Tên bài giảng gốc: What is Development?

Thế nào là một quốc gia phát triển? Thuật ngữ “Phát triển” chỉ mới được bắt đầu sử dụng từ sau những năm 1950. Và nó có nguồn gốc từ sinh học, quá trình phát triển của một con người từ thụ tinh - bào thai - em bé - người lớn…, xã hội cũng thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, sự phát triển của một xã hội lại không theo một quy luật hay khuôn mẫu máy móc nhất định. Vậy làm sao để hiểu và phân tích được sự phát triển của một quốc gia?

Có 6 khía cạnh trong sự phát triển, đầu tiên là Sự tăng trưởng về kinh tế. GDP bình quân đầu người của xã hội phương tây đã thay đổi vượt bậc chỉ trong 200 năm gần đây. GDP cũng chính là năng suất làm việc của một người. Điều này đến từ sự bùng nổ trong giao thương, dẫn đến nhu cầu thị trường tăng đột biến và từ đó kéo theo sự thay đổi trong phương thức sản xuất. Một người ở xã hội nguyên thủy sẽ tự làm hết mọi việc, từ trồng trọt, nuôi gia súc đến giáo dục con cái, tuy nhiên ở xã hội hiện đại tất cả đều được chuyên môn hóa.

Sự tăng trưởng kinh tế này kéo theo thay đổi về Vận động xã hội, những tầng lớp nông dân trước đây giờ trở thành công nhân trong các khu công nghiệp tập trung lớn, xuất hiện những tầng lớp mới như Tư sản và Vô sản. Những tầng lớp mới này sẽ có những nhu cầu mới cần được đáp ứng, và mong muốn có người đại diện cho tiếng nói của họ trong nhà nước.

Khía cạnh thứ 3 chính là Nhà nước, một thể chế độc quyền thực hiện bạo lực hoặc cưỡng chế một cách hợp pháp trên một lãnh thổ xác định. Ở một quốc gia càng kém phát triển thì sự vận hành của bộ máy nhà nước sẽ càng thiên về phục vụ cho lợi ích của nhà cầm quyền và họ hàng của họ. Trong khi đó, quốc gia càng phát triển hơn thì bộ máy chính quyền sẽ càng trở nên khách quan và hướng đến phục vụ cho tất cả mọi người. Điều này trực tiếp liên quan đến khía cạnh thứ 4, Pháp quyền và thứ 5, Trách nhiệm giải trình dân chủ.

Pháp quyền phải có khả năng trói buộc được những người quyền lực nhất trong xã hội và đảm bảo rằng chỉ luật phát chỉ được sử dụng theo các quy tắc minh bạch mà mọi người trong xã hội đồng ý. Giải trình dân chủ là một hình thức trách nhiệm giải trình theo thủ tục, nhằm tạo ra các cuộc bầu cử đa đảng tự do và công bằng theo các quy tắc đảm bảo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh chính trị cởi mở.

Khía cạnh thứ 6 chính là tính hợp pháp/tư tưởng. Tư tưởng chính là cách mà mọi người nghĩ về bản thân và quyền lợi của họ, từ đó hình dung ra nhà nước mà họ muốn có.

6 khía cạnh này liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, cần hiểu rằng 6 khía cạnh này có thể phát triển hoàn toàn riêng biệt mà không cần có tất cả cùng hiện diện, tùy vào từng trường hợp. Tuy nhiên, sự phát triển khi đó sẽ bị khuyết thiếu và không bền vững với những vấn đề mang tính cốt lõi, có thể dẫn đến suy tàn chính trị.

 

_____________________________________________

Bài giảng này được chọn lọc, chuyển ngữ,
thiết kế Vietsub, biên tập và giới thiệu bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trịnh Thanh Hà
Trần Ngọc Hiếu
Nguyễn Thị Kim Lài
Nguyễn Đức Máy
Nguyễn Trọng Nam
Dương Nguyễn Hồng Nhung
Đinh Huỳnh Mai Tú