• Thời lượng: 136 phút
  • Đạo diễn: Yasujiro Ozu
  • Quốc gia sản xuất: Nhật bản
  • Năm phát hành: 1953

“Ở đời, cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình” – Ozu

Tokyo Story (1953) là một trong những bộ phim kể về tình cảm gia đình, có nhiều bộ phim của những đạo diện Châu Á, tiêu biểu như Eat, Drink, Man Woman của Lý An, hay Yi Yi của Dương Đức Xương, đây đều là những bộ phim có thể được xếp vào thể loại “Slice of life” - những câu chuyện từ những lát cắt rất đời thường từ cuộc sống hàng ngày, đôi khi nó chẳng có nội dung gì cụ thể, mà chỉ đơn giản kể lại một câu chuyện của một gia đình nào đó. Nhưng phải đến Tokyo Story của Ozu, cái hay của dòng phim này mới có cơ hội được thể hiện hết và chạm đến cảm xúc của người xem một cách từ từ nhẹ nhàng, như cách dẫn người ta vào “nhập thiền” - khi tâm tư ta lắng lại, ta quan sát và đối diện với những điều đang xảy ra, bình tâm và chấp nhận nó nhưng cuối cùng để lại một vết khứa rất sâu. 

Trong Tokyo Story, Ozu chỉ đơn thuần kể lại câu chuyện về 1 cặp vợ chồng già từ vùng quê thuộc tỉnh Hiroshima lên Tokyo thăm các con của mình và rồi trở về quê nhà. Cuộc hành trình 10 ngày, 2 ông bà ở vài ngày tại nhà cậu con trai đầu, sau đó lại qua chỗ cô con gái thứ 2, rồi cô con dâu goá chồng, cuối cùng là nhà cậu con trai út tại Osaka. Chỉ vỏn vẹn như vậy, khán giá đã thấy được rất nhiều thứ, hiện thực về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cứ thế được Ozu tái hiện thông qua những câu chuyện diễn ra hàng ngày, những cuộc hội thoại, những sinh hoạt đời thường, cử chỉ và ánh mắt của những nhân vật đều thể hiện một cách trọn vẹn những nỗi buồn sâu kín của mỗi người, trong một bức tranh gia đình lớn, khoảng cách thế hệ và sự khác biệt lớn về suy nghĩ và cách sống. Khi mà con cái quá bận rộn với cuộc sống riêng, 2 ông bà cứ loay hoay trong một nỗi niềm lạc lõng từ sự thờ ơ của các con mình, nhưng lại vừa đau lòng mà vừa hạnh phúc vì sự quan tâm của cô con dâu - vợ goá của đứa con trai đã mất trong chiến tranh. “Một giọt máu đào liệu có hơn ao nước lã?” 

“You may be happy while you're still young. But as you become older, you'll find it lonely” – Tokyo Story

Bộ phim khai thác về chủ đề tình cảm gia đình trong bối cảnh sau chiến tranh, đặc biệt là tình cảm của những thế hệ trong nhà với nhau, về tình thương lẫn nỗi cô đơn của những người lớn tuổi được thể hiện một cách tinh tế qua từng cử chỉ, ánh mặt, khoé miệng hay thậm chỉ là những cái thở dài và cúi đầu chào nhau - hành động đặc trưng trong văn hoá Nhật, để rồi Ozu khắc hoạ một sự thật phũ phàng - sự tan vỡ của mối liên kết tình thân giữa cha mẹ và con cái. Ozu không làm bi kịch hoá, ông cũng không thể hiện nó một cách mãnh liệt hay nhấn nhá bằng những cao trào, nút thắt, mà Ozu chỉ kể và kể - một cách tự nhiên như hơi thở, tự nhiên như một câu chuyện đời thường đến đỗi tưởng chừng như nó chỉ là một câu chuyện của một người hàng xóm kế bên nhà hoặc nó diễn ra trong chính gia đình của chúng ta mà ta chẳng hay. 

"Children don't live up to their parents' expectations. Let's just be happy that they're better than most." – Tokyo Story.

Và khán giả bị cuốn vào vũ trụ của Ozu một cách tự nhiên với lối kể chuyện nhẹ nhàng đến tinh tế của ông, bởi lẽ chẳng có lời giáo huấn nào được thẳng thừng phô bày ra, chẳng có lời oán trách nào, tức giận nào được thể hiện trong từng nhân vật, chẳng có gì hết, hoặc có thể chẳng có người nào đúng, người nào sai - tất cả chỉ đọng lại 1 điều, đó là “một lẽ tự nhiên của cuộc đời” hay một khái niệm vỏn vẹn gói gọn trong “Vô thường”. Nhưng vì nó nhẹ nhàng, gần gũi quá mà nó khiến ta buồn vì để lại vết cắt rất sâu, khi ta từ từ cảm nhận được những nỗi buồn sâu kín, nỗi cô đơn của nhân vật dù cho phân cảnh đó không có nước mắt, vẫn là nụ cười trên khoé miệng nhưng nó lại khiến người xem chua xót vô cùng. 

Chẳng màu mè, lời thoại đơn giản nhưng đầy tính triết lý. Phim của Ozu, thực sự rất Nhật - từ phong cách kể truyện, triết lý của phim, mối quan hệ và cảm xúc của nhân vật. Góc quay của Ozu là góc ở tầm mắt của một người đang ngồi trên sàn tatami, người Nhật hay ngồi bàn thấp - việc ngồi bàn thấp này đã trở thành văn hoá đặc trưng của người Nhật và ảnh hưởng đến cả những nét văn hoá về ẩm thực (như việc sử dụng đũa trên bàn ăn). Với Ozu, góc này là góc người Nhật điển hình nhìn thế giới. Và khung hình của Ozu cũng rất đặc biệt, khung hình tĩnh - nhân vật chuyển động trong khung hình ấy, cứ như thể ta ngồi trước máy quay và xem mọi thứ đang diễn ra trước mắt - rất gần. Và sau khi hết phân đoạn đó, thường khung hình đó vẫn sẽ giữ nguyên vài giây rồi mới chuyển sang phân cảnh mới. 

Nếu ai thích văn hoá Nhật, hãy xem phim Ozu để thấy được nếp sinh hoạt, trang phục và cả những lễ nghĩa, chào hỏi của người Nhật với nhau. Và chắc chắn, có những điều ta sẽ cảm thấy lấy làm lạ. 

“Isn’t life disappointing?”

“Yes, it is.”

Cảm ơn ông Ozu - vì một thế giới điện ảnh đẹp vô cùng.

[Mời xem trailer của bộ phim]

_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 6

Nguyễn Thúy Duy
Nguyễn Thúy Hằng
Hoàng Tuấn Nam
Thái Phước Nguyền
Phạm Xuân Thành