• Thời lượng: 1 giờ 55 phút
  • Năm phát hành: 2017
  • Quốc gia sản xuất: Anh, Mỹ
  • Đạo diễn: Martin McDonagh
  • IMDb: 8.2/10

Đây là một phim điện ảnh thuộc thể loại chính kịch (drama) hình sự do Martin McDonagh đạo diễn kiêm viết kịch bản và sản xuất.

Câu chuyện của bộ phim xoay sự việc về một người mẹ tên Mildred Hayes có một cô con gái bị cưỡng hiếp và sát hại dã man (bị thiêu sống) tại một thị trấn nghèo xa xôi và tĩnh lặng ở miền trung nước Mỹ. Nhưng trong vòng 7 tháng sau khi vụ việc diễn ra, cảnh sát trong thị trấn của bà (vùng Ebbing, bang Missouri) không tìm ra được bất kì nghi can nào. Để đánh động giới cảnh sát và cộng đồng, bà đã bỏ ra 3000 USD thuê ba tấm bảng quảng cáo ngoài trời cỡ đại được đặt ngay cửa ngõ vào thị trấn trong vòng 1 tháng để kêu gọi sự chú ý của cộng đồng đến vụ án chưa giải quyết và làm phân cực sâu sắc quần chúng khu vực này. 3 tấm bảng giữa chốn đồng không mông quạnh này từ lâu đã bị bỏ hoang xuống cấp do không tìm được khách hàng.  Một ngày nọ, 3 tấm bảng bỗng nhiên được sơn lại kèm theo ba dòng chữ ngắn ngủi màu đen, khổ lớn, trên nền biển quảng cáo màu đỏ máu: “Raped while dying” (Bị cưỡng hiếp khi đang hấp hối), “And still no arrests?” (Và đến giờ vẫn chưa ai bị bắt?), “How come, Chief Willoughby?” (Vậy là sao, Cảnh sát trưởng Willoughby?).

3 tấm biển quảng cáo lập tức gây sốc và náo động cả thị trấn khi nội dung là lời chỉ trích trực diện mà bà Hayes dành cho cả lực lượng cảnh sát bất tài trong thị trấn khi họ không thể nào tìm ra chút manh mối về vụ cưỡng hiếp và sát hại Angela, cô con gái út còn ở tuổi vị thành niên của bà. Sau sự kiện, những người ủng hộ cách phản ứng lạ lùng này của Mildred Hayes không nhiều. Phần lớn cộng đồng lại tỏ ra bất bình khi cho rằng ba tấm biển như thế vừa phản tác dụng cho việc điều tra, vừa xúc phạm cá nhân cảnh sát trưởng Willoughby đang trải qua đợt điều trị ung thư giai đoạn cuối, và nhất là đã làm xáo trộn sự bình yên vốn có của thị trấn nhỏ Ebbing.

Bộ phim có nhịp độ cao với những tình tiết bất ngờ xuất hiện và chuyển biến liên tục, làm khán giả và không thể rời mắt theo dõi chờ đợi xem cảnh sát sẽ ứng xử với tình huống oái ăm này như thế nào? Họ có thay đổi mà thực hiện đúng trách nhiệm của mình và cuối cùng, người mẹ có tìm ra được hung thủ và đòi lại được công lý cho cô con gái của mình? 

NHỮNG BÀI HỌC SÂU SẮC VÀ ĐIỀU SUY NGHĨ:

Three billboards outside Ebbing, Missouri (tạm dịch: Ba tấm biển quảng cáo ngoài trời tại Ebbing, Missouri) là một trong những bộ phim đáng chú ý, xuất sắc và gây tò mò nhất dành cho khán giả trên toàn thế giới năm 2017. Sự tò mò này xuất phát ngay từ ý tưởng, cốt truyện và cách tiếp cận của bộ phim về một vấn đề đã lâu nhưng chưa bao giờ cũ: công lý cho những việc đúng đắn và tình mẫu tử.

Thị trấn Ebbing, bang Missouri làm bối cảnh của bộ phim thật ra lại là địa danh không có thật. Từ “Ebbing” trong tiếng Anh nghĩa là “dần lụi tàn”. Sự suy tàn đầy ẩn ý này thể hiện qua màu sắc xam xám đỏ u tối, khung cảnh hoang tàn của thị trấn, thái độ “lè phè” của giới cảnh sát và những phản ứng cực đoan của viên cảnh sát “da trắng” Dixon có xu hướng bạo lực, kì thị chủng tộc và phân biệt giới tính. Nhân vật Dixon là hiện thân một của một bộ phận tồn tại của người dân Mỹ - bảo thủ, lười biếng và cực đoan. Không chỉ có một lối sống buông thả, nông cạn, thiếu tôn trọng, và đầy định kiến, Dixon hiện lên trong phim thực sự là một kẻ đáng khinh về mọi mặt. Nhưng chúng ta không thể tưởng tượng được rằng chính một người đáng khinh như Dixon lại là người bất chấp tính mạng, lao vào ngọn lửa cứu lấy hồ sơ vụ án khi sở cách sát bị bà Hayes châm lửa thiêu rụi. Càng đến cuối phim, những biến chuyển bất ngờ trong tình tiết sẽ khiến cho khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, cùng rất nhiều cảm xúc đan xen. Ban đầu, đó là sự ngột ngạt, phẫn uất, tức giận cho việc công lý bị chà đạp, cho sự hống hách bất công trong hành vi của Dixon, cho hành vi rồ dại của bà Hayes, cho sự ngỡ ngàng với người chồng và người con trai. Sau đó, lại là cảm xúc mâu thuẫn khi không có bất kì nhân vật nào trong bộ phim thật sự “đóng vai tốt”, mọi hành động của các nhân vật thật ra là tốt hay xấu? Ai mới thật sự là người tốt? Những cay đắng và nhức nhối này bị tác giả bắt chúng ta phải chịu đựng trong suốt bộ phim. Tất cả điều ấy khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: công lý thật sự dành cho ai, cho việc gì và công lý được thực thi như thế nào là đúng đắn? Bộ phim kết thúc với một hình ảnh gợi mở kinh điển: một con đường rẽ làm hai trong chuyến đi sinh tử của bà Hayes và cảnh sát Dixon. Đó như một biểu tượng ẩn dụ ám ảnh cho sự lựa chọn của con người về việc phải trái đúng sai, về việc chấp nhận hay đấu tranh, về cái thiện và cái ác, và việc chúng ta phải thật sự phải làm gì trước những bất công, oan ức của cuộc đời mà chúng ta phải trải qua.

Với bà Hayes, đó là một người mẹ trải qua nỗi đau mất con và dần cạn kiệt niềm tin vào công lý. Xã hội Mỹ theo góc nhìn của kịch bản cũng đầy những bất công và tệ nạn trong sự bất lực hoặc thờ ơ của cơ quan pháp quyền. Càng theo dõi, khán giả càng nhận ra rằng đằng sau sự kiên nghị của bà Hayes là nỗi đau khổ tột cùng của một người mẹ đơn độc, ngày ngày nhìn những đoàn tàu chạy qua và nghĩ về đứa con gái không bao giờ còn quay trở lại. Khó có thể tưởng tượng nổi trên đời này có nỗi đau nào tàn khốc hơn cái cảm giác đó, đặc biệt khi con của bà là một thiếu nữ vị thành niên đã bị cưỡng hiếp và sát hại dã man. Tan nát cõi lòng vì cái chết của con gái mình dần trôi vào dĩ vãng, Mildred bị cuốn vào một vòng xoáy của sự oán hận và thái độ ngang ngạnh, bất cần đối với toàn bộ thế giới xung quanh. Bà đã nói rất nhiều thứ, và làm rất nhiều điều gây tổn thương cho cả thị trấn vì sự giận giữ của mình. Mặc dù tỏ ra gân guốc và mạnh mẽ, và không còn gì không dám làm, nhưng tất cả những điều đó đều đến từ một sự yếu đuối trong tầm hồn bà. Nếu đã từng xem Mother (2009 – Hàn Quốc), một bộ phim rất nổi tiếng cũng có ý tưởng tương tự khi một người mẹ làm tất cả để chống lại thế giới mà bảo vệ con trai mình, thậm chí là những chuyện mất nhân tính rồ dại nhất, ta sẽ có cảm giác tương tự. Nhưng khác với Mother, bà Hayes cũng sẵn sàng chống lại cả xã hội – từ người chồng, con trai, cả cộng đồng, giới công quyền Mỹ - để tìm lại công lý cho con nhưng vẫn thấm đẫm nhân văn. Những biến chuyển bất ngờ cuối phim lại mở ra cho ta một cái kết khác. Ta nhận ra rằng sau những sự thù hằn và hành vi trả đũa, các nhân vật bất hạnh học được sự tha thứ, và bắt đầu buông tay khỏi lưỡi kiếm mà sự thù hằn gây ra. Tất cả đã được đúc kết chỉ đúng trong đoạn hội thoại cuối phim:

"Anh chắc về việc này chứ?" - bà Hayes hỏi Nixon.

"Về việc giết hắn ư? Không hẳn. Còn cô?" - Nixon trả lời.

"Không hẳn. Tôi đoán chúng ta có thể quyết định trên đường đi."

Vậy còn bạn? Nếu bạn trong vai trò của bà Hayes, bạn sẽ quyết định làm điều gì? Thù hận hay tha thứ? Để cho tình mẫu tử trỗi dậy mạnh mẽ bất chấp công lý, hay mạnh mẽ vượt qua và làm những hành động đúng đắn để đòi lại công lý?

Three Billboards Outside Ebbing, Missouri lại gắng đem tới chút hy vọng le lói nào đó về chất lương thiện ẩn giấu bên trong mỗi cá nhân. Do đó, tuy là tác phẩm hình sự - hài đen với đối tượng chính là tội phạm, tội ác, và những chi tiết dở khóc dở cười của một thế giới thu nhỏ tại thị trấn Ebbing, nhưng Three Billboards Outside Ebbing, Missouri thực sự khiến người xem phải cảm động bởi chất nhân văn sâu sắc về tình người, về mối quan hệ giữa người với người, về tình mẫu tử thiêng liêng ẩn sau bức chân dung xã hội đen tối.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://news.zing.vn/three-billboards-outside-ebbing-missouri-doi-dau-chi-co-mau-den-post808344.html
  2. http://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/9289-Thanh-cong-cua-phim-Three-Billboards-da-tao-nen-rat-nhieu-cam-hung-cho-quang-cao-ngoai-troi-OOH
  3. http://kenh14.vn/three-billboards-outside-ebbing-missouri-noi-dau-va-su-giai-thoat-20180303102300949.chn

_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Lê Nguyễn Trần Huỳnh
 Nguyễn Hoàng Bảo Huy 
Phạm Thị Quỳnh Mai
 Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
 Nguyễn Đình Quý 
Trần Minh Dạ Thảo