PTKT: Cùng ngày với việc Williams Nordhaus được giải khoa học kinh tế của Ngân hàng Thuỵ Điển để tưởng nhớ Nobel, Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) trong báo cáo mới nhất cảnh báo thế giới về những thảm họa đang chờ nhân loại nếu không cương quyết hành động. Có thể tham khảo những bài PTKT đã đăng về biến đổi khí hậu tại đây.

 

ĐIỀU MÀ TÌNH TRẠNG KHÍ HẬU NÓNG LÊN Ở MỨC 1,5°C CÓ THỂ CỨU VÃN ĐƯỢC, THEO BÁO CÁO CỦA IPCC

Đó là mục tiêu đã được hội nghị COP 21 ấn định. Các nhà khoa học giờ đây đều biết điều gì sẽ xảy ra nếu đạt được mức đó... và nếu vượt mức đó.

Gregory Rozieres

ANDREYAKAZAKOV VIA GETTY IMAGES

Gần ba năm trước, tại hội nghị COP 21 [Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu 2015], 195 quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris lịch sử. Họ cam kết hạn chế tình trạng khí hậu nóng lên “bên này ngưỡng 2°C” “nỗ lực hạn chế tình trạng đó ở mức 1,5°C”.

Ngoại trừ vào thời điểm đó, chúng ta thực sự không biết cam kết đó hàm ý điều gì. Nói thực, cho dù đó là điều tốt hơn, thì chúng ta cũng không biết rõ điều đó sẽ làm giảm những hậu quả thê thảm của tình trạng khí hậu nóng lên đến mức nào. Cũng chẳng biết việc giới hạn ở mức 1,5°C có khả thi hay không. Vì thế, các quốc gia đã yêu cầu ủy ban IPCC [Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu], một cơ quan quốc tế tập hợp hàng ngàn nhà khoa học, nghiên cứu vấn đề này.

Báo cáo của họ được công bố vào hôm thứ hai này, ngày 8 tháng 10 [năm 2018]. Theo đó chúng ta biết rằng các hoạt động của con người đã gây ra tình trạng khí hậu tăng 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu không có gì thay đổi, thì nhiệt độ trung bình sẽ tăng 1,5°C vào khoảng năm 2040. Nếu vượt quá mức 1,5°C, thì một số tác động sẽ “mang tính dài hạn hoặc không thể đảo ngược”, chẳng hạn như việc một số hệ sinh thái sẽ biến mất.

Tài liệu đã được các nước phê chuẩn vào hôm Thứ Bảy, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của một số quốc gia, đặc biệt là Ả Rập Xê Út. “Trong báo cáo trước đây, không có sự khác biệt rõ ràng về tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 1,5° hoặc 2°C”, theo lời giải thích của Joel Guiot, một trong những tác giả của tài liệu, một nhà nghiên cứu về cổ khí hậu học tại CNRS, cho trang mạng HuffPost.

MỘT VỰC THẲM 0,5 ĐỘ VỚI NHỮNG HẬU QUẢ RẤT CỤ THỂ

Nhưng kể từ khi mục tiêu này đã được ấn định, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề một cách rất cụ thể. Khi lột bóc khoảng 6.000 nghiên cứu, các thành viên của ủy ban IPCC đã tóm tắt sự đồng thuận khoa học trên ba vấn đề.

  • Thứ nhất, thế giới sẽ trông như thế nào khi nhiệt độ tăng cao hơn 1,5°C hoặc 2°C

  • Kế đếnlàm thế nào để hạn chế tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 1,5°C: cả về mặt khoa học (thực hiện dạng giảm phát thải khí nhà kính nào, v.v.), lẫn kinh tế (những giải pháp thay đổi nào có thể cho phép thực hiện những giảm thiểu nói trên).

Trên hai vấn đề nói trên, các chuyên gia của IPCC bị dội cho gáo nước lạnh một cách hứng thú: kết quả hoàn toàn không mấy phấn khởi. Hiện tại, những cam kết của nhiều quốc gia khác nhau đã đẩy khí hậu tăng lên 3°C. Để khí hậu không vượt mức 1,5°C, thì việc phát thải khí nhà kính phải giảm 45% vào năm 2030 so với năm 2010 và phải bằng không từ nay đến năm 2050. Điều này hàm ý thực hiện những thay đổi về mặt công nghiệp, kinh tế và xã hội “chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô, nhưng không nhất thiết về mặt thời gian”.

Một thách thức khổng lồ ở phạm vi toàn cầu, nhưng sẽ có những hiệu ứng rất rõ rệt, như nhắc nhở của ủy ban IPCC. Thực vậy, trong phần tóm tắt của báo cáo, chúng ta thấy có rất nhiều yếu tố giúp hiểu được những gì chúng ta có thể cứu vãn với một thế giới khi khí hậu tăng ở mức 1,5°C (và thật không may, không thể hết được). Và những gì chúng ta sẽ mất mát với một thế giới khi khí hậu tăng ở mức 2°C (chưa nói đến quỹ đạo hiện tại, thậm chí còn thảm khốc hơn). Dưới đây là một vài ví dụ cụ thể:

Sóng nhiệt và biến đổi khí hậu

Tình trạng nhiệt độ tăng tột bực, chẳng hạn như các đợt sóng nhiệt, sẽ cao hơn mức trung bình 3°C đối với tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 1,5°C và sẽ cao hơn mức 4°C nếu khí hậu nóng lên ở mức 2°C. Ngoài ra, số ngày khí hậu rất nóng sẽ tăng ở hầu hết các vùng miền, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới.

Các nguy cơ hạn hán, cũng như mưa lũ cực lớn ở bán cầu bắc và sự xuất hiện của hiện tượng lốc xoáy cũng tăng lên.

Mực nước biển

Joel Guiot (1953-)

Mực nước biển sẽ giảm 10 cm. Joel Guiot cho biết: “Đó là một mức giảm khoảng 20%, điều này có nghĩa là sẽ có thêm 10 triệu người bị ảnh hưởng bởi kịch bản nhiệt độ tăng lên 2°C”.

Vả lại chính vì để bảo vệ người dân sống ở các đảo và ở các vùng ngập lụt mà các quốc gia đã cam kết, tại hội nghị COP 21, nỗ lực hạn chế tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 1,5°C thay vì 2°C như đã dự kiến lúc ban đầu.

Quần thể dân cư dễ bị tổn thương

"Việc giới hạn tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 1,5°C, so với mức 2°C, có thể làm giảm số người phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến khí hậu và nghèo đói lên đến nhiều trăm triệu người từ nay đến năm 2050,” các tác giả của báo cáo cho biết.

Việc tiếp xúc với nạn ô nhiễm không khí, ozone, sóng nhiệt, sốt rét và sốt xuất huyết cũng giảm theo.

Thiếu nước

Việc duy trì tình trạng khí hậu nóng thêm 1,5°C sẽ giúp làm giảm số người bị thiếu nước xuống 50%, dù con số nói trên có thể biến động rất lớn tùy theo vùng miền.

Ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều nghiên cứu phân tích đối với hơn 100.000 chủng loài. Với tình trạng khí hậu nóng lên thêm 2°C thay vì 1,5°C, thì gấp ba lần số côn trùng, gấp đôi số thực vật và động vật có xương sống sẽ mất đi hơn một nửa môi trường sinh sống của chúng.

Nói chung, chúng ta sẽ chứng kiến hệ sinh thái của ít nhất 50% đất đai bị điều chỉnh, nếu quản lý được việc hạn chế tình trạng khí hậu nóng thêm 1,5°C.

Tầng đất đóng băng vĩnh cửu

Tầng đất đóng băng vĩnh cửu [pergélisol trong tiếng Pháp, hay permafrost trong tiếng Anh] có thể bị đặc biệt ảnh hưởng bởi tình trạng khí hậu nóng lên. Những nơi này, khi tầng đất đóng băng quanh năm, nằm ở miền bắc hành tinh, chiếm 14 triệu km vuông. Và chúng đang tan chảy. Joel Guiot giải thích: “Chúng ta có thể cứu thêm 2 triệu km vuông không bị tan chảy, nếu duy trì được tình trạng khí hậu nóng lên ở mức dưới 1,5°C”.

Điều này rất quan trọng bởi vì “sự tan chảy của tầng đất đóng băng vĩnh cửu rất tiềm tàng nguy hiểm, bởi vì điều đó có thể dẫn đến việc giải phóng khí nhà kính được lưu trữ trong tầng đất”. Điều này sẽ càng làm cho tình trạng khí hậu nóng lên càng trầm trọng thêm.

Băng tan ở Bắc Cực

Băng tan ở Bắc Cực là một vấn đề quan tâm thường xuyên và có thể dẫn đến các thảm họa khác. Với tình trạng khí hậu nóng lên thêm 2°C, Bắc Băng Dương sẽ tan chảy hoàn toàn vào mùa hè (tất cả hoặc hầu như tất cả băng sẽ tan chảy) khoảng một lần mỗi 10 năm. Với kịch bản khí hậu nóng lên thêm 1,5°C, thì chu kỳ nói trên sẽ là bình quân một lần mỗi 100 năm.

Rạn san hô

Ở đây, chúng ta chủ yếu nói đến việc tránh điều tồi tệ nhất. Nếu tình trạng khí hậu nóng lên thêm 2°C, thì 99% các rạn san hô sẽ bị phá hủy. Nếu chúng ta quản lý không để vượt quá mức 1,5°C, thì chỉ có từ 70 đến 90% các rạn san hô sẽ biến mất.

Ngư nghiệp và nông nghiệp

Gregory Rozieres

Sự gia tăng nhiệt độ và độ axit của các đại dương từ sự gia tăng nhiệt độ đó cũng gây ra nhiều rủi ro cho cá. Và như vậy, rủi ro cho nghề đánh bắt cá và thực phẩm toàn cầu. Một lần nữa, tình trạng khí hậu nóng lên thêm 1,5°C thay vì 2°C sẽ giúp làm giảm phần nào các hiệu ứng này.

Một trong những mô hình được ủy ban IPCC đưa ra ước tính có 3 triệu tấn cá sẽ bị mất với kịch bản khí hậu nóng lên thêm 2°C, so với 1,5 triệu tấn cá bị mất với kịch bản khí hậu nóng lên ở mức 1,5°C.

Nhìn chung, mức độ sụt giảm của ngành sản xuất nông nghiệp sẽ càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh khí hậu nóng lên thêm 2°C.

Gregory Rozieres - Nhà báo về khoa học và công nghệ, phụ trách mục C'est Demain

 - - -

TẠI SAO ẤM LÊN NỬA ĐỘ TRÊN TOÀN CẦU LÀ CẢ MỘT VẤN ĐỀ LỚN

Brad Plumer Và Nadja Popovich

Trái đất đã ấm lên 1°C (1,8°F) kể từ thế kỉ 19. Bây giờ, một báo cáo chính mới của Liên Hiệp Quốc đã xem xét các hậu quả của việc nhiệt độ nhảy thêm 1,5 hoặc 2°C nữa.

Nửa độ có thể không có vẻ nhiều. Nhưng như chi tiết báo cáo, ngay cả sự ấm lên đó có thể khiến hàng chục triệu người trên trái đất bị các cơn sóng nhiệt, thiếu nước và ngập lụt ven biển đe dọa đến tính mạng. Nửa độ có thể có nghĩa là sự khác biệt giữa một thế giới với các rạn san hô và hiện tượng băng biển mùa hè Bắc Cực với một thế giới không có chúng.

Bắc cực

Tình trạng băng biển mùa hè Bắc Cực:

  • 1,5°C - Hiện tượng băng biển sẽ vẫn còn trong hầu hết các mùa hè

  • 2°C    - Khả năng mùa hè không có băng cao gấp 10 lần

Nửa độ ấm lên thêm có thể có nghĩa là tổn thất môi trường sống lớn hơn đối với các loài gấu Bắc cực, cá voi, hải cẩu và chim biển. Tuy nhiên nhiệt độ ấm lên cũng có thể có lợi cho nghề đánh bắt cá ở Bắc Cực.

Nóng tột độ

Số người trên thế giới hứng chịu các cơn sóng nhiệt nghiêm trọng (giống như đợt sóng bao trùm khu vực Đông Nam Châu Âu vào năm 2007) ít nhất cứ mỗi 5 năm 1 lần:

  • 1,5°C - Khoảng 14% dân số thế giới

  • 2°C - Khoảng 37% dân số thế giới

Cái nóng tột độ sẽ lan rộng hơn trên trái đất khi quả đất ấm lên 2°C so với 1,5°C, trong đó các vùng nhiệt đới trải qua sự gia tăng số ngày nóng “rất bất thường” lớn nhất.

Khan hiếm nước

Số người trong đô thị tăng thêm hứng chịu nạn hạn hán nghiêm trọng:

  • 1,5°C: +350 triệu người trên trái đất

  • 2°C: +411 triệu người trên trái đất

 

Khu vực Địa Trung Hải được kỳ vọng sẽ cho thấy “sự gia tăng mức độ khô hạn mạnh đặc biệt” khi thế giới ấm lên 2°C so với 1,5°C.

Thực vật và động vật

Các loài [động thực vật] sẽ mất thêm hơn một nửa phạm vi hoạt động của chúng [khi quả đất ấm lên 2°C so với 1,5°C]:

  • 1,5°C - 6% côn trùng, 8% cây, 4% động vật có xương sống

  • 2°C -  18% côn trùng, 16% cây, 8% động vật có xương sống

Rạn san hô

Tình trạng của các rạn san hô trên trái đất:

  • 1,5°C - "hiện tượng san hô chết hàng loạt xảy ra rất thường xuyên"

  • 2°C - Các rạn san hô “hầu như biến mất”

Mực nước biển tăng

Số người hứng chịu lũ lụt từ mực nước biển dâng cao vào năm 2100 (không thích nghi):

  • 1,5°C - 31 đến 69 triệu người trên trái đất

  • 2°C - 32 đến 80 triệu người trên trái đất

Nửa độ ấm lên có thể có ý nghĩa [tiêu cực] đối với các quốc đảo nhỏ bé, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao và các tác động của biến đổi khí hậu khác.

Cây trồng

Năng suất cây trồng trên toàn cầu dự kiến ​​sẽ thấp hơn khi quả đất ấm lên 2°C so với 1,5°C, đặc biệt là ở khu vực cận Sahara của châu Phi, Đông Nam Á, cũng như ở khu vực Trung và Nam Mỹ.

Thay đổi nhỏ, tác động lớn

Báo cáo từ Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu, do hàng trăm các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới biên soạn, cảnh báo rằng những mối nguy hiểm này không còn xa hay mang tính giả thuyết nữa.

Các quốc gia đã trì hoãn việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính của họ quá lâu đến mức làm cho việc quả đất ấm lên 1,5°C (2,7°F) hiện giờ là gần như không thể tránh khỏi. Với tốc độ ấm lên hiện tại, thế giới sẽ có khả năng vượt qua ngưỡng 1,5 độ từ những năm 2030 đến năm 2052, cũng nằm trong vòng đời của hầu hết người lớn và trẻ em còn sống ngày nay.

[kịch bản quả đất ấm lên] 1,5 độ là kịch bản tình huống-tốt nhất. Nếu không có sự can thiệp cực nhanh và có lẽ là phi thực tế, tức làm cho quả đất giảm lượng khí thải nhiên liệu hóa thạch xuống mức khôngloại bỏ khí carbon dioxide [CO2] ra khỏi khí quyển, thì [kịch bản quả đất ấm lên] 2°C (3,6°F) hoặc cao hơn trong thế kỷ này trông có vẻ dễ xảy ra hơn.

Mỗi khi trái đất ấm lên thêm nửa độ, các tác động không đồng đều sẽ diễn ra trên khắp hành tinh này. Một số khu vực, chẳng hạn như Bắc Cực, sẽ ấm lên nhanh gấp 2-3 lần [so với các khu vực khác]. Có thể thấy ở các khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông lượng nước sụt giảm 9% khi quả đất ấm lên 1,5 độ và sụt giảm 17% khi ấm lên 2 độ, theo một nghiên cứu chính được trích dẫn trong báo cáo trên.

Carl-Friedrich Schleussner, người đứng đầu ngành Khoa học Khí hậu và các Tác động tại Viện Climate Analytics [Phân tích Khí hậu] và cũng là tác giả chính của nghiên cứu đó, nói:

 “Nếu bạn đang nhìn vào khu vực này, vốn đã khan hiếm nước và có nhiều bất ổn chính trị, nửa độ là đã tạo ra sự khác biệt rất lớn”. “Đó là một lời nhắc nhở tốt lành rằng không ai có trải nghiệm về [sự gia tăng] nhiệt độ trung bình toàn cầu.”

Sự chênh lệch của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như các cơn sóng nhiệt nghiêm trọng hoặc những trận mưa bão mạnh cũng không tăng lên giống nhau khi tăng thêm nửa độ. Ví dụ, trên khắp thế giới số ngày cực nóng có xu hướng tăng theo cấp số nhân khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên.

Rủi ro về điểm bùng phát

Báo cáo trên cũng nhấn mạnh khả năng rằng thậm chí một sự ấm lên vừa phải có thể thúc đẩy cả xã hội loài người và hệ sinh thái tự nhiên vượt qua các ngưỡng nhất định, khi đó những thay đổi bất ngờ và tai hại có thể xảy ra.

Hãy nhìn vào các rạn san hô, nơi cung cấp thực phẩm và bảo vệ bờ biển cho nửa tỷ người trên trái đất. Trước những năm 1970, hầu như chưa từng nghe thấy rằng nhiệt độ đại dương ấm lên đến nỗi những đám san hô sẽ bị tẩy trắng và chết đi. Nhưng khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm nửa độ trong khoảng thời gian đó, những hiện tượng tẩy trắng này đã trở thành hiện tượng thường xuyên.

Với sự ấm lên nửa độ trên mức hiện nay, báo cáo trên cho biết, các rạn san hô nhiệt đới sẽ phải đối mặt với “hiện tượng san hô chết hàng loạt rất thường xuyên”, mặc dù một số loại san hô có thể thích nghi nếu có đủ thời gian. Nhưng khi toàn bộ quả đất ấm lên 2 độ, các rạn san hô có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Không chắc chắn là khi nào những điểm bùng phát đáng sợ khác sẽ xảy ra, chẳng hạn như sự tan rã không thể đảo ngược của những tảng băng lớn trên đỉnh Greenland [Đan Mạch] hay Tây Nam Cực. Nhưng báo cáo trên cảnh báo rằng những dải băng này có thể bắt đầu gây bất ổn khi quả đất ấm lên từ 1,5 đến 2 độ, khiến mực nước biển trên thế giới dâng cao thêm vài feet trong nhiều thế kỷ tới.

Báo cáo trên cũng cảnh báo rằng các khu vực dễ bị tổn thương, như nhiều nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ, có thể phải vật lộn để đối phó với nhiều tác động. Như đối phó với mùa màng thất bát, các cơn sóng nhiệt và sự lan rộng của muỗi sốt rét khi chúng cùng hoành hành.

Kristie L. Ebi, giáo sư về Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Washington và cũng là một trong những tác giả chính của một chương về tác động của khí hậu trong báo cáo trên, cho biết: “Bạn không chỉ thích nghi với từng thứ một, mà bạn còn phải thích ứng với mọi thứ thay đổi cùng một lúc”.

Vượt khỏi 1,5 độ

Tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris vào năm 2015, các nước hứa hẹn sẽ kìm giữ sự ấm lên của quả đất ở mức dưới 2 độ và đồng ý “theo đuổi các nỗ lực” để hạn chế sự ấm lên 1,5 độ của quả đất. Lãnh đạo của các quốc đảo nhỏ, như Quần đảo Marshall và Maldives, cho rằng mục tiêu [kìm giữ ở mức] thấp hơn [tức hạn chế sự ấm lên 1,5 độ của quả đất] là cần thiết cho sự sống còn của họ.

Tại thời điểm này, tuy nhiên, cả hai mục tiêu đều đang bắt đầu rất xa tầm tay. Nếu bạn thêm tất cả các cam kết quốc gia được đưa ra tại hội nghị Paris để hạn chế lượng khí thải, họ sẽ đưa thế giới đi đúng hướng ấm lên khoảng 3°C hoặc hơn.

Giữ quả đất ấm lên 1,5 độ, báo cáo trên cho biết, sẽ đòi hỏi một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc của hệ thống năng lượng toàn cầu ngoài những gì mà các nhà lãnh đạo thế giới đang dự tính hiện nay. Sự phát thải khí nhà kính toàn cầu sẽ cần phải cắt giảm một nửa chỉ trong 12 năm và xuống mức không trước năm 2050. Để giữ [quả đất ấm lên] dưới 2 độ, lượng khí thải phải giảm xuống mức không vào khoảng năm 2075. Hầu như tất cả các nhà máy than và các phương tiện đốt xăng trên hành tinh này sẽ cần phải nhanh chóng được thay thế bằng các lựa chọn không-carbon.

Ngoài ra, báo cáo trên còn cho biết, thế giới sẽ phải nhanh chóng phát triển và triển khai công nghệ để loại bỏ hàng tỷ tấn khí carbon dioxide [CO2] ra khỏi khí quyển mỗi năm - sử dụng công nghệ đến nay vẫn chưa được kiểm tra ở quy mô lớn.

