Phương châm của khai sáng
Khi thiên nhiên bóc lớp vỏ cứng để làm hiển lộ hạt mầm đã được săn sóc hết sức nâng niu – hạt mầm của xu hướng về lối tư duy tự do – thì dần dần nó sẽ trở lại tác động đến cảm xúc của toàn dân (nhờ thế mà họ sẽ từ từ trở nên có khả năng đạt đến sự tự do để hành động)[1].
Triết gia Immanuel Kant
Khi đi tìm một định nghĩa cho khái niệm “khai sáng”, các sử gia thường nhắc đến bài tiểu luận trứ danh của Immanuel Kant – Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? – được phổ biến trên Nguyệt san Berlin[2] tháng 11 năm 1784. Bài tiểu luận dài không quá mười trang, và cho dù chưa nói hết mọi tính chất của tinh thần khai sáng, cũng như có một vài lập luận của Kant cần được tranh cãi, nhưng tiểu luận này cũng nói lên được các tính chất cốt lõi có giá trị chung nhất so với định nghĩa của những tác giả khác.
Trước đó một năm, vào tháng 9.1783, một tác giả vô danh[3] viết bài tiểu luận có tính cách khiêu khích, nhân danh một con người khai sáng chống lại truyền thống cổ hủ của giáo hội Kitô, qua đó mọi người muốn tiến đến hôn nhân phải làm lễ ở nhà thờ mới được công nhận là vợ chồng. Vị mục sư Tin lành Johann Friedrich Zöllner, cũng là nhân vật có tiếng trong giới học giả ở Berlin, trả lời tức khắc với tinh thần khiêu khích không kém. Nhưng điều để bàn luận ở đây về ý nghĩa của khai sáng không phải là nội dung bài viết của mục sư Zöllner, mà là một cước chú của ông với câu hỏi: “Khai sáng là gì? So với câu hỏi chân lý là gì, khai sáng cũng có tầm quan trọng không kém và cần được trả lời minh bạch, trước khi khởi đầu sự khai sáng! Nhưng tôi chưa thấy câu hỏi đó được trả lời bất kỳ ở đâu! [4]”.
Câu hỏi của mục sư Zöllner đã mở màn cho một cuộc tranh luận sống động trên nhiều tờ báo đương thời. Có thể nói rằng, cuộc tranh luận rộng rãi này đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử triết học Đức và châu Âu. Triết gia Moses Mendelssohn tham gia tranh luận với bài viết “Về câu hỏi: Khai sáng là gì?[5]” đăng trên Nguyệt san Berlin tháng 9.1784. Tiếp đó, hai tháng sau là tiểu luận của Immanuel Kant, nhưng ông phát biểu rằng, trước đó ông chưa đọc bài viết của Mendelssohn.
Trước hết, chúng ta xem xét vài điểm chính trong bài tiểu luận của Kant[6].
Immanuel Kant (1724 – 1804)
Königsberg, Preussen (Phổ)
Tác giả: J. L. Raab
Tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng
Kant bắt đầu bài tiểu luận bằng một câu nói đánh trúng vào cốt lõi của vấn đề, câu nói đã trở thành bất tử trong lịch sử của trào lưu khai sáng:
“Khai sáng là lối thoát của con người ra khỏi tình trạng chưa trưởng thành do lỗi lầm của chính mình gây ra. Chưa trưởng thành là sự bất lực trong việc sử dụng trí tuệ của mình khi không có ai dẫn dắt. Tình trạng chưa trưởng thành là do lỗi lầm của chính mình, khi nguyên nhân của nó không bắt nguồn từ sự thiếu trí tuệ, mà xuất phát từ sự thiếu tính cương quyết và thiếu lòng dũng cảm để phục vụ cho trí tuệ của chính mình mà không cần ai dẫn dắt. Sapere aude[7]! Hãy có can đảm sử dụng trí tuệ của chính mình. Đó là phương châm của khai sáng” [8].
Đấy là sự đòi hỏi cương quyết rằng, con người cần suy nghĩ theo lý tính chứ không phải lặp lại chân lý và xác tín có sẵn do bên ngoài đặt ra. Đó cũng là sự chuyển động của tư tưởng một cách độc lập để đạt đến sự hiểu biết do chính mình khám phá. Nói cách khác, con người cần tự suy nghĩ để tìm thấy chân lý, chứ không phải thụ động tiếp thu tri thức có sẵn[9]. Phương châm của Kant là nhắm tới việc chống lại mệnh lệnh từ các quyền lực bên ngoài không đặt trên nền tảng lý tính hoặc những “nguyên lý tổng quát của việc sử dụng lý tính”. Nó cũng chống luôn cả mệnh lệnh của chính bản thân, nếu mệnh lệnh ấy cũng có tinh thần giống như trên[10]. Theo Kant, nguyên nhân đưa con người đến tình trạng “chưa trưởng thành” là cơ chế bảo hộ của các cơ cấu quyền lực trong xã hội. Trong bối cảnh lịch sử thế kỷ 18 tại Phổ, quyền lực mạnh nhất xuất phát từ tôn giáo:
“Tôi đã đưa các vấn đề liên quan đến tôn giáo thành điểm chính của việc khai sáng, tức là lối thoát của con người ra khỏi tình trạng chưa trưởng thành do chính mình gây ra”.
Nếu so sánh các chế độ chuyên chế hiện nay trên thế giới với giáo hội Kitô suốt hơn một ngàn năm từ thời trung cổ kéo dài đến thời tiền hiện đại, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy nhiều điểm tương đồng. Thử nêu lên một thí dụ gần gũi trong thời đại chúng ta: Chính sách độc quyền về văn hóa và tư tưởng hiện nay ở các nước chuyên chế có nội dung không khác gì mấy so với chính sách độc quyền triết học của giáo hội kể từ lúc Kitô trở thành quốc giáo năm 380 và đóng cửa Viện hàn lâm Plato năm 529, chấm dứt việc nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ đại trong đế chế La Mã. Gắn liền với nó, chính sách độc quyền xuất bản và chế độ kiểm duyệt khe khắt ngày nay xem ra còn hà khắc hơn cả “Danh mục các sách cấm lưu hành” (Index Romanus) của giáo hội Kitô La Mã còn tồn tại cho đến thế kỷ 19, điều đã cản trở việc phổ biến tri thức nhân loại đến công chúng chậm thêm vài thế kỷ[11]. Cho nên, nếu xem khai sáng là tinh thần vươn đến tiến bộ, thì hành động đòi hỏi bãi bỏ chính sách độc quyền về văn hóa và tư tưởng là một trong những bước đi cần thiết để thoát ra khỏi tình trạng chưa trưởng thành theo tinh thần của Kant. Văn minh châu Âu chỉ thực sự thăng hoa sau khi họ vượt qua được những gò bó về tư tưởng do chế độ độc quyền triết học của giáo hội Kitô tạo ra suốt cả ngàn năm trước.
Giáo hội Kitô Rome – Danh mục sách cấm lưu hành
(Index Librorum Prohibitorum, gọi tắt là Index Romanus).
Tác giả: Trisku
Tải từ commons.wikipedia.org, vùng công cộng.
Sự kìm kẹp gò bó tư tưởng bằng những quy định ngặt nghèo suốt một thời gian dài làm cho con người trở thành thụ động, sống hai mặt và thường trực sợ hãi. Tình trạng chưa trưởng thành, hay nói cụ thể là không dám phát biểu tư tưởng và trí tuệ của mình cho công chúng biết, dần dần trở thành một bản tính tự nhiên và họ vẫn luôn luôn có lý do để biện hộ cho bản tính tự nhiên đó. Vì thế, tự khai sáng cho chính mình là một việc làm rất khó khăn cho từng người riêng lẻ. Tuy nhiên, Kant rất hy vọng vào việc tự khai sáng của đám đông công chúng khi họ được trao quyền tự do, bởi vì:
“Ở công chúng đó luôn luôn có vài người biết suy nghĩ độc lập, ngay cả trong số những người có chức năng bảo hộ [đang có quyền lực], những người sẵn sàng tự tay vứt bỏ cái gông cùm chưa trưởng thành. Những người biết suy nghĩ độc lập sẽ quảng bá cho người chung quanh rằng, tinh thần biết đánh giá hợp lý về giá trị thực sự của từng người nằm ở khả năng độc lập suy nghĩ. Điều đặc biệt ở đây là: công chúng vốn dĩ trước đây bị những người bảo hộ ép đặt ở trong gông cùm, giờ đây chính công chúng sẽ đặt những người bảo hộ vào gông cùm, nếu những người này không có khả năng tự khai sáng. […] Điều cần thiết để đạt đến sự khai sáng này không gì khác hơn là tự do, và là quyền tự do nguyên vẹn nhất trong tất cả các tự do: được quyền công khai sử dụng lý tính của chính mình”.
Như vậy, Kant đặt hết hy vọng vào “vài người trong công chúng biết suy nghĩ độc lập”, tức là giới học giả thời đại hay chúng ta gọi là giới trí thức theo ngôn ngữ ngày nay. Giới học giả tự khai sáng là nhân tố quan trọng hàng đầu để xây dựng một xã hội tiến bộ, tất nhiên với tiền đề là họ phải dấn thân để xây dựng tự do cho bản thân mình và cho xã hội. Và nói cho cùng, quyền tự do “công khai sử dụng lý tính của chính mình” hoàn toàn không làm hại đến xã hội, nếu quyền tự do đó được thực hành một cách ôn hòa, không sử dụng bạo lực. Ở đây, Kant đề cao vai trò của học giả, tức là những người độc lập có trí tuệ đang thi hành chức vụ công dân[12]. Họ có thể đang giữ chức vụ nhà nước và vì thế không được phép phát biểu những điều làm cản trở nhiệm vụ hiện tại của họ. Nhưng cũng chính người đó trong đời sống riêng và với vai trò một học giả có tinh thần khai sáng, vẫn có thể làm, nên làm và phải làm tròn chức vụ công dân: sử dụng và quảng bá trí tuệ của mình để phục vụ xã hội, thí dụ viết sách, báo, văn thơ kịch nghệ, diễn thuyết công cộng v.v…
Nếu giới học giả không tự khai sáng, không có can đảm sử dụng trí tuệ của chính mình, không dám bày tỏ tư tưởng và trí tuệ của mình cho đám đông công chúng biết, xã hội sẽ mãi mãi chìm đắm trong tối tăm lạc hậu. Trong trường hợp đó, giới học giả tinh hoa cũng chỉ là công cụ của quyền lực, tự mình áp đặt gông cùm lên trí tuệ của chính mình, hay nói cách khác, là làm nô lệ tinh thần cho chính mình. Đó là trường hợp xã hội châu Âu suốt cả một ngàn năm trước khi được khai sáng. Về điều này, Kant tuyên bố đanh thép:
“Một người nào đó có thể trì hoãn việc khai sáng vì những lý do riêng tư, và cũng chỉ trong một thời gian ngắn cần thiết cho việc trau dồi trí tuệ; nhưng triệt tiêu việc khai sáng, dù cho chính bản thân hoặc hơn nữa cho hậu duệ về sau, là sự vi phạm và chà đạp lên quyền thiêng liêng của loài người”.
Đến đây, để tạm chấm dứt phần diễn dịch tư tưởng của Kant, chúng ta trích lại nhận xét của Kant về thời đại của ông ở cuối thế kỷ 18:
“Nếu bây giờ có người hỏi: có phải chúng ta đang sống trong thời đại đã được khai sáng? Câu trả lời sẽ là: Không, nhưng quả thật chúng ta sống trong thời đại đang khai sáng. […] Bây giờ, cánh đồng đã được khai hoang cho con người tự do canh tác và trên con đường thoát ly ra khỏi tình trạng chưa trưởng thành do chính mình gây ra, những chướng ngại cản trở sự khai sáng càng ngày càng ít hơn. Về điều đó, chúng ta thấy những dấu hiệu thật rõ rệt”.
Trên đây là định nghĩa của Kant về khai sáng, tất nhiên chỉ nói được một khía cạnh của vấn đế, dù đó là khía cạnh rất quan trọng. Kant chưa nói tới quá trình phát triển từ sự quảng bá tri thức để tiến đến sự thành hình trào lưu tư tưởng chính trị ra công chúng rộng rãi, vốn dĩ là đặc tính rất quan trọng của trào lưu khai sáng sẽ dẫn đến cách mạng. Ngoài ra trong bài tiểu luận, Kant đưa ra giả thuyết rằng, “công chúng chỉ có thể được khai sáng dần dần. Một cuộc cách mạng có lẽ sẽ làm sụp đổ một hệ thống chuyên chế độc tài và sự áp bức từ những kẻ hám lợi và tham quyền, nhưng sẽ không bao giờ mang lại sự chuyển hóa thực sự về cách suy nghĩ của con người”. Giả thuyết này của Kant cần được tiếp tục tranh luận.
Tuy nhiên, trong tinh thần xem “tri thức là sức mạnh[13]” của Francis Bacon, phương châm nói trên của Kant có thể xem là một biểu tượng, ngọn hải đăng để hướng tới khi đi tìm định nghĩa cho khai sáng. Kể từ lúc tiểu luận này được phổ biến, tư tưởng của Kant về khai sáng đã phủ bóng che mờ những gì được phát biểu trước đó, và ông trở thành nhân vật không thể bị bỏ qua trong những cuộc tranh luận về sau. Trong thời đại đó, người ta có thể tìm thấy phương châm của Kant về khai sáng trong nhiều sách giáo khoa. Qua bài tiểu luận, chúng ta cũng có thể nhận dạng được lộ trình mà Kant vạch ra để tiến đến một xã hội tiến bộ:
Thứ nhất, mỗi người tự khai sáng cho chính mình, trau dồi trí tuệ bằng những tri thức tiến bộ trong tinh thần nâng cao phẩm hạnh và hướng tới lẽ phải. Ở đây, Kant trước hết nhắm tới giới tinh hoa có năng lực lý tính, đòi hỏi họ cần sớm nhận thức được những bất cập trong xã hội và vấn nạn của con người. Chừng mực nào đó, Kant muốn khiêu khích giới học giả đương thời đang còn thụ động và sợ hãi, một lối nhìn tương tự như Georg Christoph Lichtenberg trước đó: “Người ta nói nhiều về khai minh và ước mơ được thấy nhiều ánh sáng. Trời ơi, nhiều ánh sáng thì có ích gì, khi người ta đã mù hoặc không mù nhưng cố ý nhắm mắt lại [14]”.
Thứ hai, những người này cần có quyết tâm và dũng cảm sử dụng, quảng bá những tri thức đó cho đám đông, bất chấp sự cấm đoán, đe dọa, đàn áp của các thế lực bảo hộ. Ở trong bất kỳ chức vụ xã hội nào, Kant kêu gọi những người này phải biết thi hành nhiệm vụ công dân, sử dụng mọi phương tiện để tiến hành cuộc vận động khai sáng cho đám đông trong xã hội. Ông kêu gọi các học giả thức thời cần vứt bỏ gông cùm mà chính trị, tôn giáo và các định chế xã hội áp đặt. Con người cần ngẩng cao đầu bằng một thái độ hiên ngang và quyết đoán, tự mình xây dựng trí tuệ, đòi hỏi quyền tự trị về sáng kiến và tư tưởng, giải phóng tinh thần ra khỏi khuôn viên của thành kiến, quyền uy và truyền thống[15]. Quan sát các cuộc cách mạng trên thế giới, chúng ta thấy rằng giai đoạn này có tầm quan trọng đặc biệt. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đây là giai đoạn – có ý thức hay vô thức – vận động quần chúng, khơi dậy ý thức chính trị, xây dựng lực lượng, rèn luyện tư tưởng và quyết tâm cho chính mình và cho đám đông trong xã hội để chờ thời cơ bùng phát thành sức mạnh của đám đông, làm đòn bẩy cho những hoạt động cải tạo xã hội.
Thứ ba, từ những thành quả kể trên, công cuộc chuyển hóa xã hội trong tinh thần tiến tới lẽ phải, theo Kant sẽ đến từ từ chứ không cần một cuộc cách mạng mang tính cách lật đổ, vì như thế chỉ làm xã hội xáo trộn chứ mục đích khai sáng con người trong xã hội vẫn không đạt được. Thực ra, nếu so sánh các biến cố chính trị trong thế kỷ 20, chúng ta thấy rằng, cuộc cách mạng vẫn có thể đến, cuộc lật đổ vẫn có thể xảy ra mà không làm xáo trộn xã hội, khi những biến cố đó xảy ra trong tinh thần ôn hòa, bất bạo động và sau một quá trình vận động khai sáng cho các thành viên trong xã hội.
Có một thiếu sót lớn trong luồng tư tưởng của Kant, nhưng chúng ta cũng không nên chờ đợi quá nhiều từ một triết gia. Lộ trình của Kant không hề nói đến quá trình làm sao để chuyển hóa tư tưởng và sáng kiến thành biến cố cụ thể, những con người hành động cụ thể, những định chế mới và cấu trúc xã hội tiến bộ. Tuy nhiên, lời kêu gọi “hãy có can đảm sử dụng trí tuệ của chính mình” dù chỉ là bước đầu, nhưng là một hiệu lệnh có sức mạnh lay chuyển xã hội. Cách mạng Mỹ và Pháp cũng xảy ra trong tinh thần đó như lời tiên tri của Voltaire: “Khi một quốc gia bắt đầu biết suy nghĩ, không một lực lượng nào có thể ngăn cản được[16]”.
Tác giả: Tôn Thất Thông
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Bahr, Ehrhard sưu tập: Was ist Aufklärung? Thesen und Definition (Khai sáng là gì? Luận thuyết và định nghĩa). ISBN 315-009714-2.
-
Châtelet, François chủ biên: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
-
Durant, Will: Das Zeitalter Voltaires (Thời đại Voltaire). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 14. ISBN 3-548-36114-5. (Elinor Lipper dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. IX)
-
Fischer, Ernst Peter: Aristoteles, Einstein & Co. (Aristotle, Einstein và những người khác). ISBN 3-492-03778-X.
-
Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.
-
Hampson, Norman: The Enlightenment – An evaluation of its assumptions, attitudes and values (Khai sáng – Đánh giá những giả thuyết, quan điểm và giá trị). ISBN 0-14-013745-9.
-
Hofmann, Michael: Aufklärung: Tendenzen – Autoren – Texte (Khai sáng: Xu hướng – Nhân vật – Bài viết). ISBN 3-15-017616-6.
-
Höffe, Otfried (I): Klassiker der Philosophie I (Những nhà kinh điển của triết học, Tập I). ISBN 3-406-08048-0.
-
Im Hof, Ulrich: Das Europa der Aufklärung (Châu Âu trong thời đại khai sáng). ISBN 3-406-37091-8.
-
Kant, Immanuel: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung? (Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì?). Nguyệt san Berlinische Monatsschrift tháng 12.1784, trang 481 – 494.
-
Martus, Steffen: Aufklärung – Das deutsche 18. Jahrhundert (Khai sáng – Nước Đức trong thế kỷ 18). ISBN 978-3-499-62767-5.
-
Minh Anh, Vi Yên và nhiều tác giả: KHAI SÁNG và một số nhà tư tưởng chính trị của nó. Xuất bản: Tinh Thần Khai Minh.
-
Porter, Roy: Kleine Geschichte der Aufklärung (Lịch sử ngắn về Khai sáng – Ebba D. Drolshagen dịch từ tiếng Anh: The Enleghtenment). ISBN 3-8031-2192-2.
-
Schmidt, Jochen chủ biên: Aufklärung und Gegenaufklärung in der europäischen Literatur, Philosophie und Politik von der Antike bis zur Gegenwart (Khai sáng và phản khai sáng trong văn chương, triết học và chính trị châu Âu từ thời cổ đại đến hôm nay). ISBN 3-534-10251-7.
-
Schneiders, Werner chủ biên: Lexikon der Aufklärung (Từ điển tường giải về khai sáng). ISBN 3-406-39920-7.
-
Ziegler, Walther: Kant in 60 Minuten (Kant trong vòng 60 phút). ISBN 978-3-7347-8172-8). Bản dịch của TS Lưu Hồng Khanh sẽ được xuất bản cuối năm 2019.
GHI CHÚ
[1] Xem I. Kant: Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?
[2] Nguyệt san Berlin (Berlinische Monatsschrift) là cơ quan ngôn luận được thành lập năm 1783. Nguyệt san này qui tụ những tác giả quan trọng nhất trong thời đại đó, nổi tiếng về triết học và chính trị. Họ thành lập Câu lạc bộ ngày thứ tư (Mittwochgesellschaft), nơi họ gặp nhau ngày thứ tư trong tuần và mỗi người có quyền nêu ra một đề tài để trình bày và tranh luận với nhau.
[3] Người ta đoán rằng, tác giả vô danh này chính là giám đốc nhà xuất bản Johann Erich Biester của Nguyệt san Berlin.
[4] E. Bahr, trang 3.
[5] E. Bahr, trang 3-8 (nguyên văn tiểu luận của Moses Mendelssohn).
[6] Những chữ viết đậm trong các câu trích là những chỗ I. Kant cố ý làm nổi bật để nhấn mạnh ý của tác giả.
[7] Sapere aude tiếng La-tinh có xuất xứ từ thi sĩ Horaz (65 – 8 trước TC) thời cổ đại. Sapere = khôn ngoan, tri thức; aude = dám làm, can đảm. Sapere aude tạm dịch là „Hãy dám biết – Dare to be wise“.
[8] Xem I. Kant – Beantwortung der Frage: Was ist Aufklärung?
[9] M. Hofmann, trang 18.
[10] J. Schmidt và Jürgen Mittelstrass, trang 343.
[11] Thí dụ, „Về sự chuyển động vòng của các hành tinh“ của Nicolaus Copernicus, tác phẩm đột phá của ngành thiên văn học còn có giá trị cho đến hôm nay, đã bị giáo hội Kitô cấm lưu hành từ năm 1616 đến 1822, chẳng qua vì nghiên cứu khoa học của Copernicus đưa ra kết quả với thuyết „nhật tâm“ khác với giáo lý Cơ Đốc với thuyết „địa tâm“ sai lạc nhưng tồn tại cả ngàn năm. Và còn rất nhiều tác phẩm khác mang tính đột phá bị giáo hội cấm lưu hành.
[12] Bürgerliche Posten, theo thuật ngữ của Kant.
[13] E.P. Fischer, trang 86.
[14] S. Martus, trang 16 (trích từ Toàn tập Lichtenberg, tập I, trang 918).
[15] S. Martus, trang 13.
[16] Will Durant – Voltaire, sự xán lạn của nước Pháp (trong Minh Anh & Vi Yên, trang 215 – Bản dịch của Trí Hải – Bửu Đính).
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý