• Tác giả: Montesquieu
  • Dịch giả: Hoàng Thanh Đạm
  • Đơn vị xuất bản: NXB Thế Giới
  • Năm xuất bản: 2018

Nếu như trong Bàn về chính quyền, Cicero đặt ra câu hỏi “nghĩa vụ của một con người công bằng và tốt đẹp là tuân thủ luật lệ. Thế nhưng, anh ta phải tuân thủ những luật nào?” và liệu có một hình thức luật nào là vĩnh cửu và bất biến, “phù hợp với cả mệnh lệnh lý tình và mệnh lệnh tự nhiên”, “áp dụng phổ quát cho tất cả mọi người”, “tiếng gọi nghĩa vụ, ngăn cấm làm điều sai trái” mà bất cứ thành phần nào cũng không thể phá hủy? (Cicero, 2017, p.242, 245) thì 18 thế kỷ sau, người hậu bối của ông, Montesquieu đã dành gần 20 năm nghiên cứu và đưa ra những lý luận triết học chính trị về xã hội học, luật học để trả lời câu hỏi trên. 

Quyển sách Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu gồm 31 tập, được dịch giả Hoàng Thanh Đạm chọn lọc và chuyển ngữ với mong muốn mang những tri thức khai sáng từ nhà triết học chính trị có nhiều ảnh hưởng về tư tưởng đến nhiều chính thể hiện nay.

SACH18065-Ban-ve-tinh-than-phap-luat.jpgNguồn ảnh: Salezone.vn

Mở đầu, tác giả phân tích luật của con người trong tương quan với luật thiên nhiên: “Mọi vật đều có luật của nó. Từ thế giới thần linh đến thế giới vật chất, từ những trí tuệ siêu việt đến cho đến loài vật và loài người đều có luật của nó…. Không có quy luật thì thế giới không tồn tại…. Trước khi con người hình thành xã hội thì đã có những quan hệ về sự công bằng tất yếu rồi” (Montesquieu. p. 42). Trong đó “luật tự nhiên đầu tiên của con người là hòa bình”, thứ hai là quy luật “tự nuôi sống”, thứ ba là “lời cầu khẩn tự nhiên mà nam nữ mong muốn bên nhau”, thứ tư là “mong muốn sống thành xã hội” (Montesquieu. p.44-45). Khi con người hình thành xã hội và có sự tương quan lẫn nhau sẽ đòi hỏi phải có luật dân sự, luật chính trị và sau đó là công pháp quốc tế khi các dân tộc tương tác với nhau, “Con người sinh ra để sinh sống trong xã hội, nhưng có thể quên mất cả đồng loại nên các nhà lập pháp phải nhắc nhở họ nhớ đến nghĩa vụ bằng các luật chính trị và dân sự.” (Montesquieu. p.42). Những luật do con người đặt ra phải dựa trên nguyên tắc đúng đắn của luật thiên nhiên: “Mỗi một dân tộc trong hòa bình phải làm điều tốt nhất; trong chiến tranh phải cố hết sức làm ít điều xấu nhất” (Montesquieu. p.45). 

Tiếp đến, tác giả phân tích về ba phương thức cai trị khác nhau: dân chủ, quân chủ và chuyên chế. Trong đó, chính thể dân chủ có được khi quyền lực tối cao nằm trong tay toàn thể dân chúng, khi đó “có thể coi dân chúng như vua, mà cũng có thể coi là thần dân” (Montesquieu, p.48). Nhưng khi quyền lực nằm trong tay một bộ phận dân chúng, nó lại là chế độ quý tộc. Khi nhà nước chỉ do một người cai trị, đó là nhà nước quân chủ. Và khi người cai trị đó thể hiện rằng mình là tất cả, nắm mọi quyền lực, đó là nhà nước chuyên chế. Không chỉ dừng lại với những khái niệm, tác giả còn phân tích các nguyên tắc, luật liên quan, luật giáo dục và những sự sa đọa tương ứng với từng chính thể. Dù ông đề cao chính thể dân chủ hơn cả trong 3 loại chính thể trên, ông cũng không quên nhắc đến những rủi ro trong nguyên tắc của chính nó khi tự do và bình đẳng trở nên cực đoan và khi người cai trị đánh mất tư tưởng bình đẳng. 

Nếu trong Bàn về chính quyền, Cicero đặt nền móng cho tam quyền phân lập và nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” thì tinh thần này được Montesquieu cụ thể hóa trong Bàn về tinh thần pháp luật. “Tự do chính trị của công dân là sự yên tâm vì mỗi người nghĩ rằng mình được an ninh. Muốn bảo đảm tự do chính trị như vậy thì chính phủ phải làm thế nào để một công dân này không phải sợ một công dân khác” (Montesquieu, p.92). Chính vì vậy mà tam quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp phải tách biệt và kiểm soát lẫn nhau. Khi hai quyền hoặc thậm chí ba quyền trên tập trung vào tay một người thì “tất cả sẽ mất hết” (Montesquieu, p.93). Ông đi vào chi tiết từng cơ quan đảm nhiệm những vai trò trên và cách thức triển khai nó. 

Picture1ss-1-.png

Nguồn ảnh: sainte-anastasie.org

Ông còn đi sâu vào phân tích hàng loạt vấn đề quan trọng như an ninh, phòng thủ, xây dựng quân đội; thuế, thu nhập quốc gia và thu nhập nhân dân; dân số, hôn nhân, gia đình, thừa kế; quan hệ của pháp luật với điều kiện địa lý, khí hậu, với tính cách dân tộc, với quan hệ thương mại và cuối cùng là cách soạn thảo luật. 

Dù bàn về một vấn đề rất khó hiểu và phức tạp nhưng Bàn về tinh thần pháp luật không phải là một tác phẩm hàn lâm chỉ dành cho giới nghiên cứu bởi cách viết của Montesquieu đã “phổ thông hóa luật học”, với niềm tin rằng “chỉ có phương pháp thực nghiệm là phương pháp duy nhất có thể đem lại kết quả chắc chắn” (Đạm, H. p.30), cùng phương pháp quy nạp, đi từ những sự kiện để rút ra quy luật, vừa dễ hiểu, vừa thực tế. 

Bất chấp những chỉ trích, đặc biệt là những ngăn cấm của Giáo hội thời bấy giờ, Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu là một sự can đảm khi phản đối những lạm dụng, lên án mọi hình thức độc tài (Đạm, H. p.33) và đưa ra những kiến giải mới mẻ của thời đại, là nền tảng cho Cách mạng Pháp và sau này là mô hình nhà nước dân chủ Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác. 


Chú thích/ Tài liệu tham khảo:

Montesquieu, Đạm H. T. (2017), Bàn về tinh thần pháp luật. Hà Nội: Nhà xuất bản Lý luận chính trị. https://sachvui.com/sachvui-686868666888/ebooks/2018/pdf/Sachvui.Com-ban-ve-tinh-than-phap-luat-montesquieu.pdf  

 
Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm