Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội, là một loại đạo đức đã được thực tiễn hoá. Lương tâm nghề nghiệp là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp có quan hệ mật thiết với nhau. Đánh mất ý thức về nghĩa vụ đạo đức là đánh mất ý thức về bản thân mình, làm mất ý nghĩa làm người cũng như giá trị động lực của lao động. Do vậy, giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi chủ thể; hướng con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp.
Mỗi con người đã lựa chọn cho mình một nghề nào đó thì dù trong hoàn cảnh nào cũng nên hết lòng vì nghề và sống bằng nghề. Nghề không chỉ là phương tiện để sống mà còn là điều kiện, là địa bàn mà qua đó, mỗi người có thể cống hiến sức lực và trí tuệ cho xã hội. Khi mới 17 tuổi, trong luận văn tốt nghiệp trung học, C.Mác đã thể hiện bản lĩnh của mình khi viết rằng, “nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hy sinh vì mọi người. Những việc làm của ta sẽ sống một cuộc sống âm thầm nhưng mãi mãi có hiệu quả, và trên thi hài của chúng ta sẽ nhỏ xuống những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quý” (1)
Để có được thành công trong sự nghiệp cá nhân, hoạt động nghề nghiệp của mỗi người trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều đòi hỏi phải có những chuẩn mực đạo đức mà ta gọi là đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là những quan điểm, quy tắc và chuẩn mực hành vi đạo đức xã hội đòi hỏi phải tuân theo trong hoạt động nghề nghiệp, có tính đặc trưng của nghề nghiệp. Trong xã hội có bao nhiêu nghề thì có bấy nhiêu thứ đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp là đạo đức xã hội được thể hiện một cách đặc thù, cụ thể trong các hoạt động nghề nghiệp. Với tính cách là một dạng của đạo đức xã hội, nó có quan hệ chặt chẽ với đạo đức cá nhân và thể hiện thông qua đạo đức cá nhân. Đồng thời, do liên quan với hoạt động nghề và gắn liền với một kiểu quan hệ sản xuất trong một giai đoạn lịch sử nhất định nên đạo đức nghề nghiệp cũng mang tính giai cấp, tính dân tộc. Chẳng hạn, đạo đức nghề y (y đức) từ thời cổ đại đến nay đều có những chuẩn mực chung, lấy việc cứu người làm điều thiện, nhưng người thày thuốc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nâng những giá trị đạo đức đó lên phù hợp với đạo đức của con người xã hội chủ nghĩa. Đạo đức nghề nghiệp mang tính giai cấp nên quan điểm về nghề nghiệp, thái độ đối với nghề nghiệp trong mỗi chế độ xã hội cũng khác nhau.
Dưới chế độ phong kiến, trong “bách nghệ” thì “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, nghĩa là, vinh quang thuộc về tầng lớp lao động trí óc, còn quần chúng nhân dân – người lao động chân chính, sáng tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội – thì bị coi là “dân ngu”. Nhân dân lao động do bị ảnh hưởng của đạo đức phong kiến nên cũng có những quan niệm sai lầm về lao động, về nghề nghiệp. Đối với họ, học nghề, khổ luyện nghề không phải do yêu cầu của việc phát triển nghề, đáp ứng yêu cầu của xã hội, phục vụ xã hội mà là để “vinh thân”, “phì gia”, nghĩa là, luyện nghề cho giỏi để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Vì thế, nhiều người hành nghề chỉ để thoả mãn lợi ích cá nhân của mình mà xem nhẹ, thậm chí bất chấp cả lợi ích của người khác, của xã hội.
Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, như C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận xét trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản rằng, giai cấp tư sản không để lại một mối quan hệ nào khác ngoài cái lối trả tiền ngay không tình, không nghĩa; rằng, nó đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của cảm tình tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ, biến những phẩm giá của con người thành một giá trị trao đổi đơn thuần. Với tư tưởng thực dụng, giai cấp tư sản coi lao động chỉ là phương tiện làm ra lợi nhuận và sức lao động của giai cấp vô sản chỉ là một thứ hàng hoá mà chúng có thể mua bán, đổi chác. Trong xã hội đó, nghề nghiệp làm cho giai cấp vô sản giống như một bộ phận của máy móc, năng lực phát triển một cách què quặt và không có hứng thú với nghề. Trong hoạt động bản năng của loài vật, họ cảm thấy mình là người, còn khi làm việc của con người thì thấy mình là con vật (C.Mác).
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, đạo đức nghề nghiệp có vai trò xã hội to lớn. Nó không chỉ là một nhánh đặc sắc của hệ thống đạo đức xã hội, mà còn là một cấp độ phát triển đạo đức tiêu biểu, một loại đạo đức đã được thực tiễn hoá. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng đạo đức mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, mỗi thành viên cần xác định rằng sự yêu nghề, chân thành giữ chữ tín, làm việc hợp đạo lý, có hiệu quả, năng suất cao nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc ngày càng tốt hơn, nhiều hơn… là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Trong đó, linh hồn của đạo đức nghề nghiệp là tinh thần tận tuỵ phục vụ nhân dân, sự trung thành với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa được quán triệt, cụ thể hoá và biểu hiện bằng thực tiễn ở tất cả các mặt của đạo đức nghề nghiệp.
Trong cuộc đời của một con người, khoảng 1/2 thời gian là hoạt động nghề nghiệp (có người gần như suốt cuộc đời). Những thành công (và cả những thất bại) của đời người chủ yếu được bắt nguồn từ hoạt động nghề nghiệp. Vinh quang và cay đắng, danh dự và tủi nhục trong cuộc đời ít nhiều đều liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của mỗi con người. Những con người gương mẫu, say mê trong lao động nghề nghiệp, mô phạm về mặt đạo đức luôn được xã hội, cộng đồng tôn trọng và kính yêu. Tựu trung lại, lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ, sự yêu – ghét, sự tốt – xấu, tính thiện - ác của mỗi người đều được thể hiện tập trung qua hoạt động nghề nghiệp.
Nói đến đạo đức nghề nghiệp là phải nói tới lương tâm nghề nghiệp. Lương tâm nghề nghiệp là biểu hiện tập trung nhất của ý thức đạo đức cá nhân trong thực tiễn; nó vừa là dấu hiệu vừa là thước đo sự trưởng thành của đời sống đạo đức cá nhân. Mỗi con người với tư cách một chủ thể đạo đức đã trưởng thành bao giờ cũng biểu hiện là người sống có lương tâm, mà rõ nét nhất là trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Lương tâm nghề nghiệp là ý thức trách nhiệm của chủ thể đối với hành vi của mình trong hoạt động nghề nghiệp, là thái độ và cách ứng xử của người làm nghề trước lợi ích của người khác, của xã hội; là sự tự phán xử về các hoạt động, các hành vi nghề nghiệp của mình. Theo Đêmôcrít – nhà triết học Hy Lạp cổ đại – lương tâm chính là sự tự hổ thẹn, nghĩa là hổ thẹn với bản thân mình. Sự hổ thẹn giúp cho con người tránh được ý nghĩ, việc làm sai trái. Do vậy, ông cho rằng, cần phải dạy cho con người biết hổ thẹn, nhất làm hổ thẹn trước bản thân mình. Nếu làm được như vậy thì sẽ giữ vững và nâng cao được đời sống đạo đức cá nhân và cộng đồng. Trong hoạt động nghề nghiệp nếu không biết tự hổ thẹn, sẽ không nâng cao được tay nghề và kết quả của hoạt động nghề nghiệp không những không có tác dụng, mà ngược lại, còn ảnh hưởng xấu đối với xã hội. Lương tâm nghề nghiệp không phải là cảm xúc nhất thời, hời hợt mà là kết quả của một quá trình nhận thức sâu sắc thông qua hoạt động nghề nghiệp của một con người (hoặc của những người có cùng nghề nghiệp) đối với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội và sự tồn tại, phát triển của nghề nghiệp.
Như chúng ta đã biết, tình cảm là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển hoá từ tri thức đạo đức thành hành vi đạo đức đúng đắn. Nếu không có tình cảm đạo đức trong sáng, lành mạnh sẽ dễ dẫn đến hành vi phản đạo đức dù rằng có thể “rất hiểu biết về đạo đức”. Trong cấu trúc đạo đức, lương tâm là ý thức, là tình cảm, là sự thôi thúc bên trong đối với các chủ thể trước nghĩa vụ của mình. Lương tâm giữ chức năng tình cảm của nghĩa vụ đạo đức.
Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp là trách nhiệm của người làm nghề trước xã hội và trước người khác, còn lương tâm là sự tự phán xét, tự ý thức về trách nhiệm đó. Vì thế, có thể nói rằng, ý thức về nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp là nền tảng, là cơ sở để hình thành lương tâm nghề nghiệp của mỗi người.
Trong đạo đức nghề nghiệp cũng như đạo đức nói chung, trạng thái khẳng định của lương tâm có vai trò nâng cao tính tích cực của con người, giúp cho con người tin tưởng vào mình trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Niềm tin tưởng đó là động lực bên trong thôi thúc con người vươn tới cái thiện, cái tốt đẹp, cái cao cả; loại trừ cái xấu, cái nhỏ nhen, ty tiện nhằm làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Thật bất hạnh đối với những kẻ làm điều ác cho người khác mà không bị lương tâm cắn dứt, dằn vặt. Chẳng hạn, buôn bán gian lận, bán hàng giả hoặc cậy chức, cậy quyền đẩy người khác vào đường cùng… mà “lương tâm” của những kẻ đó vẫn không hề gợn lên một chút day dứt trước tình đồng loại.
Muốn giữ được đạo đức nghề nghiệp, trước hết phải giữ được lương tâm nghề nghiệp, bởi vì, làm điều ác lần thứ nhất thì lương tâm còn dằn vặt, cắn dứt nhưng điều ác được lặp lại thì lương tâm biến mất. Lúc đó cũng là thời điểm báo trước sự đổ vỡ của lòng tự tin, lòng tự trọng nghề nghiệp.
Trong thực tiễn đạo đức, người có lương tâm trong sạch là người có khả năng tự ý thức và đánh giá được bản chất lương thiện của chính mình. Ngược lại, mọi giá trị đạo đức sẽ tiêu tan khi chủ thể không còn cảm giác về lương tâm trước những việc làm sai trái của bản thân.
Để giữ gìn uy tín nghề nghiệp trong xã hội, những người có hành vi trái với lương tâm nghề nghiệp sẽ bị người hoạt động cùng nghề phê phán; đồng thời, dư luận xã hội sẽ lên án và thậm chí, pháp luật sẽ trừng trị. Chỉ có sự phê phán mạnh mẽ của dư luận xã hội, sự trừng phạt thích đáng của pháp luật mới có thể thức tỉnh và phục hồi được lương tâm của những người đã đánh mất nó. Khi lương tâm được thức tỉnh trong hoạt động nghề nghiệp cũng có nghĩa là nghĩa vụ đạo đức trước nghề nghiệp của chủ thể bắt đầu được khôi phục.
Nghĩa vụ đạo đức không chỉ là sự đòi hỏi, yêu cầu của xã hội đối với cá nhân mà còn là nhu cầu tiến bộ và hoàn thiện của chính bản thân mỗi người. Vì thế, nghĩa vụ đạo đức không phải là sự ép buộc từ bên ngoài mà nó là sự gắn bó chặt chẽ với ý thức về lẽ sống, hạnh phúc và triết lý sống của mỗi con người. Trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cũng vậy, nghĩa vụ đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mỗi cá nhân phải giải quyết một cách hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Mỗi bước tiến bộ nghề nghiệp của cá nhân đều gắn liền với sự tiến bộ của xã hội và sự trưởng thành về mặt nhân cách của mỗi người. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, mỗi người lựa chọn cho mình một triết lý nghề nghiệp riêng, không những không mâu thuẫn với lợi ích của người khác và của xã hội mà còn đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Trong xã hội ta hiện nay, quan niệm cho rằng, “tiền không phải là tất cả, cái quý hơn tiền đó là niềm tin nơi con người và lòng tự trọng” đã trở thành lẽ sống trong hoạt động nghề nghiệp của không ít người. Đó thực sự là một giá trị đáng trân trọng trong đời sống đạo đức của xã hội nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng.
Chính những quan niệm đúng đán vè nghề nghiệp đã giúp mỗi chủ thể đạo đức nhận thức một cách sâu sắc sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, giữa hạnh phúc của bản thân với hạnh phúc của người khác và hạnh phúc chung của xã hội. Đó cũng là lý do làm cho ý thức về nghĩa vụ đạo đức được nuôi dưỡng, củng cố và phát triển trong môi trường xã hội lành mạnh; mỗi cá nhân đều cảm thấy yêu cuộc sống, yêu lao động và nghề nghiệp của mình. Nếu mất đi ý thức về nghĩa vụ đạo đức cũng có nghĩa là đã đánh mất ý thức về bản thân mình, mất đi ý nghĩa làm người của mình và lao động nghề nghiệp cũng không còn động lực xã hội cao đẹp. Với sự định hướng của những giá trị đạo đức trong lao động nghề nghiệp, cái thiện được bảo vệ và cái ác bị đẩy lùi. Vượt qua tất cả những khó khăn trở ngại, thách thức trong cuộc sống, con người ngày càng có đầy đủ cơ sở để nhận thức, kiểm nghiệm và tin vào những giá trị mà nghĩa vụ đạo đức mang lại. Cũng chính vì lý do như vậy mà ý thức về nghĩa vụ đạo đức được tất cả các thế hệ trong xã hội vun đắp, giữ gìn, phát triển, hoàn thiện và trở thành một giá trị tinh thần quý báu của dân tộc.
Khác với nghĩa vụ pháp lý là sự bắt buộc phải tuân thủ và phục tùng, nghĩa vụ đạo đức chủ yếu và trước hết là sự tự nguyện, được khởi nguồn từ cái “tâm” của chủ thể đạo đức, nghĩa là nó xuất phát, thôi thúc bởi tình cảm, trách nhiệm cá nhân trước người khác và trước xã hội. Thực hiện nghĩa vụ đạo đức là sự tự giác, không bị giàng buộc bởi động cơ cá nhân vụ lợi. Giáo dục ý thức về nghĩa vụ đạo đức có tác dụng quan trọng đối với quá trình hình thành nhân cách nghề nghiệp. Đó là sự thống nhất của quá trình nhận thức và hành động thực tiễn đạo đức của mỗi cá nhân. Nó trải qua quá trình rèn luyện, phấn đấu vượt qua những cám dỗ vật chất nhỏ nhen, ích kỷ và những lợi ích tầm thường của cuộc sống hết sức đa dạng, phức tạp.
Nói đến đạo đức mà không đề cập đến phạm trù cái thiện cũng chưa đủ. Đối với đạo đức nghề nghiệp, cái thiện càng có vị trí quan trọng. Bởi vì, thiện là lợi ích của con người phù hợp với sự tiến bộ xã hội, là những hoạt động phấn đấu hy sinh vì con người, làm cho con người ngày càng sung sướng hơn, tự do hơn, hạnh phúc hơn. Trong xã hội, cái thiện vừa là những giá trị hiện thực cụ thể, vừa hàm chứa những lý tưởng đạo đức cao quý nhất của con người. Do đó, cái thiện là biểu tượng tập trung nhất, cụ thể nhất và cao cả nhất của đời sống đạo đức xã hội. Mỗi chế độ xã hội, mỗi thời đại quan niệm về cái thiện ít nhiều cũng có sự khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Trong một xã hội cụ thể, tuỳ theo những điều kiện khách quan, chủ quan nhất định mà mỗi cá nhân đều phải tham gia sáng tạo cái thiện, thắp sáng cái thiện. Điều đó làm cho cái thiện luôn tồn tại và thể hiện như những giá trị tinh thần cao đẹp của con người.
Cái thiện bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với chân lý và cái đẹp. Vì thế, chân, thiện, mỹ là nội dung căn bản của ý thức và hiện thực đạo đức tiến bộ. Trong đạo đức nghề nghiệp, sự gắn bó của những giá trị chân, thiện, mỹ càng cần thiết, bởi vì “Lao động là nghĩa vụ và quyền lợi, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc”, là nền tảng của sự tồn tại và phát triển của xã hội, con người. Chúng tạo nên một chỉnh thể hợp thành lẽ sống, nghĩa vụ, hạnh phúc và lương tâm của con người. Đó cũng là mục đích của một nền đạo đức xã hội mới mà chúng ta hướng tới và xây dựng. Nghĩ việc thiện, làm việc thiện là đặc tính của ý thức và hành vi đạo đức tốt đẹp trong mỗi con người. Hướng tới cái thiện, mỗi con người có điều kiện để phát huy mọi năng lực, trí tuệ để cống hiến cho mọi người, cho xã hội; mọi phẩm giá, mọi giá trị của con người được trân trọng, sự công bằng, lòng nhân ái được thực hiện. Cái thiện hiện thực là thiêng liêng cao cả và vì con người nhất. Vì lẽ đó, con người phải vì cái thiện, lấy cái thiện để chống lại cái ác. Cái ác gây nên nỗi bất hạnh và sự thống khổ cho con người, phải kiên quyết đấu tranh gạt bỏ cái ác ra khỏi đời sống xã hội nói chung và khỏi hoạt động nghề nghiệp nói riêng.
Đạo đức là phẩm chất quan trọng của nhân cách, là nền tảng để xây dựng thế giới tâm hồn của mỗi con người. Vì thế, ở thời đại nào và ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, việc giáo dục đạo đức nói chung và giáo dục đạo đức nghề nghiệp nói riêng là trung tâm chú ý của các cơ sở giáo dục, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và của toàn xã hội. Nghiên cứu về đạo đức nghề nghiệp, phát huy ý thức đạo đức nghề nghiệp là góp phần làm rõ được vai trò của ý thức xã hội đối với sự phát triển của tồn tại xã hội.
--------------------------
(*) Tiến sĩ triết học, Khoa Mác-Lênin, Trường Đại học Luật Hà Nội.
(1) C.Mác - Sức sống mùa xuân. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1983, tr.4.
Nguồn: http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Dao-duc-hoc-My-hoc/Ve-dao-duc-nghe-nghiep-193.html
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm