• Tác giả: Cynthia Freeland
  • Năm xuất bản: 2009
  • Dịch giả (nếu có): Như Huy 
  • Đơn vị xuất bản: NXB Tri Thức
  • Giải thưởng (nếu có):

Nguồn ảnh: NXB Tri Thức

Tác giả Cynthia Freeland là giáo sư khoa Tâm lý học tại University of Houston, Texas. Những cuốn sách từng xuất bản của bà gồm: The Naked and the Undead: Evil and the Appeal of Horror, Feminist Interpretations of Aristotle, Philosophy and Film, Portraits and Persons…

Dù đã được xuất bản từ năm 2001 (NXB Oxford University Press), "But is it Art" (tên tiếng anh của “Thế mà là Nghệ thuật ư?”) vẫn là đầu sách được nhiều giảng viên lựa chọn để làm sách tham khảo. Ở The Hague University of Applied Sciences, những sinh viên chọn môn Art & Globalization được yêu cầu đọc lại tác phẩm này để theo dõi song song cùng bài giảng của thầy ở lớp.

Bảy chương sách sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn vẹn từ định nghĩa về Art đến thương mại Art hay mối quan hệ giữa Art với kỹ thuật số trong thế giới ngày nay, giúp đưa ra đáp án chính xác về Art cũng như những khía cạnh liên quan. 

Trong hơn 300 trang của cuốn sách được viết với một văn phong trong sáng và thông tuệ, ngắn gọn và cô đọng, “Thế mà là Nghệ thuật ư?” sẽ cho chúng ta điểm qua và phân tích cả một lịch sử dài các khái niệm về nghệ thuật, không chỉ của riêng phương Tây, mà còn từ phương Đông. Sự đa dạng trong hình thức thể hiện, sự tiến hoá về quan điểm thực hành và cách thức diễn giải nghệ thuật theo thời gian khiến việc tiếp cận và cắt nghĩa được "Nghệ thuật là gì?" chưa bao giờ là dễ dàng. Qua cuốn sách, người đọc sẽ khám phá ý nghĩa văn hoá của nghệ thuật qua các bối cảnh khác nhau, từ đó cho thấy nghệ thuật đã không còn nằm trong phạm trù cái đẹp đơn thuần mà dần dần trở thành phương tiện phản ánh bối cảnh văn hoá, các thông điệp xã hội & chính trị của nghệ sĩ. Cuốn sách đồng thời hướng dẫn người đọc từng bước tiếp cận nền tảng lý luận nghệ thuật phương Tây, từ đó giúp người đọc có cái nhìn rõ ràng hơn và phần nào nắm bắt được phương cách cảm thụ và diễn giải nghệ thuật đương đại trên thế giới hiện nay. Một điểm đặc biệt của cuốn sách này là khi đề cập tới sự phát triển của các khái niệm nghệ thuật, nó không chỉ coi các khái niệm ấy như những hệ thống lý thuyết đóng mà còn liên đới chúng tới các hệ thống ngoại vi về mặt xã hội và chính trị song có quan hệ chặt chẽ với chúng, trong đó có hệ thống các định chế nghệ thuật như bảo tàng và các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân, hoặc hệ thống các khái niệm và biến cố về chính trị, khoa học, xã hội như sự phát triển của ngành khoa học nhận thức của Nữ Quyền Luận, của quan điểm Hậu Thực Dân, v.v.. Nói cách khác, bằng một tiếp cận mang tính nhân học, cuốn sách này đã liên đới nghệ thuật với tất cả những yếu tố ngoại vi mà nó cho là có tác động tương tác tới những cuộc chuyển hóa của chính khái niệm nghệ thuật.

Họa sĩ kiêm dịch giả Như Huy từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất mà cuốn sách này đem lại, trước hết, nó là một cứ liệu vô cùng phong nhiêu và bổ ích giúp người đọc Việt Nam thấy rằng ngoài cách quan niệm về nghệ thuật của họ, có vô số các cách quan niệm khác nữa, và chính tất cả các cách quan niệm này đã cùng lúc tạo nên một thế giới nghệ thuật đa dạng như ngày nay”.

Nguồn tham khảo:

But is it Art, “kim chỉ nam” cho sinh viên Nghệ thuật. Truy xuất từ: https://www.hotcourses.vn/study-abroad-info/choosing-a-university/butis-itart-book-to-read-for-art-student/

Thế mà là Nghệ thuật ư?. Như Huy. Truy xuất từ: https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/the_ma_la_nghe_thuat.html
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 6
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn