• Thời lượng: 3 giờ 9 phút
  • Đạo diễn: Frank Darabont
  • Diễn viên: Tom Hanks, David Morse, Bonnie Hunt, Michael Clarke Duncan, James Cromwell, Michael Jeter, Graham Greene
  • Năm phát hành: 1999

Cảnh ngục tù thường gắn liền với sự tối tăm, lạnh lẽo bất kể ở thời kỳ nào. Lấy bối cảnh của một trại giam trong thời kỳ đại suy thoái của Hoa Kỳ những năm 1930, bộ phim Dặm xanh (The green mile) đã tạo được một thành công vang dội và luôn nằm trong danh sách những bộ phim kinh điển sau gần 20 năm từ ngày công chiếu đầu tiên. Vậy, điều gì ở chốn ngục tù trong Dặm xanh đã khiến bộ phim này trở nên đặc biệt như vậy?

Một xã hội thu nhỏ trong trại giam E  

Bộ phim được xây dựng xoanh quanh câu chuyện của Paul, một quản giáo coi ngục tử tù của Trại giam E. Được xây dựng như một hình ảnh của người quản giáo chuẩn mực, biết lắng nghe và biết tôn trọng người khác, nhân vật Paul do diễn viên kỳ cựu Tom Hanks thủ vai đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem. Tuy nhiên, cũng chính người quản giáo chuẩn mực này cũng phạm phải những sai lầm, ông cũng có những lần phải im lặng bất lực trước sự sai trái, không bảo vệ được lẽ phải để rồi ông phải trả giá với cái nghiệp của nghề. Xoay quanh nhân vật Paul, bộ phim còn có sự xuất hiện của những nhân vật khác trong trại giam như những người tử tù với hoàn cảnh khác nhau, những viên chức cai ngục với những sự khắc hoạ nhân vật khác nhau. Trong số đó, có không ít những mâu thuẫn đối lập được khắc hoạ tài tình khiến người xem không khỏi suy nghĩ. Người tử tù thường được xem như những kẻ tội lỗi và đáng phải nhận lấy sự trừng phạt. Nhưng không ít trong số họ có thể là những người vô tội, những người chịu oan uổng, hoặc là những người ăn năn hối tội và vẫn ấp ủ những mong ước về một cơ hội được sửa sai. Bên cạnh đó, họ cũng hoàn toàn có thể là những tên xem thường pháp luật, xem thường luân lý và không có điểm dừng trên con đường sai trái. Đối với những người quản giáo, họ có thể là những hình mẫu lý tưởng của những con người đạo đức, chuẩn mực nhưng đồng thời trong số họ cũng có những người máu lạnh, hèn nhát, lợi dụng quen biết, lợi dụng chức quyền để ức hiếp những người yếu thế. Những người ăn mặc sang trọng, có chức vị không phải bao giờ cũng là những người đáng để ta kính trọng. Ngược lại, có những người nhìn bề ngoài to lớn, thô kệch nhưng họ lại có tấm lòng của những vị thánh sống, và có tâm hồn vô cùng nhạy cảm. Bối cảnh trại giam chật hẹp nhưng dường như khắc hoạ được thật rõ nét một xã hội thu nhỏ với những tầng lớp, những kiểu người khác nhau mà ta vẫn thường bắt gặp ở bất cứ cộng đồng nào.   

Tình người và nhân tính trong chốn ngục tù  

Trại giam tử tù E là nơi những người tù nhân dành những ngày cuối cùng của đời mình, và kết thúc bằng án tử trên chiếc ghế điện dưới sự chứng kiến của nhiều người. Sự hành hình này dù ít hay nhiều chắc chắn sẽ khiến trại giam trở thành một nơi lạnh lẽo, tối tăm và ám ảnh. Tuy vậy, chốn ngục tù trong bộ phim của đạo diễn Frank Darabont được tái hiện với những chi tiết hết sức nhân văn. Trong trại giam có một quy luật bất thành văn mà mọi người cần tôn trọng đó là không được làm kinh động đến những người tử tù, họ đang sống trong những ngày cuối đời, chờ đợi đến cái ngày ngồi trên chiếc ghế điện chết chóc kia, việc này đã đủ ám ảnh và đáng sợ với họ. Ngoài ra, sau khi họ bị hành hình, thì họ cũng đã trả hết tội lỗi trần gian, và xứng đáng được tôn trọng, được đối xử công bằng. Quy luật nhân quả được thể hiện rõ nét trong bộ phim với những tình tiết đan xen từ đầu đến cuối bộ phim. Những người làm sai sẽ phải trả giá với chính những việc họ làm, và ngược lại, khi họ giúp đỡ người khác thì cũng sẽ được đền đáp, bằng cách này hay cách khác. Cái nhân tính trong bộ phim còn thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ, đơn cử như hình ảnh chú chuột nhắt Mr. Jingles trong ngục. Sự xuất hiện của chú chuột Jingles như đem lại những giây phút nhẹ nhàng, tươi sáng trong trại giam. Những viên quản ngục nghiêm nghị cũng phải phì cười trước sự vô tư của chú chuột nhỏ, và quăng cho chú những mẩu bánh mì vụn. Cũng chính chú chuột này đã đem lại những niềm vui lớn lao những ngày cuối đời cho Del, một người tử tù cận kề ngày thi hành án. Chú chuột trở thành bạn của Del, được Del thuần hoá và đồng hành cùng Del đến ngày Del ngồi lên chiếc ghế điện. Một chú chuột nhắt nhỏ bé, được đặt tên, được đối xử tử tế, vậy tại sao giữa người với người ta lại không làm được như vậy? Một trong những hình ảnh đầy tình người khác trong bộ phim chính là tình bạn đặt biệt giữa Paul và John, một người tử tù chịu tội oan.   

Những cái nợ với thần chết  

Bộ phim bắt đầu bằng những hình ảnh các cụ già trong viện dưỡng lão, và cũng kết thúc với những hình ảnh từ viện dưỡng lão nhìn ra thế giới bên ngoài. Xuyên suốt bộ phim là những cái chết đầy ám ảnh của những người tử tù, có người ra đi theo đúng “quy trình” thi hành án, có người ra đi một cách đầy đau đớn và xót xa. Với những người tử tù, cái chết của họ nhìn ở một góc độ khác, có thể là một cái kết đầy ân huệ cho những chuỗi này sống với chiếc lưỡi hái của thần chết chực chờ. Họ may mắn hơn rất nhiều người, họ biết trước ngày giờ mình sẽ kết thúc cuộc sống này. Song song đó, đối với Paul, là một người quản ngục và từng nhiều lần thi hành án tử, ông lại phải trả giá cho cái nghiệp của ông bằng việc ông phải sống thật lâu, để nhìn thấy những người thân yêu của mình lần lượt qua đời, để dằn vặt bởi những điều trong quá khứ, và chẳng biết khi nào thì tới lượt mình sẽ ra đi… Cái chết, chưa hẳn là một sự trừng phạt, và sự sống, chưa chắc đã là một ân huệ.   

Bộ phim kết thúc một cách nhẹ nhàng, nhưng chắc hẳn sẽ khơi gợi rất nhiều những suy nghĩ khác nhau trong lòng mỗi người. Dặm xanh là một bộ phim đầy ám ảnh, nhưng chính những ám ảnh này sẽ khiến tim ta nóng hơn, tâm hồn ta rộng mở hơn. Hãy xem, và cảm nhận những suy nghiệm của riêng mình bạn nhé. 

_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh