- Đạo diễn: Majid Majidi
- Quốc gia sản xuất: IRAN (Ba Tư)
- Năm phát hành: 1997
- Thời lượng: 1 giờ 30 phút
- IMDb: 8.3/10
Children of Heaven là một bộ phim Iran, xoay quanh câu chuyện về đôi giày của hai anh em trong một gia đình nghèo, tên là Ali và Zahra. Đầu bộ phim, Ali mang đôi giày của em gái mình đi sửa, sau đó đi vào tiệm tạp hóa mua đồ và để đôi giày ở bên ngoài. Một người đẩy xe rác đi ngang qua và vô tình cho đôi giày vào xe rác. Và thế là Ali đã vô tình làm mất giày của em mình. Hai anh em quyết định giấu bố mẹ chuyện này, và thỏa thuận rằng mỗi ngày sẽ thay phiên nhau mang một đôi giày (của Ali) để đến trường. Cứ mỗi buổi sáng, Zahra mang đôi giày của anh trai mình để đi học; và đến trưa khi tan học, cô bé chạy thật nhanh về nhà để đưa cho Ali và Ali lại chạy thật nhanh đến lớp để khỏi bị muộn giờ…
NHỮNG BÀI HỌC SÂU SẮC VÀ ĐIỀU SUY NGHĨ:
Bộ phim có cốt truyện đơn giản, diễn ra nhẹ nhàng, nhưng có thể để lại cho người xem những cảm xúc và những bài học “làm người” sâu lắng. Hai bài học đọng lại trong tôi nhiều nhất từ bộ phim là bài học về tình yêu thương và sự chính trực.
BÀI HỌC VỀ TÌNH YÊU THƯƠNG THUẦN KHIẾT
Trước hết, tình yêu thương được thể hiện rõ nhất trong sự quan tâm mà hai anh em Ali và Zahra dành cho nhau. Dù cho mỗi ngày Ali phải đi đến trường trễ và bị thầy giám thị la, hay Zahra cảm thấy xấu hổ với bè bạn vì mang một đôi giày rộng, hay thỉnh thoảng cô bé phải nộp bài kiểm tra sớm để đi về nhà thật nhanh để đưa giày cho anh trai mình đi học, hai anh em vẫn chấp nhận tất cả những điều đó và hi sinh vì nhau. Hai anh em cũng biết san sẻ cho nhau. Chẳng hạn như khi nhận được phần thưởng là một cây bút mực từ thầy giáo, Ali liền mang nó về tặng lại em cho em gái mình.
Nhưng có lẽ tình yêu thương giữa hai anh em được thể hiện rõ nhất qua cuộc thi chạy mà Ali tham gia. Ban đầu, Ali không quan tâm lắm đến cuộc thi này. Tuy nhiên, khi được biết người đạt giải ba trong cuộc thi sẽ nhận được phần thưởng là một đôi giày (giải nhất và giải nhì sẽ không nhận được giày, mà những phần thưởng khác có giá trị hơn), Ali nhất quyết tham gia. Khi ấy, thời hạn đăng ký đã hết, nhưng Ali vẫn đến để gặp riêng thầy mình, nài nỉ cho mình đăng ký. Khi thầy một mực từ chối, Ali mếu máo: “Xin thầy hãy cho em tham gia, em nhất định sẽ đạt giải.” Mủi lòng trước sự quyết tâm của cậu bé, và chứng kiến tốc độ tuyệt vời của Ali trong buổi chạy thử (vì cậu bé đã có nhiều “kinh nghiệm” chạy mỗi ngày), thầy quyết định cho Ali tham gia. Trong cuộc thi, đã có những thời điểm Ali dẫn đầu cuộc đua, nhưng khi ấy cậu bé lại cố tình giảm tốc độ để mình “được” hai cậu bé khác qua mặt. Nhưng cuộc đua diễn ra quá gay cấn, và ở đoạn đưa nước rút, có đến 5 cậu bé chạy sít sao nhau để tranh giải. Ali không thể tính toán được nữa, cậu bé chỉ còn biết chạy thật nhanh. Và cậu bé đã giành giải nhất. Tuy nhiên, khi nhận giải, cậu bé lại khóc nức nở, vì không mang về được đôi giày cho em gái mình. (tuy nhiên thật đẹp khi ở đoạn cuối phim có quay cảnh người bố của hai anh em dắt chiếc xe đạp về nhà, trên xe lủng lẳng treo một đôi giày mới tinh)
Tiếp theo, tình yêu thương được thể hiện qua việc Ali và Zahra lo lắng cho bố mẹ mình. Rất nhiều cảnh trong phim hai anh em phụ giúp việc nhà cho bố mẹ. Đặc biệt, đoạn trong phim, Zahra, khi đang trên đường vội về nhà để đưa giày cho anh trai, vì đôi giày quá rộng, đã vô tình làm rớt đôi giày xuống rãnh nước. Khi về gặp Ali và bị Ali la, cô bé thút thít: “Đó là lỗi của anh. Anh làm mất đôi giày của em. Em sẽ mách bố!” Nhưng Ali đáp lại: “Anh chẳng sợ em mách bố đâu. Nhưng anh chỉ sợ là gia đình chúng ta nghèo, bố sẽ phải đi vay để mua giày mới cho em mà thôi.” Ali và Zahra quả thật là “những đứa trẻ thiên đường”.
Và tình yêu thương của “những đứa trẻ thiên đường” này còn được lan tỏa đến những người bạn của mình. Đoạn trong phim, Zahra tình cờ nhìn thấy một cô bé khác học chung trường (tên là Roya) đang mang chiếc giày bị mất của mình. Cô bé và anh trai quyết định âm thầm đi theo Roya. Và tại nhà của Roya, hai anh em nhìn thấy bố của cô bé, một người đàn ông mù; và Roya phải dẫn bố đi bán hàng ngoài giờ học. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, Ali và Zahra khẽ nhìn nhau, và không ai nói với nhau câu nào, lẳng lặng quay về nhà của mình.
BÀI HỌC VỀ SỰ CHÍNH TRỰC
Có lẽ không phải tự nhiên mà hai anh em Ali và Zahra lại có một tâm hồn đẹp và trong sáng đến thế. Chắc hẳn chúng biết quan tâm và thương yêu những người xung quanh như vậy là do sự dạy dỗ của bố mẹ mình. Đoạn trong phim, cô bé Zahra đến nhà thờ, và một người trong nhà thờ đã đưa cho cô bé một bịch đường thật to, bảo cô bé hãy mang bịch đường này về cho bố của mình chặt. Buổi tối hôm ấy, Zahra pha một ly nước trà cho bố. Người bố lúc ấy, đang chặt đường cho nhà thờ, nói với Zahra: “Con quên cho đường vào ly trà của bố rồi. Con lấy giúp bố miếng đường nhé.” Zahra chỉ vào bịch đường mà người bố đang chặt, nói: “Nhưng đường nhiều như thế kia mà bố.” Người bố đáp: “Đây là đường của nhà thờ, chứ không phải của gia đình mình; nhà thờ nhờ chúng ta chặt dùm. Con hãy lấy trên nóc tủ và lấy hủ đường của nhà mình xuống cho bố.” Một cách nhẹ nhàng và tự nhiên, người bố đã dạy cho những đứa con của mình một trong những bài học quan trọng nhất trong cuộc sống, bài học về sự trung thực và chính trực.
Sự chính trực còn được thể hiện ở cô bé Roya. Đoạn, trong giờ ra chơi, Zahra đang đứng một mình, thì Roya bước lại gần, đưa cho Zahra cây bút (mà Ali đã tặng Roya hôm trước) và nói: “Mình thấy hôm trước bạn có đánh rơi cây bút này.” Quả thật Roya cũng là một “đứa trẻ thiên đường”. Và thật đẹp làm sao khi thấy tình yêu thương âm thầm của Zahra dành cho Roya hôm trước, nay đã quay trở lại với cô bé; và chúng trở thành đôi bạn thân.
Lấy bối cảnh là một khu phố nghèo trong thời kỳ chiến tranh ở Iran nhưng Children of Heaven đã cho chúng ta cảm nhận được một sự giàu có: sự giàu có về sự chính trực và tình yêu thương của con người.
_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo