Bài thuyết giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh về chủ đề tình yêu trong một khóa tu mùa hè (30/07/2004) giành cho giới trẻ. 

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, tình yêu có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc, sự thỏa mãn vì nó có nhu yếu: Hiểu và thương. Tình yêu có nguồn gốc từ thân thể, từ sinh lý. Trong thế giới hoang dã, từ thực vật đến động vật đều có những nhu yếu để tạo ra thế hệ tương lai. Loài vật chỉ dừng lại ở mức thỏa mãn sinh lý, nhưng hạnh phúc của con người cao hơn về trí hiểu. Nên hành động giao hợp giữa nam và nữ của con người cũng có mục đích tạo ra thế hệ con cháu để tiếp nối sứ mệnh tồn tại. Nó có thể tạo ra cảm giác khoái lạc, nhưng khoái lạc cũng chỉ được xem là một phương tiện để tạo ra hậu thế. Ngay cả những người đi tu cũng có những nhu yếu, nhu yếu khổ độ chúng sanh, nên cho dù không có phương tiện khoái lạc của tiếp xúc thể xác, họ vẫn đạt được hạnh phúc. 

Về Đạo Đức, bất cứ chuyện gì cũng phải có đạo đức, ngay cả trong tình yêu cũng vậy. Trong 5 giới, (1. Pànàtipàtà veramanì: Tránh xa sát sinh 2. Adinnàdàna veramanì: Tránh xa sự trộm cắp 3. Kàmesu micchàcàrà veramanì: Tránh xa sự tà dâm 4. Musà vàdà veramanì: tránh xa sự nói dối 5. Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì: Tránh xa sự dễ dãi uống rượu và các chất say) đối với giới thứ 3: khi bản thân chúng ta không có sâu sắc và sự cam kết lâu dài, chúng ta nên tránh xa sự tà dâm. Trong ánh sáng phật học, thân và tâm không phải là 2 thực tế riêng biệt, muốn tâm ko khổ đau thì phải giữ thân ko khổ đau, muốn tâm tinh khiết phải giữ thân tinh khiết. Phải tự biết kính trọng mình, người khác mới kính trọng mình.Trước khi đi đến cam kết lâu dài, chúng ta phải biết rõ người kia (hiểu), đừng để dục trong con người mình làm chủ. Sau đó, chúng ta sẽ yêu thương chân thật (thương), và hạnh phúc sẽ đến như một lẽ tự nhiên. 

Để xác định rõ người kia có phù hợp với mình không, ta dựa vào Tứ vô lượng tâm làm chuẩn. Bản thân chúng ta cũng phải tập luyện để đạt những điều đó. 

Tứ vô lượng tâm: 4 loại tình cảm không có biên giới, càng ngày càng phát triển. 

- Tâm Từ: người đó có khả năng đem lại hạnh phúc cho mình và cho người khác; 

- Tâm Bi: là lòng thương xót cứu khổ, muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ. 

- Tâm Hỷ: “Hỷ” là lòng vui, tự mình vui và mừng giùm cho người được điều thiện. 

- Tâm Xả: trong tình yêu không có cái ngã hay sự ích kỷ. Sẵn sàng cho đi, không chấp hay không giữ trong lòng. 

Bài giảng là quan niệm của thiền sư Thích Nhất Hạnh về tình yêu. Ông là một giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình của người Việt. Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm, thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.

 
Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến 

Với sự hỗ trợ từ Cộng tác viên: Nguyễn Thị Bích Thùy