Gary Yohe, một nhà kinh tế môi trường tại Đại học Wesleyan, nói:

 “Quan điểm của tôi là [giữ quả đất ấm lên] 2 độ là khát vọng và [giữ quả đất ấm lên] 1,5 độ nực cười thay cũng là khát vọng”. “Chúng là những mục tiêu tốt để nhắm tới, nhưng chúng ta cần phải đối mặt với thực tế là chúng ta có thể không đạt được những mục tiêu này và chúng ta hãy bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về tình huống khi quả đất ấm lên 2,5 độ hay 3 độ thì thế giới này có thể trông như thế nào.”

----

Về các tác giả

Brad Plumer

Brad Plumer là một phóng viên phụ trách về các vấn đề biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng và các vấn đề môi trường khác cho nhóm phóng viên về khí hậu của tờ New York Times

 

Nadja Popovich

Nadja Popovich là một phóng viên và biên tập viên đồ họa trong nhóm phóng viên về khí hậu của tờ New York Times.

 

 - - -

KHÍ HẬU: “NHỮNG NĂM SẮP TỚI SẼ LÀ NHỮNG NĂM QUAN TRỌNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ CỦA CHÚNG TA”

 

Thế giới sẽ phải tiến hành những biến đổi “nhanh chóng” và “chưa từng có tiền lệ” nếu muốn hạn chế tình trạng khí hậu nóng lên ở mức 1,5°C, các chuyên gia về khí hậu của LHQ (IPCC) nhấn mạnh, cảnh báo về những rủi ro dồn dập nếu vượt quá ngưỡng trên. Trong một báo cáo dài 400 trang, trong đó “bản tóm tắt gửi đến cho các nhà hoạch định chính sách” đã được công bố vào hôm thứ Hai, 8 Tháng 10, các nhà khoa học đã trình bày nhiều tác động đã diễn ra, và đặc biệt là mối đe dọa về tình trạng khí hậu nóng lên vượt quá 1,5°C (so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp): nạn sóng nhiệt, sự tuyệt chủng của các chủng loài hoặc sự bất ổn của các vùng bán cầu băng cực, nguồn gốc của việc mực nước các đại dương tăng lên trong dài hạn.

 

Hans-Otto Pörtner

“Mỗi độ khí hậu tăng thêm đều được coi trọng, đặc biệt là khi vượt quá 1,5°C sẽ làm tăng nguy cơ những thay đổi sâu sắc, thậm chí không thể đảo ngược, chẳng hạn như sự biến mất của một số hệ sinh thái”, theo giải thích của Hans-Otto Pörtner, đồng chủ tịch một phiên họp của ủy ban IPCC, một tổ chức tập hợp các nhà nghiên cứu và đại diện của các nước, vào tuần trước tại Hàn Quốc. Nếu thủy ngân tiếp tục tăng lên với tốc độ hiện tại, và dưới tác động của lượng phát thải khí nhà kính, nhiệt độ khí hậu sẽ đạt mức + 1,5°C từ năm 2030 đến năm 2052, theo báo cáo, dựa trên hơn 6.000 nghiên cứu. Và nếu các nước giữ lời giảm thiểu lượng phát thải [khí nhà kính] của họ trong khuôn khổ của thỏa thuận Paris vào năm 2015, thì nhiệt độ khí hậu sẽ là + 3°C vào cuối thế kỷ này.

Thế nên cần phải làm gì, trong khi năm 2017 vẫn còn chứng kiến ​​sự tăng trở lại lượng phát thải toàn cầu [khí nhà kính] gắn với nguồn năng lượng? Đối với ủy ban IPCC, để duy trì mức 1,5°C, lượng khí thải CO2 phải giảm đáng kể từ nay đến trước năm 2030 (– 45% từ nay đến năm 2030) và thế giới phải đạt “mức cacbon trung lập” vào năm 2050 (nói cách khác, cần phải ngăn chặn việc đưa thêm CO2 vào khí quyển nhiều hơn mức có thể loại bỏ).

“Tính khả thi”

Valérie Masson-Delmotte

Các thành phố, các ngành công nghiệp, ngành năng lượng, ngành xây dựng... Tất cả các lĩnh vực đều được kêu gọi bắt tay vào việc “giảm sâu lượng phát thải [khí nhà kính]”: việc duy trì mức 1,5°C yêu cầu “một sự chuyển đổi nhanh chóng” và một quy mô “chưa từng có”. Ủy ban IPCC nhấn mạnh đến ngành năng lượng – than đá, khí đốt, dầu hỏa, những thứ chịu trách nhiệm cho ba phần tư lượng phát thải [khí nhà kính]. Và đề xuất nhiều kịch bản được lượng hoá, kết hợp nhiều hành động khác nhau. “Báo cáo gửi đến cho các nhà hoạch định chính sách những thông tin cần thiết để họ có thể đưa ra quyết định mà vẫn tính đến nhu cầu của dân cư”, theo giải thích của bà Debra Roberts, người Nam Phi, một đồng chủ tịch khác của phiên họp này. “Những năm sắp tới sẽ là những năm quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta”, bà nói.

Đối với nhà nữ khí hậu học Valérie Masson-Delmotte, cũng có mặt ở Incheon, báo cáo là “một nhận định sáng suốt và khó khăn: chính sách các bước nhỏ là không đủ”. “Báo cáo nói với chúng ta rằng: Nếu không hành động ngay bây giờ, thì chúng ta sẽ tiến đến một thế giới mà chúng ta sẽ phải quản lý khủng hoảng triền miên”, bà nói. “Đã có những hành động đang diễn ra trên thế giới, nhưng cần phải tăng tốc lên. Câu hỏi thực về tính khả thi là câu này: liệu con người có sẵn lòng hành động chưa, và liệu có đủ ý chí chính trị tập thể chưa?”

“Liệu chúng ta có đến đích kịp thời không?”

 

Jim Skea (1953-)

“Chúng tôi đã tìm xem liệu đã tập hợp đủ những điều kiện cần thiết để duy trì mức 1,5°C chưa”, theo lời tóm tắt của Jim Skea thuộc trường Imperial College of London. “Vâng có đủ, các định luật về vật lý học và hóa học, cũng như các công nghệ, sự thay đổi lối sống và các nguồn đầu tư. Điều cuối cùng mà các nhà khoa học không thể trả lời là, liệu nó có khả thi về mặt chính trị và định chế hay không. Chúng tôi đã gửi thông điệp đến chính phủ các nước, chúng tôi đã cung cấp bằng chứng cho họ, để họ xem.” Liên minh các quốc đảo nhỏ, đi đầu trong cuộc chiến để ấn định mục tiêu 1,5 trong thỏa thuận Paris, vào hôm thứ hai, đã kêu gọi “các quốc gia văn minh có trách nhiệm [nhiều hơn] trong việc nâng cao nỗ lực giảm thiểu lượng phát thải [khí nhà kính].

“Bản báo cáo chỉ ra rằng chúng ta chỉ còn có một cơ hội, mong manh nhất, để tránh những thiệt hại không thể tưởng tượng được đối với hệ thống khí hậu đang cho chúng ta sống,” Amjad Abdulla nói, “tin rằng các nhà sử học sẽ xem xét những kết luận này như là một thời điểm quyết định trong lịch sử con người”. “Liệu chúng ta có đến đích kịp thời không? Không ai biết được,” theo lời của Kaisa Kosonen, người phụ trách vấn đề khí hậu của tổ chức Greenpeace. “Giờ đây, điều quan trọng là liệu chúng ta có quyết định thử nghiệm không và có đặt thành mục tiêu ưu tiên không. Chỉ khi đó, chúng ta mới có cơ hội tự bảo vệ mình khỏi những tác động mà khoa học đã báo hiệu cho chúng ta.”

 

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: https://www.nytimes.com/interactive/2018/10/07/climate/ipcc-report-half-degree.html?emc=edit_nn_20181008&nl=morning-briefing&nlid=7321022620181008&te=1, Why Half a Degree of Global Warming Is a Big Deal, Nytimes, Oct. 7, 2018.

Nguồn: https://www.huffingtonpost.fr/2018/10/07/ce-quun-rechauffement-climatique-a-1-50c-pourrait-sauver-selon-le-rapport-giec_a_23553567/, Le HuffPost, 08/10/2018.

Nguồn: “https://www.lepoint.fr/monde/rechauffement-climatique-le-cri-d-alerte-des-experts-de-l-onu-08-10-2018-2261050_24.php?boc=1561030&m_i=y_jDiKFfPmmG_S4oYdQ85VEPT50dI70IvKHGcgXj2HNu_G7%2BNEr1ZuWaPN246SawNzra2bqstByzAA2EUo1p40XMORewy3&M_BT=1108686324332#xtor=EP” , Le Point, 08/10/2018.

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý