BVST18090-NHA-NUOC-DOI-MOI-SANG-TAO-1-1-.jpg

(Nguồn hình ảnh: phunuvietnam.vn)

Lời nói đầu. Bài viết dưới đây của chúng tôi dành cho số Xuân của báo Khoa học và Phát triển của Bộ Khoa học và Công nghệ theo lời mời của họ, với chủ đề Đổi mới sáng tạo. Nhưng để có sự đổi mới cho toàn xã hội, chúng tôi nghĩ, cơ quan cần phải đổi mới sáng tạo nhiều hơn ai hết và trên hết chính là…. Nhà nước. Đó phải là một Tiên đề Euclid quyết liệt cho cuộc đổi mới sáng tạo toàn diện của quốc gia, để có sự đồng bộ và cộng hưởng giữa nhà nước và nhân dân. Trong lịch sử 200 năm qua, từ Tây sang Đông, các quốc gia phát triển sau nhất thiết phải là những nhà nước đổi mới sáng tạo hàng đầu, để kích thích và “dẫn dắt” cuộc đổi mối sáng tạo vĩ đại của nhân dân mình. Nếu một quốc gia với tiềm năng trí tuệ con người to lớn mà không tiến lên được, thì đó chính là vấn đề của nhà nước, nó chưa có đủ đổi mới sáng tạo so với yêu cầu lịch sử, hay nó là lực cản, và cần được xem xét lại.

Ngày nay, bỏ qua hết mọi lý thuyết về nhà nước, hay ý thức hệ, cuộc toàn cầu hóa đã lôi kéo vai trò nhà nước nhập cuộc sâu hơn trong vai trò đầu tư, Đông cũng như Tây. Tiêu chuẩn quan trọng, và là nền tảng cho sự chính danh cho mỗi nhà nước, là làm sao để bảo đảm sự phát triển kinh tế quốc gia bền vững và mạnh mẽ, ngắn hạn cũng như dài hạn, bảo đảm phát huy đầy đủ tính sáng tạo con người và xã hội, góp phần quan trọng trong việc tạo ra những công nghệ then chốt tốn kém cho kinh tế tương lai,  cho quốc phòng.

Dưới đây, chúng tôi xin đăng lại bài viết chúng tôi ở dạng đầy đủ mà khuôn khổ giới hạn của báo Xuân chắc đã không thể đăng hết. Xin cám ơn.

***

Điều quan trọng đối với chính phủ không phải là làm những việc mà cá nhân đang làm, và (chỉ) để làm chúng tốt hơn hoặc xấu hơn một chút; nhưng để làm những việc mà hiện tại hoàn toàn không ai làm.

John Maynard Keynes

Tôi là một gã hâm mộ thị trường tự do. Tôi tin vào những khả năng vô tận của sự chọn lựa cá nhân và sáng kiến tư nhân. Nhưng có một lịch sử lâu đời trên đất nước này về sự chi tiêu của chính phủ để chuẩn bị cho con đường mà các công nghệ mới phát đạt cho nhiều thế hệ sau.

Jeffrey Immelt

(Nguyên chủ tịch và CEO của General Electric)

Đổi mới sáng tạo, innovation, đã từ lâu trở thành danh từ cửa miệng trên thế giới như một trào lưu mạnh mẽ trong kinh tế và công nghệ. Ngày Xuân chúng tôi mạn phép, trong không khí “trà dư tửu hậu”, bàn luận về một ý nghĩa của từ này để “mua vui cũng được một vài trống canh” với bạn đọc của báo Khoa học và Phát triển. Chúng tôi bàn đề tài này ở một bình diện “cao hơn”: Cấp nhà nước, hay chính quyền. Vì nói cho cùng, ở đâu, thời nào, dưới hình thức kinh tế nào, nhà nước đều có vai trò rất đáng kể, nếu không nói quyết định, cho công cuộc đổi mới sáng tạo của một xã hội. Chúng tôi muốn nói: Có nhà nước định hướng đổi mới sáng tạo, thì xã hội, cá nhân mới định hướng đổi mới sáng tạo dễ dàng theo, mới có đầy đủ không gian cho sự xuất hiện nhiều của những diễn viên kinh tế bản xứ có vai trò xứng đáng trong nền kinh tế nội địa và toàn cầu. William Arthur Lewis, nhà kinh tế học giải Nobel 1979 đã minh họa: “Hành xử (behaviour) của chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích hay làm nản lòng hoạt động kinh tế ngang với hành xử của các doanh nhân (entrepreneur), hay cha mẹ, hay các nhà khoa học hoặc tu sĩ.”

Trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, các sinh vật và động vật đã làm một cuộc tiến hóa. Những cái gì thích nghi nhất sẽ tồn tại (the survival of fittest). Thế giới loài người cũng đã trải qua một cuộc tiến hóa không kém khắc nghiệt. Những quốc gia, dân tộc nào biết thích nghi thì sẽ tồn tại, và phát triển. Lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử của những đổi mới sáng tạo công nghệ do con người tạo ra, từ thời hái lượm, săn bắn, đồ đá, đồ đồng, đến cuộc cách mạng nông nghiệp vĩ đại mười nghìn năm trước, sự sáng tạo ra chữ viết, đến những thế kỷ 18, 19, lúc cuộc cách mạng công nghiệp thế giới diễn ra đầu tiên, và sự cạnh tranh sinh tồn tiếp tục ngày càng quyết liệt.

Chúng ta nhìn lại lịch sử một chút. Châu Âu là vùng đất có lẽ duy nhất mà lịch sử của nó không ngừng đổi mới sáng tạo, từ triết học, văn hóa, tôn giáo, chính trị, đến khoa học, công nghệ. Đại học thời trung cổ, thế kỷ 12, 13 là một đổi mới sáng tạo rất lớn, khúc quanh rất quan trọng, như Peter Drucker nhận xét, mà các nền văn minh khác không có. Kỹ thuật in Gutenberg là một đổi mới sáng tạo có tác động rất lớn lên sự hình thành khoa học, công nghệ, truyền bá văn hóa, giáo dục và kích thích sáng tạo. Công nghệ luyện kim, chế tạo vũ khí, hình thức kinh tế vân vân luôn luôn được đổi mới không ngừng.

Nhưng cuộc đổi mới sáng tạo có lẽ lớn nhất, mạnh mẽ nhất là cách mạng công nghiệp diễn ra ở thế kỷ 18 tại Anh với sự ra đời của máy hơi nước, máy dệt và xưởng (factory). Đó là khúc quanh lớn nhất của lịch sử. Nó đem lại sức mạnh vô cùng lớn lao cho Anh quốc và tạo ra bất đối xứng trong cán cân quyền lực giữa các quốc gia trên phạm vi thế giới. Các quốc gia đi sau không có con đường nào khác là phải đổi mới sáng tạo và phải bắt kịp. Đặc biệt Đức và Nhật. Họ phải đốt giai đoạn, huy động mọi tiềm lực con người và quốc gia. Đó là giai đoạn “đổi mới sáng tạo – hoặc tiêu vong”. Nhà nước phải vào cuộc với vai trò quyết định. Điều đó cũng sẽ đúng cho tất cả các quốc gia lạc hậu muốn đổi mới vươn lên ngang bằng các quốc gia đi trước.

Nhật Bản, đúng 150 năm trước đã ý thức, và đã làm một cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo triệt để đầu tiên ở châu Á bao trùm toàn xã hội. Họ xóa bỏ giai cấp thống trị truyền thống samurai để tạo bình đẳng cho mọi công dân đóng góp cao nhất. Tuy có nhiều đảng phái, nhưng không có đảng nào ngoài “Đảng của các tài năng” được áp dụng công bằng cho mọi thành phần xã hội. Nguồn gốc không còn quan trọng nữa. Cả nhân dân được cởi trói. Nước Đức nửa thế kỷ trước đó, sau khi bị quân đội của Napoleon đánh sập trong một đêm, đã quyết định giải phóng nông nô, tuyên bố mọi công dân đều có quyền kinh doanh, công nhận quyền tư hữu, và xây dựng luật pháp cho một nền kinh tế hiện đại theo tinh thần của Adam Smith. Họ thiết lập đại học đẳng cấp kiểu mẫu – một đổi mới sáng tạo có tầm vóc quốc tế − sau này được gọi là mô hình Đại học nghiên cứu Đức (Humboldt), tập trung nghiên cứu khoa học và học thuật, phát triển khoa học mạnh mẽ, góp phần quyết định vào sự thành công của công nghiệp hóa và làm đại học mẫu cho các đại học tân tiến sau này trên thế giới. Đại học nghiên cứu này là khúc quanh trọng đại của nghiên cứu khoa học. Trong khi đó vua quan và giới nho sĩ Việt Nam bị ý thức hệ nho giáo và cái học làm quan che mắt nên đã không có cuộc đổi mới. Đó là “bệnh truyền thống”, hay “bệnh văn hóa”.

Nửa sau thế kỷ 20, châu Á nổi lên như cái nôi của đổi mới sáng tạo thành công ngoạn mục, đáng kinh ngạc nhất thế giới. Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore liên tiếp trở thành các con rồng châu Á. Rồi đến Trung Quốc mạnh mẽ hôm nay. Đặc điểm của các quốc gia đó là họ có các nhà nước đổi mới sáng tạo kích hoạt và ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự đổi mới của toàn xã hội, định hình và dẫn dắt kinh tế. Nhưng linh hồn bao trùm của các quốc gia này là tình yêu nước nồng nàn và sự đồng thuận trên dưới một lòng của toàn dân, không muốn chịu thua kém, lạc hậu. Ngược lại, sẽ bị tụt hậu quốc gia nào có nhà nước độc tài, tham nhũng, và bất lực, như trường hợp của Philippin chỉ ra khi so sánh với Hàn Quốc.

Quá khứ và truyền thống là những yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ lên hiện tại và tương lai, ở châu Á và đặc biệt ở châu Mỹ La tinh, những thứ như một “lỗ đen” không muốn cho phép con người thoát ra để làm người hiện đại. Nhà nghiên cứu sử học Pháp Fernand Braudel viết: “Chẳng phải sau cùng, ở mức độ lớn, hiện tại là người tù của một quá khứ hay sao, một quá khứ dai dẳng tồn tại, và quá khứ với những quy luật của nó, những sự khác biệt hay tương đồng, là chìa khóa không thể thiếu cho mọi sự hiểu biết nghiêm chỉnh của hiện tại?” Nói cho cùng, tuy đều là châu Á, nhưng các quốc gia chịu những luồng ảnh hưởng văn hóa khác nhau trước khi hình thành công nghiệp hóa, hay không. Nhật Bản ảnh hưởng lên Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore; Hàn Quốc chịu thêm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên; Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, Pháp và rồi Nga, Trung Quốc; Anh quốc ảnh hưởng lên Hồng Kông, Singapore, Mã Lai; Indonesia chịu ảnh hưởng của Hà Lan; Trung Quốc chịu ảnh hưởng của nhiều nước phương Tây rất lâu nếu tính từ các nhà truyền giáo thế kỷ 17, và gần nhất là từ Nga. Ảnh hưởng của các quốc gia này có tác dụng nhất định. Marx cũng từng viết: “Truyền thống và những thế hệ trước giống như cơn ác mộng nằm trong đầu của những người đang sống”. Dĩ nhiên, trong chừng mực, con người cũng có tính tự chủ trong nhận thức. Ngày nay các tiến bộ công nghệ bày ra khắp thế giới, ai cũng thấy được để quyết định số phận của mình.

Các nhà nước đổi mới sáng tạo của các con rồng châu Á có đặc tính “thực dụng”, không lý thuyết, không theo một học thuyết cứng nhắc. Đặc trưng nhất là Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore như ông diễn tả: “Tôi đuổi bắt các ý tưởng, miễn là chúng đem lại kết quả. Nếu không, tôi nói, xem này, ý tưởng này có thể nghe hay đấy, nhưng thôi chúng ta hãy đi tìm cái gì khác hoạt động có hiệu quả đi”.

***

Nhà nước đã tiến hóa từ vai trò của triết lý laissez-faire, hãy để nhân dân tự làm, của Adam Smith (1776), càng ít sự can thiệp càng tốt, chính quyền càng nhỏ càng tốt; sang vai trò của nhà làm chính sách cho đổi mới sáng tạo của quốc gia, hỗ trợ cuộc công nghiệp hóa; đến vai trò can thiệp quy mô hơn có định hướng vào kinh tế ở các quốc gia phát triển, như được thể hiện qua quan điểm của John Maynard Keynes:

Điều quan trọng đối với Chính phủ không phải là làm những việc mà cá nhân đang làm, và (chỉ) để làm chúng tốt hơn hoặc xấu hơn một chút; nhưng để làm những việc mà hiện tại hoàn toàn không được làm. (nhấn mạnh của chúng tôi)

Lúc đầu, sự can thiệp của Keynes nhằm mục đích loại bỏ các chu kỳ khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản, bằng cách đầu tư vào một số khu vực cần thiết để kích cầu, duy trì công ăn việc làm, và mức sống của người lao động. Nhưng, vào những thập niên sau của thế kỷ 20, người ta chứng kiến nhà nước Mỹ và một số nước công nghiệp hóa vượt đã khỏi vai trò cổ điển là chỉ tài trợ nghiên cứu các khoa học cơ bản và xây dựng cơ sở hạ tầng tri thức cho xã hội. Họ tự tham dự vào đầu tư những công nghệ cơ bản cho tương lai và quốc phòng, với tư cách là nhà kinh doanh sáng tạo (entrepreneur). Đây là giai đoạn phát triển “táo bạo” của nhà nước ở vai trò nhà đầu tư mạo hiểm. Sơ đồ minh họa sau đây cho thấy sự “can thiệp” vào các công nghệ cao giúp cho Apple cất cánh:

https://i0.wp.com/rosetta.vn/nguyenxuanxanh/wp-content/uploads/sites/6/2018/02/image.jpeg?resize=1055%2C507&ssl=1

Minh họa sự đầu tư của các cơ quan nhà nước Mỹ vào các bộ phận công nghệ thiết yếu để iPod và iPad ra đời (DARPA: Defense Advanced Research Projects Agency; DoE: US Department of Energy; DoD: US Department of Defense; NIH: National Institutes of Health (USA); NSF: National Science Foundation (USA); CERN: European Organization for Nuclear Research, Gevena) (Mariana Mazzucato, The Entrepreneurial State)

Nhà nước Mỹ, vốn từng có nhiều đổi mới sáng tạo đáng kể trong lịch sử, từ Abraham Lincoln, đến Franklin D. Roosevelt, Truman, Eisenhower của thời sau Thế chiến II, chịu đầu tư vào các “ngôi sao” công nghệ đang lên, để các ý tưởng lớn của họ cất cánh. Nhà nước trở thành “đầu tàu”, làm cho giới đầu tư tư nhân can đảm lên để cùng đầu tư vào những đề án tốn kém và đầy rủi ro. Nhưng các diễn viên chính trên sân khấu kinh tế vẫn là các cá nhân. Đây là một “hệ sinh thái” giữa nhiều bên với nhau, cùng làm ăn, cùng chia lợi nhuận và rủi ro. Nhà nước đầu tư loại này được gọi là “nhà nước phát triển” (developmental state).

Đây là một bước phát triển hoàn toàn mới. Nó phá vỡ “huyền thoại” về vai trò nhà nước thụ động, và vai trò thị trường có tính quyết định tất cả như bấy lâu nay. Không có họ, những ý tưởng tuyệt vời của Steve Jobs có thể chỉ là những “đồ chơi” trẻ con (Mariana Mazzucato). Không riêng gì Mỹ, mà các quốc gia công nghiệp đều làm thế, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, trong những mức độ khác nhau, trong những ngành công nghiệp mũi nhọn tương lai, như công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng, cách mạng xanh vân vân.

Bản chất của nền kinh tế, tư bản chủ nghĩa hay thị trường, theo Joseph Schumpeter, “không là, và không thể dẫm chân tại chỗ. Nó cũng không phải chỉ mở rộng một cách đều đều. (Mà) Nó không ngừng được cách mạng từ bên trong bởi loại hình kinh doanh mới (new enterprise), nghĩa là bởi sự xâm nhập của các hàng hóa mới, hay phương pháp sản xuất mới, hay các cơ hội thương mại mới vào cấu trúc công nghiệp của nó đang tồn tại.” Đầu tư vào các công nghệ cao mới, do đó, là góp phần chống đỡ hữu hiệu hơn các cuộc khủng hoảng kinh tế khó giải quyết bằng những biện pháp cổ điển như chính sách thắt lưng buộc bụng, hay cứu vớt ngân hàng. Đầu tư vào công nghệ cao chiến lược là liệu pháp táo bạo, và nếu thành công, rất hữu hiệu cho nhiều thế hệ. Đổi mới sáng tạo, theo Schumpeter, luôn luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong một nền kinh tế tri thức. Và theo Keynes, chỗ nào khu vực tư nhân bỏ trống, hay nhút nhát, thì nhà nước phải mạnh dạn đầu tư – một cách khôn ngoan và sáng tạo. Đầu tư vào những công nghệ mới thường rất tốn kém mà khu vực tư nhân có thể không dám đảm nhận một mình. Kinh tế thị trường không phải chỉ phát đạt vì tự nó, không có sự can thiệp của nhà nước. Nó cũng “nhát gan” lắm. Sự can thiệp của Keynes giờ đây đạt tới cấp độ cao chưa từng có. Nhưng nhà nước vẫn là nhà nước, không làm thay những gì tư nhân làm được. Đó cũng không phải là “kinh tế tư bản nhà nước”. Nhà nước chỉ là một nhà đầu tư, tuy lớn, nhưng trong một vùng đất đầy rủi ro, như các nhà đầu tư khác.

***

Nhưng đây chỉ là một cánh cửa sổ của vai trò nhà nước. Nó cho thấy vai trò trọng đại của nhà nước trong việc hình thành những công nghệ cao then chốt, chiến lược mà thị trường tự nó một mình không thể đảm đương nổi. Trong thời đại cách mạng 4.0 Việt Nam phải đương đầu với sức mạnh của công nghệ cao ngày càng phát triển như vũ bão. Nguy cơ thất nghiệp vì trí tuệ nhân tạo, rôbôt. Nguy cơ các cty có thể bị phá sản bởi mất tính cạnh tranh. Hãy xem người khổng lồ Kodak của Mỹ, một thời có lực lượng nhân công 100.000 người, bỗng chốc bị phá sản.

Nhưng Nhà nước Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác từ bên trong. Không phải một mình Việt Nam, mà chính phủ nào cũng thế trong lịch sử: Chứng bệnh phình to, chứng công viên chức không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại (giống như ‘bát cơm sắt’, rớt hoài cũng không vỡ), bệnh tham nhũng, bệnh các nhóm lợi ích, bệnh tư duy “nhiệm kỳ”. Các chứng bệnh này làm mất tính hiệu quả của nhà nước.

Bill Clinton và Al Gore chẳng hạn trong chiến dịch tranh cử của mình đã viết trong cuốn sách Putting People First (Đặt nhân dân lên hàng đầu) như sau về nhu cầu cải tổ nhà nước Mỹ:

Chúng ta không thể đặt nhân dân lên hàng đầu, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế mà không có một cuộc cách mạng trong chính quyền (nhấn mạnh của chúng tôi). Chúng ta phải lấy đi quyền lực từ các nhóm hành chánh cố thủ và đặc quyền đang thống lĩnh Washington. Chúng ta không thể chấp nhận trả nhiều hơn cho chính quyền chúng ta và nhận được ít hơn từ nó. Lời giải của mọi vấn đề không phải luôn luôn là một chương trình khác, hay nhiều tiền hơn nữa. Đã đến lúc thay đổi triệt để cách mà chính quyền hoạt động – đổi nền hành chánh từ trên xuống thành chính quyền entrepreneurial (‘kinh doanh’ sáng tạo) nhằm làm cho công dân và cộng đồng mạnh mẽ để thay đổi đất nước chúng ta từ dưới lên trên. Chúng ta phải thưởng cho người dân và các ý tưởng nào hoạt động hiệu quả và loại bỏ những ai, những gì không làm như thế.

Họ đã cắt giảm không những 100.000 vị trí như đã hứa, mà tổng cộng 426.000, và bộ máy trở thành gọn nhẹ nhất từ thời Kennedy (Aneesh Chopra).

Việt Nam đang thừa nhiều cái cần phải dẹp bỏ, nhưng thiếu cái cốt lõi nhất: Một từ trường đổi mới sáng tạo từ định hướng của một cuộc công nghiệp hóa mạnh mẽ cho toàn quốc gia. Trong cuộc chơi toàn cầu hóa, các quốc gia lạc hậu khoa học và công nghệ sẽ trở thành những người thua cuộc. Xã hội không có định hướng đổi mới sáng tạo cũng sẽ dễ rơi vào hỗn loạn và hư hỏng, như định luật thứ hai của nhiệt động học cho các hệ thống kín.

Thế giới đang có cuộc “chạy đua” trong việc làm sao cho nhà nước ngày càng hữu hiệu, cũng được gọi là cuộc cách mạng thứ 4 dưới sức ép của các nhiệm vụ chính trị và công nghệ mới. TQ với tham vọng làm cho bộ máy ngày càng hữu hiệu, ngày nay kết nạp đảng viên từ các đại học tinh hoa của họ, hơn là từ giới công nhân, để đảm đương việc quản lý nhà nước ngày càng có nhiệm vụ nặng nề hơn. Kinh tế là kinh tế trí thức, nên phải có những lãnh đạo được đào tạo về tri thức trình độ thế giới có khả năng đi tìm những ý tưởng mới, giải quyết khủng hoảng, và điều hành đất nước hữu hiệu hơn. Họ đang trong cơn đói của sự ngon miệng.

Cho nên mục đích tối hậu của Việt Nam là cần phải có nhà nước đổi mới sáng tạo, có định hướng công nghiệp hóa, với một nền hành chánh chuyên nghiệp cũng được định hướng từ trên xuống dưới, cho phép nhân dân hoạt động sáng tạo dễ dàng, khuyến khích những tài năng và ý tưởng tốt nẩy mầm, khuyến khích con người có tham vọng. Nhà nước luôn luôn đổi mới sáng tạo, luôn luôn “tái tạo mình” là mệnh lệnh của thời đại. Sự sống còn của quốc gia tùy thuộc vào đó. Dù quá khứ thế nào, con người cũng có quyền tự chủ và sự sáng suốt để ý thức và chọn lựa con đường phát triển nhanh nhất của mình, vì sự tồn vong, hạnh phúc của quốc gia mình. Lịch sử 4000 năm của chúng ta cần phải được đổi mới, để mượn lời thúc giục như mệnh lệnh của Tổng thống Park Chung Hee khi ông bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp cho Hàn Quốc vào những năm đầu 1960 dưới “bàn tay sắt” của ông và các cộng sự để cứu vãn đất nước, đưa nó nhanh chóng bay vào quỹ đạo các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới một cách ngoạn mục, và đáng khâm phục cho cả thế giới.

----- Hết -----

Nguồn bài viết: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/nha-nuoc-doi-moi-sang-tao/ 

***

Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5


Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo