• Thể loại: Chính kịch xét xử, tâm lý
  • Thời lượng: 96 Phút
  • Đạo diễn: Sidney Lumet
  • Ngôn ngữ: Tiếng Anh
  • IMDb: 9.0/10
  • Giải thưởng: giải thưởng Gấu Vàng tại liên hoan phim Berlin lần thứ 7 cho phim xuất sắc nhất . Giải Grand Prix của Hội Nhà phê bình phim Bỉ
  • Năm phát hành: 1957

12 Angry Men (1957) có nội dung khá đơn giản: một thanh niên trẻ bị truy tố tội giết cha. 12 người đàn ông thuộc bồi thẩm đoàn khi ấy phải quyết định liệu anh ta có tội hay vô tội. 11 người trong số này nhất trí bị cáo có tội để nhanh chóng tiễn anh ta đến án tử hình trên ghế điện. Tuy nhiên, 1 người duy nhất không đồng tình với bản án này. Và cả 12 người giờ phải ngồi bàn bạc lại bản án.

Được cố đạo diễn Sidney Lumet chỉ đạo, 12 Angry Men (1957) được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ do những giá trị vô giá về nghệ thuật kể chuyện, nhân vật và việc mô tả những mối mâu thuẫn mà phim để lại cho nền công nghiệp phim ảnh Hollywood. Điều thú vị là khi được công chiếu vào năm 1957, 12 Angry Men không thu hút được ai đến rạp xem cả.

Dưới đây là một số giá trị kinh điển và nét độc đáo mà bộ phim đã mang lại cho người xem:

1.      Mạng sống của một con người là bình đẳng, cho dù quá khứ, xuất thân có như thế nào đi chăng nữa, cũng đều có quyền được thụ hưởng công lý.

2.      Bộ phim là ví dụ điển hình của cách hệ thống pháp lý vận hành

Sự tài tình của bộ phim là những chi tiết trong phim, và cả cái kết cuối phim, khiến người xem tin rằng bị cáo là người vô tội. Nhưng khi trải qua một khoảng thời gian đủ lâu để ngẫm nghĩ kĩ lại các tình tiết, người xem bỗng nhận ra có khả năng bị cáo là kẻ đã thực hiện tội ác đó. Bộ phim xoáy vào khái niệm “nghi ngờ hợp lệ” (được coi là viên ngọc của nền pháp lý) trở thành phương tiện để rửa tội cho một tên giết người, nhưng mặt khác, phim cũng nói lên suy nghĩ: để một tên tội phạm thoát vòng lao lý liệu có tốt hơn để một người vô tội chết oan?

3.      Phim chính kịch xét xử nhưng không xảy ra ở phòng xử án

Bộ phim không hề có những chi tiết sáo mòn, không có nhân chứng có thể thay đổi cục diện xuất hiện vào phút cuối, hay những lần kiểm tra chéo bằng chứng của các luật sư. 12 Angry Men chỉ cho thấy màn tranh luận nảy lửa giữa các bồi thẩm đoàn và buộc khán giả phải tự xâu chuỗi chúng lại với nhau

4.      Phản biện lại định kiến

Nhiều định kiến ám ảnh xã hội của chúng ta nhanh chóng được phơi bày trong căn phòng nóng nực của 12 bồi thẩm đoàn, rõ ràng nhất là thái độ bảo thủ và kỳ thị của chủ sở hữu một nhà sửa xe hơi do Ed Begley thủ vai: bồi thẩm đoàn thứ 10. Khi cuộc tranh luận ngày càng nóng lên, những người khác cũng bắt đầu bộc lộ những cái nhìn mang tính kì thị lẫn bảo thủ, từ sự dè bỉu của các bồi thẩm đoàn khác đối với sự thông thái của bồi thẩm đoàn thứ 9 (Joseph Sweeney) và nỗi nghi ngờ của họ đối với nhân chứng ở căn hộ bên dưới hiện trường vụ án.

5.      Lột trần nhân vật một cách tài tình

12 Angry Men đầy rẫy những kiểu nhân vật điển hình trong xã hội (kẻ phân biệt chủng tộc, giám đốc mồm mép, nhân viên ngân hàng trầm tính). Cái hay của phim là ném tất cả họ vào một tình huống với nhau và nhìn họ bộc lộ con người thật của mình.

6.      Một cái kết vô cùng có sức nặng với tính hiện thực

Người xem như được giải thoát khỏi cảm giác ngột ngạt khi 12 bồi thẩm đoàn bước ra khỏi tòa án và đầm mình vào không gian rộng rãi bên ngoài. Hai bồi thẩm đoàn trong số này dừng lại để nói với nhau vài lời. Ngay lúc này, người xem cảm nhận được tính hiện thực đã làm bộ phim trở nên chân thật đến vậy. Ta chợt nhận ra họ, những bồi thẩm đoàn, đã thực hiện xong nghĩa vụ công dân và giờ họ sẽ tiếp tục sống cuộc sống của họ mà không có lý do gì để gặp nhau nữa.

7.      Những góc quay tuyệt đẹp

Trải qua các cung bậc cảm xúc mãnh liệt của câu chuyện, máy quay như đang theo sát từng đoạn diễn biến một. Góc quay thay đổi từ điểm nhìn cao cho đến điểm ngang sao cho những đối tượng trong khung hình xuất hiện ngang tầm nhìn của người xem. Cuối cùng, góc quay tiến vào cận cảnh như thể muốn làm khán giả cảm thấy mình đang bị kéo vào cuộc tranh luận tưởng chừng như ngày càng lún sâu vào sự vô tận.

8.      Diễn xuất thượng thừa

12 Angry Men quy tụ những diễn viên chất lượng của giai đoạn ấy. Henry Fonda vào vai Davis – người duy nhất bầu vô tội đối với bị cáo trẻ, là gương mặt nổi tiếng nhất dàn diễn viên bấy giờ. Nhưng màn biểu diễn của ông, dù được đánh giá là tuyệt vời, vẫn không thể sánh được với diễn xuất tổng thể của các diễn viên góp mặt ở bộ phim. Mỗi một diễn viên đều thể hiện hết sức mình với vai diễn của họ.

12 Angry Men xứng đáng được xem là một ví dụ tuyệt vời để minh chứng rằng, không phải phim có nhiều kỹ xảo, nhiều cảnh quay hoành tráng, được đầu tư tốn kém thì mới trở thành phim hay.

 

 
Bài Giới thiệu Phim này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Đình Giang
Mai Đoàn Thảo Ly
Võ Minh Thục Quỳ
Lê Thắng
Lê Quang Tịnh