Nguồn: freepik.com
Liệu dân chủ có thực sự đáng bận tâm? Liệu nó có mở đường cho cải tiến trong các lĩnh vực khác của đời sống ngoài những lĩnh vực liên quan chặt chẽ với tự do chính trị? Đối với nhân dân các nước hiện đang trải qua thời kỳ quá độ sang nền chính trị dân chủ hơn, vấn đề này cực kỳ quan trọng. Trong chương này chúng ta sẽ nghiên cứu những hệ quả của dân chủ đối với việc phát triển kinh tế, được định nghĩa là tăng trưởng và phúc lợi xã hội. Mối quan hệ giữa dân chủ và nhân quyền cũng sẽ được xem xét. Trong khi dân chủ được coi là một biến phụ thuộc trong Chương 2 khi chúng ta tìm kiếm những điều kiện thuận lợi để nền dân chủ trỗi dậy, trong chương này nó lại được coi là một biến độc lập, khi chúng ta xét ảnh hưởng của nó đến sự phát triển kinh tế. Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi liệu dân chủ, một khi đã đạt được, có khả năng đáp ứng kỳ vọng cải thiện thành tích về tăng trưởng kinh tế và phúc lợi hay không.
Những học giả đã đề cập đến vấn đề này không phải ai cũng lạc quan; một số người thậm chí thấy đây là sự đánh đổi (trade-off) giữa một bên là nền dân chủ chính trị với bên kia là phát triển kinh tế. Chương này sẽ phác thảo những điểm chính trong cuộc tranh luận lý thuyết, và khảo sát các nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề này.1 Tôi bác bỏ quan niệm về một sự đánh đổi chung chung giữa dân chủ và phát triển kinh tế, và tôi sẽ chứng minh tại sao phát triển kinh tế và cải thiện phúc lợi không nhất thiết sẽ tự khắc đến với những nền dân chủ mới.
CUỘC TRANH LUẬN VỀ DÂN CHỦ VÀ PHÁT TRIỂN
Nhiều học giả thấy dân chủ không tương thích với tăng trưởng kinh tế về cả hai lý do kinh tế và chính trị. Các lý do kinh tế liên quan đến một thực tế là tăng trưởng đòi hỏi phải có thặng dư kinh tế cho đầu tư. Thặng dư này có thể được đem đầu tư hoặc tiêu dùng. Do đó cách duy nhất để gia tăng thặng dư cho đầu tư là giảm tiêu dùng. Lập luận ở đây là một thể chế dân chủ sẽ không thể theo đuổi các chính sách kiềm chế tiêu dùng (kìm giữ tiền lương thực tế ở mức thấp) bởi vì người tiêu dùng cũng là các cử tri, và họ sẽ trừng phạt các chính trị gia tại các thùng phiếu bầu ngay khi có cơ hội. Do vậy, trong một hệ thống dân chủ, các nhà lãnh đạo chính trị phải phục vụ cho những nhu cầu ngắn hạn của người dân. Theo lời một nhà kinh tế Ấn Độ: “Trong một chế độ mà các nhà lập pháp . . . tìm kiếm sự tán đồng của cử tri, nhà chính trị không thể. . . theo đuổi bất kỳ chính sách nào không mang lại lợi ích hữu hình cho các cử tri vào thời điểm cuộc bầu cử tiếp theo sắp đến gần.”2
Theo đó, không có sự hòa hợp trong ngắn hạn và trung hạn giữa tăng trưởng kinh tế (đầu tư) và phúc lợi (tiêu dùng): Không thể vừa giữ cái bánh mà lại vừa ăn nó. Những người có những ngờ vực (reservations) kinh tế về thể chế dân chủ xoáy vào khuynh hướng là các nhà lãnh đạo dân chủ bị cử tri thuyết phục tăng cường quá nhiều phúc lợi và hậu quả là tăng trưởng quá ít. Hành động của họ gây nguy hiểm cho toàn bộ cơ sở để thúc đẩy phúc lợi về lâu dài.
Những người có những ngờ vực chính trị về dân chủ lấy thực tế làm điểm xuất phát rằng phát triển kinh tế được thúc đẩy tốt nhất khi có trật tự và ổn định chính trị cao độ.3 Về khía cạnh này dân chủ là phản tác dụng bởi vì nó phơi bày các thể chế vốn đã yếu kém của các nước đang phát triển trước sức ép từ các nhóm khác nhau trong xã hội. Hậu quả là bất ổn và rối loạn, đặc biệt là ở những nước tiềm ẩn nguy cơ cao về xung đột bắt nguồn từ vô số những chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc, vùng miền và giai cấp. Những chính sách thay đổi nhằm thúc đẩy phát triển đất nước trong dài hạn có thể được đẩy mạnh tốt nhất bởi các chính phủ, khi họ được cách ly khỏi những sức ép chính trị đan xen nhau của một chính thể dân chủ. Theo nghĩa đó, chủ nghĩa chuyên chế (authoritarianism) là thích hợp nhất để thúc đẩy thay đổi.4
Một lập luận khác mà các học giả đưa ra nhằm chứng tỏ nền thống trị chuyên chế (authoritarian rule) thích hợp hơn dân chủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên cơ sở thực tế rằng ngày càng có nhiều bất lợi đối với việc thúc đẩy phát triển thành công, và do vậy theo thời gian càng bức bách đòi hỏi hành động toàn diện của nhà nước để thúc đẩy phát triển. Thị trường thế giới ngày càng cạnh tranh nhiều hơn và đòi hỏi cấp thiết phát triển trong nước cao hơn so với trường hợp khi các nước công nghiệp phương Tây trải qua các giai đoạn phát triển ban đầu. Thực sự là, các quá trình phát triển lúc đó và bây giờ khác nhau về chất. Và trong thế kỷ này không có trường hợp nào phát triển kinh tế thành công mà không có hành động chính trị toàn diện kéo theo sự can thiệp sâu rộng của nhà nước vào nền kinh tế. Hành động phối hợp của nhà nước như vậy là rất khó, nếu không phải là không thể, trong những điều kiện dân chủ.5
Nhiệm vụ xây dựng đất nước hiện nay thực sự là quá khó khăn. “Gần như không thể tưởng tượng quá trình này có thể được giải quyết như thế nào mà không cần đến chế độ độc tài (dictatorship)”, một học giả đã phải kêu lên, và lời phát biểu của ông đã tóm gọn rõ nét ý kiến của những người nhìn thấy sự không tương thích giữa dân chủ và phát triển kinh tế.6 Đồng thời, cần phải nhấn mạnh rằng sự đánh đổi là tạm thời. Trật tự chính trị và thẩm quyền chính phủ là cần thiết trong những giai đoạn khó khăn ban đầu của phát triển kinh tế. Sự tham gia (chính trị) và phân phối (phúc lợi) chỉ trở nên thích hợp ở giai đoạn sau. Quan điểm này đã được Gabriel Almond và G. Bingham Powell tóm tắt rành mạch: “Xây dựng nhà nước và xây dựng nền kinh tế trước khi thực hiện tham gia chính trị và phân phối vật chất là hợp logic, bởi vì chia sẻ quyền lực và chia sẻ phúc lợi phụ thuộc vào việc có quyền lực và có phúc lợi để mà chia sẻ.”7
Những người chỉ trích quan điểm cho rằng có sự đánh đổi giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế phản đối lại tất cả các lý lẽ nêu trên. Họ phản bác lại lập luận kinh tế về việc dân chủ làm tổn hại đến tăng trưởng như sau. Mặc dù sự thực là một khoản thặng dư kinh tế nhất định có thể hoặc là được đem đi đầu tư hoặc là được chi tiêu chứ không phải cả hai, vấn đề dường như không đơn giản khi kết luận rằng như vậy là có mâu thuẫn gay gắt giữa tăng trưởng và phúc lợi. Ví dụ, chi tiêu công trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục được coi là đầu tư vào vốn con người, việc này đồng thời cải thiện phúc lợi cho số đông dân chúng. Thật vậy, nhiều nhà kinh tế ủng hộ chiến lược phát triển nhấn mạnh vào những nhu cầu cơ bản của con người bởi vì trong lĩnh vực đó có thể đồng thời vừa có tăng trưởng vừa có phúc lợi.8 Nếu chúng ta có thể đồng thời vừa tăng trưởng vừa có phúc lợi, lập luận thiên về ủng hộ chủ nghĩa chuyên chế với lý do dân chủ có xu hướng tăng cường phúc lợi quá nhiều sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Quả thực, sự lựa chọn có thể không phải là giữa tăng trưởng và phúc lợi mà là giữa hai dạng chính sách đầu tư khác nhau—một dạng ủng hộ phúc lợi và một dạng thì không. Và có thể lập luận rằng một chính phủ dân chủ có nhiều khả năng đẩy mạnh chính sách ủng hộ phúc lợi còn một chính phủ chuyên chế thì có chính sách không ủng hộ phúc lợi.9
Tiếp theo, những người chỉ trích đã xoay ngược lập luận cho rằng dân chủ không thể đảm bảo trật tự và ổn định bằng cách chỉ ra rằng chủ nghĩa chuyên chế có thể đồng nghĩa với cai trị độc đoán và can thiệp quá mức vào công việc của công dân. Chỉ dân chủ mới có thể tạo ra môi trường có khả năng dự báo trước mà trong đó kinh tế có thể phát triển thịnh vượng. Hơn nữa, đa nguyên chính trị và đa nguyên kinh tế củng cố lẫn nhau. Nếu không có các quyền tự do cơ bản về dân sự và chính trị, các công dân sẽ cảm thấy bất an để theo đuổi các mục tiêu kinh tế.10 Theo nghĩa đó, giữa dân chủ và phát triển kinh tế có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau.
Cuối cùng là lập luận về sự cần thiết phải có hành động toàn diện và phối hợp của nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế. Mặc dù hành động mạnh mẽ của nhà nước có thể là cần thiết, không thể đương nhiên cho rằng một nhà nước mạnh có khả năng đóng vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực phát triển kinh tế nhất thiết phải là một nhà nước phi dân chủ. Nói cách khác, một nhà nước mạnh và một nhà nước chuyên chế không đồng nghĩa với nhau. Một nhà nước mạnh có bộ máy hành chính hữu hiệu và không tham nhũng, có giới tinh hoa chính trị (political elite) sẵn sàng và có khả năng ưu tiên cho phát triển kinh tế, và có những chính sách được thiết kế tốt để theo đuổi mục tiêu phát triển. Một nhà nước mạnh theo nghĩa này không nhất thiết là một nhà nước chuyên chế.11 Lập luận về những tác động của nền dân chủ đối với phát triển kinh tế được tóm tắt trong Sơ đồ 5.1 dưới đây.
Tóm lại, quan điểm của những người chỉ trích không tới mức cho rằng dân chủ bao giờ cũng phù hợp hơn là nền cai trị chuyên chế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế (vì có thể có những trường hợp mà chế độ chuyên chế đã giúp tạo ra tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong những thời kỳ nhất định). Đúng hơn, quan điểm này là các lý lẽ cho rằng có sự đánh đổi giữa dân chủ và phát triển chưa đủ mạnh để giúp chứng tỏ khẳng định chung về tính ưu việt của chủ nghĩa chuyên chế đối với phát triển kinh tế là đúng. Nói cách khác, không thể coi dân chủ và phát triển là không tương thích một cách chung chung, ngay cả nếu tồn tại những trường hợp tăng trưởng nhanh chóng trong những điều kiện chuyên chế. Một số nước có nền thống trị chuyên quyền hà khắc đã không chứng minh được những lợi ích phát triển kinh tế mà những người ủng hộ thuyết đánh đổi đã xác nhận.
SƠ ĐỒ 5.1 Dân chủ: thúc đẩy hay cản trở phát triển kinh tế?
Vậy thì có sự đánh đổi giữa dân chủ và phát triển hay không? Người ta đã tiến hành một số phân tích nhằm nỗ lực trả lời câu hỏi này, nhưng vẫn chưa có kết quả.12 Robert Marsh khảo sát kết quả hoạt động (performance) của chín mươi tám quốc gia từ năm 1955 đến năm 1970 và kết luận rằng “cạnh tranh chính trị/dân chủ thực sự có tác động đáng kể đến tốc độ phát triển kinh tế của chế độ dân chủ sau này; ảnh hưởng của nó là làm chậm tốc độ phát triển chứ không phải là tạo điều kiện để phát triển. Tóm lại, trong số các quốc gia nghèo, một hệ thống chính trị chuyên chế làm tăng tốc độ phát triển kinh tế, trong khi hệ thống chính trị dân chủ tỏ ra là một thứ xa xỉ, làm cản trở phát triển.”13 Yousseff Cohen đưa ra một kết luận tương tự sau khi ông nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế ở một số nước Mỹ Latinh.14
Trong bài phân tích của ông về các chính thể châu Phi, Dirk Berg-Schlosser đã nói rằng các chế độ chuyên chế có “tác động mạnh mẽ, tích cực đến tỷ lệ tăng trưởng chung của tổng sản phẩm quốc nội (GNP),”15 nhưng ông nhấn mạnh rằng các chế độ dân chủ (polyarchic – hệ thống chính trị đa trung tâm quyền lực) đã làm tốt hơn những gì được kỳ vọng: “Do vậy hệ thống chính trị đa trung tâm quyền lực khá thành công cả về tăng trưởng GNP và cải thiện chất lượng cơ bản cuộc sống. Những hệ thống này cũng đạt được thành tích tốt nhất về các tiêu chuẩn thông thường (bảo vệ quyền tự do công dân và tự do không bị đàn áp chính trị).”16 Dwight King đưa ra một kết luận tương tự trong nghiên cứu của mình về sáu quốc gia châu Á: “Nếu thành tích được đánh giá bằng sự bình đẳng về vật chất và phúc lợi chứ không phải là tăng trưởng, và được nghiên cứu theo lịch đại trong thập niên vừa qua và trong các nhóm dân số khác biệt (nông thôn, không có đất, và gần như không có đất), thì các chế độ kiểu dân chủ (Malaysia, Sri Lanka) đã có thành tích tốt hơn so với những chế độ chuyên chế quan liêu (Indonesia, Philippines, Thái Lan).”17
Trong một nghiên cứu khác từ rất sớm, G. William Dick đã xem xét số liệu tăng trưởng của bảy mươi hai quốc gia từ năm 1959 tới năm 1968. Ông phân loại các nước theo hình thái chính phủ của họ: chuyên quyền, bán cạnh tranh, hoặc cạnh tranh. Ông sẵn sàng thừa nhận các dữ liệu vẫn còn không rõ ràng, nhưng ông cho rằng “chắc chắn kết quả này không giúp giải thích, và có xu hướng bác bỏ quan điểm cho rằng các quốc gia chuyên chế trong mọi trường hợp có khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn phát triển ban đầu nhanh hơn so với các nước có hệ thống chính trị cạnh tranh.”18
Do vậy, như đã đề cập trước đó, không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi về sự đánh đổi từ những nghiên cứu này, và việc xem xét lại các phân tích bổ sung không giúp ích gì nhiều, như các cuộc điều tra khái quát về lĩnh vực này đã chứng minh.19 Không thể tránh khỏi nảy sinhcâu hỏi liệu đây có phải là việc làmcó ý nghĩađể tìm kiếm mộtcâu trả lờidứt khoát thông quacác phân tích chủ yếumang tính định lượng đối với một số lớn cáctrường hợptrong những giai đoạnhạn chế về mặt thời gian. Đóng góp của Dick đã đưa ra mộtví dụ hay vềnhững vấn đềliên quan.
Đầu tiên, có vẻ không hợp lý khi dựa trên một phân tích như vậy trong khoảng thời gian chưa đầy một thập niên. Thành tích kinh tế của các nước đang phát triển thay đổi đáng kể theo thời gian, và chín năm không phải là một khoảng thời gian đại diện. Thứ hai, trong khi nghiên cứu sử dụng một số ít các trường hợp thì không mang tính đại diện, còn nghiên cứu sử dụng số lượng lớn các trường hợp luôn gặp phải những vấn đề về phân loại chế độ. Những nước có thành tích tăng trưởng tốt nhất trong bài phân tích của Dick là những nước được gọi là bán cạnh tranh. Theo định nghĩa ông sử dụng và dữ liệu từ năm 1970, Algeria, Ethiopia, Nam Phi, và Nicaragua dưới thời Anastasio Somoza được xếp vào không phải là chế độ chuyên quyền mà là bán cạnh tranh. Nhưng người ta có thể dễ dàng tranh luận rằng những chế độ như vậy cần được coi là chuyên chế, và như vậy là toàn bộ cơ sở cho kết luận của Dick sẽ biến mất.
Các bài đóng góp khác vào tranh luận gặp phải những vấn đề tương tự. Những gì chúng ta biết được từ những phân tích này là một số lớn các nước không được xác định rõ ràng là chế độ dân chủ hay chuyên quyền và họ thường chuyển đổi giữa các chế độ này, hôm qua là bán dân chủ, hôm nay là chuyênchế, và ngày mai lại bán dân chủ. Mỗi lần những nước này dừng chân ở một trong các chế độ được phân loại, dữ liệu về thành tích kinh tế của họ, thường chỉ trong một vài năm, lại đưa đến một tranh cãi khác trong các cuộc điều tra này.
Nếu có thể giải quyết những vấn đề bao trùm về phương pháp luận thì liệu có thể tìm ra một câu trả lời thích đáng mọi nơi, mọi lúc cho câu hỏi về sự đánh đổi hay không? Tôi cho rằng không thể đi đến một tuyên bố mang tính qui luật (law-like) về các tác động của hình thái chế độ chính trị đến phát triển kinh tế. Khi lý thuyết hóa mối quan hệ này, chúng ta cần phải bớt tham vọng khi nghiên cứu ở mức độ tầm trung. Thay vì cố gắng đưa ra những tuyên bố phổ quát về mối quan hệ giữa hình thái chế độ chính trị và phát triển kinh tế, chúng ta cần phải tìm kiếm những liên hệ một cách hệ thống giữa kết quả phát triển và các loại hình khác nhau của chế độ dân chủ và chuyên chế, và chúng ta phải nghiên cứu các kết quả đó theo từng cặp trường hợp có thể so sánh được giữa chế độ dân chủ và chuyên chế.
Cả hai cách làm này đều được thử nghiệm trong các phần sau đây. Đầu tiên chúng ta sẽ xem xét một cặp trường hợp có thể so sánh được giữa một nước chuyên chế và một nước dân chủ, và sau đó xem xét các loại hình khác nhau của chế độ chuyên chế và dân chủ.20
CÁC DẠNG CHẾ ĐỘ CHUYÊN CHẾ
So sánh Ấn Độ và Trung Quốc giúp làm rõ hơn cuộc tranh luận lý thuyết về kết quả phát triển kinh tế của các chế độ dân chủ và chuyên chế. Tuy nhiên, rõ ràng không thể giải quyết tranh luận trên cơ sở so sánh một cặp trường hợp. So sánh như vậy không nói lên điều gì về quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc với các ví dụ khác của chế độ chuyên chế và dân chủ. Thậm chí nếu sự tương phản giữa Ấn Độ và Trung Quốc không đánh giá cao nền dân chủ Ấn Độ, thì cần thiết phải tìm hiểu thêm các dạng khác nhau của chế độ chuyên chế và dân chủ, và tìm hiểu xem Ấn Độ và Trung Quốc khớp với bức tranh toàn cảnh này ra sao trước khi rút ra kết luận xa hơn.
Tôi sẽ lập luận trong các phần tiếp theo sau đây rằng Trung Quốc không phải là trường hợp rất điển hình cho nhóm các chế độ chuyên chế. Trung Quốc, cùng với một vài quốc gia khác, thuộc về một nhóm khá riêng biệt của chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển có khả năng thúc đẩy cả tăng trưởng kinh tế lẫn phúc lợi. Khi chúng ta nhìn vào kết quả phát triển, phần lớn các chế độ chuyên chế thuộc về hai nhóm kém hấp dẫn hơn: Hoặc là chúng thúc đẩy tăng trưởng nhưng không thúc đẩy phúc lợi hoặc thậm chí tệ hơn, chúng chẳng thúc đẩy cái nào. Các chế độ trong nhóm sau cùng này không lấy phát triển kinh tế làm mục tiêu chính của mình. Mục tiêu tối thượng của họ là làm giàu cho giới tinh hoa kiểm soát nhà nước. Ba loại hình chính của chế độ chuyên chế được trình bày trong Sơ đồ 5.2 và được mô tả kỹ hơn dưới đây.
SƠ ĐỒ 5.2 Các loại hình chế độ chuyên chế và hệ quả của nó đối với phát triển kinh tế
Chế độ chuyên chế phát triển
Nét khác biệt của một chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển (authoritarian developmentalist regime) là nó có khả năng thúc đẩy cả tăng trưởng và phúc lợi. Chính phủ hoạt động theo định hướng cải cách và có được mức độ độc lập cao thoát khỏi ảnh hưởng của lợi ích giới tinh hoa nắm quyền lực (vested elite). Chính phủ kiểm soát một bộ máy nhà nước có năng lực tổ chức, hành chính để thúc đẩy phát triển, và bộ máy này được điều hành bởi một tầng lớp lãnh đạo nhà nước trung thành về tư tưởng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế cả về tăng trưởng cũng như phúc lợi. Trung Quốc là một ví dụ của chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển theo dạng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra còn có cả dạng tư bản chủ nghĩa, như Đài Loan dưới sự cai trị chuyên chế (kéo dài từ năm 1949 đến đầu những năm 1990) là một ví dụ. Đài Loan, giống như Trung Quốc, đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua cải cách ruộng đất triệt để và chuyển thặng dư kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Giống như ở Trung Quốc, nhà nước tham gia vào nền kinh tế ở mức độ cao.
Nhưng cũng có những điểm không tương đồng giữa hai nước này, trong đó một số điểm giải thích cho thực tế là Đài Loan trên một số lĩnh vực thành công hơn phiên bản xã hội chủ nghĩa của nó (Trung Quốc đại lục).39
Thứ nhất, hoàn cảnh khởi đầu của các nước này khi họ bắt đầu theo đuổi phát triển kinh tế (vào khoảng năm 1949) là khác nhau. Trung Quốc vừa trải qua một cuộc nội chiến tàn khốc hồi nửa đầu thế kỷ 20; cùng thời kỳ đó, sự cai trị có trật tự của Nhật tại Đài Loan đã tạo ra nền tảng cho những tiến bộ trong phát triển kinh tế.
Thứ hai, Đài Loan đã không áp dụng chính sách kế hoạch hóa tập trung như ở Trung Quốc; chính quyền ở đây chưa bao giờ cố gắng độc quyền hóa quyền lực kinh tế. Con đường phát triển Đài Loan đã chọn giống với mô hình của Nhật Bản hơn là mô hình của Trung Quốc, với sự kết hợp giữa các lực lượng thị trường và sở hữu tư nhân và với vai trò dẫn dắt sát sao của nhà nước đối với thị trường. Đài Loan dường như đã tìm được sự cân bằng thích hợp cho các vấn đề bế tắc, giữa “quá nhiều vai trò nhà nước” và chủ nghĩa siêu tự do để cho các lực lượng thị trường không bị kiểm soát, thứ không tự nhiên phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế.
Thứ ba, Đài Loan đã trải qua một quá trình tăng trưởng và tăng năng suất lao động một cách thuận buồm xuôi gió trong cả nông nghiệp, với hệ thống các trang trại gia đình, lẫn trong công nghiệp, có sự nhấn mạnh vào sản xuất công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động, được các doanh nghiệp công hỗ trợ. Trong quá trình cải cách kinh tế này, Đài Loan đã không phải nếm trải những trở lực nghiêm trọng do thất bại chính sách mà Trung Quốc là tiêu biểu. Toàn bộ quá trình này lại được hậu thuẫn bởi viện trợ kinh tế đáng kể của Hoa Kỳ. Ngược lại, Trung Quốc bắt chước mô hình tăng trưởng công nghiệp của Stalin, trong đó chú trọng quá mức đến công nghiệp nặng và để quá ít cơ hội cho phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Trung Quốc đi theo chính sách này mãi đến cuối những năm 1970. Ngoài ra, Trung Quốc còn bị cô lập trên trường quốc tế trong một thời gian dài, và quan hệ của nước này với Liên Xô cũ trong những năm 1950 đã không mang lại nhiều giúp đỡ kinh tế so với những gì Đài Loan nhận được từ Hoa Kỳ. Thành công phát triển của Đài Loan đã mở đường cho nước này quá độ sang chế độ dân chủ trong những năm 1990.
Đã có thời điểm người ta hy vọng rằng “bốn con hổ” châu Á (tức là Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, và Singapore) đại diện cho mô hình phát triển của chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển, trở thành một hình thái phù hợp cho các nước khác. Điều này đã tỏ ra là không đúng. Việt Nam có thể là một ví dụ hiện nay của chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển ở chỗ nó dường như đi theo mô hình của Trung Quốc về tự do hóa kinh tế và tăng trưởng với sự chú trọng nhất định tới bình đăng, nhưng rất khó tìm thấy mô hình chuyên chế chủ xướng phát triển tại các nơi khác trên thế giới.40 Điều này chỉ ra rằng có sự kết hợp đặc biệt giữa các điều kiện về kinh tế, văn hóa, chính trị, và những điều kiện tiên quyết khác tồn tại trong trường hợp của Đông Nam Á mà có thể không dễ dàng được nhân rộng ở nơi nào khác.
Các chế độ chuyên chế tăng trưởng
Loại hình quan trọng thứ hai của chế độ chuyên chế là chế độ chuyên chế chủ xướng tăng trưởng (authoritarian growth regime), một chính phủ chi phối bởi giới tinh hoa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chứ không phải phúc lợi. Brazil dưới nền cai trị quân sự, từ năm 1964 cho đến giai đoạn tái dân chủ hóa hiện nay là một ví dụ điển hình của hình thức cai trị này. Là một chế độ chuyên chế chủ xướng tăng trưởng, Brazil biểu lộ các đặc điểm sau: Nó theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhằm mục đích xây dựng nền kinh tế quốc dân hùng mạnh (từ đó có thể tạo cơ sở cho một lực lượng quân sự mạnh mẽ), và nó tôn trọng các lợi ích lâu dài (nhưng không nhất thiết phải là lợi ích trước mắt) của các lực lượng xã hội chiếm ưu thế trong lúc lại dựa vào tầng lớp công nông của đại đa số người nghèo để có được thặng dư kinh tế cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng.
Như vậy, nhà nước Brazil rõ ràng là một mô hình phát triển theo định hướng của giới tinh hoa lãnh đạo. Nó dựa vào liên minh giữa tư bản tư nhân trong nước, doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn xuyên quốc gia. Định hướng của giới tinh hoa của mô hình này áp dụng cho phía cung của phát triển (bởi vì nó nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng tiêu dùng lâu bền ) cũng như phía cầu (bởi vì công nghiệp hóa đòi hỏi vốn lớn, với hầu hết lợi ích thuộc về một tầng lớp nhỏ viên chức và lao động trí óc và công nhân có tay nghề cao). Đại đa số người nghèo thực sự không được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng; nhiều người dân có nhu cầu cấp thiết trong các lĩnh vực y tế cơ bản, nhà ở, giáo dục, và công ăn việc làm có thu nhập.41 Các biện pháp cải cách tái phân phối, bao gồm cải cách ruộng đất, hẳn đã có thể giúp thúc đẩy lĩnh vực phúc lợi của phát triển kinh tế, nhưng những gì chế độ này đã thực hiện, đặc biệt là trong những năm đầu của nó, chính xác là trái ngược với quá trình tái phân phối. Sau khi cô lập các tổ chức quần chúng khỏi ảnh hưởng chính trị, chính quyền nước này đã mạnh tay cắt giảm tiền lương thực tế và thực hiện những biện pháp khác dẫn đến tập trung một phần thu nhập đáng kể để dành ưu đãi 20 phần trăm dân số giàu nhất.42
Các chính quyền quân sự, những người đã áp đặt nền cai trị độc tài ở Uruguay, Chile và Argentina vào thời kỳ đầu và giữa những năm 1970, nỗ lực thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế với những đặc điểm tương tự. Tuy nhiên, họ đã không thành công bằng thể chế Brazil về mặt tăng trưởng kinh tế. Trái ngược với Brazil, những nước này đã mở cửa nền kinh tế của họ, phải hứng chịu những cú sốc từ bên ngoài (external shocks) thông qua việc theo đuổi các chính sách kinh tế siêu tự do, việc mà, trước khi các biện pháp khắc phục được thực hiện, đã dẫn đến tình trạng phi công nghiệp hóa, tức là phá bỏ nền tảng công nghiệp hiện có.43 Mặc dù vậy, trường hợp của các nước này đều có một nét cơ bản chung: Các thể chế chuyên chế đã cố gắng theo đuổi tăng trưởng kinh tế một chiều theo một liên minh với lợi ích của giới tinh hoa lãnh đạo.
Chế độ chuyên chế làm giàu cho giới tinh hoa lãnh đạo
Loại hình quan trọng cuối cùng của chế độ chuyên chế là chế độ chuyên chế làm giàu cho giới tinh hoa lãnh đạo (authoritarian state elite enrichment regime – ASEE), nó không thúc đẩy tăng trưởng hay phúc lợi mà mục đích chính của nó là làm giàu cho tầng lớp tinh hoa kiểm soát nhà nước. Chế độ này thường dựa trên sự thống trị độc đoán của một nhà lãnh đạo tối cao. Mặc dù các hành động của nhà lãnh đạo có thể là khó hiểu khi đánh giá theo tiêu chuẩn của mục tiêu phát triển chính thức mà chế độ này đề ra, chúng hoàn toàn có thể hiểu được thông qua lăng kính của nền chính trị bảo trợ và phe nhóm (patronage and clientelistic politics). Một số thể chế ở châu Phi, với các chế độ cá nhân trị như mô tả trong Chương 2, chính là những nước thuộc nhóm chế độ chuyên chế này. Một nhà quan sát đã mô tả hệ thống này như một trong những thứ chính trị thị tộc (clan): “Thị tộc là một phe phái chính trị, hoạt động trong phạm vi thể chế của nhà nước và đảng cầm quyền; nó tồn tại trên tất cả để thúc đẩy lợi ích của các thành viên của nó. . . và nguyên tắc thống nhất đầu tiên của nó là triển vọng về những phần thưởng vật chất của thành công chính trị: tiền là biểu tượng (totem) của thị tộc này.”44
Phần giá trị thặng dư lọt vào tay giới lãnh đạo thông qua việc họ kiểm soát nhà nước sẽ được phân phối trong thị tộc hay liên minh các phe phái, các tầng lớp này đến lượt mình lại ủng hộ về chính trị cho người lãnh đạo. Tất nhiên, đây không phải một hình mẫu phân phối đồng đều; phần lợi ích lớn nhất tích lũy về cho nhà lãnh đạo tối cao và một nhóm nhỏ quyền lực vây quanh ông ta. Không có sự phân biệt rõ ràng giữa các chính trị gia và công chức nhà nước; các công bộc này tích cực tham gia vào nỗ lực để giành lợi cho cá nhân từ địa vị chức quyền của họ.
Như vậy, bất chấp tuyên bố chính thức ngược lại, giới tinh hoa cầm quyền không thực sự quan tâm đến phát triển kinh tế, cho dù là về tăng trưởng hay phúc lợi. Mục đích chính của chế độ là làm giàu cho bản thân người cầm quyền. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi hành động theo chiến lược cân bằng giữa các đối thủ tiềm năng (những người được đút lót, mua chuộc hoặc bị đàn áp bằng vũ lực) và, như đã nói trên, còn đòi hỏi cả việc phân phối lợi lộc kiếm được. Cả hai cách này có thể có tác dụng phụ đối với việc thúc đẩy hoặc phúc lợi hoặc tăng trưởng, nhưng xin nhắc một lần nữa, kết quả đạt được không phải là mục đích chính.
Zaire (nay là Congo) dưới thời Mobutu có thể là ví dụ rõ ràng nhất của một thể chế ASEE.45Tầng lớp bên trong của thị tộc Mobutu bao gồm vài trăm người, là “bè cánh” của Mobutu. Các vị trí sinh lợi trong chính quyền, ngoại giao đoàn, đảng, quân đội, cảnh sát mật, và văn phòng Tổng thống được dành riêng cho các thành viên của thị tộc này.46 Họ trực tiếp đòi hưởng khoảng 20 phần trăm ngân sách quốc gia, và thu nhập của họ được bổ sung thông qua hoạt động buôn lậu (kim cương và vàng) và buôn bán đồng của tư nhân. Bản thân Mobutu có cổ phần riêng trong tất cả các vụ kinh doanh của nước ngoài hoạt động ở Zaire, và gia đình ông ta kiểm soát 60 phần trăm mạng lưới thương mại nội địa. Giờ đây cố tổng thống Mobutu đã tích lũy được cả một khối tài sản khổng lồ và được công nhận là một trong những người giàu nhất thế giới.
Vì vậy, các đặc trưng mô tả của chế độ ASEE đơn giản là giới tinh hoa kiểm soát nhà nước chỉ bận tâm làm giàu cho bản thân. Những ví dụ khác của châu Phi phù hợp với mô tả này là Cộng hòa Trung Phi dưới chế độ của Jean Bedel Bokassa và Uganda dưới thời Idi Amin. Ví dụ về các chế độ chuyên chế bên ngoài châu Phi cũng nằm trong hạng mục chế độ ASEE là Haiti dưới thời François và JeanClaude Duvalier (Papa và Baby Doc), Nicaragua dưới thời Somoza, và Paraguay dưới thời Alfredo Stroessner.
Hệ thống phân loại chế độ chuyên chế như thế này có thể cho chúng ta biết được những gì? Trước hết, không thể khái quát hóa cho toàn bộ chế độ chuyên chế về khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế của nó. Các chế độ chuyên chế khác nhau rất khác nhau về khía cạnh này. Trong chương này, tôi đã mô tả ba loại hình chính của chế độ chuyên chế: các chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển, có khả năng thúc đẩy cả tăng trưởng và phúc lợi; các chế độ chuyên chế chủ xướng tăng trưởng, ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế; và các chế độ ASEE, không thúc đẩy cả tăng trưởng lẫn phúc lợi.
Thứ hai, chủ nghĩa chuyên chế không đương nhiên tạo ra tăng trưởng kinh tế, trật tự và ổn định, như những người ủng hộ đánh đổi giữa dân chủ và phát triển kinh tế khẳng định. Chế độ chuyên chế chủ xướng tăng trưởng có lẽ là loại hình gần nhất với quan điểm chính thống về chế độ chuyên chế mà những người ủng hộ đánh đổi đưa ra. Dưới chế độ này, tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh với cái giá làm tổn hại đến phúc lợi của đa số dân chúng. Mặc dù những người ủng hộ chế độ này có vẻ nghĩ rằng một thời kỳ dài tăng trưởng có thể tạo ra cơ sở vững chắc cho việc cải thiện phúc lợi sau này, nhưng trường hợp của chế độ chuyên chế Brazil dường như đã chứng minh ngược lại. Ở nước này, có một số trở ngại khiến cho hiệu ứng rỉ xuống (trickle-down effect) không thể tạo ra tác động ở quy mô mà từ đó nó có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện phúc lợi.47 Một lý do quan trọng là định hướng cụ thể của giới tinh hoa đối với quá trình tăng trưởng.
Cuối cùng, hệ thống phân loại này đưa ra những lý lẽ mới làm sáng tỏ tranh luận về đánh đổi bằng cách nhấn mạnh sự đa dạng của các chế độ chuyên chế. Nếu chúng ta xem xét chế độ ASEE ở Zaire, chúng ta sẽ thấy chủ nghĩa chuyên chế chắc chắn đem lại phát triển kinh tế tồi hơn những gì người ta đồn đại về nó; nếu chúng ta nghiên cứu chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển tại Đài Loan, chúng ta thấy chủ nghĩa chuyên chế là tốt hơn nhiều cho phát triển kinh tế so với lời đồn về nó.
Trong bối cảnh này, và khi hiểu rằng các chế độ chuyên chế chủ xướng phát triển kiểu như Đài Loan rất hiếm xảy ra, rất dễ dàng bác bỏ lập luận về sự đánh đổi giữa dân chủ và phát triển kinh tế với lý do là hầu hết các chế độ chuyên chế không thành công hơn so với các chế độ dân chủ trong lĩnh vực phát triển. Và vậy thì không có lý do gì để hy sinh các quyền chính trị và quyền tự do gắn liền với dân chủ. Tuy nhiên, trước khi chúng ta rút ra kết luận cuối cùng, hãy xem xét kỹ hơn các loại hình khác nhau của chế độ dân chủ.
CÁC DẠNG CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Không dễ phân loại các chế độ dân chủ, đơn giản chỉ vì có rất ít các nền dân chủ tương đối ổn định trong thế giới đang phát triển. Trong nhiều trường hợp các chế độ này là nền dân chủ chi phối bởi giới tinh hoa (elite-dominated democracy); trong một số trường hợp họ có thể tự chuyển đổi thành các chế độ dân chủ xã hội (social democracy) theo định hướng phúc lợi. Tiếp theo sau đây là những phân tích sâu hơn về các dạng thể chế khác nhau này và hệ quả của nó đối với tăng trưởng và phúc lợi.
Dân chủ chi phối bởi giới tinh hoa và dân chủ xã hội
Trong dòng chảy của những quá trình chuyển đổi hiện nay tiến tới dân chủ, nền dân chủ Ấn Độ là do một liên minh của giới tinh hoa chi phối gồm ba nhóm chính: giới chức nghiệp đô thị, những người đã sáng lập phong trào Quốc Đại vào năm 1885; cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ trong thương mại và công nghiệp; và tầng lớp địa chủ nông thôn. Quần chúng nông dân nghèo ủng hộ cuộc đấu tranh của liên minh tinh hoa để giành độc lập và dân chủ; họ tập hợp đằng sau Gandhi, một nhân vật lãnh đạo vĩ đại, người có vai trò thiết yếu gắn kết liên minh giữa các nhóm tinh hoa quyền lực và quần chúng lao động nghèo khổ. Tuy nhiên, sự ủng hộ của những người nông dân nghèo đã không thực sự làm đảo lộn tầng lớp địa chủ nông thôn. Trong viễn kiến chính trị của Gandhi về tương lai của làng quê Ấn Độ không có mối đe dọa nào đối với địa vị của giới địa chủ giàu có ở nông thôn, và chính tầng lớp địa chủ nông thôn, chứ không phải những người nông dân không có đất đai, là người kiểm soát tổ chức Quốc Đại ở cấp địa phương.48
Chúng ta đã thấy rằng sự tiếp tục thống trị của giới tinh hoa quyền lực trong nền dân chủ Ấn Độ đã hình thành và thiết lập nên giới hạn của những gì có thể đạt được về phát triển kinh tế. Quá trình phát triển kinh tế chủ yếu là phục vụ lợi ích của các nhóm tinh hoa trong liên minh thống lĩnh này. Tôn trọng lợi ích của giới tinh hoa đã cản trở khả năng của nền dân chủ Ấn Độ trong việc huy động nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội thông qua cải cách cơ bản trong nông nghiệp và những cải cách khác.49
Trong Chương 3, sự thống trị của giới tinh hoa được trình bày như là một đặc điểm quan trọng của nhiều quá trình hiện tại khi thay đổi chế độ. Người ta phải lo ngại rằng các chế độ như vậy không sẵn sàng thực hiện cải cách thực sự để giải quyết số phận của những công dân nghèo. Trong bối cảnh của Ấn Độ với hơn năm mươi năm kinh nghiệm của nền dân chủ do giới tinh hoa chi phối, những lo ngại như vậy là hoàn toàn có cơ sở; Ấn Độ đã phát triển kinh tế cả về tăng trưởng và phúc lợi, nhưng nhìn chung quá trình này đem lại rất ít quyền lợi cho quần chúng lao động nghèo.
Nhưng quan trọng là phải nhấn mạnh một điểm khác đã được nêu trong Chương 2: Dân chủ mang lại sự không chắc chắn ở chừng mực nào đó trong tiến trình chính trị. Nó mở lối cho quần chúng tạo áp lực lên những người cai trị. Thậm chí những nền dân chủ chi phối bởi giới tinh hoa có thể được thúc đẩy theo hướng có những biện pháp cải cách hiệu quả hơn; nói cách khác, chúng có thể biến đổi thành chế độ dân chủ xã hội. Dân chủ xã hội là chế độ mà trong đó các liên minh chính trị dựa trên nền tảng rộng rãi hơn tiến hành cải cách xã hội theo định hướng phúc lợi. Costa Rica là một ví dụ rõ ràng về trường hợp này.
Chế độ dân chủ Costa Rica dựa trên các hiệp ước chính trị giữa các phe phái tinh hoa. Ba nhóm chính trong liên minh thống trị ở Costa Rica là tầng lớp tinh hoa quyền lực trong nông nghiệp xuất khẩu và công nghiệp (bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài) và các thành viên của bộ máy hành chính nhà nước.50 Họ chia sẻ những lợi ích của mô hình phát triển dựa vào nông nghiệp xuất khẩu và thúc đẩy công nghiệp hóa và vai trò quan trọng của nhà nước trong một số lĩnh vực. Như vậy nông nghiệp xuất khẩu được chính phủ không ngừng hỗ trợ, mức đóng thuế khá khiêm tốn, và các biện pháp cải cách ruộng đất không phải là mối đe dọa. Mặc dù các nhà tư bản công nghiệp đã phải chấp nhận rằng không thể tái cấu trúc nông nghiệp theo yêu cầu cụ thể của công nghiệp hóa, họ nhận được rất nhiều hỗ trợ về mặt bảo hộ của nước ngoài, biểu thuế thấp cho các đầu vào, miễn giảm thuế, và sự giúp đỡ toàn diện về cơ sở hạ tầng từ khu vực công. Bộ máy hành chính được phát triển mạnh mẽ hơn thông qua việc mở rộng nhanh chóng các thiết chế đa dạng trong khu vực công, điều này đã tạo ra một cơ sở vững chắc để từ đó có thể thương lượng đạt được lợi ích hơn nữa từ nhà nước.
Theo nghĩa này, chế độ dân chủ Costa Rica có thể được xem như là “quyền thống soát dấu mặt (a masked hegemony) của các nhóm tinh hoa cạnh tranh, những phe phái rõ ràng đã chấp nhận tôn trọng lợi ích của nhau.”51 Các chính sách đề ra dựa trên sự cân bằng giữa các nhóm quyền lực khác nhau tôn trọng lợi ích cơ bản của nhau. Vì vậy các chương trình phúc lợi được duy trì trong giới hạn mà các nhóm lợi ích chiếm ưu thế chấp nhận. Các chương trình xã hội triệt để nhằm thay đổi cơ cấu, cũng như các chính sách kinh tế có thể gây đe dọa nghiêm trọng đối với bất kỳ phe phái nào cũng đều được ngăn ngừa. Kết quả là cải thiện phúc lợi ở Costa Rica được dựa trên cơ sở thiếu vững chắc của một nền kinh tế nông nghiệp xuất khẩu è cổ gánh một khoản nợ nước ngoài (và ngày càng tăng).
Tuy vậy, trong phạm vi những hạn chế này, các liên minh thống trị ở Costa Rica vẫn ủng hộ chính phủ để thúc đẩy các chương trình phúc lợi đáng kể. Như thể hiện trong Bảng 5.3 dưới đây, những thành tựu tổng thể của đất nước này khá ấn tượng về mặt phúc lợi, trong khi những thành tựu tăng trưởng kinh tế thì bình thường hơn. Cần lưu ý rằng những số liệu bình quân đưa ra trong Bảng 5.3 che giấu sự tồn tại của một nhóm khá lớn người dân sống dưới đáy xã hội mà đời sống ít được cải thiện hơn nhiều. Mặc dù có rất ít người ở mức độ thực sự chết đói, theo một ước tính từ năm 2006 tỷ lệ dân số sống ở mức hầu như chỉ đủ để tồn tại là 22 phần trăm.52 Phần lớn những người này là những nông dân không có đất hoặc dân nghèo thành thị sống trong những khu ổ chuột của thành phố.
Mặc dù vậy, chế độ dân chủ thống trị bởi giới tinh hoa của Costa Rica đã khá thành công về mặt tăng trưởng phúc lợi. Có một số yếu tố giải thích tại sao Costa Rica đạt được thành tựu này.
Trước hết, giai cấp thống trị ở Costa Rica trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 khác biệt so với các nước Mỹ Latinh khác. Costa Rica không có chế độ để người Anh-Điêng và nô lệ nằm dưới sự cai quản của tầng lớp địa chủ nông thôn; người nông dân sống độc lập, và tầng lớp lao động nông thôn được tự do không bị các mối quan hệ phong kiến ràng buộc với các ông chủ nông thôn.
Hai là, tầng lớp thống trị của những ông trùm cà phê ủng hộ cho các giá trị tự do của tự do báo chí, tự do tín ngưỡng và giáo dục công. Luật về giáo dục bắt buộc, miễn phí đã được thông qua vào năm 1884, và trình độ học vấn của người dân kết hợp với việc tranh luận công khai đã mở đường cho sự hình thành một loạt các nhóm và hiệp hội, là những tổ chức đã đưa những đòi hỏi của người dân ra trước hệ thống chính trị.53
Ba là, nền dân chủ thành lập sau năm 1948 này nổi tiếng về các cuộc bầu cử công bằng và trung thực trong một hệ thống chính trị hướng tới thương lượng và thỏa hiệp. Hoàn toàn trái ngược với các nước láng giềng Trung Mỹ, Costa Rica đã giải tán quân đội của mình vào năm 1949.
Costa Rica chứng tỏ rằng các chế độ dân chủ do giới tinh hoa lãnh đạo không phải bao giờ cũng kém thành công về lĩnh vực phúc lợi như Ấn Độ. Các chế độ này vẫn có khả năng chuyển đổi, hướng tới việc đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhân dân ở mức độ cao hơn. Nhưng nền tảng chính trị của Costa Rica lại có những đặc điểm độc đáo cho phép nó đi theo hướng đó. Các nguyên tắc bình đẳng của liên minh thống trị đã dẫn đến một môi trường chính trị và xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các lực lượng quần chúng ở giai đoạn đầu. Những yếu tố này tạo cơ sở cho các chính sách phúc lợi và việc hình thành “một hệ thống dân chủ tự do ổn định độc nhất vô nhị ở Mỹ Latinh.”54
Như phần nghiên cứu tình huống này đã cho thấy, các chế độ dân chủ chi phối bởi giới tinh hoa có thể giải quyết được các vấn đề phúc lợi xã hội. Đáng tiếc là trong thế giới thứ ba có rất ít nền dân chủ do giới tinh hoa thống trị có điều kiện tương tự như những điều kiện thiết yếu đã mang lại kết quả này cho Costa Rica. Ở Đông Âu, các chế độ dân chủ xã hội có triển vọng tốt đẹp hơn, bởi vì các nhóm quần chúng nhân dân được tổ chức tốt hơn và có khả năng làm giới lãnh đạo phải lắng nghe tiếng nói của họ trong quá trình chính trị.55
----- Hết -----
Nguồn bài viết: http://nghiencuuquocte.org/2015/01/25/quan-he-dan-chu-tang-truong-phuc-loi-p1/ và http://nghiencuuquocte.org/2015/01/30/quan-he-dan-chu-tang-truong-phuc-loi-p2/
Toàn văn bài viết:
***
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo