một âm thanh vĩ đại; một âm thanh thiêng liêng. Do đó, chúng ta cần thực tập sự im lặng sâu sắc này ở bên trong, bên trong tâm trí, bên trong tất cả những khái niệm, suy nghĩ, và cả sự yên lặng của cơ thể chúng ta, sự vững chãi, chắc chắn của nó. Sự yên lặng, khoảng không gian ấy là nền tảng, nơi mà mọi âm thanh khác được sinh ra. Nếu tâm trí chúng ta lúc nào cũng xáo động và chạy vòng quanh, thì đó chỉ là những tiếng ồn ào, chứ không phải sự yên lặng thiêng liêng.”
Người đàn ông hỏi tiếp: “Vậy sư cô định nghĩa sự yên lặng thiêng liêng như thế nào? Hay sự yên lặng thiêng liêng là gì? Nếu có một thứ như thế?”
Sư cô trả lời: “Tôi vừa nói đấy thôi. Khi bạn bước đi một bước và bạn cảm nhận được tính nhất thể (oneness) giữa bạn và Mẹ Trái Đất, bạn không cảm thấy sự chia cắt giữa bạn với Mẹ Trái Đất, với thiên nhiên và những thứ đang hiện hữu, thì đó là một âm thanh rất sâu sắc. Không có giới hạn nào cho nó. Và từ âm thanh yên lặng ấy, một bài hát, một bài thơ, một nụ cười có thể được sinh ra. Một nụ cười cũng có thể là một âm thanh đẹp.”
Trước khi bạn đọc tiếp, hãy dành khoảng một phút thôi, nhắm mắt lại và cảm nhận nhịp tim mình đang đập. Điều gì khiến trái tim bạn đã, và đang đập mỗi phút, mỗi giây vậy? Bên trong bạn, có một nguồn năng lượng vô hình đang thực hiện điều đó, mà bạn không cần phải làm gì cả. Và chính nguồn năng lượng vô hình ấy cũng đang đập từng nhịp bên trong trái tim của những người xung quanh bạn, bên trong mọi con vật, mọi cái cây, lá cỏ, bên trong mọi lòng đất, ngọn núi, dòng sông. Bạn hoàn toàn là một với tất cả mọi thứ xung quanh mình. Một lời dẫn khác được nói ở trong phim là: “Những ngọn núi và dòng sông, mặt trời và trái đất, tất cả đều nằm trong trái tim của ý thức.” là để chỉ đến tính nhất thể ấy. Nhưng tâm trí của bạn thì không hề biết gì đến điều đó. Nó khiến bạn có cảm giác rằng bạn tách biệt với mọi người, mọi thứ xung quanh. Cảm giác tách biệt ấy là nguyên nhân gốc rễ của mọi xung đột, mâu thuẫn, chiến tranh, bạo động giữa con người với nhau và sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên. Để giải quyết những vấn đề ấy một cách triệt để, con người cần quay vào bên trong để tìm lại nguồn gốc của mình, để cảm nhận lại tính nhất thể của vạn vật, cảm nhận lại nguồn năng lượng vô hình đang nuôi dưỡng tất cả mọi thứ, vùng không gian, sự tĩnh lặng nằm bên dưới và bao trùm tất cả. Và khi làm điều ấy, bạn sẽ ngày càng có cảm giác kết nối nhiều hơn với mọi thứ xung quanh mình. Bạn chợt nhìn thấy chính mình bên trong tất cả, và tất cả bên trong chính mình. Từ đó, tình yêu đích thực của bạn đối với vạn vật được sinh ra. Trong một giây phút tĩnh lặng, một bài thơ sau chợt đến với tôi:
“Hít vào, thở ra,
Hít vào, thở ra,
Tôi là bông hoa,
Xòe ra đón nắng,
Tôi thật tươi tắn,
Tựa một giọt sương,
Tôi là mùi hương,
Quyện vào trong gió,
Đi đây, đi đó,
Tự tại, thênh thang.
Tôi thật vững vàng,
Tựa như mặt đất,
Tôi thật rắn chắc,
Tựa ngọn núi cao,
Tôi là ngôi sao,
Sáng soi rực rỡ,
Tôi là hơi thở,
Bất diệt, tự do.
Hít vào, thở ra,
Hít vào, thở ra.”
SỰ TĨNH LẶNG – NGUỒN GỐC CỦA MỌI SÁNG TẠO
“Cuộc sống là người vũ công và bạn là điệu nhảy.” [9]
- Bậc thầy tâm linh Eckhart Tolle –
Và cũng như sư cô nói: “Và từ âm thanh yên lặng ấy, một bài hát, một bài thơ, một nụ cười có thể được sinh ra.” Những thứ đẹp thì không đến từ tâm trí của bạn, mà nó đến từ sự tĩnh lặng bên trong bạn. Khi bạn kết nối trở lại với sự tĩnh lặng sâu xa hơn bên trong mình, bạn sẽ trở thành phương tiện để đưa những điều thực sự đẹp, có thể là một bài hát, một bài thơ, một nụ cười,…đến với thế giới này. Trong quyển sách The Power of Now, bậc thầy tâm linh Eckhart Tolle viết: “Tất cả mọi nghệ sĩ thực thụ, dù họ có biết hay không, đều sáng tạo từ một nơi không-có-tâm-trí, từ sự tĩnh lặng ở bên trong.” [10] Và đó cũng chính là tinh thần “vô vi” (làm mà không làm) mà Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh. “Vô vi” nghĩa là bạn không làm, mà bạn cho phép sự tĩnh lặng bên trong thông qua bạn mà thể hiện. Vài tháng trước, trong một khoảnh khắc tĩnh lặng, một bài thơ cũng đến với tôi như sau:
“Tôi chỉ là ống sáo,
Để Thượng đế thổi qua,
Tạo nên những bài ca,
Thật nhẹ nhàng, reo rắt.”
SỰ TĨNH LẶNG BÊN TRONG PHÚT GIÂY HIỆN TẠI
Bộ phim quay một cảnh thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng: “Có một bài hát mà chúng tôi thích hát ở Làng Mai, tên là “I have arrived. I am home” (Đã về, đã tới). Đó là một bài hát để thực tập. Bởi vì thực tập chánh niệm luôn luôn là quay về, quay về với ở đây và bây giờ. Chúng ta đã chạy rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa tới. Chúng ta cứ luôn tìm kiếm, mong cầu một điều gì đó. Và chúng ta vẫn chưa tìm thấy nó. Và rồi chúng ta tiếp tục chạy. Và chúng ta không biết rằng chúng ta phải chạy và tìm kiếm thứ mà chúng ta đang tìm kiếm trong bao lâu nữa. Có thể chúng ta tìm kiếm một vài điều kiện để có sự hạnh phúc mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có. Và việc chạy, việc tìm kiếm đã trở thành một thói quen. Nhưng tất cả mọi điều kỳ diệu trong cuộc sống thì chỉ có trong phút giây hiện tại. Bởi vì quá khứ thì không còn nữa, tương lai thì chưa đến, chỉ có duy nhất phút giây hiện tại mà thôi. Vì vậy, việc thực tập chánh niệm giúp chúng ta trở về nhà, trong cái ở đây và bây giờ, để chúng ta có thể học cách sống cuộc đời mình một cách sâu sắc. Bằng cách đó, chúng ta sẽ không lãng phí cuộc đời mình.”
Cảnh thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng cho tăng thân (ảnh từ phim)
Do mọi vật xung quanh chúng ta đều mang tính chất vô thường, tức không ngừng thay đổi, nên khiến cho chúng ta nghĩ rằng có sự tồn tại của quá khứ và tương lai. Tuy nhiên, quá khứ và tương lai chỉ là ảo tưởng. Thật ra cuộc sống chỉ có một phút giây duy nhất, đó là phút giây hiện tại, hay phút giây bây giờ. Khi nãy bạn đọc đoạn văn ở trên, bạn đọc nó trong phút giây bây giờ; giờ đây, bạn đọc những dòng chữ này, bạn cũng đọc nó trong phút giây bây giờ; và chút nữa, khi bạn đọc đoạn văn ở dưới, bạn vẫn sẽ đọc nó ở phút giây bây giờ. Cuộc sống chưa bao giờ mà không phải là bây giờ, và sẽ không bao giờ mà không phải là bây giờ. Toàn bộ cuộc sống là nằm trong phút giây hiện tại. Do đó, mối quan hệ của chúng ta với phút giây hiện tại chính là mối quan hệ của chúng ta với cuộc sống. Tuy nhiên, đa số mọi người thường biến phút giây hiện tại thành một phương tiện để đạt được một thứ gì đó; hoặc thậm chí biến phút giây hiện tại thành kẻ thù. Đó là lý do vì sao có rất nhiều những áp lực, căng thẳng diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Nhà toán học Pascal cũng nói: “Tất cả những vấn đề của nhân loại đến từ việc con người không có khả năng ngồi tĩnh lặng một mình.” [11] Chỉ khi nào chúng ta có thể học cách để chấp nhận, buông thuận, sống trong và song hành với phút giây hiện tại, thì như thiền sư Thích Nhất Hạnh nói, chúng ta mới có thể thực sự sống cuộc đời mình một cách sâu sắc, và không lãng phí cuộc đời mình. Tôi chợt nhớ một nhà sư từng nói với tôi rằng: “Xuất gia không nhất thiết là phải cạo đầu, vào chùa tu. Mà xuất gia nghĩa là rời khỏi hai căn nhà: căn nhà quá khứ và căn nhà tương lai, và an trú hoàn toàn trong ngôi chùa của hiện tại.”
SỰ TĨNH LẶNG NẰM BÊN TRONG NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ
Trong lời giảng trên, thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng nói: “Tất cả mọi điều kỳ diệu trong cuộc sống thì chỉ có trong phút giây hiện tại.” Nếu đủ tĩnh lặng và sống trong phút giây hiện tại, ta có thể thấy mỗi khoảnh khắc là một điều kỳ diệu, và phép màu tràn ngập xung quanh chúng ta. Bộ phim giúp chúng ta nhận ra điều ấy, thông qua những cảnh quay vô cùng tĩnh lặng: hình ảnh bước đi trong chánh niệm, ăn trong chánh niệm, hình ảnh của những tấm ảnh cũ, hình ảnh của con bọ cánh cứng, của những con côn trùng bên thành cửa sổ, của chiếc đồng hồ báo thức, của hàng hoa hướng dương, của con bướm đậu trên bát sen, của mặt nước phản chiếu bầu trời, của con rùa đang nằm trên cây,…Những điều tưởng chừng rất nhỏ bé, nhưng nếu chúng ta chú tâm quan sát, bỗng ta chợt nhận ra một vẻ đẹp huy hoàng của cuộc sống. Tôi rất thích hình ảnh của một nhà sư, khi ông quan sát những con kiến đang bò trên mặt chiếu, và ông khẽ mỉm cười như một đứa trẻ. Nụ cười ấy chợt làm tôi nhớ đến câu nói của chính thiền sư Thích Nhất Hạnh trong quyển sách The Miracle of Mindfulness (Phép màu của sự tỉnh thức): “Mọi người luôn coi đi trên nước hay đi trên không là một phép màu. Nhưng tôi nghĩ phép màu thực sự không phải là đi trên nước hay đi trên không, mà là đi trên mặt đất. Mỗi ngày, chúng ta đều tham gia một phép màu mà thậm chí chúng ta còn không nhận ra: bầu trời xanh, mây trắng, lá xanh, đôi mắt đen tò mò của một đứa trẻ, đôi mắt của chính chúng ta. Tất cả đều là một phép màu.”
Bước đi trong chánh niệm (ảnh từ phim)
Ăn trong chánh niệm (ảnh từ phim)
Sự tĩnh lặng của con bọ cánh cam (ảnh từ phim)
Sự tĩnh lặng của bầy côn trùng bên thành cửa sổ (ảnh từ phim)
Sự tĩnh lặng của chiếc đồng hồ (ảnh từ phim)
Sự tĩnh lặng của con bướm đậu trên bát sen (ảnh từ phim)
Sự tĩnh lặng của những ngọn hoa đăng (ảnh từ phim)
Sự tĩnh lặng của bầy kiến bò trên mặt chiếu…(ảnh từ phim)
…và nụ cười như trẻ thơ của nhà sư khi nhìn thấy cảnh tượng đó. (ảnh từ phim)
SỰ TĨNH LẶNG – NIỀM HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC
“Hạnh phúc là bản chất chân thật của bạn. Không có gì sai khi mong muốn được có nó. Điều sai lầm là tìm kiếm nó ở bên ngoài, trong khi nó đã có ở bên trong chúng ta rồi.” [12]
- Đạo sư người Ấn Độ Ramana Maharshi –
Gần cuối bộ phim là cảnh một nhà sư trẻ tên Davis trở về thăm gia đình của mình. Ba mẹ anh lấy cho anh xem quyển nhật ký mà anh từng viết trước đây. Một trang trong nhật ký viết về “Bản đồ một cuộc sống lý tưởng của Davis”, trong đó ghi:
- 7 tuổi: kết bạn; trông thật “ngầu”; tham gia đội kịch và giỏi ở mọi môn thể thao.
- 13 tuổi: trở thành lớp trưởng của lớp 40 học sinh; và được bầu bởi tất cả tụi bạn.
- Học cao đằng: được mọi người yêu quý; trở thành một sinh viên giỏi; sáng lập 3 câu lạc bộ; khiến ba mẹ tự hào.
- 18 tuổi: nhận được học bổng toàn phần của Đại học Ivy League.
- 20 tuổi: mua một chiếc xe hơi 30.000 đô la Mỹ.
- 21 tuổi: có một cô bạn gái hoàn hảo.
- 24 tuổi: lấy bằng MBA; có một công việc với mức lương 300.000 đô / năm.
- 26 tuổi: cưới vợ và mua một căn nhà 1 triệu đô.
- 30 tuổi: đẻ ra vài đứa con; khiến bố mẹ cực kỳ hạnh phúc.
- Trên 40 tuổi: có tất cả mọi thứ; trở thành Phó chủ tịch của một tập đoàn.
- 70 tuổi: đạt giác ngộ về tâm linh.
Đó là cách mà tâm trí chúng ta đi tìm hạnh phúc. Nó nghĩ rằng, nếu như nó có nhiều tiền, có một căn nhà to, một chiếc xe đẹp, một người tình, một địa vị, được mọi người yêu quý, thậm chí là đạt được sự giác ngộ …thì nó sẽ đạt được hạnh phúc. Tất cả điều đó chỉ là ảo tưởng. Vì khi tâm trí đạt được điều mà nó muốn rồi, thì nó có thể cảm thấy vui sướng trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng rồi nó lại cảm thấy thiếu thốn, và lại hướng đến một mục tiêu tiếp theo. Đó là một vòng luẩn quẩn không có hồi kết. Đó là lý do vì sao thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Chúng ta đã chạy rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa tới. Chúng ta cứ luôn tìm kiếm, mong cầu một điều gì đó. Và chúng ta vẫn chưa tìm thấy nó. Và rồi chúng ta tiếp tục chạy. Và chúng ta không biết rằng chúng ta phải chạy và tìm kiếm thứ mà chúng ta đang tìm kiếm trong bao lâu nữa. Có thể chúng ta tìm kiếm một vài điều kiện để có sự hạnh phúc mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta không có. Và việc chạy, việc tìm kiếm đã trở thành một thói quen.”
“Có thể bạn đang đi tìm kiếm ở trong cành lá những điều chỉ xuất hiện nơi gốc rễ.” [13]
- Rumi –
Trong thiền có một câu chuyện như sau:
“Ở tu viện nọ, có một vị đạo sư cùng những người môn đồ của mình. Một ngày nọ, lúc chiều tà, mặt trời đã gần khuất bóng, những môn đồ thấy vị đạo sư đang lụi cụi nhìn xuống đất ở ngoài sân để tìm kiếm một cái gì đó. Những môn đồ bước lại gần, và hỏi:
_“Thưa Thầy, Thầy đang tìm gì vậy ạ?”.
Người thầy đáp: “Ta đang tìm cây kim ta đánh rơi”.
Những môn đồ nói: “Thầy đánh rớt cây kim ở đâu, chúng con sẽ tìm phụ thầy”.
Người thầy trả lời: “Ta đánh rớt cây kim trong nhà”.
Những môn đồ bối rối hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đánh rơi trong nhà, vậy sao lại đang tìm kiếm ở ngoài sân?”.
Người thầy trả lời: “Bởi vì mặt trời sắp khuất bóng rồi, nên trong nhà chẳng còn chút ánh sáng nào cả, hoàn toàn tối tăm. Ở ngoài đây vẫn còn chút ánh sáng, nên ta tìm ở ngoài này”.
Những môn đồ cho rằng hôm nay người thầy mình đã lẩm cẩm rồi, toan bỏ đi. Khi đó, người thầy mới nói: “Chẳng phải đây là điều mà các con vẫn hay làm trong suốt cuộc đời mình hay sao? Các con đánh mất một thứ gì đó ở bên trong, nhưng cứ mãi tìm kiếm ở bên ngoài?”
Tương tự như vậy, chúng ta đã đánh mất đi hạnh phúc đích thực ở bên trong, nhưng tâm trí của chúng ta luôn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm lại điều đó. Nhưng tất cả mọi thứ bên ngoài đều có mặt trái của nó. Vui sướng và đau khổ luôn tồn tại với nhau như hai mặt của một đồng xu. Một người đàn ông / phụ nữ đến với cuộc sống của bạn và khiến bạn vui sướng trong một thời gian; nhưng rồi vài năm sau, cũng chính người đàn ông / phụ nữ ấy lại khiến bạn đau khổ. Bạn nhận được một công việc tốt khiến bạn hạnh phúc trong một thời gian; nhưng rồi một thời gian sau bạn lại cảm thấy căng thẳng vì nó. Nhiều người mong muốn có thật nhiều tiền hay nổi tiếng, nhưng khi có nhiều tiền và nổi tiếng rồi thì họ luôn trong tình trạng sợ hãi và bất an. Đó là lý do vì sao mà nhà văn Oscar Wilde nói một điều tưởng chừng như rất mâu thuẫn: “Có hai bi kịch trong cuộc sống này: một là không đạt được điều bạn muốn, và hai là đạt được điều mà bạn muốn.” [14]
Nói như vậy không có nghĩa là bạn thôi không theo đuổi những mục tiêu bên ngoài nữa. Hãy cứ theo đuổi, nhưng đừng mong chờ rằng chúng sẽ mang lại hạnh phúc đích thực cho bạn. Thực ra thì bạn không cần tìm kiếm hạnh phúc, vì hạnh phúc đã có sẵn bên trong bạn rồi, và bạn chính là hạnh phúc. Tất cả những gì bạn cần làm là nhìn vào trong và kết nối trở lại vùng không gian tĩnh lặng, con người thực sự của chính mình.
LỜI KẾT
Bước Chân An Lạc mở đầu với cảnh quay mặt trời mọc, và kết thúc cũng với cảnh quay mặt trời mọc. Cảnh mặt trời mọc thể hiện cho sự tỉnh thức, cho sự lớn dần của hạt mầm tỉnh thức của bạn. Và hình ảnh mặt trời chính là thể hiện cho chân lý, cho sự tĩnh lặng thường hằng bên trong bạn. Hình ảnh này khiến tôi chợt nhớ đến một câu nói trong cuốn sách I Am That của đạo sư Nisargadatta Maharaj như sau: “Người nào di chuyển cùng Trái đất thì chắc chắn sẽ phải trải qua ngày và đêm. Còn người nào ở cùng với Mặt trời thì sẽ không biết đến bóng tối.” [15]
Có những người xem xong Bước Chân An Lạc và chia sẻ với tôi rằng: “Tôi cảm thấy không hiểu lắm bộ phim này”. Đúng là như thế, vì tâm trí chúng ta không thể hiểu được sự tĩnh lặng sâu xa, sự hiện hữu thuần khiết ở bên trong chúng ta. Chúng ta chỉ có thể hiểu, bằng cách cảm nhận nó, và là nó. Một số người khác thì chia sẻ rằng: “Tôi thấy bộ phim này không có một kịch bản, câu chuyện, mục đích nào rõ ràng cả.” Cũng đúng, vì chính đạo diễn Marc J. Francis cũng chia sẻ rằng: “Chúng tôi phải thực tập không bị ràng buộc vào kết quả làm phim bởi vì chúng tôi không bao giờ biết được điều gì sẽ diễn ra mỗi ngày.” [16] Nếu bộ phim có một mục đích duy nhất, thì tôi tin rằng đó là giúp cho người xem cảm nhận trở lại với sự hiện hữu của mình, với vùng không gian, sự tĩnh lặng bên trong mình, với sự chánh niệm, và với phút giây hiện tại. Và trong phút giây hiện tại, thì chẳng có vấn đề nào để giải quyết và cũng chẳng có mục đích nào để đạt đến hay mong cầu. Tôi xin kết lại bài viết này bằng lời của bài hát thiền ca tại Làng Mai “Happiness is here and now” (Hạnh phúc ở đây, bây giờ) như sau:
“Ta hạnh phúc liền giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết âu lo
Không đi đâu nữa
Có chi để làm
Học buông bỏ
Sống không vội vàng.
Ta hạnh phúc liền giây phút này
Lòng đã quyết dứt hết âu lo
Thong dong khi bước
Thảnh thơi lúc làm
Lòng thanh thản
Sống trong nhẹ nhàng.”
---------- HẾT ----------
CHÚ THÍCH:
[1] Nguyên văn: “When you let go of who you think you are, you become who you are.”
[2] Nguyên văn: “Truth is permanent. The real is changeless. What changes does not real, what is real does not change.”
[3] Nguyên văn: “Be still and know that I am God.”
[4] Nguyên văn: “Therefore the Master: Things arise and he lets them come; things disappear and he lets them go. He has but doesn’t possess, and acts but doesn’t expect.” (Stephen Mitchell, Tao Te Ching: A New English Version, Harper Collins Publishers, 2007)
[5] Nguyên văn: “The wound is the place where the Light enters you.”
[6] Nguyên văn: “The wound is the place where the Light enters you.”
[7] Nguyên văn: “Death is a stripping away of all that is not you. The secret of life is to ‘die before you die’ – and find that there is no death.”
[8] Nguyên văn: “Silence is the language of God. All else is poor translation.”
[9] Nguyên văn: “Life is a dancer and you are the dance.”
[10] Nguyên văn: “All true artists, whether they know it or not, create from a place of no-mind, from inner stillness.”
[11] Nguyên văn: “All of humanity’s problems stem from man’s inability to sit quiet in a room alone.”
[12] Nguyên văn: “Happiness is your nature. It is not wrong to desire it. What is wrong is seeking it outside when it is inside.”
[13] Nguyên văn: “Maybe you are searching among branches for what only appears in the root.”
[14] Nguyên văn: “There are only two tragedies in life: one is not getting what one wants, and the other is getting it.”
[15] Nguyên văn: “A man who moves with the earth will necessarily experience days and nights. He who stays with the sun will know no darkness.”
[16] Nguồn: http://walkwithmefilm.com/directors-statement-marc-j-francis
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thích Nhất Hạnh, Fragrant Palm Leaves: Journals, 1962 – 1966, Riverhead Books (1999).
- Menis Yousry, Discover Your Hidden Memory & Find The Real You, Hay House (2011).
- Nisargadatta Maharaj, I Am That, The Acorn Press (2012).
- Stephen Mitchell, Tao Te Ching: A New English Version, Harper Collins Publisher (2007).
- Eckhart Tolle, The Power of Now: A Guide to Spiritual Awakening, New World Library (2010).
- Thích Nhất Hạnh, The Miracle of Mindfulness: An Introduction to the Practice of Meditation, Beacon Press (1996).
- Ramana Maharshi, Be As You Are: The Teachings of Sri Ramana Maharshi, Penguin (1991)
_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo