null

1. Những yếu tố tác động đến thực trạng bảo tồn di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh (2000 – 2016)

Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa thực chất là chính sách và thực thi chính sách quản lý đô thị và quản lý văn hóa đô thị. Khi dân cư chưa có đầy đủ ý thức, khi luật pháp và các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh thì ý chí của chính quyền đô thị cực kỳ quan trọng. Từ ý chí này sẽ có những quyết sách và giải pháp hữu hiệu để thực thi việc bảo vệ di sản văn hóa, cũng là biện pháp quan trọng để giáo dục ý thức của người dân.

Tại TP Hồ Chí Minh, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó cho các nhà quản lý đô thị, đặc biệt thấy rõ trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc. Đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh với 300 năm phát triển đã và đang chứa đựng một quỹ di sản kiến trúc khổng lồ và quý giá, phản ánh giai đoạn hình thành và phát triển trong không gian văn hóa sông nước độc đáo của văn hóa Nam bộ. Quá trình đô thị hóa đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc đô thị từ sau thời kỳ mở cửa và đổi mới. Nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm (Quận 1, 3, 5) gây tác động và phá vỡ cấu trúc cảnh quan đô thị nói chung và không gian nhiều công trình cổ nói riêng.

Quá trình đô thị hóa ào ạt làm cho những giá trị vốn có của đô thị sẽ mất đi. Áp lực sinh lợi kinh tế tức thời và sự thiếu khôn ngoan tỉnh táo, thiều tầm nhìn xa trong hoạch định chính sách, quy hoạch đô thị tất dẫn tới việc khai thác triệt để đất đai khu vực trung tâm của đô thị cũ. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, áp lực toàn cầu hoá cả về địa – kinh tế lẫn áp lực của “nghệ thuật kiến trúc hiện đại” dễ làm biến mất bản sắc văn hoá của mỗi đô thị.

Hiện tượng xâm hại di sản đô thị có thể thấy qua việc một số công trình di sản bị tháo dỡ cho dự án mới, chẳng hạn dãy nhà xưởng có tuổi thọ trăm năm dọc kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé đã hy sinh cho sự hình thành đại lộ Đông Tây, và gần đây nhất là trường hợp di tích lịch sử Ba Son, thương xá Tax và hầu hết những công trình khảo cổ học công nghiệp… Do đó, tính chất và bối cảnh của di sản đô thị bị rạn vỡ từ chính mức độ tương phản giữa kiến trúc cũ – mới, lai tạp… Nhìn chung, xu hướng bảo tồn đô thị có giá trị di sản của thành phố (Quận 1, 3 và 5) chủ yếu vẫn dựa vào khung pháp lý cứng như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan, song quá trình áp dụng thực tế còn nhiều bất cập và chậm trễ dẫn đến sự biến mất của nhiều giá trị vốn có và làm thay đổi cảnh quan kiến trúc trong một thời gian ngắn (đường Đồng Khởi là một điển hình). Thêm vào đó là lối tư duy “mặt tiền, mét vuông” thiên về lợi nhuận khiến của các nhà đầu tư, của người dân cũng làm cho cơn lốc nhà cao tầng xoáy sâu vào các khu đất vàng trên địa bàn Quận 1, 3 (đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phạm Ngọc Thạch,…).

Trên quan điểm toàn diện nhìn nhận về di sản văn hóa, mỗi thành phố có một đặc điểm về di sản riêng, được hình thành do quá trình lịch sử, vị trí địa lý và phần nào do các sự kiện lịch sử tác động vào thành phố đó. Di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh không chỉ của riêng cộng đồng cư dân thành phố hay của miền Nam mà di sản này cần phải được coi là của cả nước, có thể nhận thấy thực trạng bảo tồn di sản văn hóa đô thị ở TP Hồ Chí Minh những năm qua bị tác động bởi các yếu tố sau.

Về chủ quan:

- Chính quyền và cộng đồng chưa có nhiều hiểu biết về giá trị di sản văn hóa đô thị, từ đó không coi trọng đúng mức việc bảo tồn di sản văn hóa. Các cấp quản lý thành phố cần quan tâm đến tiếng nói của cộng đồng, bao gồm cả người dân, người có chuyên môn, những nhà khoa học,… Tất cả những đóng góp ý kiến đều xuất phát từ tình yêu và sự gắn bó với thành phố, trách nhiệm đối với việc gìn giữ di sản văn hóa cho thế hệ mai sau. Chính quyền và cộng đồng cần có sự nhất quán: đô thị – trước hết nó phải là của cộng đồng dân cư – những người đã và đang, sẽ sống tại đó, đóng góp cho sự phát triển của nó; sau đó mới là của các nhà quản lý. Hiện nay, khi cộng đồng dân cư đã có ý thức về bảo tồn di sản thì chính quyền cần hết sức thận trọng trong chính sách và thực thi.

- Hệ thống di sản văn hóa đô thị TP Hồ Chí Minh chưa được nghiên cứu đánh giá đầy đủ, trải qua thời gian chiến tranh chưa có một thế hệ các nhà nghiên cứu ở TP Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này. Sự phối hợp nghiên cứu đáng giá và lên tiếng vì hoạt động bảo tồn di sản chỉ mới có trong thời gian gần đây, “hàm lượng tri thức” chưa được sử dụng để tác động đến chính quyền.

- Do hoàn cảnh lịch sử, sự thay thế một bộ phân dân cư sau 1975, sự nhập cư ồ ạt những năm gần đây và tình trạng chuyển đổi sở hữu chung, riêng đối với các công trình này. Tư duy buôn bán nhỏ lẻ làm phát triển xu hướng tận dụng “nhà mặt tiền”, vỉa hè,… để buôn bán, làm cho cấu trúc thay đổi theo hướng xấu đi, cảnh quanh lộn xộn, thiếu đi sự văn minh của một đô thị hiện đại. Hệ thống luật pháp, chính sách bảo tồn di sản văn hóa chưa được phổ biến rộng rãi. Việc tuân thủ luật pháp của người dân, của các nhà đầu tư chưa tốt do chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế trước mắt. Cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa chưa đủ năng lực và điều kiện thực thi chức trách. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ.

Về khách quan:

- TP Hồ Chí Minh luôn được coi là “trung tâm kinh tế lớn nhất nước” gánh vai trò đầu tàu không chỉ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà có trách nhiệm đóng góp đến 77% nguồn thu của thành phố cho ngân sách cả nước (bắt đầu từ giai đoạn 2017 – 2020 tăng lên 82%). Vì vậy yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh là một sức ép quá lớn lên chính quyền và nhân dân thành phố. Cùng với đó là làn sóng nhập cư vào thành phố ngày càng nhanh và tăng mạnh, góp phần gây nên tình trạng quá tải trầm trọng về giao thông, nhà ở và an sinh xã hội.

- Là trung tâm kinh tế – tài chính lớn của cả nước và khu vục, TP Hồ Chí Minh còn luôn chịu ảnh hưởng lớn của thị trường bất động sản, nhất là trong giai đoạn 2000 – 2015. Những ảnh hưởng này tác động rất tiêu cực đến di sản văn hóa đô thị, vì: Cảnh quan và kiến trúc của một đô thị phụ thuộc vào hai yếu tố chính: (i) sự định hướng của quy hoạch đô thị và (ii) sự tác động của yếu tố thị trường, quan trọng và trực tiếp nhất thị trường bất động sản.

Ở TP Hồ Chí Minh, phần lớn các nhà khoa học, nhà quản lý cho rằng thị trường bất động sản là nguyên nhân chính tác động đến cảnh quan và kiến trúc đô thị, bởi vì: 1/Thị trường bất động sản tác động trực tiếp đến cảnh quan và kiến trúc đô thị thông qua các dự án phát triển hạ tầng đô thị và các dự án xây dựng công trình đô thị; 2/ Thị trường bất động sản tác động gián tiếp đến cảnh quan và kiến trúc đô thị thông qua sự ảnh hưởng của các nhà đầu tư đến việc lập, phê duyệt, thực thi và điều chỉnh quy hoạch đô thị.

2.Giá trị di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh

2.1.Giá trị lịch sử - văn hóa

Giá trị lịch sử

Những công trình, cảnh quan tiêu biểu của đô thị đã trở thành “điểm nhấn” cho từng khu vực hoặc cho toàn bộ cảnh quan đô thị.

-   Được xây dựng vào thời kỳ đầu tiên của đô thị hoặc vào một thời điểm đặc biệt; Có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng; là nơi diễn ra các sự kiện lịch sử quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và văn hóa lâu dài.

-   Cảnh quan quen thuộc, khác biệt, đặc trưng của đô thị, trong đó có những con đường, tượng đài, công viên, không gian công cộng,…

-   Những ngôi nhà, công trình, quần thể kiến trúc hay cảnh quan nổi bật phản ánh quá trình lịch sử của một cộng đồng, mang đến những câu chuyện lịch sử sinh động, phong phú và có ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng và du khách, để con người hiểu biết và trân trọng hơn quá khứ.

Từ những “điểm nhấn” này quy hoạch khu vực xung quanh lấy đó làm cơ sở để có được sự hài hòa, tôn vinh giá trị của di sản đồng thời tạo dựng những công trình mới theo định hướng sẽ trở thành di sản mới.

Các loại hình di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh phản ánh lịch sử thành phố từ thời thế kỷ XVIII đến nay, từ một trung tâm chính trị của chúa Nguyễn, triều Nguyễn ở đằng trong đến trung tâm quyền lực của chính quyền thuộc địa Pháp và sau này là của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Không chỉ vậy, lịch sử công nghiệp, thương nghiệp – nhất là xuất nhập khẩu lúa gạo không thể không ghi nhận hệ thống bến cảng – nhà máy xay xát lúa gạo ở Sài Gòn, hệ thống bến – chợ với hai trung tâm lớn là chợ Bến Thành, chợ Bình Tây; hệ thống công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cho biết về lịch sử các cộng đồng dân cư của thành phố;… Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi là minh chứng cho xóm nghề nổi tiếng “gốm Sài Gòn” cùng với sự phát triển của kỹ thuật sản xuất đồ gốm đặc trưng mà ngày nay nhiều sản phẩm còn lại đã trở thành cổ vật quý giá.

Như vậy, chỉ cần nhìn vào danh sách những di tích lịch sử văn hóa của thành phố, chúng ta cũng có thể nhận biết quá trình hình thành, phát triển, những thăng trầm của một thành phố có vai trò trung tâm của phía Nam đất nước.

Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật

Giá trị thẩm mỹ không chỉ là giá trị “tự thân” của di sản mà nó được phát hiện, bồi đắp thêm hay hao hụt, thậm chí biến mất theo sự thay đổi của môi trường, theo nhận thức và tác động của con người. Giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật không chỉ có ở các công trình còn nguyên vẹn mà có ngay trong công trình là phế tích: tác động của thời gian, của con người làm nên cái đẹp trong sự hồi tưởng và trở thành ký ức. Màu sơn của Bưu điện trung tâm không thể là màu hồng nâu hay màu vàng nghệ, dù có thể đẹp và phù hợp hơn với đèn chiếu sáng nghệ thuật ban đêm, nhưng người dân không dễ chấp nhận cái đẹp mới mẻ đó. Họ yêu cầu phải trở lại màu vàng của “ký ức”. Hình thức kiến trúc của thương xá Tax khi khánh thành vào năm 1924 đã trở thành một biểu tượng thẩm mỹ của khu vực trung tâm trong một thời gian dài nên cộng đồng và chính quyền đã quyết định phục dựng lại hình thức này trong tòa nhà mới…

Cảnh quan sông nước, trên bến dưới thuyền là sinh hoạt đời thường hàng trăm năm nhưng thực sự có giá trị thẩm mỹ nghệ thuật vào những ngày giáp Tết, ghe miền Tây chở hoa, cây kiểng và nhiều thứ khác lên bến Bình Đông. Hình ảnh này tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ, từ đó lại tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa: những bức ảnh, bài văn, bài thơ,…

Tất cả đã nối tiếp nhau duy trì giá trị thẩm mỹ của di sản văn hóa, càng theo chiều dài lịch sử lại càng được nâng cao và tôn vinh.

Giá trị nhận thức

Là hệ quả trực tiếp từ giá trị lịch sử và giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Đầu tiên là những giá trị này kết tinh trong ký ức của thị dân để trở thành những hình ảnh biểu tượng về quê hương, nuôi dưỡng tình cảm và trách nhiệm đối với quê hương đất nước.

Tiếp đến, để có thể nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy, truyền bá tri thức về lịch sử văn hóa nói chung thì những giá trị của di sản văn hóa cần được “vật chất” hóa bằng các tiêu chí niên đại, phân loại loại hình, xếp loại, xếp hạng di sản,… Đây chính là những công cụ sư phạm để học tập và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa thông qua văn hóa vật thể. Đặt những giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh không – thời gian rộng hơn để nhận biết vị trí trong thế giới cũng như mối liên quan, tiếp xúc giao lưu văn hóa – kỹ thuật – nghệ thuật với những khu vực khác.

Giữ gìn di sản văn hóa trước hết là vì cộng đồng dân cư: vì đấy là tài sản văn hóa của cộng đồng, Giữ gìn di sản trước hết vì “người sống” chứ không phải chỉ vì bản thân di sản, nếu di sản còn mà cộng đồng không hiểu biết giá trị của nó thì không thể bảo vệ di sản. Việc cố gắng bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là nhằm xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức. Sống trong không gian đó, con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước di truyền lại những ký ức về vùng đất mà họ đang sống. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu.

Sài Gòn trở nên thân thuộc với nhiều thế hệ cư dân và những ai đến đây chính là nhờ cảnh quan đô thị và quan hệ ứng xử của cộng đồng: khu trung tâm với lễ hội, đường hoa, đường sách, bắn pháo hoa đêm giao thừa,… Hình ảnh của Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành, thương xá Tax,… đã in sâu vào trong trí nhớ. Nó là ký ức của người Sài Gòn, nó là đặc điểm để khách xa nhận diện Sài Gòn. Giá trị một vùng đất nằm ở ký ức của con người. Công trình, cảnh quan không có giá trị khi không được ký ức con người ghi nhận.

Tại TP Hồ Chí Minh, các di sản văn hóa trải qua một thời gian dài chưa được nhận thức đầy đủ về các giá trị, do còn ảnh hưởng thiên kiến về văn hóa “truyền thống” và “ngoại lai”, định kiến chính trị về “ta” – “địch” nên đã không được sử dụng và giữ gìn tương xứng với giá trị. Mặt khác, do hoàn cảnh kinh tế – xã hội khó khăn nên chưa đủ điều kiện vật chất và nhân lực bảo tồn di sản văn hóa đến nơi đến chốn… Tuy nhiên, trong vài năm gần đây thì nhận thức về giá trị di sản có được nâng cao từ phía các nhà khoa học và cộng đồng, nhưng những nhà quản lý và nhất là nhà đầu tư thường coi giá trị đất đai của di sản quý hơn những giá trị lịch sử và văn hóa, cũng như chưa coi trọng giá trị “ký ức” của cộng đồng. Vì vậy, việc phá hủy Ba Son, Tax, Eden,… và nhiều trường hợp khác đã xảy ra. Điều này gây ra hậu quả lớn là để lại một khoảng trống về nhận thức lịch sử cho thế hệ cư dân mới của thành phố.

2.2.Giá trị truyền thông

- Biểu trưng: Đó là những hình ảnh biểu trưng về một đô thị, một khu vực thông qua di sản vật chất hoặc tinh thần: Bến Nhà Rồng, Tòa nhà UBND, Nhà thờ Đức Bà, Miếu Thiên hậu,… hay những địa danh Thủ Thiêm, Thủ Ngữ, Bến Nghé, Sài Gòn, Chợ Lớn,… Lưu truyền những biểu tượng này ngoài ý nghĩa lịch sử còn có ý nghĩa truyền thông (lịch sử – văn hóa) về một vùng đất.

- Xã hội: Thông qua các biểu trưng tăng cường được nhận thức về bản sắc tính cách một đô thị. Di sản văn hóa đô thị không chỉ là thiên nhiên đa dạng, kiến trúc đẹp, cảnh quan hài hòa, những phong tục tập quán độc đáo. Di sản văn hóa đô thị còn có một phần quan trọng, đó là mối quan hệ gắn bó giữa thành phố và con người, là sự tương xứng giữa vật chất đô thị và đời sống tinh thần của thị dân.

Bản sắc và truyền thống văn hoá đô thị thể hiện trong sự hoà hợp, thống nhất của cảnh quan đô thị và lối sống thị dân. Để gìn giữ truyền thống và bản sắc đô thị, việc bảo tồn di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) đã bắt đầu được quan tâm, thực hiện. Tuy nhiên, việc hình thành và xây dựng tầng lớp thị dân từ góc độ “văn hoá đô thị” thì chưa được chú ý và coi trọng. Nếu không có tầng lớp thị dân “đúng nghĩa” thì di sản văn hoá đô thị sẽ (trên thực tế là đã) nhanh chóng mai một và biến mất, bởi vì khi thị dân không có sự hiểu biết và tự hào về truyền thống, bản sắc văn hoá nơi mình đang sống thì khó có thể “tuân thủ” một cách tự giác để gìn giữ, làm dày hơn cho văn hoá đô thị.

- Danh tiếng: Quan trọng hơn là sự biến mất của những di tích lịch sử – văn hóa đã làm xóa nhòa “ký ức đô thị” của nhiều thế hệ cư dân thành phố. Di sản văn hóa vật thể không được bảo tồn thì di sản văn hóa phi vật thể cũng không thể duy trì. “Thương hiệu” hay danh tiếng của thành phố có thể được nâng cao, cải thiện hay suy thoái đi một phần lớn thông qua giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy như thế nào.

Các cơ quan truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và cứu vãn giá trị di sản văn hóa. Đó là nhờ chức năng phản ánh, thông tin kịp thời những kiến thức tri thức khoa học mới về di sản văn hóa; phản ánh ý kiến nhiều chiều (người dân, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư,…) khi có một sự việc vi phạm hay phá hoại di sản văn hóa. Khi cần có tiếng nói “trái chiều” để bảo vệ di sản văn hóa thì báo chí, truyền thông có trách nhiệm kêu gọi dư luận xã hội chú ý và lên tiếng.

2.3.Giá trị kinh tế

Tính chất khác biệt độc đáo nhất của di sản văn hóa là sự không thể tái tạo hoặc thay thế, khác với những tài sản có giá trị kinh tế khác. Di sản văn hóa vật thể thường dưới hình thức động sản hay bất động sản: di tích, bảo tàng, thư viện,… đều là vật chất có thể định giá “tư bản”, từ đó có thể kiểm soát “vốn” và phương thức “sinh lời”. Di sản văn hóa có thể mang lại dịch vụ hoặc thỏa mãn các nhu cầu, được trả bởi người sử dụng thường xuyên (các công sở, cá nhân sử dụng công trình di sản), hoặc có nhu cầu của người sử dụng trực tiếp không thường xuyên (khách tham quan, học sinh,…). Có nhiều phương thức “chi trả”, hoặc bằng tiền thông qua tiền vé và các dịch vụ kèm theo, hoặc nếu là chủ sở hữu hay sử dụng thường xuyên thông qua việc đưa công trình mình đang sử dụng/sở hữu vào hệ thống di sản của thành phố để trở thành vốn xã hội của cộng đồng.

Giá trị kinh tế của di sản văn hóa cần nhìn nhận trong một phạm vi rộng, tầm vĩ mô chứ không chỉ là nguồn lợi của một gia đình hay một ngành nghề. Khi các đô thị đang vùn vụt phát triển, thay đổi hàng ngày thì giá trị di sản văn hóa có thể giúp người dân, giúp nền kinh tế “sinh lợi”. Cần lưu ý là “lợi nhuận” từ việc khai thác giá trị di sản văn hóa không phải lúc nào và ở đâu cũng là “tiền tươi thóc thật” mà khai thác vừa phải, cũng như mọi nguồn tài nguyên khác. Không bảo tồn di sản văn hóa tức là đang xóa bỏ lịch sử đô thị, cũng tức là xóa bỏ một nguồn lợi kinh tế lâu dài.

Các di sản đô thị ngoài mục tiêu bảo tồn lịch sử – văn hóa còn hướng đến các mục tiêu khác như: bảo tồn tài nguyên di sản; đào tạo các ngành lịch sử, nghệ thuật; nghiên cứu, giới thiệu và truyền bá hoạt động quanh/ từ di sản; trở thành các điểm đến hấp dẫn cho nhóm cộng đồng, du khách; phát triển các dịch vụ doanh nghiệp liên quan; góp phần tạo nên hình ảnh đô thị, quốc gia;… Nguồn kinh phí có được từ những mục tiêu này sử dụng để hỗ trợ phát triển cộng đồng, cân đối chi phí vận hành quản lý di sản văn hóa, đầu tư trở lại cho chính di sản văn hóa (trùng tu, bảo tồn, mua tác phẩm, hiện vật,…) [Trần Ngọc Khánh 2012: 420– 421].

3.Quan điểm, công cụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh

3.1.Quan điểm

Cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Gần đây phải ghi nhận những cố gắng rất lớn của ngành bảo tồn di sản kể cả từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khoa học và chính quyền địa phương. Nhưng bên cạnh đó cũng có những điểm nổi cộm không thể không nói đến. Khu trung tâm TP Hồ Chí Minh hầu như không còn dấu vết cảnh quan đô thị Sài Gòn xưa, chen vào đó là những công trình mới mà theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn là không đẹp về kiến trúc và không hài hòa về cảnh quan, như tuyến đường Đồng Khởi chẳng hạn.

Gần đây nhất là việc “biến mất” của di tích lịch sử Ba Son khiến nhiều người tiếc nuối vô cùng. Ngoài việc là di tích lịch sử 200 năm từ thời Chúa Nguyễn Ánh, Ba Son còn là di tích hiếm hoi về công nghiệp đóng tàu của nước ta. Lẽ ra, toàn bộ cảnh quan sông nước và di tích cần được trả về để phục vụ lợi ích cộng đồng cư dân đô thị thì hiện nay, nó hoàn toàn nằm trong các dự án dành cho người giàu. Đó là thiệt thòi rất lớn đối với đô thị Sài Gòn.

Có một vấn đề luôn được đề cập đến trong quy hoạch đô thị lâu nay, đó chính là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Giữa bảo tồn và phát triển luôn có một câu hỏi được đặt ra: Bên nào sẽ thắng hay có phương pháp nào mà hai bên cùng thắng? Kinh nghiệm của các nước cho thấy, hoàn toàn có thể có một phương pháp đáp ứng cả hai yếu tố trên. Nhưng tại TP Hồ Chí Minh, vẫn còn nhiều trường hợp chưa tìm được lời giải thích đáng, mà trường hợp Ba Son là một ví dụ điển hình. Không riêng gì di tích lịch sử Ba Son mà tất cả các di sản khác luôn đặt ra các vấn đề sau: Lựa chọn lợi ích kinh tế trước mắt hay lâu dài? Lựa chọn lợi ích của một nhóm nhỏ hay của cộng đồng? Chọn câu trả lời nào thì sẽ tìm ra phương pháp giải quyết tương ứng.

Trên bình diện chung cần ghi nhận những cố gắng từ chính quyền thành phố hay cơ quan chức năng, như Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng nhiều chuyên gia tư vấn đưa ra những quy chế về bảo vệ cảnh quan đô thị, cảnh quan biệt thự,… Tuy nhiên, những công trình được coi là cột mốc của Sài Gòn thì không giữ được, xu hướng phá khu trung tâm vẫn chưa ngừng. Hiện nay, quan niệm về vùng lõi đô thị nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa vẫn chỉ là vùng “đất vàng”, thậm chí “đất kim cương”, chưa được chính quyền quan niệm là “vùng di sản”. Quan điểm về bảo tồn phải rõ ràng: Di sản phải quý hơn vàng hơn kim cương! Vì nó kết tinh bao nhiêu giá trị, được truyền từ nhiều đời và là tài sản chung của tất cả cư dân. Không thể đánh đổi một cách vội vã để lấy sự tăng trưởng kinh tế nhất thời.

Sự đồng thuận của các thành phần liên quan việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị

Cần có sự kết hợp giữa ba thành phần liên quan đến di sản văn hóa đô thị là nhà quản lý, nhà chuyên môn và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản. Trên thực tế ngoài ba thành phần trên giờ đây có thêm một đối tượng nữa chính là những nhà đầu tư vào đô thị. Trong quá trình hiện đại hóa đô thị hóa hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư ở đô thị hoặc từ là nơi khác đầu tư vào đô thị. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản mang lại kết quả tốt nhất thì nhà đầu tư cũng phải có sự liên kết với ba đối tượng kia. Mối liên kết ở đây là gì?

Chính quyền là người thay mặt dân cư quản lý đô thị, trong quy hoạch của chính quyền phải có hoạch định và quan điểm rõ ràng về bảo tồn di sản: phá hay giữ? Nếu như chính quyền kiên quyết giữ, thì phần tiếp theo là lắng nghe tư vấn từ các nhà chuyên môn xem giữ như thế nào, giữ đến đâu. Không phải cái gì thuộc về “đồ cổ” cũng phải giữ nhưng là di sản có giá trị đặc biệt thì bắt buộc phải bảo tồn; còn những di tích khác có thể “bảo tồn” bằng cách khai quật khảo cổ, quay phim, chụp ảnh hay đưa hiện vật vào bảo tàng, lấy đất đai đáp ứng sự hiện đại hóa về giao thông, hạ tầng… của đô thị.

Sau khi lắng nghe tư vấn, phải lựa chọn nhà đầu tư có cùng quan điểm và tôn trọng quyết định của chính quyền, tức là nhà đầu tư có tầm văn hóa và có tâm vì “lợi ích muôn đời”. Cái tầm văn hóa ở đây thể hiện nhà đầu tư hiểu biết về giá trị di sản. Nhà đầu tư có thể không lấy lợi được ngay nhưng sẽ được cộng đồng tôn trọng bởi nhà đầu tư đã có những cách thức để di sản ấy phát huy giá trị nhiều hơn, tăng giá trị văn hóa và cả giá trị kinh tế của nó chứ không phá di sản đi chỉ để kiếm tiền từ đất. Vì vậy, bên cạnh nhà quản lý, nhà đầu tư không có tầm văn hóa, không có tâm với di sản của một vùng đất, mở rộng hơn là của đất nước thì tất yếu dẫn đến thực trạng di sản văn hóa bị phá hủy.

Cuối cùng là cộng đồng có trách nhiệm lên tiếng, mà muốn có tiếng nói thì cộng đồng cần có sự hiểu biết. Ở thời điểm hiện nay tiếng nói của cộng đồng rất quan trọng nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn là nhà quản lý. Khi nhà quản lý không có một thái độ, quan điểm rõ ràng đối với di sản, việc bảo tồn di sản sẽ rất khó khăn. Trong tình hình quy hoạch khu trung tâm Sài Gòn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân như hiện nay,việc chính quyền cần lưu ý là không nên để cho người dân có cảm xúc tiêu cực. Đó là điều không quá khó đối với người làm công tác quản lý. Vấn đề là quan điểm: nếu đặt bảo tồn ngang với cái phát triển thì phải có một phương thức khác. Không nên cho rằng, bảo tồn sẽ làm hạn chế phát triển hoặc đã phát triển thì dứt khoát phải phá di sản. Quy hoạch đô thị các nước xung quanh đã có rất nhiều bài học mà Việt Nam, TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng được.

Xác định những giá trị di sản văn hóa không thể đánh đổi

Nhìn tổng thể đô thị Sài Gòn thời Bến Nghé – thành Gia Định hầu như không còn dấu tích gì cả, may chăng có còn là còn trong lòng đất, lĩnh vực này thuộc về công tác khảo cổ mà từ lâu ít người quan tâm. Về quy hoạch đô thị Sài Gòn đặc trưng thường được biết đến là từ thời Pháp cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Từ sau năm 1954 mở rộng và có thêm các công trình của thời Việt Nam cộng hòa. Tuy nhiên chưa có những nghiên cứu cụ thể để thấy được giá trị của hệ thống di tích này. Với một đô thị, người ta nhìn nhận lịch sử của nó đầu tiên qua lịch sử kiến trúc đô thị. Nói đến đô thị Sài Gòn thì chắc chắn phải nói đến khu trung tâm Sài Gòn. Đó là trung tâm hành chính của thành phố, cũng là trung tâm chính trị khác với Chợ Lớn là trung tâm thương mại buôn bán. Trung tâm Sài Gòn dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, văn hóa và khảo cổ, có thể nhận thấy có ít nhất vùng lõi đô thị phải được bảo tồn nguyên vẹn vì đó là đô thị Sài Gòn từ thời Nguyễn cho đến thời Pháp. Ý nghĩa và giá trị biểu tượng của nó không khác khu vực Hồ Gươm ở Hà Nội. Lịch sử của Sài Gòn và Hà Nội có thể không so sánh được về thời gian nhưng giá trị văn hóa lịch sử thì không chỉ phụ thuộc vào độ dài thời gian mà phụ thuộc chủ yếu vào quá trình xây dựng và đặc điểm của các đô thị này.

Nhìn qui hoạch kiến trúc đô thị và giá trị của nó thì nên nhìn tổng thể chứ đừng chỉ thấy cục bộ ở một công trình cụ thể nào đó muốn thay đổi. Hiểu được điều này mới thấy sự cần thiết của ngành qui hoạch đô thị chứ không đơn giản là kiến trúc đô thị. Chính quyền TP Hồ Chí Minh phải đưa chiến lược bảo vệ di sản đô thị vào chiến lược phát triển, không phải chỉ là về phương diện văn hóa mà phải vào cùng với chiến lược phát triển kinh tế. Bởi vì di sản cũng có thể làm ra những giá trị kinh tế, chứ không phải chỉ được bảo tồn như những hiện vật nằm trong tủ kính của viện bảo tàng.

Trong quá trình phát triển của đô thị, tiếng nói của cộng đồng có vai trò quan trọng đối với các quyết sách của chính quyền. Những người trong công chúng ở các lĩnh vực khác nhau đã có những kiến thức nhất định về bảo tồn, cho nên họ có thể đóng góp với chính quyền những ý kiến xác đáng. Vì vậy chính quyền cần tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của công chúng, không phải chỉ để điều chỉnh những quy hoạch mà sáng kiến của công chúng còn giúp ích cho chính quyền làm những dự án, kế hoạch phù hợp hơn với sự phát triển, nhất là đáp ứng tốt hơn các nhu cầu bảo vệ di sản, văn hóa.

Di sản văn hóa của Sài Gòn cũng là một lợi thế để các nhà đầu tư vào đây họ thấy thiện cảm với thành phố, khi ở đây có nhiều di sản tốt đẹp, đặc sắc. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng coi di sản văn hóa là một lợi thế, thậm chí họ coi đó là vật chướng để phá đi chứ không phải là mối lợi để họ giữ lại. Chọn nhà đầu tư nào để có thể bảo tồn di sản đó chính là câu hỏi mà chính quyền phải trả lời và lựa chọn.

Di sản là bản sắc riêng có của từng đô thị

Người dân TP Hồ Chí Minh hiện nay có nhiều bức xúc về cơ sở hạ tầng đô thị, có nhu cầu được sống trong một thành phố phát triển hiện đại. Nhưng từ góc độ công tác bảo tồn, sự “thỏa hiệp” “đánh đổi” ở một mức độ nhất định có thể áp dụng trong một số trường hợp vì nhu cầu phát triển của thành phố. Nhưng phải hiểu cái gì có thể đánh đổi còn cái gì thì không.

Thực trạng đang diễn ra trong vài năm gần đây tại trung tâm TP Hồ Chí Minh mang lại sự bi quan cho nhiều người yêu quý và có trách nhiệm với thành phố này. Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh sẽ là một thành phố với nhiều tòa nhà cao tầng nhưng rất giống nhiều nơi khác. Những kiến trúc hiện đại đang hiện hữu ở khu trung tâm chẳng khác gì kiến trúc của nhiều thành phố trên thế giới. Cảnh quan chung sẽ khiến người ta hoàn toàn không còn nhận biết về nét riêng của Sài Gòn. Nét riêng không chỉ là sự “cổ xưa” mà cái mới, cái hiện đại vẫn có thể có bản sắc riêng. Đáng nói là ngay nhiều công trình kiến trúc mới chưa có nét gì riêng biệt. Tất cả các đô thị Việt Nam đang bắt đầu có kiến trúc như nhau, từ đô thị ở đồng bằng, ở miền núi đến miền biển; từ đô thị lâu đời như Hà Nội cho đến các đô thị trẻ hơn như Sài Gòn và các thành phố của các tỉnh. Khoảng từ đầu những năm 2000 đến nay chúng càng trở nên giống hệt nhau. Trong khi đó, sự đa dạng mới làm nên bản sắc văn hóa. Tìm ra đâu đặc trưng năng động, phóng khoáng, bao dung của Sài Gòn khi mà diện mạo của nó cũng y chang các thành phố khác?

Con người không thể tách rời môi trường sống bao gồm cả cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân văn. Những thế hệ trước luôn nhớ và yêu quý Sài Gòn cũng bởi họ sống trong khung cảnh gần như cả trăm năm không thay đổi, nếu có thay đổi cũng chỉ diễn ra ở ngoại vi. Ký ức về tình cảm đối với thành phố sẽ được di truyền qua từng thế hệ, nếu không còn gì để nhắc nhớ thì không còn ký ức. Khi cư dân không có tình yêu, không được củng cố tình cảm đối với nơi họ sống thì làm sao có thể hết mình xây dựng và bảo vệ nó? Hiện nay khi khoảng cách giữa kinh tế và văn hóa ngày càng xa thì liệu vài chục năm nữa người Sài Gòn có còn mang cốt cách đặc trưng vốn có? Cuộc sống cần thay đổi tốt hơn cả vật chất và tinh thần nhưng cách phá hủy di sản như hiện nay phản ánh một điều, người ta quan tâm nhiều hơn cho sự thay đổi về vật chất mà ít quan tâm gìn giữ những giá trị tinh thần…

3.2.Công cụ

Công cụ pháp lý:

Việc kiểm kê, xếp hạng các cấp bậc (danh mục cần được bảo tồn, di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố, cấp quốc gia) cho các công trình có niên đại khoảng 100 năm trở lên là biện pháp đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng di tích bị phá hủy hoặc sửa chữa làm biến dạng, cũng như căn cứ vào đó đưa ra phương thức và thực thi công tác trùng tu một cách phù hợp. Hiện nay ở TP Hồ Chí Minh có khu vực Chợ Lớn và khu vực cảnh quan biệt thự ở Quận 1, Quận 3 đã và đang tiến hành kiểm kê phân loại, tiến tới có chính sách phù hợp nhằm quản lý tốt việc bảo tồn di sản, đồng thời hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật khi có nhu cầu sửa chữa trùng tu công trình.

-   Khoanh vùng di sản để hạn chế mật độ xây dựng, chiều cao và quy mô công trình, hạn chế mật độ dân số, lưu lượng giao thông,… nhằm hạn chế tác động xấu đến cảnh quan chung và các di sản cụ thể. Như khu vực trung tâm thuộc Quận 1, Quận 3; khu vực Chợ Lớn; khu vực ven sông và các bến sông từ Quận 1, Quận 4 đến Quận 5, Quận 8,…

-   Cần có những quy định khen thưởng cho những cá nhân, tổ chức nào giữ gìn tốt giá trị di sản văn hóa đô thị. Hiện nay trong Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành đã có điều khoản khen thưởng cho người phát hiện di tích di vật quý. Tuy nhiên di sản văn hóa đô thị chưa được coi trọng đúng mức, nếu các tổ chức xã hội liên quan có những giải thưởng hay hình thức khen thưởng động viên, ghi nhận sự bảo vệ, bảo tồn gìn giữ di sản văn hóa đô thị thì đó là việc làm cần thiết, một hình thức “xã hội hóa” làm cho ý thức cộng đồng ngày càng cao hơn.

-   Kiểm soát việc thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa và những luật khác áp dụng cho đô thị cho tất cả các đối tượng: người dân, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước,… Tránh trường hợp chỉ có người dân bị kiểm soát còn các đối tượng khác thì không.

Công cụ hỗ trợ về tài chính:

Ngoài nguồn ngân sách ít ỏi của nhà nước dành cho việc bảo tồn di sản văn hóa cần có nhiều nguồn kinh phí khác của xã hội tham gia và có nghĩa vụ tham gia: đó là từ các nhà đầu tư bất động sản vào khu vực di sản hay cơ quan nhà nước sử dụng công trình di sản. Ngoài việc tuân thủ các quy định khác của khu vực di sản thì cần phải có nghĩa vụ về tài chính đóng góp vào việc bảo tồn cảnh quan và chính công trình di sản. Khu vực di sản mang lại giá trị tinh thần cho cộng đồng và cũng cho những nhà đầu tư tại đây, cũng như họ có thể khai thác thành giá trị kinh tế. Chính sách này tương tự nhiều nước đã có chính sách về “thuế môi trường”: ở khu vực môi trường càng trong sạch, đẹp, có cảnh quan tự nhiên… thì thuế nhà đất ở đó cao hơn những nơi khác.

Khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa dưới sự hướng dẫn kiểm soát về chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan khoa học. Ưu đãi chính sách thuế hoặc nguồn thu dịch vụ có từ di sản văn hóa cho các cá nhà và nhà đầu tư… như ở Campuchia và Thái Lan đã thực hiện rất có hiệu quả.

Công cụ thông tin:

Cung cấp cho cộng đồng và du khách những tiềm năng của di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Quảng bá về di sản văn hóa, tạo mô trường thuận lợi cho cộng đồng tham gia các chính sách và giám sát công tác bảo tồn di sản văn hóa. Thúc đầy sự đổi mới nhận thức và ứng xử với di sản văn hóa.

Các cơ quan đang làm công tác quản lý các di sản văn hóa đô thị như Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, các Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, Trung tâm bảo tồn di tích các tỉnh thành, các di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam… kết hợp với ngành giáo dục và các cơ quan nghiên cứu để giáo dục, quảng bá giá trị văn hóa di sản cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Hiện nay chưa có chiến lược nhằm làm cho người dân và thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn, đúng hơn về giá trị di sản văn hóa địa phương cũng như cả nước. Một vài chương trình truyền hình, chuyên mục trên một số tờ báo… chưa đủ sức mang lại sự yêu thích và khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa, nhất là di sản ở đô thị. Mặt khác các chương trình còn nặng về “khai thác” du lịch mà chưa chú ý đến việc làm cách nào làm tăng giá trị cho di sản, đó là yếu tố con người.

Các cơ quan truyền thông có vai trò đặc biệt trong việc ngăn ngừa và kể cả cứu vãn các giá trị di sản văn hóa vì luôn phản ánh, thông tin kịp thời về kiến thức tri thức khoa học mới về di sản văn hóa; phản ánh ý kiến nhiều chiều (người dân, nhà khoa học, nhà quản lý,…) khi có một sự việc vi phạm di sản văn hóa. Khi cần có tiếng nói “trái chiều” để bảo vệ di sản văn hóa thì báo chí, truyền thông có lợi thế được dư luận xã hội chú ý và lên tiếng ủng hộ.

Làm thay đổi thái độ xã hội đối với di sản và việc bảo vệ di sản thông qua các trường đào tạo chuyên ngành (ở Pháp có trường Quốc gia Di sản và một số trường cao đẳng truyền dạy nghề như nghề vẽ tranh kính ở nhà thờ…), báo chí truyền thông đa phương tiện, tổ chức các diễn đàn, sự kiện về bảo tồn di sản, kết nối các nguồn lực thông qua những dự án về bảo tồn di sản.

4. Kinh nghiệm từ thực tiễn ở TP Hồ Chí Minh

Ở TP Hồ Chí Minh nhiều di sản văn hóa được đưa vào các tuyến, điểm du lịch nhưng có thể thấy phần lớn là những kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa truyền thống đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Di sản văn hóa đô thị chưa được khai thác nhiều, chưa kết hợp với loại hình du lịch ẩm thực hay du lịch sông nước, chưa giới thiệu được những di sản đời thường đang “sống cùng thành phố”… Vì vậy các tour tham quan thành phố thường chỉ vỏn vẹn trong một ngày.

Một trường hợp tour “du lịch văn hóa” rất có hiệu quả và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp ghi nhận như sau.

Ở Chợ Lớn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp đã được anh Tim Doling – một nhà nghiên cứu lịch sử người Anh hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh – đưa đi thăm các hội quán, đình, phố, đường và chỉ cho biết từng ngôi nhà, con đường với những dữ liệu lý thú mà nhiều người không biết đến, như trên đường Hải Thượng Lãn Ông có một số nhà cổ còn sót lại, trong đó có tòa nhà Thông Hiệp là trụ sở công ty của ông Quách Đàm (người xây chợ Bình Tây), nhà của vua bột ngọt Trần Thành. Đi trên đường Nguyễn An và Phú Định, nơi mà nét cổ kính còn chút ít phảng phất giống như các nhà phố nổi tiếng thu hút khá đông du khách tham quan được bảo tồn ở Singapore trên Boat Quay có tòa nhà xưa được dùng làm bối cảnh trong phim L’amant (Người Tình) mà nay mặt tiền nhà đã bị sửa đổi có cửa sắt tân thời, nhưng cách đấy vài căn có một ngôi nhà khác cùng kiến trúc vẫn còn nét cổ kính

Gần kênh Tàu Hủ là đường Phan Huy Chú xưa kia gọi là “Cité Wang Tai” vì là nơi ngày xưa dân nhập cư người Hoa cư ngụ khi mới đến Sài Gòn – Chợ Lớn. Cité Wang Tai được ông Wang Tai (Vương Thái) (người trúng thầu xây Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn) lập ra và xây khu dân cư cho người dân di cư nghèo đến từ Nam Trung Hoa.

Một căn nhà trên đường Châu Văn Liêm đối diện với Bưu điện Chợ Lớn nơi xưa kia Nguyễn Tất Thành từ Phan Thiết đã trú ngụ trong thời gian ở Sài Gòn trước khi qua Pháp là của công ty làm nước mắm Liên Thành. Nhà của công ty nước mắm (nay là nhà lưu niệm) ở vị trí này là vì xưa kia địa điểm Bưu điện Chợ Lớn còn là một chợ buôn bán chính và ngay trước chợ là con rạch mà tàu từ Phan Thiết chở nước mắm đến. Anh Tim Doling cho biết sở dĩ anh lập ra tour di sản là vì anh muốn nhiều người thấy được những giá trị di sản văn hóa của vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, và qua đó anh hy vọng sẽ có nhiều người dân ý thức được về giá trị của sự bảo tồn di sản và cảnh quan văn hóa [Nguyễn Đức Hiệp 2014].

Ở TP Hồ Chí Minh những ngôi biệt thự được thay đổi công năng để kinh doanh. Hình thức cổ xưa và đẹp của công trình, dịch vụ tốt đã thu hút rất nhiều du khách, từ đó có thể sử dụng một phần nguồn thu để “bảo tồn” công trình.

Ở TP Hồ Chí Minh ta dễ dàng nhìn thấy những quán cà phê sân vườn trong khuôn viên các ngôi biệt thự xưa, kiểu Pháp, được xây dựng trong khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Có lẽ những quán cà phê như thế này nở rộ từ sau 1975, khi mà chủ nhân của hàng loạt các ngôi biệt thự ở đây lần lượt được thay thế bằng những người khác.

01

Trước 1975 Sài Gòn cũng giống như Paris: quán cà phê thường là những căn nhà trên phố, lại mở ra khoảng không gian vỉa hè. Ngày nay chỉ còn thấy phong cách này ở vài quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… thuộc khu trung tâm thành phố. Từ khoảng sau 1990 nhiều biệt thự được mua đi bán lại không còn là nhà tập thể, chủ nhân mới khai thác giá trị của biệt thự bằng cách cải tạo lại cho người nước ngoài thuê, hoặc phổ biến hơn, biến thành quán cà phê, quán ăn phục vụ nhu cầu ăn uống nơi quán xá đàng hoàng, sang trọng. Đây là một trong nhiều thói quen sinh hoạt của thị dân các thành phố lớn, đặc biệt phục vụ du khách.

 

02

Ở khu vực trung tâm đô thị (Quận 1, Quận 3) cà phê – biệt thự dù ở mặt tiền hay trong hẻm đều có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh. Kiến trúc nhà thường một trệt một lầu, tầng trệt thông thoáng tầng lầu có ban công nhẹ nhàng bên khung cửa mở rộng. Không gian tràn ngập tiếng nhạc nhưng nhiều quán vẫn giữ được không gian yên ả, không ồn ào, biệt lập. Những quán cà phê biệt thự ở Sài Gòn được chủ nhân chăm chút về thiết kế và trang trí nội thất, tạo ra phong cách riêng độc đáo và quyến rũ. Hiện nay nhiều cà phê biệt thự còn là những quán “cà phê sách”. Kệ sách nhiều kiểu dáng, những cuốn sách hay… tạo cho quán không khí ấm cúng thân thiện như trong một ngôi nhà.

03

Quan sát xu hướng thay đổi công năng biệt thự có thể nhận biết xu hướng sinh hoạt của thị dân các đô thị lớn. Sự biến đổi này “được” nhiều hơn “mất”, bởi vì trong cơn lốc đô thị hóa vài chục năm gần đây, sự biến đổi cảnh quan đô thị là hệ quả của lối sống thị dân “chưa hoàn chỉnh”, nếu không có những người chủ quán đã bảo tồn không gian và kiến trúc của những ngôi biệt thự đẹp như cổ tích này thì không biết TP Hồ Chí Minh có còn gì là “hồn đô thị Sài Gòn”?

Hiện nay và dự báo sắp tới diện mạo thành phố sẽ đổi thay rất nhiều. Điều quan trọng là di sản kiến trúc, di sản văn hóa lịch sử… cần được bảo tồn, gìn giữ để trở thành cảnh quan có giá trị kinh tế và giá trị tinh thần cho các thế hệ sau. Điều này có thể thực hiện được nếu áp dụng và đưa vào công tác bảo tồn các nguyên lý và quy trình của hiến chương Burra, nhất là có cộng đồng địa phương tham gia. Đây là trào lưu mà các nước trên thế giới đã và đang áp dụng thành công trong công tác đánh giá giá trị và bảo tồn di sản văn hóa lịch sử một cách hữu hiệu và ít tốn kém nhất.

Cộng đồng sử dụng Mạng xã hội một cách tích cực góp phần bảo tồn di sản văn hóa

Trang mạng xã hội facebook “Đài Quan sát Di sản Sài Gòn - Saigon Heritage Observatory” (https://www. facebook. com/groups/1412586585698694/) ra mắt vào cuối tháng 1/2015, mở rộng cho bất cứ ai muốn kêu gọi sự quan tâm của mọi người đến mọi tòa nhà lịch sử nào bị đe dọa ở bất kỳ thành phố nào của Việt Nam. Thông tin sẽ được chuyển tới chính phủ và các nhóm dân sự có khả năng can thiệp. Kiến nghị để cứu Thương xá Tax đã tập hợp được 3. 500 chữ ký, đã thu hút được sự quan tâm của công chúng, là một trong nhiều yếu tố để chính quyền thành phố đồng ý sẽ giữ lại một số bộ phận kiến trúc trang trí đặc sắc và tích hợp chúng vào tòa nhà mới: Cầu thang đôi của Thương xá Tax, rực rỡ với thảm gạch mosaic kiểu Ma Rốc xếp bằng tay, là một trong những ví dụ hàng đầu trong thế giới về sự đam mê nghệ thuật Bắc Phi của thời thuộc địa Pháp.

Trang mạng này hiện có 130. 000 bức ảnh lịch sử với phụ đề đang được lưu trữ. Ông Caune – một kỹ sư phần mềm người Pháp sinh sống tại TP Hồ Chí Minh cũng đang phát triển một ứng dụng iPhone để giúp người dùng chụp lại hình ảnh các địa điểm di sản mà họ thăm quan, đồng thời hướng dẫn họ sử dụng vị trí địa lý để đánh dấu địa điểm trên bản đồ. Đồng thời các nhóm Facebook như “Saigon – Chợ Lớn: Then & Now” (https://www. facebook. com/groups/865130223501356/?fref=ts ) với 5. 500 thành viên đã đăng những bức ảnh quá khứ và hiện tại của các di sản văn hóa ở thành phố Hồ Chí Minh. Hai ông Caune và Tim Doling, một nhà sử học người Anh và là người sáng lập nên nhóm Facebook này, cho rằng cần khuyến khích người trẻ Việt Nam tham gia phong trào bảo tồn di sản văn hóa. Và thực tế những trang mạng xã hội kể trên có rất nhiều người trẻ tham gia tích cực.

04

05

Ông Caune hy vọng rằng các trang mạng xã hội do những người quan tâm đến bảo tồn di sản lập ra sẽ là nơi tập hợp danh mục liệt kê các tòa nhà lịch sử, bất kể chúng có trở thành mục tiêu phá hủy hay không. Hiện nay chưa có cơ quan nghiên cứu nào có hệ thống như vậy. Các nhà nghiên cứu, sử gia và những người khác liên quan đến việc bảo tồn kiến trúc cho rằng, một cuộc kiểm kê toàn diện là bước đầu tiên quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về giá trị của kiến trúc lịch sử.

Những nhà nghiên cứu và làm công tác quản lý về bảo tồn di sản văn hóa đều nhận thấy, việc chính quyền định hướng cho xây dựng công trình hiện đại tại khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh biểu hiện sự thiếu hiểu biết và quan tâm đến di sản của thời thuộc địa. Việc phá hủy nhiều công trình mang dấu ấn lịch sử sẽ làm cho vùng di sản của thành phố mất sức hấp dẫn đối với du khách – về lâu dài nó sẽ làm giảm sự tăng trưởng kinh tế - mục tiêu của quá trình hiện đại hóa thành phố. Thực trạng cho thấy những năm qua các công ty bất động sản (và “nhóm lợi ích” của nó) là thành phần có lợi nhất trong sự việc này mà không phải là cộng đồng dân cư đô thị. Nhưng cũng từ thực tế TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có thể nhận thấy, khi hàng loạt các công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa bị mất đi thì động lực để bảo vệ chúng bắt đầu được hình thành và phát triển từ cộng đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc, Vĩnh Sính 2005: Từ Đông Sang Tây. - Nhà Xuất Bản Đà Nẵng. Tạp chí Nghiên cứu phát triển, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đăng lại, số 03 (1/2013).

2. Đặng Văn Bài 2016: Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị gắn với phát triển bền vững – trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh

3. 3 Hiến chương Venice và hiến chương Burra

4. Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh 2002: Nam Bộ đất và người, tập 1. - NXB Trẻ

5. http://quydisan. org. vn/bao-ton-di-san-kien-truc-do-thi-gan-voi-phat-trien-ben-vung-truong-hop-thanh-pho-ho-chi-minh/a1308379. html, truy cập 10g ngày 12/8/2016.

6. http://www. svhttdl. hochiminhcity. gov. vn. Truy cập ngày 19/7/2016.

7. http://www. thesaigontimes. vn/113185/Nhac-chuyen-bao-ton-di-san. html, truy cập 12g ngày 10/4/2015

8. http://www. thesaigontimes. vn/113225/Hien-chuong-Venice-va-hien-chuong-Burra. html

9. https://www. facebook. com/groups/1412586585698694/

10. https://www. facebook. com/groups/865130223501356/?fref=ts

11. Lê Hồng Kế: Phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững http://www. hids. hochiminhcity. gov. vn/c/document_library/get_file?uuid=c9e7a90d-4264-40a1-b9b4-c3b0cd71515e&groupId=13025 , truy cập 7g ngày 1. 11. 2016

12. Nguyễn Đức Hiệp 2014: Nhắc chuyện bảo tồn di sản

13. Nguyễn Thành Rum (cb) 2011: Hành trình Di sản Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo tồn Di tích TP Hồ Chí Minh.

14. Nguyễn Thị Hậu 2010: Đề tài NCKH “Xây dựng môi trường văn hóa đô thị TP Hồ Chí Minh theo hướng văn minh hiện đại”, Thư viện Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh.

15. Phạm Phú Cường 2015: Duy trì và chuyển tải các giá trị kiến trúc đô thị đặc trưng trong bối cảnh phát triển mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu TP Hồ Chí Minh, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học kiến trúc TP Hồ Chí Minh.

16. Trần Ngọc Khánh 2012: Văn hóa đô thị giản yếu. - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh

Nguồn: Sách “Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập”

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn