Nguồn ảnh: Lichsuvietnam.info

Thư tịch cổ của nước Nam chúng tôi thường nói đến các đấng cao minh, những vị bằng học thức, bằng tâm trí, bằng sự trải đời trải người, cũng như bằng cuộc sống tĩnh lặng, những con người xa lánh những rối loạn xã hội và những cuộc tranh giành chính trị, nên đã thấu suốt mọi vấn đề liên quan đến sự thịnh vượng của quốc gia và hạnh phúc của dân chúng. Những khi nguy biến, hay mỗi khi có chuyện can hệ đến vận mệnh quốc gia, đích thân nhà vua, hay các vị đại thần, các quan chức, hoặc nói chung là những ai quan tâm đến quyền lợi tổ quốc, đều quen tới tham vấn họ. Bao giờ họ cũng đưa ra những lời khuyên sáng suốt, thông thái. Và lời khuyên của họ hầu như bao giờ cũng được nghe theo.

Trước con mắt các đồng bào tôi, Viện Hàn lâm quốc gia Pháp, thánh đường của văn hóa Pháp, là nơi ngự trị của các nhà hiền triết cổ xưa, của các bậc đại thần cố vấn của Nhà nước và nhân dân. Các bậc nho gia thức giả nước tôi có một ước vọng khao khát là khi đến Pháp thì có dịp gặp một ai đó trong số các bộ óc sáng láng ấy, để được nghe những lời chỉ bảo về rất nhiều vấn đề mà cuộc tiến hóa tinh thần, luân lý và chính trị của nuớc tôi đang đặt ra. Ngẫu nhiên mà vinh dự lớn lao ấy lại được dành cho một nhà báo tầm thường, mà dù thiếu những phẩm chất đưa lại cho ông ta vinh dự ấy, song bù lại, ông có lòng yêu mến nồng nhiệt đất nước mình và sự thán phục sâu sắc đối với nước Pháp. Có được hạnh phúc đặc biệt này là nhờ sự quan tâm của Ngài bí thư thường trực Viện Hàn lâm, mặc dù chương trình nghị sự của phiên họp đã định trước, nhưng Ngài vẫn muốn cho tiếng nói yếu ớt của một người nước Nam được vang lên ở chốn trang nghiêm này như tiếng vọng xa xăm của những niềm hy vọng, những điều ta thán, những nỗi ước nguyện của giới tinh hoa trí thức của cả một dân tộc. Xin Ngài hãy nhận ở đây lòng biết ơn chân thành của tôi.

*

* *

Thưa các ngài, bốn mươi năm qua, dân nước Nam sống dưới sự bảo hộ của nước Pháp. Những ngẫu nhiên của lịch sử dã muốn như vậy. Ban đầu chúng tôi coi tình trạng này như là một việc bị áp đặt do nền chính trị yếu kém của chúng tôi không cho phép chống lại một kẻ đi chinh phục mạnh bạo hơn nhiều. Nhưng dần dần, trong khi chung sống, chúng tôi ngày càng hiểu biết các ngài rõ hơn. Chúng tôi biết rõ hơn về nước Pháp và vị thế của nó trên thế giới. Và dưới tác động của vẻ duyên tinh thần Pháp, chúng tôi dần dần bị cuốn hút, bị chinh phục bởi nền văn hóa và nền văn minh của các ngài. Đồng thời chúng tôi cũng nhận ra những thứ một dân tộc lâu đời như dân tộc chúng tôi còn thiếu để sống nổi trong thế giới hiện đại. Sinh ra từ một trong những nền văn minh lâu đời nhất ở Châu Á, dân tộc chúng tôi nhiều thế kỷ nay sống tách rời với thế giới bên ngoài, sống bằng lặng trong một xã hội gia trưởng theo thứ luân lý Khổng-nho nặng nề và khắc khổ. Ngập đầu vào việc tôn sùng Hán văn cổ, nó luôn luôn bàng quan với tất cả những trào lưu tư tưởng lớn đã khuấy động thế giới Tây phương từ biết bao lâu nay. Xa cách với những trào lưu đã khai sinh một hình thái văn minh mới, và xa cách với nền văn minh này khi đã trở thành công thức sống cho các dân tộc hiện đại, chúng tôi rơi vào tình trạng thiếu thốn mọi thứ gì cần thiết để thích ứng với cuộc sống đó. Thế là giờ dây, chúng tôi đang hướng về nước Pháp, nơi chúng tôi thấy những truyền thống tinh thần bảo đảm chắc chắn cho những ý đồ chính trị tốt đẹp của nước Pháp, để nhờ nước Pháp giúp chúng tôi trong cuộc thích ứng này bằng cách đưa lại cho chúng tôi một nền giáo dục có thể làm cho chúng tôi một ngày nào đó trở thành một dân tộc hiện đại. Chính vì thế, mà sau sự thù địch ban đầu, một sự thù địch có thể giải thích được là do việc bị chinh phục và chiếm đóng thô bạo, ngày nay, giới tinh hoa nước Nam đã hoàn toàn tin tưởng vào chính quyền Pháp, hơn thế nữa, còn hoàn toàn trông cậy nước Pháp chăm lo cho công việc học hành và giáo dục của mình. Đấy thực sự là một việc cảm động, thậm chí có thể là sự kiện duy nhất trong lịch sử nhân loại, việc một dân tộc này tin tưởng ở một dân tộc khác giúp đỡ cho vận mệnh tương lai của mình. Hiển nhiên là tinh thần cao cả của nước Pháp, nền văn hóa đầy chất nhân văn của nó, luôn luôn được các dân tộc ngưỡng mộ. Không phải là hiếm thấy, thậm chí ta thường thấy các dân tộc bị áp bức, sống dưới ách đô hộ của nước khác, hướng về nước Pháp như một xứ sở của những tư tưởng lớn lao phóng khoáng, những tư tưởng tự do và độc lập. Nhưng trường hợp một dân tộc hai mươi triệu người, có một quá khứ lâu dài, một lịch sử tốt đẹp và những truyền thống đáng kính, sống dưới sự phụ thuộc chính trị của chính nước Pháp mặc dù nó không hề muốn thế, lại khẳng định ý muốn nhờ nước Pháp dẫn dắt để học cách sống hiện đại, tôi tin là sự kiện này không phải dễ thấy. Chính vì vậy nước Pháp, khi chiếm giữ cái được gọi là lãnh thổ Á châu rộng lớn của nó, thì đồng tời cũng chiếm giữ các tâm hồn; nó có bổn phận với chính nó, có bổn phận với loài người và với lịch sử, nó phải dẫn dắt một cách chính trực các dân tộc ở vùng này thực hiện số mệnh của họ. Đấy là một phương diện của công cuộc “thực dân hóa” mà nhiều “nhà thực dân” nhiều khi có thể không biết tới, bởi vì dường như bây giờ đang có cái mốt là  hễ cứ nói đến các thuộc địa và công cuộc thực dân hóa, thì người ta chỉ nói về sự khai khẩn, sự sinh lợi và chỉ nhằm đến việc giáo dục dân “bản xứ” theo cái đích quá ư vị lợi này.

Quan niệm như vậy về công cuộc “thực dân hóa” – cứ tạm gọi hành động của nước Pháp tại các nước nằm trong tầm ảnh hưởng của nó như vậy – còn xa mới là một cách hiểu tốt dẹp khi đem áp dụng cho một dân tộc lâu đời như dân tộc chúng tôi. Chúng tôi hài lòng nhận thấy đó không phải là quan niệm của bản thân chính phủ Pháp, nó không đến nỗi quá ý thức về vai trò “thực dân” của mình cũng như các quyền lợi riêng của mình để không tính đến các khát vọng thầm kín của cả một dân tộc.

Từ đó mà nảy sinh một vấn đề – một vấn đề lớn mà, trong vai trò người diễn đạt tự nguyện cho đồng bào mình, tôi mong mỏi được nhận những ý kiến sáng suốt của các bậc thầy danh tiếng đang lắng nghe lời tôi nói lúc này. Vấn đề đó là: một khi dân nước Nam đã có ý muốn nhiệt thành được giáo dục để sống theo đời sống hiện đại, thì nước Pháp bảo hộ đình làm cách gì để đáp ứng nguyện vọng ấy? Quan niệm của nước Pháp ra sao đối với việc điều hành công cuộc giáo dục ấy? Đây là vấn đề mà chính quyền Bảo hộ sau khi bãi bỏ nền giáo dục cổ truyền của chúng tôi đã rất lúng túng và thực sự chưa giải quyết được một cách thật thỏa đáng. Hiện có hai luận điểm. Luận điểm của “chủ nghĩa thực dân” có từ lâu, cho rằng dân nước Nam càng được học thì càng có thêm vũ khí chống lại sự đô hộ của Pháp, cho nên cứ duy trì họ trong tình trạng này càng lâu càng tốt, không cần phải cho họ học nghề nghiệp kỹ thuật để trở thành những thợ giỏi, những đốc công lành nghề, những viên chức thạo việc; sẽ là nguy hiểm cho ảnh hưởng của Pháp nếu cung cấp cho họ nền văn hóa tinh túy của Phương Tây, vả lại họ cũng không thể tiếp thu được cái thứ đó. Đó là một luận điểm thiển cận, ích kỷ, không xứng với các truyền thống hào hiệp của nước Pháp; một luận điểm hết sức bất công đối với năng lực trí tuệ của nòi giống chúng tôi vốn bao đời nay luôn say mê học hỏi, biết thưởng thức, tôn thờ văn chương và biện luận. May sao, đó không phải là luận điểm thắng thế. Còn đây là luận điểm thứ hai, khoan dung hơn, và đã được thừa nhận chính thức: đó là đưa lại cho người Nam một nền học vấn không chỉ dừng lại ở bậc cơ sở, nó đi dần từ thấp lên cao, gọi là đi theo từng bước tiến hóa của họ. Chính là nhờ được gợi ý từ luận điểm này mà chính quyền Bảo hộ những năm gần đây đã tăng thêm nhiều trường tiểu học, mở trường trung học và đặt mầm mống của trường đại học. Tất nhiên, việc đó chưa phải là lý tưởng, nhưng là một khởi đầu tốt đẹp, và chúng tôi rất biết ơn những người đã khởi xướng nó.

Nhưng ở đó nổi lên những khó khăn, chúng thực sự trở thành một vấn đề phải giải quyết trong việc giáo dục chủng tộc. Nếu như công việc được tiến hành với một dân tộc vô học hay một dân tộc mới sinh sống trên một vùng đất mới, một dân tộc không có quá khứ và lịch sử, thì chẳng hề có những khó khăn này. Khi đó ta chỉ việc đào tạo nó, nhào nặn nó ở chừng mức cao nhất theo hình ảnh nước Pháp, tóm lại là đồng hóa nó, “Pháp hóa” nó dần dần bằng cách đưa lại cho nó nền giáo dục Pháp ngày càng nâng cao theo đà tiến hóa của nó (cách nói này ở đây rất chính xác). Nhưng như tôi đã nói, dân nước Nam không phải là một tờ giấy trắng; đó là một cuốn sách cổ chứa đầy những dòng chữ được viết bằng một thứ mực không thể tẩy xóa từ bao đời nay; không một chất thử nào có thể tẩy xóa chúng được hoàn toàn và người ta không thể tự do muốn viết gì vào đấy thì viết. Người ta chỉ có thể đóng lại cuốn sách cổ đó theo một cách mới, bày biện nó theo lối hiện đại hơn, chứ đừng mơ tới việc viết vào đó một thứ chữ xa lạ đè lên thứ chữ đã có từ ngàn xưa. Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là cần phải biết đưa lại cho người Nam thứ giáo dục nào để khi truyền bá cho họ thứ văn hóa hiện đại bậc cao mà họ cần có thì không phải là “phi dân tộc hóa” họ, làm họ mất đi bản sắc dân tộc và cá tính lịch sử của mình, biến họ thành một trong những dân tộc vô định hình, không sinh khí, không còn nét độc đáo nào nữa, như một số thuộc địa cũ của Pháp đã bị sa vào (PT nhấn mạnh). Ở đây cũng có hai luận điểm. Một cho rằng vì người dân nước Nam cho đến tận bay giờ vẫn chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nên cần có thời gian làm cho ảnh hưởng Pháp chiếm ưu thế ở họ, muốn thế cần phải dạy tiếng Pháp rộng rãi để đến một ngày nó trở thành tiếng nói chính thức duy nhất của nước này, tiếng nước Nam sẽ dần biến mất hoặc chỉ còn sống lay lắt như một thứ thổ ngữ đơn giản. Khi mà tất cả trẻ em nước Nam đèu nói tiếng Pháp thì nước Nam đã tiến một bước lớn trên con đường tiến bộ. Luận điểm này nghe có vẻ đậm đà, tròn trịa, nhưng nó có đúng không? Nó đã tính sát thực tế chưa? Liệu ở đây người ta có nhầm lẫn giữa ngôn ngữ và văn hóa là hai cái khác nhau, cái này không nhất thiết bao hàm cái kia? Liệu đã có thể nói một việc biết nói tiếng Pháp khá thành thạo là đủ nắm được văn hóa Pháp không? Biết đâu nền văn hóa đó lại chẳng thấm vào đầu óc dân nước Nam tốt hơn thông qua chính tiếng nước Nam? Cứ cho rằng một ngày nào đó tất cả trẻ em nước Nam biết nói lúng búng mấy từ tiếng Pháp – bởi vì để nắm vững một thứ tiếng ngoại quốc khác với tiếng chúng tôi như tiếng Pháp thì cần phải nỗ lực, phải làm việc, phải kiên trì, phải có ý chí điều này không phải mọi trí thức đều làm được, mà chỉ là việc của bộ phân tinh hoa – khi mà tất cả trẻ em nước nam nói một thứ tiếng Pháp “giả cầy” nhưng đồng thời lại không học được tiếng mẹ đẻ do không đem dạy trong nhà trường nữa, liệu như thế có thật sự là bước tiến bộ lớn đối với chúng tôi không? Có hợp lý hơn chăng, tốt hơn chăng là đưa cho người Nam một nền giáo dục tiểu học tốt bằng tiếng mẹ đẻ của họ để tạo cho họ một nền quốc học thật sự, sau đó từ nền giáo dục này lựa chọn nghiêm túc những thành phần ưu tú có thể tiếp tục học lên và dạy cho họ tiếng Pháp như thứ ngoại ngữ dầu tiên để chuẩn bị cho họ theo học các trường trung học, kỹ thuật và cao đẳng ở Đông Dương cũng như ở Pháp? Và ở bậc trung học nên chăng là dành một vị trí cho chữ Hán, thứ chữ với chúng tôi cũng như tiếng Latin với tiếng Pháp, cả chữ Hán lẫn chữ Latin đều là những môn nhân văn thực sự của hai dân tộc chúng ta?

Luận điểm thứ hai vẻ như là luận điểm chính thức thì ít cực đoan hơn và có để ý tới những sự chuyển đổi; nhưng thực chất nó cũng gần như luận điểm đầu ở chỗ nó cũng thực hiện sự đồng hóa, một sự đồng hóa từ từ và ít thô bạo hơn. Nó không tuyên bố tiếng Pháp là bắt buộc đối với tất cả dân nước Nam, nhưng nó cũng chỉ để cho tiếng nước Nam một vị trí hết sức nhỏ bé chẳng có chút ý nghĩa gì ở đầu bậc tiểu học. Luận điểm này hợp lý hơn, công minh hơn luận điểm trước chăng? Chúng tôi không nghĩ thế, và điều khẳng định ý kiến của chúng tôi là kết quả của nền giáo dục chính thống. Những người Nam học trường Pháp ngày càng có xu hướng mất chất người Nam, song đâu có vì thế mà học gần hơn với các thầy người Pháp trừ chỗ giống thầy ở bề ngoài.

Nhiều người thậm chí du học ở Pháp khi về nước đầy những học vị và bằng cấp đã hầu như quên hết tiếng mẹ đẻ và trở thành người mất gốc trên chính quê hương mình. Và Chính phủ định dựa vào những người đó để truyền bá trong dân chúng tư tưởng và ảnh hưởng Pháp thì thực là không thu được lợi lộc gì, bởi vì khi không nói được hay nói kém tiếng nói của đồng bào mình thì làm sao họ có thể có chút ảnh hưởng gì đến đám đồng bào kia? Chưa kể là, đôi khi thậm chí họ đi đến chỗ không gây được thiện cảm với dân chúng và họ tự nguyện bỏ quốc tịch Nam chuyển sang quốc tịch Pháp. Trong khi những người Nam học hành theo kiểu Pháp bị “phi Nam hóa” như vậy thì các nhà nho cũng co cụm lại, bắt đầu tìm hiểu tư tưởng Pháp bằng cách đọc Montesquieu, Rousseau, Voltaire qua bản dịch tiếng Hán!

Việc giáo dục người Nam của nước Pháp vậy là đã trở thành một vấn đề vô cùng phức tạp, chưa được xem xét rõ ràng và với sự khách quan cần thiết. Nó là vấn đề sống còn đối với dân tộc chúng tôi và toàn bộ tương lai của chúng tôi là tùy thuộc vào cách nó được giải quyết.

Nếu mục đích tối cao của giáo dục là góp phần phát triển đầy đủ con người, nếu nhân cách người luôn luôn trước hết là kết quả của môi trường và chủng tộc, rồi là của nền tảng nhân sinh và vũ trụ là cái ở mọi thời và mọi nước đều tạo nên con người, cũng đúng là cái đã đặt nền móng cho văn hóa Pháp, thì chúng tôi đòi hỏi nền giáo dục Pháp hãy đào luyện không phải là những người Nam què quặt, mà là những người Nam thực sự, nhưng người Nam toàn diện, vừa biết hấp thụ khoa học và văn minh Tây phương, vừa vẫn gắn bó với ngôn ngữ và truyền thông lâu đời của chủng tộc mình.

Cần sử dụng những phương cách nào để đạt được mục đích đó? Vấn đề này đòi hỏi phải được đi sâu nghiên cứu tỉ mỉ, phải được vạch ra từ một cách nhìn vượt lên trên mọi điều nhỏ nhặt về chính sách ở bên nước Nam hoặc ở bên chính quốc. Như tôi đã nói, đây là một vấn đề thực sự đặt ra cho việc giáo dục chủng tộc mà nhà tư tưởng, nhà xã hội học cũng như nhà chính khách đều quan tâm như nhau. Đây là một vấn đề mà nhân danh đồng bào của tôi, tôi muốn được thấy ánh sáng chiếu rọi từ các bậc thầy danh tiếng của Viện Hàn lâm nước Pháp.

Nhưng dù Chính phủ Pháp chọn giải pháp nào cho là thích hợp với vấn đề này, đồng bào tôi vẫn hoàn toàn tin tưởng vào thiên tài giáo dục của nước Pháp. Để kết thúc bài phát biểu ngắn này, tôi xin phép dẫn ra đây một đoạn dài trong bài của một Giáo sư đại học Pháp quốc viết sau chuyến đi khảo cứu ở Viễn Đông trở về. Khi nói đến lòng nhiệt thành của giới thanh niên Trung Quốc hiện nay đối với tư tưởng và văn hóa Pháp, tác giả đã bày tỏ những điều không chỉ đúng cho giới trẻ nước Nam, mà còn đúng với toàn thể cho giới tinh hoa trí thức nước Nam nữa:

“Chính là với tư cách một tổ quốc chung của những con người có đầu óc tự do, trong tư cách mẹ đẻ của những học thuyết giải phóng chính trị và xã hội mà nước Pháp đã thu hút được thanh niên Trung Hoa đang khao khát tự do và công lý. Cái họ thích nhất ở Pháp, đó là đất nước của các “nhà triết học”, của Montesquieu, Voltaire, Rousseau, Auguste Comte, đất nước của các nhà sử học như Michelet, của các nhà thơ như Hugo, của các nhà hùng biện như Jaurès, những con người bằng ngôn ngữ tuyệt diệu của họ nói lên được cả cái thiên tư đặc trưng của nước Pháp lẫn cái lý tưởng chung của nhân loại.

“Nếu đã là như vậy, nếu như giới trẻ Trung Hoa có một thứ bản năng sáng suốt và một sự gần gũi trong lựa chọn đã hướng cả về giới trí thức Pháp để tìm ở đó người dắt dẫn tự nhiên của họ, thì thờ ơ trước tiếng gọi đó chẳng phải là có lỗi sao? Chính vào lúc nhiều dân tộc Viễn Đông muốn thoát khỏi tình trạng biệt lập từ xa xưa của họ, Trung Hoa đã hướng đến các bậc thầy Pháp và nói: “Hãy nắm lấy lớp thanh xuân nước tôi, hãy truyền cho họ khoa học, phương pháp, luật pháp và triết học của các ngài. Chúng tôi muốn được học để tự giải phóng. Hãy đưa lại cho chúng tôi những khả năng đi vào xã hội của các dân tộc tự do, không phải như một người khách được lịch sự mời ngồi trong phòng khách, mà như một dân tộc có nền văn hóa tinh thần cao, những con người sẽ cùng làm việc với các ngài cho nền hòa bình của thế giới. Hỏi có nhiệm vụ nào cao đẹp hơn? Chắc chắn nó sẽ khó khăn, nó đòi hỏi nhiều tới ý chí kiên trì theo đuổi. Nhưng nếu ở cả hai nước người ta tin tưởng vững chắc vào tầm quan trọng của nó thì nhiệm vụ này sẽ đi đến kết thúc tốt đẹp…”

Và tác giả kết luận:

“Trong tình hình thế giới hiện nay, sự thống trị chính trị của một dân tộc này đối với một dân tộc khác, dù là văn hóa kém hơn, chỉ có tính tạm thời. Không một cộng đồng dân cư nào còn chịu được nữa cảnh bị bảo hộ. Một dân tộc chỉ cần có một chút ý thức về mình thôi, thế là nó liền mong muốn được tự chủ. Không cách gì hòa giải nổi một dân tộc biết rõ là mình bị áp bức với một chính quyền ngoại bang. Những lợi lộc vật chất ở đó không ngăn cản được cảm nhận của kẻ thấy mình bị bóc lột: nó hiểu rằng không lợi lộc nào bù đắp nổi cảnh bạo hành chính nó phải gánh chịu. Từ đó mà có những yêu sách liên tiếp và ngày càng chua chát khó chịu, và những xung đột không lối thoát. Ngược lại, một ảnh hưởng thuần trí tuệ và luân lý, được chấp nhận một cách tự do và thậm chí là được cầu khẩn, như trường hợp nước Trung Hoa đang trông đợi ở nước Pháp đây, chỉ càng làm cho hai dân tộc quyến luyến nhau lâu dài. Ta chẳng phải trả giá cho những cuộc chinh phục này bằng máu và nước mắt. Những cuộc chinh phục này cũng chẳng làm ai ghen tức:  trong lĩnh vực tư tưởng, cạnh tranh là tự do. Ở thế kỷ XX, chỉ một nước Pháp, dù chiến thắng mà vẫn trung thành với thiên tư mang bản chất người của mình, là duy nhất xứng đáng với những cuộc chinh phục tinh thần ấy.”*

Tôi còn biết nói gì thêm vào những lời lẽ hùng hồn cao cả này, nếu không muốn nói rằng chính là ở Pháp đã có những đầu óc cao siêu, những trái tim hào hiệp đang xem xét vấn đề giáo dục của chúng tôi từ một tầm cao thật sự xứng với một ý thức Pháp và một tấm lòng thanh thản cả gan nhìn về tương lai?

Nhưng “các dân tộc cũng gống như các cá nhân, vào thời khắc quyết định vẫn thường thiếu đầu óc tưởng tượng cần thiết để nhận rõ được các quyền lợi đích thực của họ. Những kẻ vẫn còn nô lệ vào những châm ngôn chính trị từ đời nảo đời nào vẫn chẳng học nổi điều gì bổ ích, họ đang kiệt sức khi cứ đi mãi về những hướng chẳng dẫn họ đi tới đâu, và mù tịt lướt ngang bên cạnh cái đích mới mẻ mà lẽ ra họ phải tìm tới…”

Những con người suy tư có nhiệm vụ khơi gợi cho những con người hành động cái đầu óc tưởng tượng cần thiết này để nhận biết các quyền lợi đích thực của họ và chỉ cho họ thấy cái đích mới mà họ cần hướng mọi nỗ lực vào đấy. Phải chăng ta có thể tìm thấy những con người suy tư hào hiệp và sáng suốt ấy ở ngay trong ngôi nhà cổ xưa này của trí tuệ và minh triết nước Pháp, ngôi nhà đã bao đời nay làm nổi danh nước Pháp trên toàn thế giới?

Paris, 22-7-1922

P.Q

Nguồn bài viết: https://phamquynh.wordpress.com/2017/08/14/m%E1%BB%99t-v%E1%BA%A5n-d%E1%BB%81-giao-d%E1%BB%A5c-cho-noi-gi%E1%BB%91ng-chung-toi-ph%E1%BA%A1m-qu%E1%BB%B3nh/

Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

 Văn Thị Ngọc Dung

Trần Đỗ Tâm Giao

Phan Duy Khánh

Hoàng Thị Thanh Thảo

Lê Nguyên Thông

Nguyễn Ngọc Trâm