Một quốc gia thất bại là một quốc gia không thể thực hiện được hai chức năng cơ bản của một quốc gia – dân tộc trong hệ thống thế giới hiện đại: Thứ nhất, quốc gia đó không thể thực hiện được quyền kiểm soát đối với lãnh thổ và dân cư và không thể bảo vệ được các đường biên giới quốc gia của mình. Thông thường, quốc gia đó sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, quyền lực nằm trong tay các băng nhóm tội phạm, các nhóm vũ trang, các lãnh chúa cát cứ… Trong nhiều trường hợp, các quốc gia này sẽ lâm vào tình trạng nội chiến, gây nên những thảm họa nhân đạo cho người dân. Thứ hai, quốc gia đó có năng lực quản trị quá yếu kém đến mức không thể đảm nhiệm được các chức năng hành chính và tổ chức cần thiết nhằm quản lý dân cư và tài nguyên quốc gia và không thể cung cấp được các dịch vụ công tối thiểu. Chính vì vậy, công dân của quốc gia đó không còn tin vào tính chính đáng của chính phủ, và nhà nước của quốc gia đó cũng trở thành bất hợp pháp trong con mắt của cộng đồng quốc tế.
Đặc điểm điển hình của một quốc gia thất bại là thường có những thể chế yếu kém hoặc không hoàn thiện. Chính phủ không có năng lực, trong khi cơ quan lập pháp, tư pháp và lực lượng vũ trang năng lực yếu kém và thiếu tính độc lập. Bên cạnh đó, về kinh tế – xã hội quốc gia thất bại có cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu các cơ sở y tế và giáo dục, dẫn tới các chỉ số phát triển con ngươi cơ bản như tuổi thọ trung bình, tỉ lệ người dân biết chữ… ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, tình trạng tham nhũng diễn ra tràn lan, kinh tế thường tăng trưởng ở mức âm và các hoạt động kinh tế lành mạnh không thể phát triển.
Việc một quốc gia thất bại không chỉ gây tác động tới người dân sở tại mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các quốc gia khác trong khu vực lân cận. Tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ trong các quốc gia này thường gây nên những dòng người tị nạn tràn qua biên giới sang các nước khác. Tình trạng xung đột vũ trang, nội chiến sau khi nổ ra cũng thường lan rộng và gây tác động bất ổn tới các nước láng giềng. Ví dụ như đầu những năm 1990, cuộc nội chiến ở Rwanda đã làm cho tình hình ở Zaire (bây giờ là Cộng hòa Dân chủ Congo) trở nên bất ổn. Các quốc gia thất bại cũng có thể trở thành nơi chứa chấp các phần tử tội phạm, khủng bố, mà trường hợp Afghanistan dưới thời chính quyền Taliban cung cấp nơi ẩn náu cho al-Qaeda và trùm khủng bố Osama bin Laden là một ví dụ điển hình.
Lý giải cho việc xuất hiện các quốc gia thất bại, các học giả cho rằng có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó chính là kết quả của quá trình phi thực dân hóa. Quá trình phi thực dân hóa chỉ mang lại những tác động tích cực khi mà người dân các xứ thuộc địa đã có đầy đủ khả năng trong việc tự quản lý quốc gia của mình. Tuy nhiên trong những năm 1950 và 1960, các quốc gia thực dân khi rút lui khỏi các xứ thuộc địa và trao trả độc lập cho các dân tộc, đặc biệt là ở Châu Phi, đã không có các chiến lược phù hợp nhằm giúp đỡ các quốc gia độc lập non trẻ phát triển thành những thực thể ổn định và có năng lực quản trị. Bối cảnh Chiến tranh Lạnh lúc đó giúp che dấu những bất cập này khi viện trợ từ các siêu cường được đổ vào một số các quốc gia này nhằm hậu thuẫn cho các nhà lãnh đạo ở đây. Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đi cùng với việc các nguồn viện trợ không còn thì sự yếu kém của các quốc gia này bắt đầu bộc lộ, dẫn tới tình trạng bất ổn và thậm chí sụp đổ.
Thứ hai, đó là tiến trình dân chủ hóa, một tác động khác của việc Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các chính phủ dân chủ thường nhấn mạnh quyền của công dân được tham gia vào các quá trình ra quyết định chính sách, trong khi các chính phủ độc tài thường kiểm soát quyền lực một cách chặt chẽ và hạn chế các quyền tự do – dân chủ của người dân. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự ổn định được hỗ trợ bởi các chính phủ độc tài như vậy. Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đi cùng với quá trình dân chủ hóa và chuyển giao quyền lực, nhiều khi miễn cưỡng, từ các nhà độc tài sang các chính phủ dân chủ ở một số quốc gia là tình trạng hỗn loạn chính trị do xuất hiện các khoảng trống quyền lực hoặc tranh chấp quyền lãnh đạo giữa các bên. Chính những khoảng trống quyền lực này đã mang lại cơ hội cho các nhóm khác nhau tìm cách cạnh tranh lẫn nhau, đôi khi thông qua bạo lực, nhằm nắm quyền kiểm soát chính phủ.
Cuối cùng, một vài nhân tố khác cũng có vai trò không kém phần quan trọng trong việc hình thành các quốc gia thất bại. Đầu tiên đó là tình trạng quản lý yếu kém và nạn tham nhũng tràn lan ở các chính phủ cầm quyền. Tiếp theo, đó chính là tác động của hệ thống tư bản toàn cầu dẫn tới gánh nặng nợ nước ngoài kéo dài, qua đó càng làm suy yếu hơn nữa khả năng phát triển của các quốc gia này. Những yếu kém kinh tế này góp phần cùng với các nguyên nhân chính trị – xã hội khác đã dẫn tới việc chính phủ các quốc gia này dần rơi vào tình trạng khủng hoảng, mất khả năng kiểm soát đất nước và biến các quốc gia này thành những quốc gia thất bại, thậm chí sụp đổ.
Trong những thập kỷ qua thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp các quốc gia thất bại, như Haiti, Rwanda, Sierra Leone, Afghanistan, Sudan hay Somalia. Hiện nay phần lớn các quốc gia thất bại tập trung tại khu vực Châu Phi. Nhằm đối phó với các quốc gia thất bại và giúp đỡ các quốc gia này thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn, nội chiến, kém phát triển…, cộng đồng quốc tế đã đề cập và thảo luận nhiều biện pháp khác nhau, như cô lập các chính phủ độc tài và năng lực yếu kém, cung cấp viện trợ, chuyển giao một số chức năng quản lý quốc gia cho các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, thậm chí là làm hồi sinh hệ thống quản thác của tổ chức này. Trong nhiều trường hợp, các cuộc can thiệp nhân đạo đã được tiến hành, như ở Somalia đầu những năm 1990. Gần đây hơn, các cuộc tranh luận xung quanh khái niệm “Trách nhiệm bảo vệ” trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc mở ra một khả năng khác cho sự can thiệp “có cơ sở pháp lý” của cộng đồng quốc tế vào các quốc gia thất bại, với mục tiêu trước tiên là bảo vệ các thường dân vô tội trước bạo lực và các thảm họa nhân đạo.
----- Hết -----
Nguồn bài viết: http://nghiencuuquocte.org/2016/04/02/quoc-gia-bai-failed-states/
***
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo