• Đạo diễn: Harold Ramis
  • Quốc gia sản xuất: Mỹ
  • Năm phát hành: 1993
  • Thời lượng: 1 giờ 41 phút
  • IMDb: 8.0/10

Groundhog Day là một bộ phim hài của Mỹ, kể về câu chuyện của nhân vật chính là Phil Connors (Bill Murray thủ vai), một phóng viên dự báo thời tiết tại Pittsburgh. Phil là một người lúc nào cũng khó chịu, càu nhàu, phàn nàn về mọi người và mọi thứ xung quanh. Một ngày nọ, anh cùng với trợ lý của mình là Rita (Andie MacDowell thủ vai) và người quay phim Larry (Chris Elliott thủ vai) đi đến vùng Punxsutawney, Pennsylvania để đưa tin về một sự kiện về thời tiết gọi là Ngày Chuột Chũi (ngày 2 tháng 2). Sau khi đưa tin về sự kiện (dĩ nhiên là theo một cách cau có và miễn cưỡng), Phil cùng hai người đồng nghiệp toan quay về Pittsburg; nhưng thật không may, một cơn bão tuyết ập đến khiến họ bị mắc kẹt lại ở Punxsutawney. Phil đi ngủ trong một trạng thái bực bội, với hy vọng ngày hôm sau mình có thể được về nhà. Nhưng rồi khi thức giấc vào buổi sáng hôm sau, Phil phát hiện ra một điều kỳ lạ: đó không phải là ngày 3 tháng 2, mà lại là ngày 2 tháng 2 – Ngày Chuột Chũi, với những sự việc diễn ra tương tự như ngày hôm qua! Nhận thấy mình là người duy nhất phải trải nghiệm điều này, Phil cảm thấy bối rối, một lần nữa anh đi ngủ và hy vọng rằng đó chỉ là một giấc mơ. Nhưng không, buổi sáng hôm sau thức giấc, Ngày Chuột Chũi lại lặp lại một lần nữa. Và một lần nữa. Và một lần nữa. Cứ mỗi buổi sáng Phil thức dậy, đó lại là Ngày Chuột Chũi!

Ban đầu khi sự việc này xảy ra, Phil, vẫn là một người bực bội và cau có, lao vào các cuộc ăn chơi sa đọa, uống rượu bia, trải qua các mối tình một đêm, hay đua xe với cảnh sát. Anh cảm thấy khoái trá, vì dù cho anh có bị cảnh sát bắt đi chăng nữa, thì có vấn đề gì, vì ngày hôm sau đó anh vẫn thức dậy êm ấm trên chiếc giường của mình vào Ngày Chuột Chũi. Thế nhưng rất mau chóng, anh cảm thấy tất cả những điều ấy thật vô nghĩa.

Chán các cuộc ăn chơi, Phil quyết định chuyển sang tán tỉnh cô trợ lý của mình - Rita. Cứ mỗi một Ngày Chuột Chũi, anh lại dành thời gian để trò chuyện với cô một chút, và âm thầm ghi lại những sở thích, mối quan tâm của cô. Bằng cách đó, sau một thời gian, Phil đã có rất nhiều thông tin về Rita, và dễ dàng khiến cho cô cảm thấy thích anh. Tuy nhiên, tất cả những gì mà Phil mong muốn cũng chỉ là để đưa Rita “lên giường” với mình. Rita nhanh chóng nhận ra sự không chân thành trong tình yêu của Phil; do đó mà cô luôn “tặng” cho anh những cú tát trời giáng vào cuối mỗi Ngày Chuột Chũi.

Dần cảm thấy tuyệt vọng vì cái ngày này cứ lặp đi lặp lại, Phil quyết định tự tử. Anh thử rất nhiều cách khác nhau, như nhảy lầu, đâm xe xuống vực thẳm, cắm điện vào bồn tắm hay lao vào xe tải...; nhưng dù có tự tử bằng những cách ghê rợn như thế nào đi nữa, thì sáng hôm sau thức giấc, anh vẫn vẹn nguyên trên chiếc giường của mình, và dĩ nhiên là trong Ngày Chuột Chũi!

Nhưng cuối cùng thì trong Phil cũng có sự chuyển đổi về thái độ với Ngày Chuột Chũi. Anh không còn căm ghét hay phản kháng với nó nữa, mà bắt đầu chấp nhận nó, và tận dụng nó. Nhờ Ngày Chuột Chũi cứ lặp đi lặp lại, Phil có vô số thời gian để học tập những thứ mới mẻ mà trước đây anh không có cơ hội tìm hiểu. Anh trở thành “chuyên gia” trong nhiều công việc khác nhau, như khắc đá, chơi piano, nói tiếng Pháp hay chữa bệnh. Không chỉ vậy, Phil còn trở nên cởi mở hơn, yêu thương hơn và hướng ra ngoài để giúp đỡ người khác. Anh biết chính xác là ai sẽ gặp vấn đề gì vào lúc nào, như một nhóm người phụ nữ bị bể lốp xe, một người đàn ông bị hóc thức ăn, hay một cậu bé bị rơi từ trên cao xuống, và anh luôn có mặt kịp lúc để giúp họ. Nhờ đó, anh nhận được niềm tin và tình yêu thương rất lớn từ những người dân trong vùng, và còn nhận được cả tình yêu của Rita. Và rồi đến ngày hôm sau thức dậy, Phil nhận thấy đó không phải là Ngày Chuột Chũi nữa.

NHỮNG BÀI HỌC SÂU SẮC
1/ Một vấn đề bên ngoài sẽ cứ lặp đi lặp lại, cho đến khi ta có sự chuyển đổi ở bên trong

Có một đoạn trong phim, Phil bước vào quán rượu và hỏi một người đàn ông khác một câu hỏi rất đáng để suy ngẫm như sau: “Anh sẽ làm gì nếu như anh bị mắc kẹt ở một nơi, và mọi ngày diễn ra hoàn toàn giống như nhau?” Người đàn ông trả lời: “Điều anh nói đã tóm tắt cuộc sống của tôi rồi đấy.”

Với rất nhiều người, cuộc sống của họ có những vấn đề cứ lặp đi lặp lại, giống hệt như Ngày Chuột Chũi cứ lặp đi lặp lại với nhân vật Phil Connors trong phim vậy. Cuộc sống giống như một trường đại học lớn, nó luôn cho ta những vấn đề để ta có thể học được một bài học quan trọng nào đó. Và cũng như Oprah Winfrey, một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới, từng nói rằng: Một bài học sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại cho đến khi nó được học”, [1] chỉ đến khi nào ta có thể nắm được thông điệp mà cuộc sống muốn gửi đến cho ta thông qua vấn đề mà ta gặp phải, thì vấn đề khi ấy mới có thể kết thúc.

Triết gia người Hy Lạp Epictetus cũng từng nói rằng: Không quan trọng là vấn đề gì xảy ra với bạn; mà quan trọng là cách bạn phản ứng với vấn đề đó là gì. [2] Đâu là cách phản ứng với vấn đề, hay thái độ hiệu quả trong cuộc sống? Chúng ta hãy cùng xem lại cách mà nhân vật Phil Conners đã phản ứng với những vấn đề của mình. Ban đầu, anh ta phản kháng với cuộc sống - luôn khó chịu, phàn nàn, cằn nhằn về mọi thứ; và điều này chỉ khiến mọi người xa lánh anh ta. Với thái độ đó, chắc chắn rằng anh ta cũng sẽ không cảm nhận thấy niềm vui và hạnh phúc. Như vậy, phản kháng với cuộc sống không phải là một thái độ hiệu quả. Khi Ngày Chuột Chũi bắt đầu lặp đi lặp lại, anh ta lao mình vào các cuộc vui chơi, rượu chè, đua xe, các mối tình một đêm…Anh ta có được những cảm giác khoái trá và vui sướng nhất thời, nhưng rồi chúng qua rất mau và để lại trong anh ta một cảm giác trống rỗng và vô nghĩa. Như vậy, sa đà vào các thú vui nhất thời cũng không phải là thái độ hiệu quả trong cuộc sống. Tiếp theo, anh ta tìm mọi cách để tự tử, hay nói cách khác là anh ta chạy trốn khỏi cuộc sống; nhưng rồi anh ta vẫn phải quay trở lại để tiếp tục giải quyết vấn đề của mình. Rất nhiều người trong cuộc sống cũng lựa chọn cách thức tương tự này; và đạo Phật nói rằng họ sẽ phải tiếp tục tái sinh vào một hình hài mới, quay lại cuộc sống để học những bài học mà họ cần học. Như vậy, chạy trốn cuộc sống cũng không phải là thái độ hiệu quả. Chỉ đến khi mà anh ta buông thuận và chấp nhận vấn đề của mình; hay nói cách khác là anh có sự chuyển biến về nhận thức ở bên trong, thì những tình huống bên ngoài cũng trở nên thay đổi và khác hẳn. Mọi người yêu quý anh ta; cuộc sống hỗ trợ anh ta. Như vậy, buông thuận và chấp nhận cuộc sống là một thái độ hiệu quả, cũng như bậc thầy tâm linh Eckhart Tolle viết trong quyển sách The Power of Now (Sức Mạnh Của Hiện Tại) rằng: Hãy buông thuận với những điều đang diễn ra. Hãy nói “có” với cuộc sống – và xem xem cuộc sống bỗng dưng bắt đầu hỗ trợ bạn hơn là chống lại bạn như thế nào.” [3]

2/ Mục đích của cuộc sống là để học tập và phục vụ người khác

Từ sự buông thuận và chấp nhận vấn đề mà mình gặp phải, Phil Conners bắt đầu biết tận dụng vấn đề để học tập và phục vụ người khác; và đó cũng chính là hai mục đích quan trọng nhất của con người trong cuộc sống. Các triết gia và nhà tư tưởng đã nói rất nhiều về hai mục đích này. Chẳng hạn như về học tập, Albert Einstein nói: Một khi bạn dừng việc học tập, bạn bắt đầu chết đi[4]; hay về việc phục vụ người khác, Mahatma Gandhi nói: Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là quên mình đi để phục vụ người khác. [5] Và khi nhân vật Phil Conners quên “cái tôi” của mình đi để hướng ra ngoài giúp đỡ người khác, anh cũng đón nhận lại rất nhiều, chẳng hạn như niềm tin, sự khâm phục của những người xung quanh, và đặc biệt hơn nữa là tình yêu của Rita – người phụ nữ mà anh thương mến. Thật nghịch lý làm sao khi mà ban đầu anh cố gắng mọi cách để theo đuổi và “đạt được” tình yêu của Rita, thì khi đó anh không có được nó; nhưng khi anh không còn quan tâm đến điều đó nữa mà yêu thương mọi người xung quanh một cách vô điều kiện, thì khi đó Rita cũng khởi sinh tình yêu đối với anh. Những điều này làm tôi nhớ đến câu nói của tác giả Viktor Frankl trong quyển sách Man’s Search for Meaning (Đi Tìm Lẽ Sống) như sau: Đừng nhắm vào thành công. Bạn càng nhắm vào thành công và biến nó thành một mục tiêu, bạn càng không đạt được nó. Bởi thành công, cũng như hạnh phúc, không thể được theo đuổi, mà phải được sinh ra. [6] (sau khi xem bộ phim này, tôi muốn bổ sung thêm vào câu nói trên của Viktor Frankl từ “tình yêu” nữa: “Đừng nhắm vào tình yêu…”)

3/ Hãy trân trọng mỗi khoảnh khắc với những người ta gặp mỗi ngày 

Trong bộ phim, vào những Ngày Chuột Chũi đầu tiên, trên đường đến chỗ ghi hình, Phil Conners luôn gặp một ông lão ăn xin; và anh luôn khước từ, ngó lơ và vội vã bước qua ông lão. Tuy nhiên, khi bên trong Phil đã có sự chuyển đổi về mặt nhận thức, Phil cho ông lão tiền, và còn dẫn ông lão đi ăn một bữa ăn thật no. Nhưng Ngày Chuột Chũi cũng là ngày cuối cùng mà ông lão sống; cuối ngày hôm ấy, ông trút hơi thở cuối cùng vì tuổi già.

Trong cuộc sống, nhiều khi do quá bận rộn với công việc, mà chúng ta cũng thường xuyên xem nhẹ hay bỏ lơ những người mà chúng ta gặp mỗi ngày, thậm chí đó là những người gần gũi nhất đối với chúng ta. Nhưng biết đâu đấy, khi chúng ta gặp họ, đó cũng là lần cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy họ trên đời. Vì vậy, bộ phim còn cho ta một thông điệp nhỏ nhưng quan trọng khác, đó là hãy biết trân trọng, biết ơn và thể hiện lòng tốt, tình yêu thương đến với tất cả mọi người mà ta gặp mỗi ngày, đặc biệt là những người thương yêu nhất của chúng ta, như mẹ Teresa từng nói: “Đừng để bất kỳ ai đến với bạn và ra đi mà không cảm thấy tốt đẹp hơn hay hạnh phúc hơn. Hãy là sự thể hiện của lòng tốt của Chúa: lòng tốt trên gương mặt, lòng tốt trong đôi mắt và lòng tốt trong nụ cười của bạn.” [7]

CHÚ THÍCH:
[1] Nguyên văn: “A lesson will keep repeating itself until it is learned.”
[2] Nguyên văn: “It’s not what happens to you, but how you react to it that matters.”
[3] Nguyên văn: “Surrender to what is. Say ‘yes’ to life – and see how life suddenly starts working for you rather against you.”
[4] Nguyên văn: “Once you stop learning, you start dying.”
[5] Nguyên văn: “The best way to find yourself is to lose yourself in the service of others.”
[6] Nguyên văn: “Don’t aim at success – the more you aim at it and make it a target, the more you are going to miss it. For success, like happiness, cannot be pursued; it must ensue…as an unintended side-effect of one’s personal dedication to a course greater than oneself.”
[7] Nguyên văn: “Let no one ever come to you without leaving better and happier. Be a living expression of God’s kindness: kindness in your face, kindness in your eyes, kindness in your smile. ”

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Oprah Winfrey, What I Know For Sure, Flatiron Books (2014).
2. Epictetus, Discourses and Selected Writings, Penguin Classics (2008).
3. Eckhart Tolle, The Power of Now: A Guide to Spiritual Awakening, New World Library (2010).
4. Viktor Frankl, Man’s Search for Meaning, Beacon Press (2006).

 

_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Lê Nguyễn Trần Huỳnh
 Nguyễn Hoàng Bảo Huy 
Phạm Thị Quỳnh Mai
 Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
 Nguyễn Đình Quý 
Trần Minh Dạ Thảo