• Thời lượng: 1 giờ 35 phút
  • Đạo diễn: Dorota Kobiela, Hugh Welchman
  • Diễn viên: Douglas Booth, Jerome Flynn, Saoirse Ronan, Helen McCrory, Chris O'Dowd, John Sessions
  • Giải thưởng: Giải thưởng phim Ba Lan cho thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, Giải Phim châu Âu cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất, Giải thưởng phim Ba Lan cho Biên tập xuất sắc nhất...
  • Năm phát hành: 2017

Nếu hội họa thời Phục Hưng như vầng trời hửng nắng, trong trẻo và chân thực, được biết đến với những danh họa Leonardo Da Vinci, Raphael, Michelangelo,… thì hội họa thời hiện đại lại chú trọng lột tả cảm xúc nội tâm. Bên cạnh cái tên Picasso của trường phái lập thể (Cubism) còn một danh họa nổi tiếng khác đến từ trường phái ấn tượng (Impressionism), người chỉ dành 10 năm cuộc đời để vẽ 800 bức tranh mà khi ông còn sống chỉ bán vỏn vẹn một bức. Tác phẩm của ông chỉ thật sự nổi tiếng sau khi ông qua đời ở tuổi 37 và với những tác phẩm của mình, ông không chỉ trở nên bất tử mà còn là người bạn lớn tỉ tê với những tâm hồn hậu thế biết rung động. Không ai khác, đó chính là Van Gogh. 127 năm sau khi Van Gogh mất, đạo diễn Dorota Kobiela và Hugh Welchman đã tái hiện lại những năm tháng cuối đời của Van Gogh qua tác phẩm điện ảnh “Loving Vincent”, một bộ phim vượt khỏi giới hạn điện ảnh khiến những nhà phê bình không ít lần tranh cãi.  

Loving Vincent: Kiệt tác điện ảnh từ tranh  

Tuy xét về khía cạnh điện ảnh, “Loving Vincent” chưa được đánh giá là tác phẩm kinh điển thế giới. Nhưng phải chăng vì chưa từng có tác phẩm điện ảnh nào được 125 họa sĩ vẽ thủ công nên 65,000 bức tranh sơn dầu, mà mỗi 12 bức tranh mới làm thành chỉ 1 giây phim. Có thể xem đây là một kiệt tác điện ảnh từ tranh được đầu tư không chỉ thời gian mà còn tâm huyết xứng tầm “độ nặng” của cuộc đời Van Gogh hoặc “độ vĩ đại” của tài năng ông. Giới phê bình đánh giá tính trinh thám đã làm giảm đi tính nghệ thuật của “Loving Vincent”, nhưng tôi lại nghĩ khác. Tranh của Van Gogh tuy lấy chất liệu từ đời sống nhưng những cung bậc cảm xúc ông đặt vào từng nét cọ dầu lại chẳng phải là thứ “dễ nuốt” với đại chúng. Nếu bộ phim chỉ là một buổi triển lãm những tác phẩm nổi tiếng của Vincent mà chẳng có cốt truyện lôi cuốn, chắc chắn những thẩm mỹ này sẽ khó tiếp cận cũng như khó kéo khán giả đến với bộ phim nói riêng và nghệ thuật của Van Gogh nói chung, để được chứng kiến một Vincent Van Gogh vĩ đại như thế nào. Thật sự nếu có một bức tranh “copy” Van Gogh ở nhà đã quý, thì dù bạn có yêu hay không yêu hội họa cũng có thể hiểu 65,000 bức tranh vẽ tay hoàn toàn dựa trên chiều sâu thấu hiểu phong cách Van Gogh phải vô cùng quý giá. Điều đó tạo nên kiệt tác, sự xứng tầm, và tạo nên một thước phim huyền thoại về một con người huyền thoại.  

Cuộc đời Van Gogh: Đêm đầy sao hay chuỗi ngày giông bão?  

Bộ phim đã vén bức màn đưa chúng ta không chỉ đến với cuộc đời Van Gogh mà còn đi sâu hơn vào suy nghĩ, vào tâm hồn qua 120 bức tranh nổi tiếng của ông được gói ghém trong 95 phút phim. Lấy bối cảnh 1 năm sau cái chết của Van Gogh, câu chuyện bắt đầu bằng việc con trai người đưa thư nhận nhiệm vụ đưa lá thư cuối cùng của Van Gogh cho em trai của ông, Theo Van Gogh. Nhưng không may Theo đã mất không lâu sau khi Vincent qua đời. Cần phải nói rõ Theo không chỉ là em trai, mà còn là người tri kỷ luôn ủng hộ anh trai theo đuổi đam mê với bất cứ giá nào. Lá thư không gửi được đã mở ra cuộc tìm kiếm nguyên nhân cái chết của Vincent, dẫn chúng ta đi từ nhân vật này đến nhân vật khác, mà mỗi người có một góc nhìn chẳng ai giống ai về Vincent Van Gogh. Từ đó mới thấy con người Vincent kỳ lạ và cũng cô đơn như thế nào, đến nỗi những người xung quanh ông đều không thể hiểu nổi ông, trừ người tri kỷ là em trai ông, Theo, và bác sĩ Gatchet – cũng là nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng bật nhất của Van Gogh. Tuy nhiên, Theo đã qua đời, còn Gatchet thì lại là một ẩn số khác khiến câu chuyện về cuộc đời Van Gogh cuối cùng vẫn mờ ảo, mộng mị như chính những bức tranh của ông vậy.

Tôi muốn  chia sẻ rằng trước khi xem phim, bạn nên tìm hiểu thêm về một số bức tranh kinh điển của Van Gogh. Tiêu biểu là bức “Starry night”, sự dữ dội ẩn trốn đằng sau cửa sổ bệnh viện tâm thần nơi Van Gogh trú ngụ gần một năm lại được họa thành một màn đêm yên ả, chỉ bỗng dữ dội hơn khi chòm sao Bắc hóa sao Nam. Có người điên nào tỉnh táo được như thế? Và muốn lật đổ trật tự xã hội như thế? Bức tranh thứ hai chính là bức vẽ chân dung bác sĩ Gatchet, một bức tranh gây ám ảnh vì cái hồn của nó như muốn bám víu lấy người xem. Người đàn ông trung niên tỏ rõ sự thất vọng, chán chường, khó hiểu, khó chấp nhận, nửa buông xuôi nửa gắng gượng, là những cảm xúc giằng xé mãnh liệt khiến ông bất động trong một khoảnh khắc, mà trong phim ông đã nhanh chóng lấy lại trạng thái đời thường, kéo cổ áo và tiếp tục trò chuyện sau khoảnh khắc bần thần tuyệt đẹp đó. Bức tranh thứ ba cũng là bức họa cuối cùng của Vincent, như báo trước cái chết của mình, ông họa bức Cánh đồng lúa mì và bầy quạ đen, nơi được cho rằng ông đã tự bắn vào bụng mà tự sát. Cánh đồng lúa mì yên ả tương phản hình ảnh bầy quạ bay tán loạn trên bầu trời, bay thấp, bay cao, bay loạn xạ và chẳng chủ đích. Tìm hiểu kỹ hơn ba bức tranh này và phong cách hội họa của Van Gogh sẽ giúp bạn hiểu thêm về ông khi theo dõi bộ phim. Đằng sau ánh sao lấp lánh là sự đấu tranh không ngừng của người nghệ sĩ? Liệu một cuộc đời như vậy, là khổ hay sướng?  

Van Gogh: Vệt màu giải phóng nhân loại  

Điều khiến “Loving Vincent” khó lòng trở thành kiệt tác điện ảnh vì thật sự ngay cả với kiệt tác điện ảnh, khó diễn viên nào có thể lột tả trọn vẹn những cung bậc cảm xúc như cách mà tranh của Van Gogh mang lại. Nó không đại diện cho một nhóm người, mà là cả nhân loại ẩn mình trong đó. Nó không diễn tả một hay nhiều nhân vật, mà cả một thân phận con người ở trong đó. Dù có chịu chấp nhận hay không, sự thật là chúng ta vẫn là giống loài cô đơn. Van Gogh từ bé luôn có cảm giác lạc lõng, bị ruồng bỏ vì là đứa trẻ khác biệt, kém cỏi và yếu đuối, ông cảm thấy vô dụng trước năng lực của mình và luôn thấy mình là gánh nặng của gia đình, suy nghĩ đó khiến ông lớn lên trong tình trạng trầm cảm nghiêm trọng. Sự xô đẩy giữa điều ông muốn và điều ông là như chính sự xô tối xô sáng trong tranh của ông, nó dữ dội dậy lên một sức sống mà ở đó ông sống theo trái tim, vẽ theo trái tim, chấp nhận mọi sự chỉ trích vì ông cứ phải làm thứ trái tim mách bảo mà chẳng biết sẽ đi đâu về đâu. Sự dữ dội bên trong nội tâm Van Gogh cũng là cái đẹp đọng lại như giọt sương trên lá sau cơn bão xuyên đêm xâu xé tâm trí và tâm hồn. Nhưng chẳng thực thể không thống nhất nào tồn tại lâu, chưa kể bên trong một thực thể mà tự xâu xé nhau chính là sự tự sát. Tranh ông là sự sống, và ông chết dần vì chúng. Ông vẽ để giải phóng nhân loại khỏi sự cầm tù, mà ông lại tự cầm tù mình trong sự bế tắc giữa năng lực ông có và cái xã hội cần. Chính sự mâu thuẫn này tạo nên cái vĩ đại, cái đồng cảm, cái xót thương cho ai, cho Van Gogh hay cho chính bản thân người xem?  

Nếu tranh Van Gogh là một sự giải thoát cho người xem, thì cuộc đời Van Gogh lại là nỗi đau mà cụ thể là sự tự do đón nhận nỗi đau mà mỗi chúng ta đều ngại ngần trước chúng. Qua “Loving Vincent”, bạn có thể thấy cuộc đời ông quá kinh khủng, hay cuộc đời ông mới thật đẹp làm sao. Hãy xem và có cảm nhận của riêng mình.  

Và xin mời bạn xem trailer của bộ phim:

_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm