- Đạo diễn: Lee Hwan-Kyung
- Quốc gia sản xuất: Hàn Quốc
- Năm phát hành: 2013
- Thời lượng: 127 phút
- IMDb: 7.8/10
- Giải thưởng: Bộ phim danh giá nhất của Giải thưởng nghệ thuật Baeksang lần thứ 49 năm 2013
“Cha không hoàn hảo nhưng cha luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất.”
Miracle in Cell No.7 – Điều kì diệu ở phòng giam số 7 là câu chuyện thấm đẫm nỗi buồn và chất chứa giá trị sống về tình cha con, bạn bè… của người cha Yong Goo (do Ryu Seung-ryong thủ vai) và con gái nhỏ Ye Seung. Người cha bị thiểu năng trí tuệ nhưng luôn cố gắng làm việc để con gái có được những thứ tốt nhất, nhưng nghiệt ngã thay, Young Goo vô tình bị kết án oan vào vụ giết người - xâm hại một bé gái 7 tuổi. Sau đó là những ngày sống trong “Phòng giam số 7” cùng những người bạn tù đặc biệt, cũng từ đây, với tha thiết được gặp con gái mình, những người bạn tuyệt vời này đã giúp Young Goo có thể sống với hạnh phúc nhỏ nhoi để đợi đến ngày kết án. Trải qua bao nỗ lực minh oan cho bản thân cùng sự giúp đỡ chân thành của con gái và những người bạn nhưng may mắn không mỉm cười với Young Goo, ông bị kết án tử đúng vào ngày sinh nhật con gái.
Về diễn xuất, tôi thực sự ấn tượng với vai diễn của cô bé Ye Seung và nếu không “nói quá” thì đó là cực kì ngưỡng mộ. Mọi biểu cảm từ vui, buồn, khóc, giận hay mỗi lời nói đều khiến người xem không nỡ rời mắt và bị cuốn theo mạch cảm xúc của cô bé nhạy cảm và “cụ non” này. Cùng với đó là người cha Yong Goo với sự tuyệt vời về vai diễn của người bị thiểu năng, những cảm xúc đau đớn hay hạnh phúc tột cùng cũng được khắc họa rõ nét. Cả 2 đã có màn kết hợp ăn ý “tự nhiên như hơi thở”, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc ngọt ngào, hạnh phúc mà trên tất cả là đau đớn và tuyệt vọng vô chừng.
Phim mang đến nhiều giải thưởng danh giá cho các diễn viên từ chính, thứ chính cho đến phụ, nổi bật trong đó là nữ diễn viên Park Shin-hye (vai Ye-seung lúc lớn) với sự xuất hiện ngắn ngủi nhưng gây được cơn sốt đặc biệt đối với người yêu phim. Phim nhận được doanh thu phòng vé cao ngất ngưỡng cùng hàng loạt giải danh giá. Không chỉ vậy, nhạc phim cũng là 1 điểm cộng cho Miracle in Cell No.7 khi nhận được hàng loạt các đề cử cho nhạc phim xuất sắc nhất.
Ngày cuối khi Young Goo chịu án tử chắc chắn sẽ là hình ảnh mà bất cứ người xem nào cũng ám ảnh mãi về sau; “Tôi xin lỗi, tôi sai rồi, làm ơn hãy cứu tôi…” những câu nói được lặp đi lặp lại của một tử-tù-vô-tội với tình yêu thương con vô bờ bến khiến người xem không khỏi đau thắt trong lòng và bàng hoàng tự hỏi liệu cái ranh giới giữa trắng và đen, đúng sai, cái gọi là luật pháp – hành pháp có phải là chuẩn mực hay chỉ là sự thừa nhận mù quáng và 1 chiều trong mắt người phán xét. Điều đó có lẽ được nhấn mạnh qua hình ảnh chiếc cặp Thủy thủ mặt trăng, động tác chìa gương ra theo phản xạ, một nhân vật tượng trưng cho công lý, sức mạnh và tình yêu đồng loại mang đến sức gợi sâu sắc.
Kết thúc phim là lời tuyên án trong phiên tòa giả định mà Ye Seung khi lớn lên đã bằng mọi cách minh oan cho cha. Bên dưới hàng ghế là những người bạn tù năm xưa nay đã hoàn lương cùng gia đình đã nhận nuôi Ye Seung – gia đình vị cảnh sát năm xưa tìm mọi cách giúp đỡ Yong Goo nhưng không thành. Họ đã cùng nhau lấy lại sự trong sạch mặc dù muộn màng cho Yong Goo, giọt nước mắt lăn dài của Ye seung khi kết thúc bản án và hình ảnh hai cha con năm xưa ngồi trên khinh khí cầu dưới ánh mặt trời rực rỡ bay ra khỏi ranh giới thép gai của nhà tù hiện lên mang sức gợi đặc biệt và an ủi phần nào trái tim người xem.
Miracle in Cell No.7 không đơn thuần chỉ là thông điệp về tình yêu gia đình sâu đậm, tình bạn của những tâm – hồn – lạc - lối, của những trái tim biết yêu thương mà đó còn là dấu chấm hỏi lớn cho cái gọi là công lý, phải-trái, trắng-đen, cho sự thật đằng sau những góc khuất mà con người ta “vô tình hay cố ý” tạo nên. Bộ phim đã khéo léo lên án nạn ấu dâm và tế nhị trong cách lồng ghép chi tiết nạn nhân chính là con gái của Cục trưởng cục cảnh sát và những góc khuất, thế lực sau 4 bức tường nhà tù lạnh lẽo kia. Mặc dù thanh âm của lòng người, của công lý được lên án mạnh mẽ cùng với những đạo lí, giáo điều kiên cưỡng nhưng lại rất nhẹ nhàng lay động cảm xúc của người xem, khiến họ chỉ nghĩ đến tình cảm cao đẹp nhất là gia đình chứ không bị cuốn vào những vấn đề mang tính lí trí mà làm giảm cảm xúc mạch phim.
“Cám ơn con vì đã làm con gái của cha.”
Câu trích dẫn trong phim tâm đắc (lời thoại của nhân vật, lời người dẫn truyện,...) (tùy chọn):
- Quote 1: “Tôi nên đền ơn cứu mạng của chú, chú cần gì nào? - Ye Seung!”
- Quote 2: “Cô mang cha con về đi, Con không muốn cha Yong Goo lên thiên đường đâu. Cô hãy mang ông trở về bên con đi, cô ơi.”
- Quote 3: “Cảm ơn vì đã làm cha của con. Cảm ơn con vì đã…làm con gái của cha.”
_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến
Với sự hỗ trợ của Cộng tác viên Mai Thảo Ly