• Thể loại: Phim tài liệu
  • Thời lượng: 45 phút
  • Đạo diễn: Lê Trác
  • Nhà sản xuất: Phương Nam Phim
  • Năm phát hành: 1993

Trong nền nghệ thuật Việt Nam, mãi ghi tên của một người nghệ sĩ lớn: NSND Phùng Há. Bà được người đời xem như một cây đại thụ của nền nghệ thuật Cải lương của dân tộc. Người đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng cả về đạo làm nghề và đạo làm người. Bà đã sống một cuộc đời trọn hiến cho nghệ thuật và cho nhân sinh, cho đến những ngày cuối đời, bà vẫn luôn đau đáu trong lòng những ưu tư về thế hệ đi sau, về nghệ thuật và về đất nước. Bộ phim tài liệu “Cô Bảy Phùng Há – Chân dung nghệ sĩ” được sản xuất bởi hãng phim Phương Nam đã khắc họa rõ nét cuộc đời của cố nghệ sĩ Phùng Há đồng thời đưa người xem đến gần hơn với bộ môn nghệ thuật dân tộc - Cải lương. Bộ phim được giới phê bình đánh giá cao và đã đoạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10.

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, bà sinh năm 1911 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Cái duyên đưa bà đến nghề bắt đầu từ khi bà chỉ là một cô bé mới vừa tròn 13. Ngày ấy, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, để phụ giúp gia đình, cô bé Trương Phụng Hảo phải xin vào lò gạch làng Điều Hòa để làm công. Hàng ngày, bà phải in 300 viên gạch để nhận được 8 xu tiền công. Nhưng những người lao động chân quê tại lò gạch ấy, vì thương và rất yêu tiếng hát của cô bé, nên họ chỉ cần cô hát những bài ca “ra bộ” cho họ nghe, và họ sẽ in giúp cô bé phần gạch ấy. Thế là từ đó, lúc nào lò gạch cũng có giọng hát trong trẻo và đầy tiềm năng của cô.

Có một lần, ông chủ của đoàn hát Tái Đồng Ban vô tình nghe được tiếng hát của cô bé, ông đã nhận ra ngay đây chính là một tài năng chưa được phát hiện. Ông quyết lòng mời cô bé về đoàn để mài giũa tài năng. Thế là cô bé và mẹ khăn gói đi theo đoàn hát. Cứ mỗi đêm, cô bé được trả 8 cắc, gấp 10 lần số tiền in gạch.

Kể từ đó, cuộc đời cô bé Trương Phụng Hảo bước sang một chương mới, và nền sân khấu cải lương cũng vĩnh viễn thay đổi từ đấy.

Vai diễn đầu tiên nghệ sĩ Phùng Há thể hiện khi mới 13 tuổi là vai Giả Thị, trong vở Hoàng Phi Hổ Qui Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Năm 14 tuổi, nghệ sĩ Phùng Há đã bắt đầu tiến lên hát vai chính, diễn tả cả bi, hài cũng như những vai của kép võ, mà vai đào chính đầu tiên là vai Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản.

Như một ngôi sao bừng sáng và bền bỉ, bà đã tiếp tục để lại nhiều vở diễn nổi tiếng như: Tái Sanh Duyên, Mổ tim Tỷ Cang, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Phụng Nghi Đình, Đường Minh Hoàng, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Mạnh Lệ Quân,... Đó là những vở diễn lay động người xem, trở thành một phần ký ức trong cuộc đời của rất nhiều khán giả. Không chỉ thế, đó còn là những bài học đầy chuẩn mực, giá trị cho những thế hệ nghệ sĩ đời sau học tập và noi theo.

Bà trở thành một cây đại thụ trong lịch sử sân khấu cải lương, không phải vì tài năng xuất chúng trong nghề, mà còn vì bà đã biến cách làm nghề, cách sống của mình trở thành đạo nghề, đạo sống hài hòa, nhất quán và thiêng liêng. Bà luôn tận tâm dìu dắt thế hệ đàn em, quan tâm đến các lớp tài năng trẻ, những người chỉ đáng tuổi con tuổi cháu bà. Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, bà luôn ân cần, tôn trọng, dù người đó là người đã thành danh, hay là những người trẻ mới bước vào nghề. Người đời còn kính trọng bà bởi tầm vóc của một nghệ sĩ có trái tim nồng nàn yêu quê hương đất nước, làm nghệ thuật trong tư thế một nghệ sĩ luôn nghĩ cho vận mệnh dân tộc, luôn muốn dùng nghệ thuật chân chính để đưa đất nước đi lên.

Bộ phim “Cô Bảy Phùng Há” là một bộ phim giá trị, cảm động về đạo nghề, đạo sống của một con người lớn.

_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh