- Thời lượng: 2 giờ 4 phút
- Năm phát hành: 2016
- Đạo diễn: Asghar Farhadi
- Diễn viên: Shahab Hosseini, Taraneh Alidoosti, Mina Sadati
- IMDb: 7.8/10
- Giải thưởng: Oscar 2017 ở Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (Best Foreign Language Film of the Year)
The Salesman kể về câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ người Iran - Emad và Rana. Ban ngày, Emad là thầy giáo văn học tại một ngôi trường phổ thông. Khi thành phố lên đèn, anh và vợ Rana đắm mình trong những vai diễn trên sân khấu kịch nói. Là vợ chồng ngoài đời, Emad và Rana cũng là vợ chồng trên sàn diễn. Hai người sắm vai Willy Loman và Linda Loman trong vở kịch “Death of a Salesman” (Cái chết của một thương nhân) của nhà biên kịch Arthur Miller - một trong những vở kịch đáng nhớ nhất của nền sân khấu xứ sở cờ hoa thế kỷ XX.
Mọi thứ vẫn bình yên đến khi khu chung cư của họ bỗng dưng rung chuyển, họ phải tìm nơi khác để trú ngụ. Một người bạn diễn tên là Babak đã ngỏ lời cho Emad và Rana đến ở tạm trên căn hộ gác mái mới bỏ trống của mình. Tuy nhiên, có một rắc rối là người đàn bà thuê căn hộ khất lần việc thu dọn đồ đạc rời đi, khiến Emad và Rana chưa thể hoàn toàn thoải mái. Hai người cũng không thể ngờ chính đống đồ cũ và mối quan hệ phức tạp của người đàn bà nọ - một người phụ nữ bị cáo buộc hành nghề mại dâm, lại khiến họ gặp không ít chuyện, làm mất đi những ngày tháng thảnh thơi và tâm hồn nghệ sĩ của họ. Mọi việc rắc rối và mối quan hệ của họ bắt đầu nảy sinh vấn đề từ đây.
Vào một ngày, Rana đã bị một người đàn ông lạ - khách hàng của cô gái bán hoa đột nhập vào nhà đánh đập và xâm hại. Sau sự việc, Rana đã bị khủng hoảng nặng nề, trong cô đầy nỗi ám ảnh sợ hãi. Cô sợ hãi trước những lời điều tiếng của mọi người xung quanh, không dám nhắm mắt ngủ, không thể tập trung làm việc, nhưng cô cũng không muốn chồng mình báo cảnh sát, bởi điều cô gặp phải là chuyện nhục nhã, đang xấu hổ. Chồng cô - Emad - rất cảm thương với nỗi đau của vợ và đã tìm mọi cách để cùng cô đương đầu với sự việc, nhưng càng lúc anh càng không thể chịu nổi những bất ổn ngày càng tăng tiến ở Rana. Ngôi nhà từ một chốn đi về yên bình trở thành hiện thân của sự đe dọa. Hai vợ chồng quyết định không báo vụ việc cho cảnh sát để Rana không phải đau khổ thêm vì những câu hỏi chi tiết chắc chắn sẽ được đặt ra. Cô phải trả lời như nạn nhân trước mọi người thì mọi chuyện sẽ vở lở và cô khó mà sống nổi trong xã hội này với những điều tiếng. Thay vào đó, tự Emad tiến hành một cuộc truy tìm và trả thù… như một cách để “đền tội” cho việc đã không thể bảo vệ vợ mình. Kể từ đây căng thẳng gia tăng… Vụ việc đã đẩy Emad đến khát khao trả thù không thể kiểm soát. Nhưng anh lại cảm thấy bất lực khi không thể giúp vợ mình bớt sợ hãi, thậm chí càng bất lực hơn khi tìm ra kẻ đã hại vợ mình nhưng lại lưỡng lự không thể ra tay để vơi nỗi hận.
NHỮNG BÀI HỌC SÂU SẮC VÀ ĐIỀU SUY NGHĨ:
Những lớp nghĩa ẩn sâu trong tác phẩm, những suy tư, xung đột ngầm dường như hiển hiện ở bất kỳ xã hội nào, một nền văn hóa nào khiến cho bộ phim càng sâu lắng. Cặp vợ chồng trẻ - Emad và Rana chính là một đại diện tiêu biểu như thế của xã hội Iran hiện đại. Đó là xã hội vừa khuyến khích tình yêu nghệ thuật, tình yêu tự do, nhưng cũng chứa đựng vô số định kiến về tôn giáo, về truyền thống có tác động mạnh mẽ tới tâm lý và số phận của mỗi người dân sống trên trong đó, bất kể xuất thân và hoàn cảnh sống như thế nào. Đối với người phụ nữ, đó là nơi mọi người tin vào những luật lệ, giáo điều đặt ra để bảo vệ giá trị của người phụ nữ, những thứ đã tồn tại nhiều thế kỉ qua như chiếc lồng kính vô hình đang giới hạn, kìm hãm người phụ nữ nói riêng và xã hội Iran nói chung trong xã hội hiện đại ngày nay. Trong tác phẩm này, đạo điễn Asghar Farhadi đã bóc tách đến tận cùng những rạn nứt trong xã hội Iran hiện đại, những mâu thuẫn chính trị, tôn giáo và tư tưởng, đang đè nén, chia rẽ và tàn phá con người. Trong đó, ông khắc họa danh dự cá nhân như một đặc trưng có gốc rễ tôn giáo đã ăn sâu vào tâm khảm người dân Iran, và là nguồn gốc của những bi kịch. Nó như một lớp da, một vỏ bọc khô cứng của mỗi người dân Iran bên ngoài với những tâm tư, nỗi khao khát tự do bên trong.
Đây là một bộ phim không dễ xem vì những tình tiết phim diễn ra với tốc độ khá chậm, bình lặng, trầm lắng, ít điểm nhấn cao trào như các bộ phim thông thường mà xen kẽ những lời thoại ít ỏi của các nhân vật chính. Một bộ phim hấp dẫn mà không cần có bạo lực, cũng không hề có cảnh nóng.
Tiêu đề của bộ phim nhắc đến tác phẩm “Cái chết của người bán hàng” của Arthur Miller, những buổi tập kịch trong một bộ phim đã tạo nên một nền tảng quan trọng cho câu chuyện về Emad và Rana. Dù nền tảng của vở kịch và bối cảnh phim vô cùng khác nhau khi một cái xuất phát từ văn hóa phương Tây phóng khoáng, tự do còn một cái đến từ văn hóa phương Đông với những lề thói chặt chẽ và quy định nghiêm ngặt. Nhưng cả hai đều có những điểm chung đồng điệu – đó là lòng tốt giữa con người với con người, về tình thương yêu vợ chồng vốn là nền tảng của gia đình trong bất cứ xã hội nào. Nếu trong vở kịch của Miller, người bán hàng Willy Loman mô tả sự sụp đổ của giấc mơ Mỹ khi dành cả cuộc đời của mình làm lụng để hiện thực hóa giấc mơ ấy nhưng cuối cùng lại mất đi làm người vợ phải thốt lên hai chữ “tự do” đầy đau đớn, thì The Salesman dường như mô tả sự sụp đổ của giấc mơ của một giá trị cốt lõi Iran. Sự khác biệt của Emad với nhân vật mà anh thủ vai nằm ở chỗ, thay vì cố gắng lo cho vợ một khoản tiền đảm bảo duy trì cuộc sống qua cơn hoạn nạn bằng cái chết của chính mình thì y nung nấu ý định trả thù: truy tìm kẻ đã gây tai họa cho vợ mình và bắt nó phải trả giá tương xứng. Bi kịch dạng chính kịch lãng mạn (melo-drama - một thể loại nhạc kịch cổ xưa) của Arthur Miller đã biến thành thảm kịch theo chiều hướng tha hóa nhân cách, bần cùng hóa nhân cách.
“Thật tồi tệ khi phải sống ở nơi không có luật pháp nhưng sẽ là tồi tệ không kém nếu sống ở nơi chỉ có luật pháp”, Solzhenitsyn thật thấu suốt khi nói như thế. Làm thế nào để sống được và phải sống như thế nào để có thể được gọi là con người? Tác phẩm động chạm tới những suy nghĩ, tâm tư, và xung đột hiện diện ở bất cứ xã hội, bất cứ nền văn hóa nào khi chủ nghĩa gia trưởng, sự mất lòng tin vào các thể chế xã hội vẫn còn hoành hành. Khi có sự cố xảy ra người ta đã không chọn luật pháp để bảo vệ nhân phẩm của mình mà lại chọn giải pháp im lặng vì những định kiến, những luật lệ hà khắc không tên mà xã hội họ tự đặt ra và giới hạn lại khiến con người không còn tin tưởng vào pháp luật, sống dè chừng với mọi người xung quanh vì những định kiến của họ được mặc nhiên xem lại "luật định" không ai dám chống lại. Đó là những câu hỏi dành cho mỗi chúng ta trong điều kiện tồi tệ hiện nay.
The Salesman không chỉ là câu chuyện của Iran, nó là câu chuyện mang tính phổ quát chung trên toàn thế giới. Một khi khủng hoảng xảy ra, các nhân vật bắt đầu hiểu lầm nhau, xúc cảm rối loạn, khía cạnh đen tối trong tâm hồn mỗi người bắt đầu hé lộ. Trong bộ phim, nam chính Emad bị giày vò giữa việc chiều ý vợ, bỏ qua sự việc bị một người lạ đột nhập tấn công, với tâm lý muốn trừng phạt kẻ đã gây ra tất cả những chuyện này cho cuộc sống của cả hai người, nhưng đến khi tìm ra thủ phạm thì lại hoàn toàn không phải như những gì chính anh hay khán giả chờ đợi hay tưởng tượng. Cuối cùng, thủ phạm hóa ra lại là một ông già bệnh tật thảm hại, cũng là một “người bán hàng” (salesman) khác, khiến cả hai vợ chồng Emad và Rana vô cùng băn khoăn và khó xử. Ðứng trước nhân vật thảm hại này, Rana trở nên sợ hãi rằng hành động của chồng sẽ là một sự trả thù và cô đã phản đối, nói rằng sẽ ly hôn chồng nếu anh làm đúng như lời hăm dọa là gọi cả gia đình ông già tới và kể cho họ nghe những gì ông ta đã làm… Anh sẽ chọn trả thù, hành động một cách đầy bản năng để đòi lại sự công bằng và giải tỏa hết mọi uẫn ức gia đình phải chịu đựng trong suốt thời gian qua; hay phải học cách tha thứ và cư xử đầy nhân tính với kẻ đã gây hại cho gia đình mình? Tình huống truyện đó khiến cho chúng ta không khỏi trăn trở và ngẫm nghĩ lại về cuộc sống bản thân, về hành xử của mình sẽ làm gì và lựa chọn gì khi rơi vào những tình huống tương tự?
Những bộ phim của Asghar Farhadi là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Iran hiện đại, với những sự phức tạp không thể tránh khỏi, có thể cảm nhận được đời sống văn hóa, tôn giáo của một quốc gia Hồi giáo, đặc biệt khi có sự tương tác chéo giữa các tầng lớp và giới tính khác nhau. Nhưng sự hấp dẫn của phim Asghar Farhadi là ông không lên lớp, không thuyết giảng, không cho người xem nhận định kết cục rõ ràng thấy ai đúng ai sai. Ông thể hiện nhân vật trong những mối quan hệ cá nhân, quan hệ xã hội, khi các nhân vật thường phải đứng trước những mâu thuẫn, những sự lựa chọn và họ cố gắng làm điều đúng nhất có thể. Bản chất con người lột tả rất trần trụi, không ai tốt hoàn toàn cũng không ai xấu hoàn toàn. Họ đều là con người, có những lúc rời vào hoàn cảnh khó khăn, họ phải đấu tranh tâm lý dữ dội và quyết định hành động. Ai như chúng ta cũng có thể cảm thấy cũng có lúc mình hành xử như nhân vật này nhân vật kia trong tình huống tương tự khiến chúng ta nhìn thấy mình khi xem phim. Đây là một điều không dễ dàng khi làm phim, đòi hỏi một tầm sâu về văn hóa và am hiểu tâm lý con người đến mức tường tận. Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Farhadi từng nói: “Chính trong khủng hoảng, chúng ta hé lộ bản thân mình. Phim, đối với tôi, giống như một phiên tòa xét xử. Người xem chính là thẩm phán”. Những giằng xé về lương tri, niềm tin vào tôn giáo, tình người khi thấy người khác cũng có những hoàn cảnh khó khăn, những nỗi khổ như mình trong khi vẫn phải nghĩ đến quyền lợi của chính mình. Chính những điều đó đã làm cho những bộ phim của ông nói chung và bộ phim The Salesman nói riêng vượt lên trên những giá trị thuần túy của một dân tộc, một tôn giáo, hướng đến những giá trị nhân tính chung của nhân loại mà bất kì ai nào cũng có thể trải qua và học hỏi, đặc biệt khi chúng được thực hiện trong bối cảnh của nhà nước Iran đầy hà khắc với những giáo luật và xã hội phức tạp, tù túng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-
- https://dantri.com.vn/van-hoa/suc-manh-cua-nen-dien-anh-khong-bao-luc-khong-canh-nong-20170227131105763.htm
- https://news.zing.vn/the-salesman-chien-thang-lich-su-cua-iran-tai-oscar-post724285.html
- https://thethaovanhoa.vn/giai-tri/the-salesman-mot-trong-nhung-tac-pham-tieu-bieu-cua-dao-dien-asghar-farhadi-n20180925104248101.htm
_____________________________________
Bài Giới thiệu Phim này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo