Taggart là nhà tâm lý học thực hành và cũng là người khởi nghiệp. Anh là giảng viên đào tạo các lãnh đạo sáng tạo tại Trung tâm Banff ở Canada, đồng thời cũng huấn luyện những người khởi nghiệp xã hội tại Kaospilot ở Đan Mạch. Cuốn sách gần đây nhất của anh được xuất bản vào năm 2014 với tên gọi The Good Life and Sustaining Life. Andrew hiện đang sống tại thành phố Santa Fe thuộc tiểu bang New Mexio, Hoa Kỳ.
Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu công việc chiếm lĩnh thế giới này và trở thành trung tâm của cuộc sống. Khi đó, tất cả mọi người sẽ phục tùng công việc. Rồi chầm chậm, với tốc độ tưởng chừng như không ai có thể nhận ra, tất cả mọi thứ sẽ thay đổi. Những trò chơi từng chơi, những bài hát từng hát, những tình yêu từng trao, những lễ hội từng tổ chức - cuối cùng tất cả đều trở thành công việc, chẳng sót lại điều gì. Và rồi sẽ đến thời điểm, khi tất cả những nền văn minh từng tồn tại trước khi công việc thống trị thế giới này biến mất không một dấu vết và rơi vào quên lãng.
Trong thế giới của công việc này, con người sẽ suy nghĩ và hành động như thế nào? Khắp nơi, người ta nhìn nhau gắn với hai chữ “đi làm” – sắp đi làm, đang đi làm, đã đi làm, thiếu việc làm và chưa có việc làm - và sẽ chẵng có bất cứ cuộc kiểm tra số lượng nào được thực hiện. Khắp nơi, họ ca ngợi làm việc và yêu công việc, chúc nhau một ngày làm việc hiệu quả, mở mắt lao vào việc và chỉ khép mắt để ngủ. Khắp nơi, làm việc cật lực là tiêu chí để trở thành “vua” của thành công, còn lười biếng bị xem là trọng tội. Khắp nơi, các nhà cung cấp nội dung, môi giới kiến thức, kiến trúc sư và các trưởng phòng ban mới sẽ không ngừng nói về những luồng công việc và biến đổi, về những kế hoạch và tiêu chuẩn, về mở rộng quy mô, doanh thu và tăng trưởng.
Trong thế giới này, từ ăn uống, bài tiết, quan hệ tình dục cho đến nghỉ ngơi, tập thể dục, thiền định và đi lại - tất cả đều sẽ được kiểm soát chặt chẽ và tối ưu hóa với mục đích mang đến điều kiện sức khỏe tốt nhất vì mục tiêu nâng cao năng suất làm việc. Không ai được uống quá chén, một số sẽ sử dụng thêm các loại thuốc hỗ trợ để nâng cao năng suất lao động, và mọi người sẽ sống trường thọ. Khắp mọi nơi, những tin đồn thỉnh thoảng lan truyền về vài cái chết hoặc tự tử vì quá tải công việc, nhưng những điều này lại trở thành biểu hiện của tinh thần làm việc hết mình, thậm chí còn là điều đáng ca ngợi về giới hạn cuối cùng của sự hi sinh quên mình vì công việc. Vậy nên tất cả mọi người khắp nơi trên thế giới đều lao đầu làm việc để hoàn thành công việc như khao khát lớn nhất đời mình.
Nếu cho rằng thế giới vừa nói đến chỉ là một tác phẩm khoa học viễn tưởng thì bạn đã nhầm rồi. Đó chính là một tương lai không xa của chính chúng ta.
“Công việc toàn diện” là một thuật ngữ được đặt ra bởi nhà triết học người Đức Josef Pieper ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong cuốn sách Leisure: The Basis of Culture xuất bản năm 1948, thuật ngữ này được nhắc đến như quá trình biến loài người thành công cụ lao động không hơn không kém. Bằng cách này, công việc cuối cùng sẽ trở nên toàn diện và trở thành trung tâm của cuộc sống; khi mọi thứ khác đều phục vụ chúng; khi giải trí, lễ hội và vui chơi đều đồng hóa và trở thành công việc; khi cuộc sống không còn là gì ngoài công việc; khi con người hoàn toàn tin rằng chúng ta sinh ra chỉ để làm việc; và đó là khi những điều tuyệt vời của cuộc sống từng tồn tại sẽ biến mất hoàn toàn khỏi xã hội.
Chúng ta đang trên bờ vực hiện thực hóa về “công việc toàn diện”. Mỗi ngày ta nói chuyện với những người mà công việc đã kiểm soát cuộc sống họ, biến thế giới của họ thành một nghĩa vụ và khiến cho suy nghĩ của họ thành gánh nặng không thể giải bày.
Không giống như những người dành thời gian cho sự chiêm nghiệm, một “nhân viên toàn diện”nghiễm nhiên xem bản thân mình là một đại diện trước toàn thế giới để thực hiện chuỗi công việc vô hạn cho tương lai. Theo thế giới này, các nhân viên toàn diện nhận thấy thời gian như một nguồn tài nguyên khan hiếm cần sử dụng thận trọng, luôn nghĩ đến những việc cần làm và thường lo lắng liệu đây có phải việc đúng đắn nên làm hay không và luôn suy nghĩ về nhiều việc để làm hơn. Điều quan trọng là thái độ của các nhân viên toàn diện không được đánh giá tốt nhất trong trường hợp làm việc quá tải mà qua công việc thực hiện mỗi ngày khi nhân viên chỉ tập trung vào một mục tiêu làm việc với năng suất, sự nỗ lực và hiệu quả tăng cường. Điều đó được thực hiện thông qua cách lập kế hoạch hiệu quả, kỹ năng ưu tiên công việc và phân bổ thời gian hợp lý. Tóm lại, một nhân viên toàn diện luôn phải làm việc không ngừng, cẳng thẳng, bận rộn: một người luôn phiền não vì bồn chồn và ám ảnh việc trở nên hữu ích.
Điều đáng lo ngại của vấn đề công việc toàn diện không chỉ bởi nó gây ra những đau khổ không cần thiết cho con người mà còn loại bỏ suy nghĩ tích cực liên quan đến thắc mắc, cân nhắc và trả lời những câu hỏi cơ bản nhất về ý nghĩa của sự tồn tại. Hiện tượng này bắt đầu với sự căng thẳng liên tục, một áp lực bao trùm liên quan đến suy nghĩ rằng có việc gì đó cần được hoàn thành, luôn có điều gì đó phải làm ngay. Đồng thời lúc nào trong đầu bạn cũng luôn tự hỏi: Đây có phải cách sử dụng thời gian tốt nhất không?. Sự khan hiếm của thời gian bỗng chốc khiến bạn lộ rõ điểm yếu, thời gian trở thành kẻ thù, sự day dứt và là những chi phí cơ hội không thể lấy lại
Thứ nhất là những suy nghĩ về việc chưa làm nhưng nhất định phải thực hiện, việc đáng ra đã làm, việc lẽ ra có thể làm tốt hơn và những việc tiếp theo đang chờ đợi là những kẻ thù luôn ám ảnh bạn, khiến bạn trở thành người không hoàn thiện ngay lúc này. Thứ hai, người ta cảm thấy tội lỗi bất cứ khi nào không làm việc hiệu quả hết mức có thể. Trong trường hợp này, cảm giác tội lỗi xuất hiện khi ta thất bại trong việc duy trì tiến bộ hoặc phong độ tốt nhất trong mọi việc vì chểnh mảng hay lười nhác. Cuối cùng, những hô hào thúc đẩy để hoàn thành công việc khiến con người bị cuốn theo vòng xoáy bất mãn không lối ra của sự không hài lòng. Một người đã từng bộc bạch: “Đời tôi là một chuỗi nghĩa vụ phải hoàn thành”.
Như vậy, công việc toàn diện tạo nên cái bẫy gánh nặng, khiến người ta làm việc điên cuồng, bồn chồn, kích động, lo lắng về tương lai, cảm giác choáng ngợp, bứt rứt về những cơ hội bỏ lỡ, và cảm giác tội lỗi khi cho phép bản thân lười một chút. Vì vậy, nhiệm vụ của thế giới này chỉ còn là một chuỗi gánh nặng từ công việc toàn diện. Tóm lại, công việc toàn diện là căn nguyên của dukkha – sự khổ đau. Đây là một khái niệm Phật Giáo dùng để ám chỉ bản chất không thỏa mãn của một kiếp người đầy đau khổ.
Ngoài việc tạo nên đau khổ, công việc toàn diện còn đưa thực tế cuộc sống đến một thực trạng tồi tệ hơn. Đó là khi thế giới đánh mất những vẻ đẹp ẩn giấu của nghệ thuật, sự vĩnh cửu của tôn giáo, hạnh phúc của tình yêu và điều kỳ diệu của triết học. Tất cả những điều này đều cần sự tĩnh lặng, tịnh tâm và một trái tim hết lòng để thấu hiểu. Điều này được hiểu trong sự tương quan của cái hữu hạn và vô hạn, vượt qua tầm hiểu biết và những mối bận tâm, cho phép chính chúng ta có một trải nghiệm tốt đẹp hơn. Bởi vì, một thế giới nơi mà con người chỉ biết đến công việc sẽ đồng nghĩa với những điều ý nghĩa mất đi, và điều quan trọng nhất chính là quên mất lẽ sống của đời mình.
Nguồn bài viết gốc: https://aeon.co/ideas/if-work-dominated-your-every-moment-would-life-be-worth-living
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm
Với sự hỗ trợ từ (các) Cộng tác viên
Võ Nguyễn Khánh Vy