• Thời lượng: 2 giờ 23 phút
  • Đạo diễn: Baz Luhrmann
  • Diễn viên: Leonardo DiCaprio, Tobey Maguire, Carey Mulligan, Joel Edgerton, Isla Fisher, Jason Clarke
  • Giải thưởng: Giải Oscar cho Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, Giải Oscar cho Thiết kế phục trang xuất sắc nhất, Giải AACTA cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Giải AACTA cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, Giải AACTA cho Phim hay nhất, Giải AACTA cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất...
  • Năm phát hành: 2013

Tiểu thuyết “The Great Gatsby” của F. Scott Fitzgerald, một trong 10 tác phẩm văn chương vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Time bình chọn năm 2007, thật sự vượt thoát ra khỏi tầm của một tiểu thuyết lãng mạn khi ông dùng tình yêu đôi lứa khắc họa nên thực trạng kinh tế và xã hội của nước Mỹ những năm 20 của thế kỷ XX, thậm chí nếu nhìn xa hơn đó có thể là thực trạng của nhiều nước trên thế giới.

Cái hay của “The Great Gatsby” là cùng những con chữ đó, muốn đọc nhẹ thì nhẹ, muốn đọc nặng thì nặng, vì thế đó chính là áp lực của người chuyển thể thành phim khi phải lột tả hết được các tầng ý nghĩa trong nội dung và cả cái đẹp tinh tế đến từng tiểu tiết của tác phẩm mà vẫn đảm bảo số đông có thể hiểu được. Thông thường với phim chuyển thể, người ta sẽ không so với các bộ phim khác mà sẽ so với chính cuốn sách được chuyển thể, vì thế giới chuyên môn sẽ đòi hỏi người đạo diễn phải cô đọng và diễn tả trọn vẹn được quyển sách thành một bộ phim vỏn vẹn 140 phút mà vẫn đảm bảo được các nguyên tắc nghệ thuật trong điện ảnh. Có lẽ vì yêu cầu khắt khe này mà “The Great Gatsby” của đạo diễn Baz Luhrmann không được giới chuyên môn đánh giá cao, tuy nhiên bộ phim lại thu về doanh thu kỷ lục và đoạt giải Oscar cho hai hạng mục Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Thiết kế trang phục đẹp mắt nhất. 

Lấy bối cảnh nước Mỹ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, sau thế chiến thứ nhất Mỹ hưởng lợi từ cuộc chiến trở nên giàu có nhanh chóng, đưa đất nước vào thời kỳ hoàng kim, hay theo chính tác giả F. Scott Fitzgerald vẫn gọi là “thời đại nhạc Jazz” (“The Jazz Age”) hay “thời đại hoàng kim” (“The Golden Age”). Câu chuyện xoay quanh nhân vật Jay Gatsby (do Leonardo DiCaprio thủ vai) và mối chung tình lâu năm với tiểu thư Daisy (do Carey Mulligan thủ vai), nhưng khi anh đi quân ngũ nàng đã cưới triệu phú Tom Buchanan (do Joel Edgerton thủ vai). Khi trở về, Gatsby quyết tâm làm giàu để giành lại người yêu năm nào, chẳng mấy chốc anh trở thành một trong những người giàu nhất khu vực nhưng luôn là một đại gia bí ẩn, thường xuyên tổ chức tiệc tùng nhưng chưa từng có ai thấy anh xuất hiện trong các bữa tiệc của mình. Bỗng một ngày, khi gặp Nick Carraway (Tobey Maguire thủ vai) là em họ của Daisy thì Gatsby mới xuất hiện và tấn bi kịch cuộc đời cô độc của Gatsby bắt đầu từ đó. Liệu anh có gặp lại được Daisy không? Liệu hai người có đến với nhau không?  

Thay vì hé lộ nội dung phim, Cổng Tri Thức Open Edu muốn bạn hãy xem và tự có những trải nghiệm, góc nhìn của riêng mình. Tuy nhiên, để bạn có thêm chất liệu xem phim, Cổng Tri Thức cũng xin chia sẻ 3 nhận định về những yếu tố khiến “The Great Gatsby” trở nên đặc biệt:

1. DÙNG MỘT NHÂN VẬT ĐỂ NÓI LÊN BỨC TRANH THỰC TRẠNG & DỰ ĐOÁN TƯƠNG LAI XÃ HỘI

Những năm tháng “giàu xổi” bỗng chốc trở thành đại gia khi đi lên từ bàn tay trắng nhờ những chuyện làm ăn không rõ ràng của Gatsby chính là phép ẩn dụ của F. Scott Fitzgerald cho nước Mỹ hậu thế chiến thứ nhất. Gatsby vốn tên thật là James Gatz, sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên khi trở về từ chiến tranh anh không thể gặp lại Daisy. Nhưng “Giấc mơ Mỹ” đã cho phép anh đổi đời, từ tay trắng trở nên đại gia và đầy quyền lực, từ đó có lại được sự chú ý của người yêu cũ. Điều này còn cho thấy tình trạng phân cấp rõ rệt giàu nghèo và cả về đạo đức con người. Sự tương phản trong hình ảnh xây dựng một Jay Gatsby làm giàu bất chính nhưng lại có một tình yêu tuyệt đẹp và vô cùng thuần khiết dành cho Daisy, anh làm tất cả chỉ vì Daisy, điều đó thể hiện qua những lúng túng, những ngại ngùng và cả việc nhận tội thay cho Daisy có thể thấy Gatsby có thể hi sinh cả cuộc đời mình cho nàng. Còn những nhà quý tộc giàu hợp pháp thì lại là những kẻ vô cảm, thực dụng, ngoại tình, giết người, phũ phàng đến tàn nhẫn. Bộ mặt xã hội được tác giả phơi bày trơ trụi qua cuộc đời của một con người, mà cái kết của Gatsby cũng chính là cái kết mà tác giả dự đoán trước cho nước Mỹ vào khủng hoảnh "thừa" giai đoạn 1929 - 1933, một sự suy tàn trong cô độc và tuyệt vọng.  

2. GATSBY: VAI DIỄN ĐO NI ĐÓNG GIÀY CHO LEONARDO DICARPIO 

Người ta thường bảo rằng, nếu không phải là Leonardo DiCaprio thì chắc không ai có thể diễn vai Gatsby tròn như thế. Bao nhiêu tầng cảm xúc và con người bên trong một con người, khi thì bí ẩn, khi lại nồng nhiệt, khi thì bình thản, khi lại lo lắng, khi thì lịch lãm, khi lại ngại ngùng xấu hổ. Và quan trọng hơn cả là sâu trong đáy mắt của Leo người ta luôn thấy được sự cô đơn cùng cực thực sự của Gatsby, thường trực trong từng cảnh nhân vật này xuất hiện dù là một mình, với Daisy, hay với đám đông. Gatsby luôn nhận thức được sự cô đơn của mình, nhận thức rằng mình một mình và mình phải sống với nó. Nhưng cái đẹp ở Gatsby là anh ta không ngừng nuôi hi vọng, những bữa tiệc là hy vọng, tia sáng xanh là hi vọng, Nick là hi vọng, Daisy là hy vọng, tất cả đều là hy vọng của Gatsby. Sự chân thành được gói ghém trong vỏ ngoài lịch lãm là điều tuyệt vời nhất Leonardo DiCaprio mang đến cho nhân vật Gatsby. Tuy anh không may mắn với giải Oscar cho vai diễn này nhưng chắc chắn mãi về sau này khán giả vẫn luôn nhớ đến hình ảnh đại gia Gatsby hơi nhướng mày với nụ cười mời mọc giơ cao ly rượu, hay nụ cười của anh với Daisy, và nhiều nhiều khung hình đẹp mà Leo đã xuất sắc giúp Scott lột tả Gatsby đến khán giả đại chúng.  

Phim K5 N401_CT01

3. MANG CÁI "HÀN LÂM" ĐẾN VỚI ĐẠI CHÚNG

“The Great Gatsby” có thể được xem là một tiểu thuyết hàn lâm bởi ngòi bút sâu sắc và cách sử dụng ngôn ngữ của F. Scott Fitzgerald, nếu ở dạng tiểu thuyết chắc chắn đòi hỏi ít nhiều phân tích để hiểu thấu đáo cuốn sách. Và Baz Luhmann quả thật đã tự làm khó mình khi chọn tiểu thuyết kinh điển này để rồi cố gắng phân tích từng tiểu tiết nhỏ đến tinh tế với mục đích vừa giữ được nét đẹp nên thơ cốt lõi của một thời kỳ hoàng kim, của một giấc mơ Mỹ, mà vẫn đảm bảo người xem phổ thông có thể dễ dàng hiểu và thấy thích thú với nội dung phim, từ đó cảm thấy gần gũi với những tiểu thuyết kinh điển hơn. Làm phim hàn lâm cho người hàn lâm xem thì đã khó, nhưng giữ được cái cốt lõi hàn lâm mà đại chúng xem vẫn hiểu còn khó hơn gấp bội. Và có lẽ Baz Luhmann đã làm được điều đó khi thu về doanh thu hơn 350 triệu USD từ “The Great Gatsby” – quả là một sự đầu tư nghiêm túc đáng ghi nhận.  

“The Great Gatsby” là một tác phẩm mà ta nên xem cả sách và phim, vì ở mỗi loại hình ta sẽ cảm nhận được những điều thật khác. Và cũng không cần phải so sánh loại hình nào hay hơn, vì với sách ta có thể để trí tưởng tượng mình bay bổng cùng ngòi bút của tác giả, trong khi với phim, ta có thể mãn nhãn và đắm mình trong thế giới hình ảnh lung linh của thời kỳ hoàng kim nước Mỹ và cũng thăng trầm cảm xúc với những nốt trầm, nốt bổng trong cuộc đời nhân vật. Thứ đọng lại cuối cùng không phải là sự giàu có, sự phản bội, sự thực dụng, sự lụi tàn,… mà chính là thứ tình yêu trong trẻo tuyệt đẹp đã vượt lên tất cả mà sống, thứ tình yêu làm nên một con người vĩ đại, một Gatsby vĩ đại, và một niềm tin rằng dù có ở một xã hội tồi tệ thế nào thì tình yêu vẫn sống, vẫn bất tử, vẫn hát lên khúc hát hoàng kim của riêng mình. Bởi vì con người còn tình yêu, là còn hy vọng.

Và xin mời bạn xem trailer của bộ phim:

_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm