Nguồn: Freepik.com

Công dân toàn cầu là người xem mình là một phần của cộng đồng thế giới bền vững đang trỗi dậy và những hành động của họ hỗ trợ các giá trị và hoạt động của cộng đồng đó. Nhiều người ngày nay nhìn nhận mình như những công dân toàn cầu khi ngày càng có nhiều khía cạnh trong cuộc sống của họ trở nên toàn cầu hóa.

Trở thành công dân toàn cầu không có nghĩa là bạn phải từ bỏ các bản sắc dân tộc khác mà bạn đã có, ví dụ: quốc tịch của bạn, lòng trung thành của bạn với cộng đồng quê hương, tôn giáo hoặc dân tộc của bạn. Trở thành một công dân toàn cầu chỉ có nghĩa là bạn có thêm một nhận dạng mới (với toàn bộ hành tinh) được thêm vào danh tính của bạn. Và nếu bạn coi trọng danh tính đó, sẽ có một loạt các quyền và trách nhiệm mới đi kèm với nó.

QUYỀN CÔNG DÂN TOÀN CẦU

Quyền của công dân toàn cầu được đưa vào Tuyên ngôn Nhân quyền, soạn thảo lần đầu tiên vào năm 1948 sau Thế chiến thứ II. Bản chất cốt lõi của Tuyên bố phổ biến căn cứ vào quyền tự do cá nhân, bình đẳng và công bằng. Tuy nhiên, các cách thức áp dụng nhân quyền đã thay đổi theo thời gian, với những biến động xảy ra trong cấu trúc chính trị, kinh tế và xã hội. Ngoài ra, các quyền mới, không có trong danh mục nghị sự nhân quyền năm 1948 đã xuất hiện, ví dụ, quyền truy cập kỹ thuật số, quyền LGBT và quyền về môi trường. Một số người đã đề cập đến sự xuất hiện của các quyền mới và hệ thống chính trị đang thay đổi nhằm kêu gọi sự cần thiết trong việc cập nhật Tuyên ngôn Nhân quyền.

Vấn đề lớn nhất liên quan đến quyền con người là những khó khăn mà thế giới gặp phải khi thực thi chúng. Đã tồn tại một lịch sử lâu dài và đáng e ngại về việc thiếu tôn trọng và lạm dụng quyền con người ở các quốc gia có chủ quyền, các tổ chức tôn giáo, các tập đoàn và những người khác. Số lượng các cơ chế quốc tế ngày càng tăng được thiết lập để báo cáo vi phạm nhân quyền. Ngoài ra còn có các tòa án toàn cầu, khu vực và quốc gia để xét xử các vụ kiện lạm dụng nhân quyền. Tuy nhiên, thật không may, các cơ chế thực thi nhân quyền vẫn có thẩm quyền pháp lý hạn chế và nhiều quốc gia đã không đồng ý tham gia. Đây là một lý do khác để đánh giá và cập nhật các chính sách và chương trình nhân quyền hiện tại của chúng tôi.

TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN TOÀN CẦU

Một công dân toàn cầu, sống trong một cộng đồng thế giới mới phát triển, có trách nhiệm về phẩm hạnh, đạo đức, chính trị và kinh tế. Những trách nhiệm này bao gồm:

1. Trách nhiệm tìm hiểu quan điểm riêng của mình và quan điểm của người khác về các vấn đề toàn cầu. 

Hầu như mọi vấn đề toàn cầu đều có nhiều quan điểm dân tộc, xã hội, chính trị và kinh tế gắn liền với nhau. Các công dân toàn cầu có trách nhiệm tìm hiểu các quan điểm khác nhau này, đồng thời thúc đẩy sự đồng thuận giải quyết vấn đề và xây dựng các giải pháp chung. Một công dân toàn cầu không nên chọn và đứng về một ý kiến nào đó, mà thay vào đó tìm kiếm các cách để mang tất cả các bên lại với nhau.

2. Trách nhiệm tôn trọng nguyên tắc đa dạng văn hóa.

Nhiều quan điểm liên hệ với hầu hết các vấn đề toàn cầu thường là sự phản ánh của các niềm tin, văn hóa khác nhau. Mỗi hệ thống niềm tin, văn hóa của chúng tôi mang lại giá trị cộng thêm cho việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu mà chúng tôi gặp phải. Về việc xây dựng một cộng đồng thế giới dựa trên các giá trị bền vững, điều quan trọng là duy trì sự tôn trọng đối với các truyền thống văn hóa khác nhau trên thế giới; nỗ lực tập hợp những người lãnh đạo của những nền văn hóa khác nhau, những người thường có nhiều điểm chung với nhau; để giúp các nhà lãnh đạo đưa các khía cạnh tốt nhất trong nền văn hoá của họ vào giải quyết các vấn đề toàn cầu và xây dựng cộng đồng thế giới.

3. Trách nhiệm tạo kết nối và xây dựng mối quan hệ với mọi người từ các quốc gia và nền văn hóa khác. 

Công dân toàn cầu cần tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với những người từ các quốc gia và nền văn hóa khác. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục sống trong các cộng đồng biệt lập & dễ bị xung đột quan điểm về các vấn đề toàn cầu. Khá dễ dàng để xây dựng các mối quan hệ toàn cầu. Hầu hết các quốc gia, thành phố và thị trấn hiện đang có dân nhập cư và người dân từ các dân tộc khác nhau. Internet mang đến nhiều cơ hội để kết nối với mọi người về các vấn đề khác nhau. Vì vậy, ngay cả khi không đi du lịch nước ngoài (đó là một điều hữu ích, nên đi), bạn có thể xây dựng một mạng lưới quan hệ về văn hóa và cá nhân xuyên quốc gia và các nhóm. Xây dựng các mạng như vậy giúp những người liên quan hiểu rõ hơn về sự tương đồng và khác biệt của họ và tìm kiếm các giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu mà mọi người đang phải đối mặt.

4. Trách nhiệm tìm hiểu phương thức các dân tộc và các quốc gia trên thế giới liên kết với nhau và phụ thuộc nhau. 

Công dân toàn cầu có trách nhiệm tìm hiểu các cách mà cuộc sống của họ được kết nối với mọi người và các quốc gia của thế giới. Ví dụ, họ cần hiểu cách mà môi trường toàn cầu ảnh hưởng đến bản thân, nơi họ sống và cách mà lối sống môi trường họ chọn ảnh hưởng đến môi trường ở những nơi khác trên thế giới. Họ cần hiểu cách thức vi phạm nhân quyền ở nước ngoài ảnh hưởng đến quyền con người của chính mình, sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng trên thế giới ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ như thế nào, làn sóng nhập cư toàn cầu ảnh hưởng đến những gì diễn ra ở nước họ.

5. Trách nhiệm tìm hiểu các vấn đề toàn cầu. 

Công dân toàn cầu có trách nhiệm tìm hiểu các vấn đề toàn cầu lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chẳng hạn, họ cần hiểu tác động của sự khan hiếm tài nguyên đối với xã hội; những thách thức được đưa ra bởi sự phân phối tài sản và quyền lực hiện nay trên thế giới; nguồn gốc của xung đột và phương hướng xây dựng hòa bình; những thách thức đặt ra bởi dân số toàn cầu đang phát triển.

6. Trách nhiệm ủng hộ hợp tác quốc tế lớn hơn với các quốc gia khác. 

Công dân toàn cầu cần đóng vai trò người hỗ trợ trong việc thúc giục hợp tác quốc tế lớn hơn giữa quốc gia của họ với các quốc gia khác. Khi một vấn đề toàn cầu phát sinh, điều quan trọng đối với các công dân toàn cầu là cung cấp lời khuyên về cách quốc gia của họ có thể làm việc với các quốc gia khác để giải quyết vấn đề này; làm thế nào nó có thể làm việc với các tổ chức quốc tế được thành lập như Liên Hợp Quốc, thay vì tiến hành một hướng hành động đơn phương.

7. Trách nhiệm vận động thực thi các thỏa thuận, công ước, điều ước quốc tế liên quan đến các vấn đề toàn cầu. 

Công dân toàn cầu có trách nhiệm ủng hộ việc các quốc gia của họ phê chuẩn và thực thi các hiệp định, công ước và hiệp ước toàn cầu đã ký kết.

8. Trách nhiệm ủng hộ sự hiệu quả hơn trong công bằng và công lý toàn cầu ở mỗi giá trị, lĩnh vực của thế giới. 

Ngày càng có nhiều vấn đề liên ngành đòi hỏi phải thực hiện các tiêu chuẩn công bằng và công lý toàn cầu; ví dụ như sự gia tăng toàn cầu trong chi tiêu quân sự, sự tiếp cận bất bình đẳng của các quốc gia khác nhau đối với công nghệ, việc thiếu các chính sách nhất quán của quốc gia về nhập cư. Công dân toàn cầu có trách nhiệm làm việc với nhau và ủng hộ các giải pháp công bằng và công lý toàn cầu cho những vấn đề này.

Nguồn:
https://www.theglobalcitizensinitiative.org/index.php/the-rights-and-responsibilities-of-global-citizenship/

 
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm

Với sự hỗ trợ của cộng tác viên
Lê Phạm Phương Uyên